Đừng để con nghiện hoành hành, biến TP.HCM thành ‘đất dữ’
Có thể nói, tình trạng con nghiện hoành hành đang gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nơi vốn được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” này.
Luật xử lý người nghiện bất cập, khiến con nghiện hoành hành, ngày càng trở nên táo bạo, hút chích công khai. Khi đói thuốc, sẵn sàng làm liều ở mọi lúc mọi nơi. Lúc bị kháng cự thường dùng chiêu bơm kim tiêm dính máu để đe dọa người dân.
Bắt lên rồi lại thả về?
Đối tượng nghiện ma túy tăng nhanh, dẫn đến nạn trộm cắp, cướp giật cứ nhan nhản trong thành phố. Thậm chí, người dân một số nơi còn phải đối mặt với cảnh “cứ ra ngõ là gặp người nghiện”
Có thể dễ dàng điểm mặt, chỉ tên các “vùng đất dữ” nức tiếng tại TP.HCM như khu Đồng Tiến – Mã Lạng thuộc quận 1; khu vực cầu vượt An Sương; đường Phan Văn Hớn, quận 12; đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 và tuy mới đưa vào sử dụng không bao lâu, nhưng con đường Võ Văn Kiệt cũng nghiễm nhiên trở thành “thánh địa” của con nghiện….
4 giờ sáng, tại cầu vượt An Sương, các đối tượng mua bán ma túy bắt đầu xuất hiện. Chúng ăn mặc như những người dân lao động bình thường, thản nhiên, lặng lẽ quan sát xung quanh rồi tìm chỗ giấu ma túy. Ma túy được giấu khắp nơi, dưới cục gạch, trong bụi hoa, cột điện… Nhưng tuyệt nhiên không để trên người, hòng đề phòng khi các đối tượng này bị bắt, công an sẽ không tìm được tang vật.
Khách mở hàng từ sáng sớm thường là những con nghiện sau một đêm vã thuốc. Có người còn pha thuốc chích ngay trên xe rồi vứt bơm kim tiêm, phê thuốc tại chỗ.
Phê thuốc tại chỗ, ảnh chụp gần cầu vượt An Sương
Nơm nớp đi qua “chợ” ma túy ngang nhiên hoạt động giữa Sài Gòn
Đoạn đường Võ Văn Kiệt, quận 1, khúc giao với Trần Đình Xu đổ về quận 5 thường có một nhóm các con nghiện tụ tập hút chích về đêm. Anh Nguyễn Hữu L. ngụ phường Cầu Kho bức xúc phản ánh: “Không biết tụi nó có “ngáo đá” hay không mà trộm cắp ngang nhiên lắm. Chờ người ta chở hàng, dừng đèn đỏ, chúng tới lấy hàng ngon ơ. Chủ hàng thấy chúng lấy cũng ít, vả lại sợ dây với bọn nghiện, nhiễm HIV nên cũng đành làm ngơ”.
Mới “dẹp dọn” xong ở công viên 23/9, quận 1 thì con nghiện lại đổ xô về công viên Hòa Bình, đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Nên con đường Nguyễn Chí Thanh diễn ra cái cảnh hết sức bi hài, người bán dâm chèo kéo một bên, một bên là con nghiện phê thuốc, còn xung quanh là sinh viên, học sinh giờ tan trường.
Video đang HOT
Theo báo cáo mới nhất, TP.HCM có trên 19.000 người nghiện, tăng 7.000 người so với cuối năm 2013 và hơn 60% các vụ phạm pháp liên quan đến người nghiện. Nhưng thê thảm hơn, đó chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ.
“Kết quả rà soát có thể bỏ lọt từ 50-80% người nghiện. Bởi số người nghiện không nơi cư trú tại thành phố rất nhiều, rất khó để thống kê” – lời của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc CA TP.HCM trong buổi làm việc với Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây.
Chợ ma túy hoạt động tinh vi, còn luật xử lý người nghiện thì lại đưa ra quy trình hết sức bất cập, bởi thế, càng ngày con nghiện càng “nhờn mặt”. Thậm chí, các con nghiện còn kháo nhau, cứ hút công khai đi, bị bắt rồi lại thả về.
Như Trần Minh T. (sinh năm 1981) một con nghiện lâu năm tại khu Đồng Tiến đã ngang nhiên đưa bạn nghiện về nhà chơi thuốc và nói: “Cứ chơi công khai đi, mắc gì mà sợ. Mấy ổng bắt lên rồi lại thả về. Bất quá bị phạt tiền thì người nhà trả”.
Ngay sau đó, người nhà đã tố giác T. Trần Minh T. bị công an phường Nguyễn Cư Trinh bắt giữ, và đúng theo luật, T. bị phạt hành chính do tội “tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy” rồi được trả về.
Con nghiện hoành hành: “Thảm họa quốc gia” được cảnh báo từ 6 năm trước
Bao giờ mới được bình yên
Tất cả những hệ lụy này đều bắt nguồn từ những bất cập của Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi 2008) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1.1.2014).
Trước đây, để đưa một người nghiện vào các trung tâm thì chỉ cần UBND huyện ra quyết định. Tuy nhiên, kể từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì tòa án có trách nhiệm đưa ra quyết định này vì liên quan đến quyền con người. Theo đó, muốn đưa người nghiện ra tòa thì bản thân họ phải có thời gian được tự cai nghiện tại nhà, giáo dục cộng đồng từ 3-6 tháng và vẫn tái nghiện.
Tuy nhiên, việc cai nghiện tại nhà, giáo dục cộng đồng từ trước đến giờ đối với con nghiện chưa hề hiệu quả. Và khoảng thời gian từ 3-6 tháng ở ngoài xã hội, vô khối con nghiện đã phạm pháp, thậm chí ra tay giết người trong cơn phê ma túy đá.
Thấy rõ được điều này, TP.HCM đã trình lên Quốc hội giải pháp xử lý người nghiện.
Ông Huỳnh Thành Lập – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng
Theo đó, TP.HCM đề nghị Quốc hội cho phép UBND TP.HCM thành lập ngay một số trung tâm tiếp nhận, quản lý đối tượng xã hội, ngoài các tổ chức mà nhà nước đã quy định.
Các trung tâm này có trách nhiệm thẩm quyền tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, tư vấn cho người nghiện theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã được quy định tại các Luật đã ban hành.
Thứ hai, bác sĩ, y sĩ thuộc trung tâm có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy mà không cần Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận. Thứ ba, trung tâm có quyền tiếp nhận, phân loại, đề xuất và chuyển người có quyết định của tòa án, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phù hợp với kết quả phân loại.
Dự thảo nghị quyết này có hiệu lực thi hành trong vòng 3 năm. Sau đó, Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội có trách nhiệm theo dõi việc triển khai, đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Từ đó mới có cơ sở để đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính với nhiều bất cập đã nêu ở trên.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, để giảm thời gian cho quy trình đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, các cơ quan liên quan sẽ cùng họp bàn để đưa ra quyết định. Và tiến tới bớt được một số công đoạn trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 4.11 tiếp xúc với báo chí, ông Huỳnh Thành Lập – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, Chính phủ đã đề xuất hai phương án để đẩy lùi vấn nạn con nghiện hoành hành. Trong đó, phương án thứ nhất là thí điểm lập trung tâm tiếp nhận xã hội như phương án của tờ trình ngày 31.10. Thứ hai, là lùi thời gian thực hiện một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ông Lập cho biết, Quốc hội đã yêu cầu UBND thành phố tích cực chuẩn bị các điều kiện để khi được phép thì tiến hành ngay tức khắc.
Theo Môt thê giơi
Cướp táo tợn hành hung người dân, hăm dọa cảnh sát
Tình trạng cướp giật ở Tp.HCM đang trở nên đáng báo động khi kẻ cướp ngày ngang nhiên táo tợn. Không chỉ trộm cắp, hành hung người dân, bọn chúng còn hăm dọa cả cảnh sát.
Hiện trường xảy ra vụ cướp giật
Khoảng 21h tối 27/9, hai tên cướp giật đồ của người dân tháo chạy bạt mạng đã đâm vào chị Nguyễn Thị P.T. Cú va chạm mạnh khiến T. và hai tên cướp văng xa hàng chục mét trước nhà số 42 Nguyễn Phúc Nguyên, P.9, Q.3. T. nằm bất động, máu tuôn nhiều. Ngoài T. bị thương tích thì bọn cướp cũng có 1 tên bị thương nặng.
Người dân xung quanh khu vực nhanh chóng gọi điện cho cảnh sát và cứu thương đến hiện trường để cấp cứu nạn nhân cùng 2 tên cướp. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, một đám côn đồ - đồng bọn của 2 tên cướp đã có mặt và đòi tự đưa 2 tên này đi cấp cứu hòng trốn tránh cảnh sát.
Không đồng ý cho bọn côn đồ mang kẻ cướp đi, nhiều người dân đứng ra can ngăn thì bị chúng hành hung và dọa nạt "xử thịt". Thậm chí ngay cả khi lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm tuần tra xuất hiện, đám côn đồ này vẫn hò hét, lớn tiếng dọa nạt. Sự hung hãn chỉ được dập tắt khi các chiến sĩ cảnh sát bắn 4 phát súng chỉ thiên.
Sau đó, nạn nhân và hai tên cướp đều được chở đi cấp cứu tại bệnh viện. Riêng hai tên cướp phải chịu sự giám sát của lực lượng chức năng.
Đến tối 1/10, các cơ quan chức năng đã tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ cướp gây tai nạn giao thông và vụ tai nạn sẽ được xử ý theo hướng "hình sự" như chỉ đạo của Ban giám đốc CA TP.HCM.
Được biết, tới ngày 2/10, nạn nhân T sau khi bị thương nặng nhưng sau khi phẫu thuật đã may mắn qua cơn nguy kịch.
Vấn nạn cướp giật đang rất đáng báo động tại Tp.HCM khi những tên cướp ngày càng trở nên táo tợn và côn đồ, thậm chí bất chấp phản ứng của người dân và lực lượng chức năng.
Một bảo vệ của công ty trong thành phố cho biết bọn cướp thường đi 1 mình 1 xe, cướp vào 3 khung giờ là tầm 5-6h, trưa từ 11-12h, tối tầm khoảng 20-22h và đối tượng là những người từ ga Sài Gòn ra.
Thậm chí, do thường xuyên "hành nghề" và chủ yếu là người địa phương nên khá nhiều người dân biết mặt bọn côn đồ nhưng không dám tố cáo hoặc ngăn cản vì sợ bị trả thù.
Thống kê của CA TP.HCM trong 9 tháng năm 2014, toàn thành phố số vụ cướp giật là 850 vụ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Số vụ trộm cắp khoảng 2.500 vụ, tăng 2,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo PV (Đời sống & Pháp luật)
Hơn nửa tỷ đồng bị 'bốc hơi' trong phòng tổng giám đốc Sau chuyến công tác, ông Tuấn trở về, khi vào phòng làm việc thì phát hiện ngăn tủ có dấu hiệu bị cạy phá, toàn bộ số tiền bên trong đã... biến mất. Tin tức từ Công an quận 1 TP.HCM cho hay đang lập hồ sơ vụ trộm gần 680 triệu đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần xi - măng...