Đừng để đường mới làm xong lại “sửa – hỏng – sửa”
Đường hỏng, khắc phục rất tốn kém, tăng chi phí mà không tạo ra giá trị hữu ích, không tương xứng với vốn đầu tư đã chi ra.
Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn huyện Chư Sê ( Gia Lai) có vốn đầu tư 250 tỉ đồng mới làm xong đã nứt toác, biến dạng mặt đường gần 200 mét dài, hở rộng nhiều đoạn hơn nửa mét, có những nơi hở sâu khoảng một mét.
Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn huyện Chư Sê (Gia Lai).
Hư hỏng này khiến ô tô không thể lưu thông. Thế nhưng, nhà thầu xây lắp vẫn khẳng định “Thi công đảm bảo chất lượng” còn dẫn chứng “Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu”, Bộ GTVT lại cho rằng mặt đường bị ngậm nước nên đã phát sinh hư hỏng bởi mưa lớn kéo dài từ ngày 23/8 đến 3/9.
Đáng chú ý, ngoài những vị trí mặt đường bị nứt toác mà báo chí phản ánh, mặt đường nhiều chỗ khác trước đó đã hư hỏng trầm trọng được khắc phục bằng trám trét ximăng.
Ở nước ta, những công trình giao thông mới làm xong đã hư hỏng không còn là chuyện lạ. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới 1 tháng đã bong tróc, chi chít ổ gà. Quốc lộ 1 qua hai tỉnh Bình Định và Phú Yên có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ thời gian ngắn đã hư hỏng trầm trọng.
Nguyên tắc xử lý trong xây dựng, thi công không đảm bảo chất lượng phải làm lại cho đạt mới được nghiệm thu để thanh toán chi phí. Điều lạ ở các công trình kém chất lượng rõ ràng như vậy, sao vẫn lọt cửa nghiệm thu chất lượng và hoàn thành đưa vào sử dụng?
Đường giao thông nào cũng phải tính đến yêu cầu tối thiểu tải nặng, lưu lượng xe chạy và phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng, ngập nước, mưa bão… Khảo sát, thiết kế tuân thủ quy trình, quy phạm chuyên ngành mới được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Video đang HOT
Trước khi khởi công, nhà thầu lập phương án thi công, tư vấn lập đề cương giám sát, kiểm tra máy móc thiết bị. Vật liệu trước khi đưa vào sử dụng phải thí nghiệm có kết quả đạt yêu cầu. Hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng của nước ta khá đầy đủ với các quy định pháp lý, yêu cầu chặt chẽ như vậy vì sao thực tế diễn ra lại khác, không hiệu quả?
Không thể viện lý do bỏ thầu thấp nên thiếu tiền rồi sử dụng vật tư giá rẻ, kỹ thuật thi công kém! Dự toán đã được lập theo thiết kế công trình. Lo là cách thức thực hiện, đấu thầu với các mánh khóe, giới xây dựng thường gọi là “quân xanh”, “quân đỏ”.
Có những nhà thầu tham dự cho đủ thành phần nhưng không bao giờ trúng thầu, người trúng thầu nhiều khi đã biết trước. Thành ra, thay vì chú trọng chất lượng công trình, nhiều nhà thầu chỉ lo tạo quan hệ với người có thẩm quyền, làm công trình miễn sao được thanh toán.
Chủ đầu tư và nhà thầu lắm khi là một nên phần khối lượng không đạt vẫn được nghiệm thu. Nếu chủ đầu tư quản lý tốt, giám sát hiệu quả thì nhà thầu muốn làm ẩu cũng rất khó.
Thêm một lần sửa chữa đường mới làm xong, lại thêm một lần người dân bức xúc. Đường hỏng, khắc phục càng tốn kém, tăng chi phí mà không tạo ra giá trị hữu ích, không tương xứng với vốn đầu tư đã chi ra. Lúc này một đồng tăng trưởng ở nước ta đang phải trả giá bằng nhiều đồng vốn đầu tư hơn con số bình quân các nước khác. Trong khi đó, còn nhiều dự án dân sinh cấp thiết phải hoãn vì thiếu vốn. Ngân sách có hạn, không thể phung phí.
Đường mới làm xong đã hư hỏng, ít ai ngờ tới, người tham gia giao thông chỉ thiếu tập trung một chút thôi cũng có thể xảy ra tai nạn. Một vấn đề khác cũng khiến người dân bức xúc là thái độ một số cơ quan chức năng khi phát hiện các công trình kém chất lượng, hư hỏng trầm trọng nhưng vẫn không truy cứu trách nhiệm đúng mức với tổ chức và cá nhân có liên quan, có quyền mà không xử lý nghiêm các sai phạm để cảnh báo và tạo sự răn đe.
Mất mát lớn nhất không chỉ là thiệt hại, hậu quả đã xảy ra mà còn là đạo đức và niềm tin. Từ đó có thể dẫn đến hệ lụy coi trọng các mối quan hơn sự đúng đắn, ý thức pháp luật. Nếu các sai phạm không bị xử lý nghiêm thì dần dà sẽ trở thành điều bình thường, chuyện đương nhiên trong nhận thức xã hội, thật và giả lẫn lộn tạo ra sự bất an trong đời sống.
Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn huyện Chư Sê (Gia Lai) mới làm xong đã hư hỏng trầm trọng, cần khắc phục triệt để. Đó là yêu cầu nhà thầu bóc bỏ hết phần hư hỏng để làm lại, lu lèn đạt độ chặt thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình thi công. Đừng xử lý chắp vá manh múm vừa mất an toàn giao thông, tạo tề lệ xấu và khuyến khích cho các sai phạm khác, lặp đi lặp lại điệp khúc đường làm xong lại sửa – hỏng – sửa.
Trong lĩnh vực xây dựng, chất lượng công trình cần được đặt lên hàng đầu, công tác quản lý phải xuyên suốt có tính hệ thống, không thể trông đợi sự tự giác của các bên liên quan. Đấu thầu phải thực chất, có cạnh tranh để chọn được nhà thầu tốt nhất. Quản lý, giám sát chặt chẽ trong thi công. Khâu tổ chức phải minh bạch, chi tiết trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra chéo, xử lý kịp thời các vi phạm, phần khối lượng không đạt phải bỏ và làm lại.
Vai trò cơ quan quản lý nhà nước nên có biện pháp kiểm soát được sự tuân thủ pháp luật và trình tự thi công, chất lượng, khối lượng, tiến độ, giá trị công trình. Kiểm soát cho được giá trị thực mà nhà thầu thi công đã bỏ ra để mua sắm, xây dựng…
Những sai phạm ảnh hưởng chất lượng công trình cần quy trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm, cá nhân có thể cấm hành nghề, tổ chức thì không cho tham gia thực hiện công trình khác, khởi tố hình sự với những sai phạm nghiêm trọng. Bảo hành công trình không chỉ trong một năm mà phải tương ứng với từng dự án theo hướng kéo dài thời gian, trách nhiệm nhà thầu.
Ngọc Thanh
Theo Diendan
Hiến kế giảm kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất
Giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nên xem xét, đánh giá một cách toàn diện.
Trước hết, sân bay Tân Sơn Nhất đang bị "bủa vây" bởi các nhà cao tầng, khu dân cư trên đường Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, Hậu Giang, Thăng Long, Phan Thúc Duyện... Kết nối giao thông ra vào cho các công trình dân sinh dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các phương tiện giao thông.
Ùn tắc giao thông trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua rất nghiêm trọng. Ảnh: Lê Quân.
Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất còn bị "bủa vây" bởi rất nhiều nút giao thông trên đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Trường Chinh, Âu Cơ, Tân Sơn, Tân Kỳ Tân Quý, Thân Nhân Trung, Nguyễn Hiến Lê, Phan Văn Sửu, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Văn Thụ... Việc đẩy các nút giao áp sát sân bay, tưởng rằng sẽ kết nối giao thông nhưng lại khiến khu vực luôn trong tình trạng đông đúc, nhiều xe chỉ đi qua nhưng không vào sân bay.
Giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cần nhiều giải pháp đồng bộ, thứ tự ưu tiên, tầm nhìn quy hoạch đô thị lâu dài.
Thay vì xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa với tổng mức đầu tư gần 4.850 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư đã hơn 2.640 tỉ đồng, nên chăng, ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường trên cao số 1 theo quy hoạch nối từ khu vực trung tâm thành phố đến sân bay với mức đầu tư ước tính 2.600 tỉ đồng, giảm phần lớn chi phí giải phóng mặt bằng. Sau đó, kết nối giao thông thuận lợi và tránh xung đột, các phương tiện lưu thông vào đường trên cao số 1 để đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Các đô thị phát triển trên thế giới hay như Thái Lan và Trung Quốc cũng đều làm đường tránh để cho xe lưu thông, không đi ngang qua trung tâm thành phố hoặc sân bay. Ở nước ta, nhiều tỉnh thành có Quốc lộ 1A ngang qua thành phố hay đô thị gây kẹt xe vừa mất an toàn giao thông, sau đó đã làm đường tránh thay thế để dịch chuyển quốc lộ 1A ra ngoài.
Tuyến đường trên cao số 1 đã được quy hoạch, trước sau gì cũng làm, làm càng sớm càng tốt. Đây còn là đường tránh thay thế, không xung đột với các nút giao thông lân cận, phương tiện không phải lưu thông qua đường Trường Sơn mới vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Nơi cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian chờ đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông cũng khá lâu, cần lắm giải pháp giảm kẹt xe trước mắt. Đó là ưu tiên cho phương tiện giao thông ra vào sân bay. Có thể tổ chức giao thông phù hợp, phân luồng hạn chế phương tiện không có nhu cầu nhưng lại đi qua sân bay. Trên đường Trường Sơn, hạn chế ôtô cá nhân vào giờ cao điểm, dành làn đường cho xe ra vào sân bay, xe buýt và phương tiện vận tải hành khách công cộng. Hạn chế giao cắt trên trục đường Trường Sơn bằng cách kết nối giao thông giữa các đường ngang Trà Khúc, Sông Đà, Sông Đáy, Đồng Nai, Tiền Giang, Phan Đình Giót... để các phương tiện không qua đường Trường Sơn.
Ngoài ra, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa ngành quy hoạch, giao thông, xây dựng trong việc cấp phép các công trình lớn tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, sao cho đảm bảo nhu cầu giao thông, có thể phân kỳ đầu tư phù hợp. Ví dụ, chỉ cấp phép cho những công trình đủ điều kiện có bãi giữ xe và đường kết nối giao thông đã được mở rộng, không gây kẹt xe.
Ngọc Thanh
Theo DĐDN
Vụ cháy Rạng Đông: Ngưỡng an toàn của VN khác WHO là đúng Trước nhiều ý kiến về việc ngưỡng an toàn trong đánh giá kết quả ô nhiễm mà Bộ TN-MT công bố sau vụ cháy Rạng Đông, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học - ĐHKHTN (ĐHQG HN) khẳng định: Việt Nam có ngưỡng riêng là đúng, không thể so với ngưỡng an toàn của thế giới bởi điều kiện sống, khí hậu, môi...