Đừng chủ quan khi bé khò khè, khản tiếng
Nhiều bé bị khản tiếng, kèm theo hiện tượng khò khè, có đờm nhưng cha mẹ chủ quan cho rằng khản tiếng vài ngày là khỏi.
Thực ra, đó là dấu hiệu của viêm thanh quản cấp, khi đó, dây thanh quản có nguy cơ phù nề, “bít” tắc khiến bé khó thở, tím tái.
Nguy hiểm không kém viêm phổi
Đến bây giờ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai vẫn nhớ như in một trường hợp bé trai 5 tuổi (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào khoa cấp cứu vì khó thở dịp đầu năm. Khi vào viện, bé đã ngưng thở, toàn thân tím tái, hôn mê…dù người nhà đã đưa ngay vào viện cấp cứu (chỉ hơn 10 phút) ngay khi có cơn khó thở cấp.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải mở khí quản, bóp bóng rồi thở máy mà bệnh nhân vẫn tím tái. Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm thanh quản tắc nghẽn gây ngưng thở và kèm theo bị viêm phổi.
(Ảnh minh họa)
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó mấy ngày, bé có biểu hiện sốt nhẹ, ho khan, khản tiếng. Nghĩ con chỉ bị viêm họng thông thường như mọi lần, nên gia đình tự mua kháng sinh về cho bé uống. Sang ngày uống thuốc thứ 3, bé đột nhiên sốt cao, nhịp thở tăng nhanh, dồn dập, khó thở.
Một trường hợp khác là bé trai 3 tuổi, con chị Thu Trang ở Phúc La, Hà Đông. Sau một hồi gào khóc đòi cha mẹ cho đi mua đồ chơi, đêm đến, bé khản tiếng. Nghĩ “trận” khóc lúc sáng là nguyên nhân nên chị Trang cũng chỉ cho con uống nước mật ong ấm.
Video đang HOT
Đến sáng hôm sau, con vẫn khản đặc giọng, lại có đờm khò khè. Do phải đi làm nên chị quyết định chiều về sẽ cho con đi khám. Không ngờ đến trưa, cô giáo gọi điện báo bé có biểu hiện như sặc, có đờm trong họng mà không khạc ra được. Khi nhập viện, bé được đặt khí dung và tiêm kháng sinh ngay do viêm thanh quản cấp gây phù nề thanh quản.
“Viêm thanh quản là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Thường bệnh nhi chỉ bị khản giọng, còn viêm thanh quản cấp, gây tắc nghẽn đường thở thì ít gặp hơn nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, phải cấp cứu kịp thời mới có thể cứu sống bệnh nhân. Do bị bít tắc đường thở tại các điểm phù nề trên thanh quản nên bé khó thở, nếu không kịp cung cấp ô-xy, bệnh nhi có thể bị thiếu ô-xy não, gây ảnh hưởng đến não, thậm chí tử vong”, TS Dũng cảnh báo.
Cùng quan điểm này, BS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TƯ cho biết, viêm thanh quản rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em vì dây thanh quản ở trẻ em rất nhỏ, khi viêm gây phù nề “chít” hẹp ống nhỏ đó, dẫn tới khó thở rất nhanh, suy hô hấp và tím tái nhanh hơn cả viêm phổi.
Diễn tiến nhanh
BS Ngọc cho biết, thanh quản là nơi phát ra âm và thanh quản là nơi hẹp nhất trên đường thở. Chính vì là nơi hẹp nhất nên khi xảy ra hiện tượng viêm, gây phù nề thanh quản sẽ khiến dây thanh quản bị bít kín. Khi đường thở bị bít kín, bệnh nhân sẽ khó thở, dần thiếu ô-xy cung cấp lên não. Tùy từng mức độ bít hẹp mà thể hiện khó thở cấp khác nhau.
Viêm thanh quản xảy ra ở những người sử dụng giọng nói nhiều. Còn ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến là do viêm nhiễm ở đường mũi họng không được điều trị. Ngoài ra, những trẻ hay la hét, hét to, khóc to cũng làm dây thanh quản căng lên, có thể gây viêm thanh quản, thậm chí có thể chảy máu thanh quản.
“Nguy hiểm ở chỗ, khi mới bị viêm thanh quản, người bệnh không có biểu hiện khó thở mà chỉ bị khàn giọng nên đa phần mọi người đều chủ quan không đi khám. Thực tế, khi người bệnh viêm thanh quản cấp đã lên cơn khó thở thì bác sĩ cũng hoảng, phải cấp cứu cho người bệnh rất nhanh mới hy vọng cứu sống được người bệnh. Vì thanh quản đã hẹp, lại bị phù nề nhanh nên người bệnh không thể thở được”, BS Ngọc nói.
Vì thế, ở trẻ em càng phải đặc biệt chú ý đến căn bệnh này. Đầu tiên bé có thể chỉ bị viêm mũi họng thông thường, sổ mũi nước trong, rồi mũi đục, ho, khàn tiếng, hoặc có biểu hiện đau tai. Nhưng diễn tiến bệnh rất nhanh, vừa buổi tối thấy khàn giọng, thì đến đêm thanh quản đã phù nề khiến bé không thể ngủ, quấy khóc.
Do vậy, khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, rồi lại bị khản giọng thì cần nhanh chóng đưa bé đi khám, can thiệp nhanh để phòng những nguy cơ đáng tiếc xảy ra cho trẻ.
Theo Dân trí
Khản tiếng, viêm họng: dùng lá húng chanh
Húng chanh là cây thân thảo, sống lâu năm. Lá và ngọn ngoài việc dùng làm rau gia vị, còn được sử dụng như một vị thuốc giúp trị cảm cúm, sốt cao, chảy máu cam, viêm họng, khản tiếng...
Húng chanh có một số tên gọi khác là rau thơm lông, rau tần lá dày, dương tử tô.
Về thành phần hóa học: Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol. Đặc biệt, trong lá có chất màu đỏ là colein có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.
Húng chanh có vị the cay, hơi chua, mùi thơm, tính ấm, không độc, công dụng lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, thông hơi, giải độc.
Nhân dân ta thường thái nhỏ lá húng chanh để ướp thịt, cá vì đây là loại gia vị đặc sắc. Lá và ngọn non thường được dùng trị cảm cúm, ho hen, ho ra máu, sốt cao, sốt không ra mồ hôi, nôn ra máu, đổ máu cam, còn dùng chữa viêm họng, khản tiếng. Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc hoặc giã lấy nước uống,có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá khác nấu nước xông.
Ở Malaixia, người ta dùng lá nấu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ nóng, lá tươi giã ra lấy nước cốt cho trẻ em bị sổ mũi uống. Dùng ngoài: lấy lá giã ra đắp trị nẻ môi, đau bụng, đau đầu và dùng xoa lên người khi bị sốt.
Ở Ấn Độ, lá húng chanh dùng chữa bệnh về đường tiết niệu và rỉ nước âm đạo. Nước ép lá trộn với đường là một loại thuốc gây trung tiện mạnh, cũng dùng trị ho và chứng khó tiêu.
Dưới đây là một số bài thuốc nam thường dùng trong dân gian từ cây húng chanh:
1. Chữa cảm cúm, ho, viêm họng, khản tiếng: Lá húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm 2 lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.
2. Chữa đau bụng: Lá húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.
3. Chữa sốt cao, không ra mồ hôi: húng chanh 20g, lá tía tô 15g, gừng tươi 5g cắt lát mỏng, cam thảo đất 15g. Sắc uống nóng cho ra mồ hôi.
4. Chữa chảy máu cam: húng chanh 20g, lá trắc bá sao đen 15g, hoa hòe sao đen 10g, cam thảo đất 15g. Sắc uống ngày một thang. Lá húng chanh đem vò nát, nhét vào bên mũi chảy máu.
5. Chữa ong đốt sinh đau nhức: húng chanh 20g, muối ăn vài hạt, tất cả đem giã nhỏ hoặc nhai kỹ, nuốt nước, bã đắp vào chỗ ong đốt.
6. Chữa dị ứng nổi mề đay: lá húng chanh nhai nuốt nước, bã thì đắp hay xoa xát.
Song Linh (tổng hợp)
Nguồn: - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam
- Thông tin Y học Việt Nam
Phụ nữ
Chăm sóc cơ thể mỗi ngày với muối mặn Thói quen mỗi sáng thức dậy với một cốc nước, cho vài chiến hữu của tớ vào đó, khuấy đều là màn chào hỏi anh bạn dạ dày này thích nhất đấy. Không những dịch dạ dày được làm sạch mà còn giúp teen vô tư nói chuyện mà không phải để ý đến chuyện "rau mùi" từ hơi thở của mình. Ưu...