Dùng chiêu sở hữu cổ vật, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông
Trung Quốc đang dùng chiêu thức tuyên bố quyền sở hữu với các di tích khảo cổ và xác tàu trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền quốc gia tại vùng biển xảy ra tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Hồi năm ngoái, đoàn khảo cổ học dưới nước do chuyên gia khảo cổ hàng đầu thế giới người Pháp – Franck Goddio dẫn đầu đã tìm thấy xác của một con tàu Trung Quốc bị đắm vào thế kỷ 13 ở ngoài khơi bờ biển Philippines. Tuy nhiên, khi tàu của đoàn chuyên gia tiếp cận khu vực tàu đắm đã ngay lập tức bị máy bay quân sự và tàu hải giám của Trung Quốc ngăn cản thông qua hệ thống loa phát lời cảnh báo bằng tiếng Anh.
Phiên bản tàu Trịnh Hòa tại bảo tàng Trung Quốc
“Họ nói khu vực này thuộc chủ quyền của Trung Quốc và chúng tôi đã vi phạm hải phận. Đây thực sự là một điều đáng sợ”, một thành viên trong đoàn chuyên gia cho biết.
Phía quan chức Trung Quốc cũng đã xác nhận sự việc trên và khẳng định chương trình thám hiểm của nhóm chuyên gia khảo cổ là trái pháp luật.
Tình hình căng thẳng tranh chấp chủ quyền ngoài khơi Trung Quốc ngày càng gia tăng khi chính phủ nước này tuyên bố quyền sở hữu với hàng ngàn xác tàu bị đắm nằm rải rác khắp khu vực Biển Đông và cho rằng hải phận này thuộc quyền sở hữu của Bắc Kinh từ hàng ngàn năm nay.
Thậm chí, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho lực lượng bảo vệ bờ biển ngăn chặn mọi đoàn khảo cổ hoạt động bất hợp pháp trong hải phận mà nước này tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tập trung đổ tiền đầu tư vào chương trình khảo cổ trên biển. Theo đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến khám phá dưới biển đầu tiên ngay tại hải phận các quần đảo đang tranh chấp với những nước láng giềng.
Nhà khảo cổ học người Pháp – Franck Goddio
Quan chức Trung Quốc ngụy biện rằng nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn nạn cướp bóc, hôi của có khả năng phá hủy nhiều công trình lịch sử và buôn bán cổ vật Trung Quốc ra thị trường quốc tế.
Video đang HOT
Giới khảo cổ học Trung Quốc cho rằng công việc của họ sẽ giúp củng cố những bằng chứng nhằm chứng minh chủ quyền quốc gia trên khu vực Biển Đông – vốn đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Philippines.
“Chúng tôi muốn tìm thêm bằng chứng nhằm chứng minh người Trung Quốc đã đặt chân và sống tại đây từ xưa. Những bằng chứng sử học có thể chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông”, Liu Shuguang – người đứng đầu Trung tâm Di sản Văn hóa dưới nước thuộc quyền quản lý của nhà nước nói.
Tình hình căng thẳng quân sự tại khu vực châu Á bị đẩy lên cao khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông – đang xảy ra tranh chấp với Nhật Bản. Hôm 23/11, Trung Quốc còn bất ngờ tuyên bố thành lập “Vùng nhận diện phòng không” bao gồm không phận quần đảo đang tranh chấp chủ quyền với Tokyo – Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Các nhà khảo cổ nghiên cứu xác tàu Hải Nam I
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển giao thương nhộn nhịp nhất thế giới cùng với sự xuất hiện của nhiều xác tàu từ hai thiên niên kỷ trước bao gồm thuyền buồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Hà Lan và Anh cùng các tàu chiến trong Thế chiến thứ Hai.
Theo giới khảo cổ Trung Quốc, họ đã tập hợp được tọa độ của 70 vụ đắm tàu và ước tính còn khoảng 2.000 địa điểm chưa được xác định.
Ông Goddio đã nghiên cứu khu vực Biển Đông từ những năm 1980 và từng khai quật được các thuyền buồm của Trung Quốc hồi thế kỷ 15, thuyền chiến Tây Ban Nha thế kỷ 16 và tàu buôn của Anh thế kỷ 18.
Ngoài chuyến đi năm ngoái, đoàn nghiên cứu của ông Goddio đã tới thăm các dải san hô của Philippines và bãi cạn Scarborough vào năm 2011. Cả hai cuộc thám hiểm trên là một phần trong dự án nghiên cứu chung với Bảo tàng Quốc gia Philippines. Do chính phủ không đủ khả năng tài trợ chi phí hoạt động, giới khảo cổ Philippines đã tiến hành hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Ông Liu cho rằng việc nhóm khảo cổ Pháp tiếp cận xác tàu đắm nằm trong nỗ lực “Philippines muốn phá hủy bằng chứng có lợi cho Trung Quốc vốn khẳng định người Trung Quốc là những cư dân đầu tiên tìm thấy Scarbourough”.
Mặc dù chưa tiến hành tìm kiếm khảo sát khai quật bãi cạn Scarborough, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã bắt đầu tiếp cận xác tàu bè của nước này bị đắm ngoài quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
“Khảo cổ học trên biển là hành động thể hiện chủ quyền quốc gia”, Lệ Tiểu Tiệp – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc phát biểu hồi tháng 9/2012.
Theo đó, giới khảo cổ Trung Quốc dự định triển khai hoạt động nghiên cứu điều tra xác tàu đắm trên những vùng biển tranh chấp ngay trong năm nay hoặc năm tới. Thậm chí, các nhà khảo cổ còn ủng hộ nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tái thiết năng lực để trở thành một cường quốc hàng hải.
Vào năm 1987, Trung Quốc cũng đã buộc một nhóm khảo cổ học Anh ngừng hoạt động trên Biển Đông sau khi tìm thấy một tàu buôn 800 tuổi mang tên Nam Hải I. Sau đó, tàu Nam Hải I được xác định là tàu của Trung Quốc. Kể từ đó, hầu như không một nhà khảo cổ học nước ngoài tới vùng biển của Trung Quốc để nghiên cứu.
Giới chức Trung Quốc đã đầu tư đào tạo cho hơn 100 nhà khảo cổ biển và xây ít nhất 3 bảo tàng khảo cổ hàng hải cũng như đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay trong năm tới, Trung Quốc dự định hạ thủy một con tàu dài 56 m, chuyên phục vụ nghiên cứu khảo cổ biển. Đây là con tàu đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế chỉ chuyên tìm kiếm và nghiên cứu các di tích khảo cổ biển.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư kinh phí để thực hiện các dự án chung với nhiều quốc gia nhằm tìm kiếm xác tàu Trịnh Hòa – vốn được xem là “bằng chứng” quan trọng cho các tuyên bố của Bắc Kinh trên Biển Đông. Một trong những lý do mà giới chức Trung Quốc đặc biệt quan tâm khi đi tìm xác tàu Trịnh Hòa là khám phá những dải đá ngầm và các quần đảo nằm trên Biển Đông.
“Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang chảy trong các chương trình khảo cổ học biển của Trung Quốc”, Jeffrey L. Adams – nhà nhân chủng học tại Đại học Minnesota và là người từng viết về khảo cổ học Trung Quốc nhận định.
Phần lớn các nhà khảo cổ nước ngoài cho rằng sự phát triển nhanh chóng của hoạt động giao thương quốc tế thông qua buôn bán đồ gốm sứ và tơ lụa đã khiến rất nhiều xác tàu buôn của Trung Quốc xuất hiện trên Biển Đông.
Tuy nhiên, nhiều xác tàu buôn Trung Quốc bị đắm nằm xa đất liền nước này và nằm xung quanh các rạn san hô và bãi đá ngoài khơi bờ biển của Malaysia, Brunei và Philippines bởi chúng từng sử dụng những khu vực này để giao thương và tránh thời tiết xấu.
Ngay cả khi xác tàu đắm không nằm trong khu vực tranh chấp, việc xác định quốc tịch của con tàu vẫn vô cùng khó khăn. Bởi chủ sở hữu, hàng hóa và thủy thủ đoàn trên một con tàu đến từ nhiều nước khác nhau.
Trong những năm gần đây, xu hướng quốc tế hóa đã chấp nhận khái niệm “di sản chung” khi cho phép nhiều quốc gia hợp tác cùng khai thác cổ vật và chia sẻ nghiên cứu cho nhiều học viện khác nhau.
Theo đó, công ước Unesco 2001 về di sản văn hóa dưới nước đã khuyến khích các nước hợp tác và chia sẻ nghiên cứu song không đưa ra bản hướng dẫn về quyền tài phán cũng như chế tài xử lý tại những khu vực xảy ra tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, không một quốc gia nào đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thông qua công ước của Unesco.
Theo Minh Thu (Infonet)
Trung Quốc sẽ lập thêm nhiều vùng nhận dạng phòng không mới
Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) khác vào thời điểm thích hợp khi đã chuẩn bị đầy đủ, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời sau khi được hỏi liệu Bắc Kinh có lập ADIZ ở biển Đông hay không.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương - Ảnh: Reuters
Tân Hoa xã đã dẫn lời ông Tần Cương phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo vào hôm 27.11 ở Bắc Kinh.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc còn nói thêm rằng các quốc gia khác không cần phải sợ ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông vì đây là một hành động tự vệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
"Các nước có liên quan không cần phải hoảng loạn hoặc tự liên đới mình vào việc này", ông Tần cho biết.
Ngoài ra, khi được yêu cầu bình luận về thông tin Nhật Bản cân nhắc mở rộng vùng ADIZ của nước này ở Thái Bình Dương, phát ngôn viên này cũng cho hay rằng "vẫn chưa có thông tin chính thức".
Được biết, vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc công bố hôm 23.11 bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc.
Theo TNO
Học giả Hoa lục nhận định về ý đồ ADIZ của Trung Quốc Các học giả người Hoa nhận định việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông là "mang tính chiến lược lẫn chiến thuật", nhưng sẽ đánh mất láng giềng. Bản đồ Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông của Trung Quốc - Đồ họa: Sơn Duân Nhà báo người Hồng Kông, Ching Cheong, của tờ...