Dụng cụ chữa cháy, mua gì, sắm gì?
Sau sự cố cháy chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) vào sáng ngày 23.3.2018, cư dân chung cư và cả nhà phố mới bắt đầu tính đến việc mua sắm những thiết bị phòng cháy chữa cháy ở mức độ cơ bản nhất cho căn hộ (hoặc căn nhà). Tính là vậy, nhưng mua loại gì, mua ở đâu, giá cả như thế nào…, nhiều người kéo nhau lên Facebook để hỏi thông tin. Nhưng liệu người dân có thực lòng muốn mua sắm những dụng cụ chữa cháy và bảo vệ cho con người trong trường hợp “bà hoả viếng thăm”?
Chưa để ý!
Tham khảo ý kiến thực tế của những chủ hộ chung cư và nhà phố, dụng cụ có sẵn trong nhà là bình cứu hoả dạng 4kg “nhưng không rõ có còn xài được không vì đã mua cách đây… bảy năm” như lời của ông Quốc, một chủ hộ ở Q.12 (TP.HCM). Còn theo lời ông Bảy (Thủ Đức, TP.HCM), dù có bình cứu hoả do công ty trang bị cho nhân viên, nhưng ba năm nay không đụng đến! “Chắc cuối tuần phải đem ra bơm lại vì khí trong bình đã ở mức đỏ, mức không an toàn”, ông Bảy cho biết. Còn căn hộ của ông Khanh (một căn nhà ở Q.4, TP.HCM) cũng có bình cứu hoả, nhưng chỉ để “làm kiểng”, vì đó là loại bình dành cho xe hơi và đã sắm cách đây mười năm! Nhiều gia đình ở Q.8, Gò Vấp… cho biết, không hề sắm bình cứu hoả, vì nghĩ rằng: “Không bao giờ xài đến nên không sắm làm gì”!
Sau sự cố cháy Carina, sáng ngày 26.3.2018, trên trang Facebook cá nhân của B.nguyen, chủ nhân có viết: “Cần sắm cho ngôi nhà: bình cứu hoả, mặt nạ chống khói, băng dính, đèn pin, kính bảo hộ, kìm cắt, búa… Căn phòng có diện tích 50m2, khi có cháy, khói và lửa sẽ bao trùm kín phòng trong khoảng từ 3 – 5 phút, do vậy, phải sắm ít nhất một bình cứu hoả và mỗi người trong gia đình một chiếc mặt nạ chống khói”. Khi thông tin đó được đăng trên Facebook, chưa đầy một tiếng sau, đã có trên 50 câu hỏi, chủ yếu về bình chữa cháy và mặt nạ như: mua ở đâu, loại nào tốt, có dễ xài không?
Nhiều căn nhà phố vẫn có đủ hai bình chữa cháy bằng bột và bằng khí CO, những khí và bột trong bình đã cạn vì đã mua cách đây … tám năm.
Qua những thông tin trên, tạm kết luận rằng, người dân, từ dân chung cư đến dân nhà phố, dường như chưa quan tâm đến việc mua sắm các thiết bị phòng cháy chữa cháy cơ bản và cần thiết cho chính ngôi nhà của mình để phòng khi… Có thể nhiều ngôi nhà có sẵn bình cứu hoả, nhưng với những món hàng, như: mặt nạ, kìm, búa, mền chống cháy…, nhiều gia đình không hề biết đến những sản phẩm này (nói gì đến mua sắm), vì chúng không hề xuất hiện trong bộ nhớ!
Cần sắm những gì?
Sau khi thông tin về số người thiệt mạng và thương tích trong vụ cháy Carina được cơ quan thẩm quyền công bố, mức quan tâm của người dân về những thiết bị phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ con người khi có hoả hoạn mới được người dân quan tâm nhiều hơn. Bà Hương, nhân viên trực hotline của công ty An Phúc (Tân Bình, TP.HCM, chuyên kinh doanh các thiết bị phòng cháy, chữa cháy) cho biết: “Mấy ngày qua, nhiều khách hàng gọi đến công ty để hỏi thông tin và tư vấn về cách mua sắm và sử dụng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Vì giá trị của nhiều mặt hàng chữa cháy và bảo vệ con người khi hoả hoạn không cao, nên việc mua sắm một vài món hàng là điều cần thiết”.
Theo bà Hương, hiện loại bình chữa cháy có hai loại. Đó là bình chữa cháy bằng khí CO2. Loại khí này nén vào bình với áp lực 180kg/cm và hoá lỏng ở trong bình. Khi phun ra khỏi bình, CO2 sẽ ở trạng thái lạnh (từ -76 đến -80 độ). Hiện tại, giá của bình chữa cháy bằng khí CO2 có giá từ 350.000 đồng (loại 3kg) cho đến 3,8 triệu đồng (24kg). Loại bình chữa cháy thứ hai là loại chữa cháy bằng bột. Bột chữa cháy trong bình là hỗn hợp màu trắng, mịn. Hiện bình chữa cháy bằng bột có ký hiệu quy định: ABC, BC và AB. Trong đó, ký hiệu A là dập tắt các đám cháy vật rắn, B là dành để dập được các loại đám cháy bằng chất lỏng, còn C dành trị các loại đám cháy bằng khí. Giá của bình chữa cháy bằng bột: loại bột BC 4kg có giá 175.000 đồng/ bình, nếu bình bột ABC 4kg có giá 195.000 đồng, còn nếu bình ABC có trọng lượng 8kg sẽ có giá 305.000 đồng… Mức giá trên có thay đổi tùy theo chất lượng của bình.
Mền chữa cháy cũng là món hàng mà các gia đình cần mua sắm lỡ khi có cháy. Mền chống cháy được làm bằng sợi cotton, dễ thấm nước, có hai loại kích thước: 2 x 1m hoặc 2 x 1,8m với giá từ 220.000 – 300.000 đồng/cái. Khi phát hiện cháy, phải nhúng mền vào nước rồi chụp lên vật cháy theo cách: hai tay cầm hai góc tấm mền, giơ cao lên phía trước che mặt rồi phủ lên vật cháy.
Khói là một trong những nguyên nhân chính gây ra tử vong cho nạn nhân trong các đám cháy, vì đây là nguồn khói độc hại phát ra khi các vật liệu hoá chất bị cháy. Vì lẽ đó, trang bị chiếc mặt nạ phòng khói, nhất là gia đình tại các chung cư là điều cần thiết. Hiện trên thị trường, nhóm hàng mặt nạ có nhiều loại với nhiều nguồn xuất xứ khác nhau: Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… với mức giá dao động từ 75.000 đồng/cái (hàng Việt Nam, bán trên Sendo.vn) cho đến 3 triệu đồng (hàng của hãng HoneyWell, Hoa Kỳ). Theo bà Hương, dù có nhiều mức giá khác nhau, nhưng chỉ cần chọn những chiếc mặt nạ có tầm giá từ 350.000 đồng/cái (Hàn Quốc) cho đến 550.000 đồng/cái (Hoa Kỳ) là đủ dùng với thời gian cho phép từ 5 – 7 năm. Khi mua mặt nạ, nên mua loại có hai màng (phin) lọc sẽ có hiệu quả hơn trong việc phòng khí độc khi có đám cháy xảy ra.
Video đang HOT
Trên thị trường sản phẩm an toàn cho con người khi có hoả hoạn, còn có những vật dụng cần thiết như: thang dây, ba lô thoát hiểm (với mức giá từ 30 – 34 triệu đồng tuỳ theo chiều dài của dây, từ 25 – 80m và có thể chịu đựng được trọng lượng dao động 25 – 130kg), đèn pin, búa thoát hiểm để đập kính…
Chẳng ai mong đợi có cháy để sử dụng những vật dụng chữa cháy, thoát hiểm; nhưng để an toàn và phòng ngừa bất trắc khi có cháy, vẫn phải sắm những vật dụng cần thiết cho ngôi nhà của mình, không riêng gì chung cư, mà cả những căn nhà phố dù trệt hay dăm ba tầng lầu. Phải mua vài món cần thiết thôi, hẹn đến cuối tuần vậy!
Theo bài, ảnh Song Minh ( Thế giới tiếp thị)
Tắt chuông báo cháy vì điếc tai: Sai lầm chết người trong PCCC
Liên tiếp các vụ hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian gần đây đã khiến cho dư luận băn khoăn về hệ thống phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà chứa hàng trăm, hàng nghìn con người này. Một loạt sai lầm phổ biến trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã được các chuyên gia PCCC "chỉ mặt, đặt tên".
Những sai lầm "chết người".
Trao đổi với Dân Việt, đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã điểm mặt một số sai lầm cơ bản.
Trước hết là do không bảo dưỡng hệ thống PCCC ở các chung cư, đây là lỗi ở BQL tòa nhà.
Thứ hai, do bảo vệ chèn cửa chữa cháy. Thứ ba, không ai giám sát, quản lý ai trong vấn đề này. Nhiều nơi còn làm hỏng chuông báo cháy, tháo ắc quy để nó đỡ kêu, điếc tai. Tiền cho quỹ bảo trì đôi khi các khu dân cư không có, hoặc chủ đầu tư nợ rồi bỏ đi nên không có quỹ bảo trì.
Việc tháo ắc quy của chuông báo cháy vì "gây ồn ào" là một sai lầm nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả lớn khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Nhiều nơi ụ chữa cháy hoen rỉ, vòi nước hư hỏng, không bảo đảm tiêu chuẩn. Chúng tôi phạt theo tiêu chuẩn chỉ có 800.000 đồng, còn lỗi cao nhất là không nghiệm thu công trình vẫn đi vào hoạt động thì cao nhất là 80 triệu đồng.
Theo ông Sơn, thực tế đã đặt ra nhiều bất cập khiến công tác PCCC gặp khó khăn.
Vị đại tá dẫn chứng, vừa rồi, kiểm tra toàn thành phố còn 17 chung cư chưa bảo đảm tiêu chuẩn PCCC, nếu đình chỉ thì hàng trăm hộ dân đã vào đó ở tính thế nào, nguyên tắc là PCCC không đủ tiêu chuẩn thì người dân phải ra ngoài, không thể ở nơi mất an toàn. Còn nếu phạt đình chỉ, cắt điện cắt nước điển hình 1, 2 trường hợp thì Luật sẽ mất đi tính nghiêm minh.
Thêm vào đó, điện và nước lại do một cơ quan khác quản lý. Nhưng quan trọng nhất là ý thức người dân. Phải đi học nâng cao kiến thức, có khóa học nên đi.
"Nhiều khi, cán bộ của chúng tôi phải dành thời gian buổi tối, tới các khu dân cư để phổ biến kiến thức PCCC cho người dân.
Ngoài ra, chúng tôi còn treo cả băng rôn to ngay trước trụ sở PCCC "Chữa cháy không mất tiền" để người dân yên tâm khi có cháy sẽ gọi ngay số 114.
Nhiều người dân tưởng chữa cháy mất tiền, nên khi có cháy họ chữa, không chữa được mới gọi cảnh sát PCCC. Thậm chí hàng xóm cũng ngại gọi cảnh sát PCCC vì ngại bị nói" - đại tá Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Người dân không quan tâm cách sử dụng thiết bị
Liên quan đến vụ cháy ở chung cư Carina tại TP.HCM, câu hỏi đặt ra là bây giờ làm cách nào để bảo đảm an toàn ở bãi gửi xe, không để lặp lại thảm họa Carina, ông Sơn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây cháy.
Xe máy cũ nát cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy tại các bãi gửi xe.
Theo đó, trong các nguyên nhân có xe máy, xe đạp điện vì hai loại xe này thông thường đều sử dụng ắc quy. Chính vì thế, để hạn chế và PCCC hiệu quả, vị Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khuyến
Cáo, nếu 2 loại xe trên cũ nát quá, không nên đưa vào trông trong đó, không nên nhận trông.
Tiếp theo, phải bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên hệ thống báo và chữa cháy tự động. Trong trường hợp xảy ra cháy, hệ thống báo sẽ thông báo để hệ thống chữa cháy tự động vận hành.
Nếu không dễ dẫn tới báo cháy giả, chán quá lại tắt chuông báo cháy, còn không phải thành lập đội PCCC tại chỗ, được tập huấn kĩ năng đầy đủ.
"Nhưng ở chung cư phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, bởi một người có thể gây ảnh hưởng tới nhiều người, trang bị cho mình kĩ năng chống cháy. Phải bảo vệ hệ hô hấp của mình, phải trang bị thiết bị trước, chuẩn bị trước.
Tôi khuyên bạn đọc là dù ở chung cư hay nhà ống thì nên quan tâm đến việc vận hành, sử dụng thiết bị điện. Một điểm yếu của người dân là không quan tâm cách sử dụng, bảo dưỡng thiết bị trước khi dung" - vị đại tá PCCC nói.
Sử dụng tùy tiện, thiếu hiểu biết các thiết bị điện
Cũng trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết, qua thống kê nguyên nhân gây cháy chiếm hơn 50% là do sự cố các thiết bị điện.
Hệ thống lúc đầu an toàn nhưng lúc sử dụng lại vi phạm các quy định dẫn đến không an toàn, đây là chiếm đa số các vụ cháy.
PGS. TS Ngô Văn Xiêm thông tin, thực tế quá trình sử dụng điện hay xảy ra lỗi như người dân tự đấu nối thêm vào các mạng điện, dẫn đến công suất tiêu thụ quá tải.
Việc người dân sử dụng tùy tiện các thiết bị điện không đúng tiêu chuẩn và không bảo dưỡng thiết bị thường xuyên cũng là một trong các nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Khi mạng điện quá tải thì lâu dài dẫn đến hệ thống điện không an toàn và dẫn đến sự cố. Đây thường là do lỗi của người dùng, tùy tiện, thiếu hiểu biết khi sử dụng các thiết bị điện.
Hệ thống kỹ thuật đòi hỏi phải chuẩn theo quy chuẩn, chúng ta không chấp hành đúng thì dẫn đến sai phạm, sinh ra quá tải, là nguyên nhân phát sinh ra nguòn nhiệt. Nhiệt này là một trong những yếu tố dẫn đến cháy nổ.
Do vậy, ông Xiêm khuyến cáo người dân, đối với từng gia đình, hãy dùng thiết bị điện theo đúng hiệu năng của mạng lưới điện nhà mình.
"Có những gia đình tôi biết hệ thống điện 10 năm nay vẫn thế, nhưng đồ điện thì tăng lên nhiều, công suất tiêu thụ tăng lên nhiều.Những điều kiện này thì chắc chắn dẫn đến lỗi" - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC chia sẻ.
Theo Danviet
Xe chữa cháy túc trực nơi người dân Carina tạm cư Chung cư đối diện Carina, nơi cư dân được đưa đến sống tạm, cũng chưa được nghiệm thu PCCC nên xe cứu hỏa luôn túc trực phòng bất trắc. Phó chủ tịch UBND quận 8 Lê Quỳnh Đài vừa kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra hệ thống PCCC của chung cư City Gate Towers....