Đừng để đại biểu HĐND “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Ngày 1/6, thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu cho rằng, để HĐND hoạt động hiệu quả, thực chất, phải khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” – không để quá nhiều cán bộ của Ủy ban kiêm nhiệm đại biểu của dân.
Ngay sau khi ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đọc xong báo cáo giải trình, tiếp thu, có tới 47 đại biểu đăng ký cho ý kiến Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thực trạng HĐND hoạt động không hiệu quả là do đại biểu kiêm nhiệm quá nhiều dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho ý kiến về Luật tổ chức chính quyền địa phương(Ảnh Ngọc Châu)
Để khắc phục tình trạng trên, trong Luật đã tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách giúp HĐND hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, muốn HĐND thực quyền, không hình thức, đại biểu Nghĩa đề nghị cần quy định cụ thể tỉ lệ đại biểu chuyên trách ở tất cả các cấp, đồng thời hạn chế thấp nhất cán bộ làm việc ở Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm đại biểu HĐND. Đại biểu cũng đề nghị quy định thẩm quyền quyết định của HĐND về kinh tế, quốc phòng.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, qua nghiên cứu dự thảo và tiếp xúc cử tri tại địa phương, việc giữ nguyên mô hình hiện nay – cấp nào cũng có HĐND và UBND là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu cần có sự điều chỉnh nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bên trong của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm của nông thôn, hay đô thị.
“HĐND hoạt động hình thức không phải do đại biểu mà do HĐND chưa có cho công cụ sắc bén, đủ mạnh để hoạt động hiệu quả”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định. Vì vậy, theo đại biểu trong luật cần xác định rõ các nghị quyết của HĐND được ban hành phải bắt buộc thực hiện và xác định rõ trách nhiệm của các cấp trong thực hiện các nghị quyết này.
Video đang HOT
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhận định, nguyên nhân khiến hoạt động của HĐND hình thức là do thiết chế tổ chức chưa phù hợp. Dự thảo quy định Trưởng ban của HĐND có thể hoạt động kiêm nhiệm là chưa thực sự đổi mới. Vì thực tế Trưởng ban kiêm nhiệm thường là Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban cơ quan Đảng, không đủ thời gian tham gia hoạt động của Ban và hoạt động của HĐND. Theo đại biểu, Trưởng ban HĐND tỉnh, huyện phải là ủy viên thường trực HĐND và là đại biểu chuyên trách.
Đồng thuận với việc tổ chức HĐND ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), nhưng đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, HĐND phải khắc phục tình trạng hoạt động còn mang tính hình thức, chưa ngang tầm với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chưa thực sự phát huy được vai trò là cơ quan dân cử thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, quy định cụ thể lĩnh vực phụ trách, trách nhiệm của các ban HĐND.
Theo đại biểu, hiện nay đại biểu HĐND đa số là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong cơ quan của Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương. Do vậy, phần lớn đại biểu hạn chế thời gian thực hiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Đại biểu Hiền đề nghị quy định rõ hơn cơ chế hoạt động của HĐND.
Quang Phong
Theo Dantri
Trưng cầu ý dân: Làm không tốt dễ có tình trạng bỏ phiếu hộ
Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định với vấn đề được đưa ra trưng cầu.
Ngày 28/5, Quốc hội lần đầu tiên nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Luật trưng cầu ý dân. Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - cho biết, quan điểm cơ bản Luật trưng cầu ý dân phải thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định
Trình bày dự án Luật trưng cầu ý dân, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định với vấn đề được đưa ra trưng cầu (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho rằng, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định.
"Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Dự thảo xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết địnhdo đó, kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức "quá bán kép" cụ thể là: "Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành".
Quyền dân chủ cao nhất
Chỉ rõ quan điểm còn có ý kiến khác nhau trong Luật trưng cầu dân ý, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này.
Trong dự thảo Luật trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo Phương án 1 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác có quyền sáng kiến pháp luật cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Về vấn đề trên, Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thảo luận và cân nhắc kỹ tại kỳ họp thứ 8 khi xem xét, thông qua Luật tổ chức Quốc hội. Theo đó, "Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội".
Ủy ban Pháp luật cũng đưa ra quan điểm rằng nếu quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao (quá hai phần ba) đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi. Thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay và như vậy, sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.
Do đó, Ủy ban pháp luật tán thành với việc quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Quang Phong
Theo Dantri
Thủ tướng phê bình 22 tỉnh chậm sửa đổi thủ tục về đất đai Sáng 26/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành hữu quan về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tham dự buổi làm việc còn có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Báo cáo...