Dũng cảm lên huấn luyện viên Huy Hoàng!
Trận thua 2-0 trước Đông Á Thanh Hóa đã kéo Sông Lam Nghệ An về với thực tại. Và nó đã chỉ ra huấn luyện viên Huy Hoàng còn nhiều điều phải làm đối với đội bóng xứ Nghệ nếu muốn có được một vị trí trong top 3 khi mùa giải 2022 hạ màn.
Thời còn thi đấu, Nguyễn Huy Hoàng là một trong những cầu thủ máu lửa bậc nhất của Sông Lam Nghệ An và Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Đã không ít lần trung vệ thép này đổ máu sau những pha bóng lăn xả của mình. Sau khi chuyển sang công tác huấn luyện, ở vai trò nào người đàn ông 40 tuổi này cũng dồn hết tâm huyết của mình vào công việc để đưa đội bóng đến kết quả tốt nhất.
Kể từ khi lên nắm quyền đội 1 Sông Lam Nghệ An, để vực dậy một Sông Lam Nghệ An rệu rã sau mùa giải V.League 2021, mái tóc của chiến lược gia gốc Nghĩa Đàn đã bạc đi rất nhiều.
Huấn luyện viên Huy Hoàng. Ảnh tư liệu
Cùng với sự đầu tư mạnh tay của Tập đoàn Tân Long và sự cải tổ ở trên băng ghế ban huấn luyện, đội bóng xứ Nghệ đã có những thay đổi rõ rệt. Điều dễ dàng nhận thấy đầu tiên chính là tinh thần thi đấu của Sông Lam Nghệ An ngày càng được cải thiện. Dường như huấn luyện viên Huy Hoàng đã cố gắng thổi lửa vào các cầu thủ để họ vào sân với tinh thần chiến đấu cao nhất. Trong 20 phút đầu tiên của các trận đấu đã qua, Sông Lam Nghệ An luôn là đội bóng thi đấu rất tốt, đội bóng xứ Nghệ đã ghi được 6 bàn thắng và không để thủng lưới bàn nào ở khoảng thời gian này. Ngay cả trong trận thua Đông Á Thanh Hóa vừa qua, Sông Lam Nghệ An cũng tạo ra được 2 cơ hội ngon ăn ở thời điểm này, rất tiếc Đình Tiền và Olaha không thể tận dụng được.
Tuy nhiên, sau quãng thời gian đầu thi đấu đầy hưng phấn này đội bóng xứ Nghệ phần nào bị chững lại ở những phút thi đấu tiếp theo. Kịch bản quen thuộc đó là bị thủng lưới và thua trận đã diễn ra ở các trận gặp Topenland Bình Định, Câu lạc bộ Viettel, Đông Á Thanh Hóa. Rõ ràng huấn luyện viên Huy Hoàng vẫn chưa đưa ra được các phương án chiến thuật hợp lý trong các giai đoạn này. Hay nói cách khác là Sông Lam Nghệ An không kịp trở tay khi đối thủ đã bắt nhịp với trận đấu. Cũng phải thông cảm cho huấn luyện viên Huy Hoàng khi hàng tiền vệ đội bóng xứ Nghệ thiếu đi một người cầm trịch có thể điều tiết nhịp độ trận đấu. Mặc dù Xuân Mạnh vẫn làm rất tốt nhiệm vụ đánh chặn, nhưng anh và những vệ tinh bên cạnh như Mario hay Đinh Xuân Tiến vẫn chưa thể giúp cho Sông Lam Nghệ An kiểm soát được khu trung tuyến.
Sang đến hiệp thi đấu thứ 2, Sông Lam Nghệ An còn thể hiện rõ sự hụt hơi hơn nữa. 10 bàn thua và chỉ ghi được 6 bàn thắng đã chỉ ra vấn đề về chiều sâu đội hình của đội bóng xứ Nghệ. Nếu không kể đến những trường hợp thay đổi người bất đắc dĩ thì đội hình Sông Lam Nghệ An chỉ có khoảng 15-16 người có thể thi đấu “tròn vai” các vị trí trên sân. Trong một cuộc đua dài hơi thì đó là một con số quá ít để cho huấn luyện viên Huy Hoàng sử dụng và xoay tua. Chưa kể đến những lúc các trụ cột bị chấn thương hoặc treo giò thì khó khăn đó lại càng thêm chồng chất.
Video đang HOT
Ở trận gặp Đông Á Thanh Hóa, Oseni sở hữu khá nhiều cơ hội ở hiệp 2, tuy nhiên, không thể làm tung lưới của đối phương. Ảnh tư liệu: Chung Lê
Đơn cử như hàng công của Sông Lam Nghệ An, nhìn lên, nhìn xuống chỉ có 3 cái tên Olaha, Oseni và Phan Văn Đức. Thi đấu liên tục và không có những dự bị chất lượng để cạnh tranh đã làm cho bộ 3 trên hàng công càng ngày càng mai một. Dường như các đối thủ đã sớm bắt được bài huấn luyện viên Huy Hoàng ngay từ lúc trận đấu chưa bắt đầu.
Trong trận đấu với Đông Á Thanh Hóa, huấn luyện viên Huy Hoàng đã mạnh dạn đẩy Oseni lên băng ghế dự bị và tung Trần Đình Tiến vào sân ngay từ đầu. Đây là một bước đi táo bạo của huấn luyện viên 40 tuổi này. Nước cờ này tận dụng sự khao khát thi đấu của Đình Tiến để báo động cho phong độ của Oseni. Được ra sân thi đấu từ đầu, Đình Tiến thi đấu rất xông xáo bên hành lang cánh phải của đội bóng xứ Nghệ. Anh có pha đệm bóng cận thành, tuy nhiên, bị hậu vệ chủ nhà phá bóng ngay trên vạch vôi. Oseni cũng được huấn luyện viên Huy Hoàng tung vào sân từ đầu hiệp 2 để tận dụng sức mạnh và sức nhàn của tiền đạo Nigeria để càn quét hàng thủ đội bóng xứ Thanh. Ý đồ của Ban Huấn luyện Sông Lam Nghệ An phần nào đã được chuyển hóa khi những cơ hội liên tiếp đến với tiền đạo mang áo số 91 này. Tuy nhiên, sự vô duyên tiếp tục đeo bám Oseni khi anh bỏ lỡ 2 cơ hội mười mươi và đến khi đưa được bóng vào lưới thủ thành Thanh Diệp thì lại không được công nhận do lỗi việt vị.
Người còn lại trên hàng công cũng đang có phong độ mờ nhạt trong thời gian qua chính là Phan Văn Đức. Sau siêu phẩm vào lưới Câu lạc bộ Hải Phòng tiền đạo người Yên Thành không để lại nhiều dấu ấn trong lối chơi của Sông Lam Nghệ An. Đã lâu lắm rồi người hâm mộ xứ Nghệ không còn thấy bóng dáng ngày nào của Phan Văn Đức từng làm nức lòng người hâm mộ trong màu áo câu lạc bộ cũng như Đội tuyển Quốc gia Việt Nam. Nếu tiếp tục thi đấu như thế này, Đức cọt có thể sẽ là người tiếp theo làm bạn với băng ghế dự bị. Vấn đề là Ban Huấn luyện đội bóng Sông Lam Nghệ An có dũng cảm để đưa ra quyết định này khi Phan Văn Đức đang là một trong những biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ hiện nay. Và khi đó ai sẽ là người thay thế Phan Văn Đức?
Phan Văn Đức trong một buổi tập cùng các đồng đội. Ảnh tư liệu: Đức Anh.
Ngoài vấn đề con người, khán giả xứ Nghệ dễ nhận thấy trong lối đá của Sông Lam Nghệ An sử dụng quá nhiều những đường chuyền dài, đặc biệt là những lúc bị đối thủ dẫn trước. Người hâm mộ rất hiếm khi để thấy nhường tình huống ban bật đẹp mắt để khoan phá hàng thủ của đối phương mà thay vào đó là những đường tạt cánh cầu may từ hai biên. Với lối đá đó thì rất khó để đội bóng xứ Nghệ tạo ra đột biến trước các đối thủ. Bên cạnh đó, cầu thủ Sông Lam Nghệ An thường có những pha xử lý cồng kềnh mất khoảng 3, 4 nhịp làm lỡ mất cơ hội phản công nhanh hoặc tự đẩy mình vào thế khó.
Trong bóng đá hiện đại, rất nhiều đội bóng trung bình yếu sẵn sàng “hy sinh” để xây dựng một lối đá ban bật từ ngay phần sân nhà. Họ dũng cảm phối hợp với nhau tạo ra những màn thoát pressing để chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Tất nhiên, lối chơi này không phải được xây dựng ngày một ngày hai, nó là cả một quá trình rèn luyện và trau dồi của cả tập thể trên sân tập cũng như trong các trận đấu.
Trận thua trước Đông Á Thanh Hóa có thể chưa làm ảnh hướng lớn đến mục tiêu vào top 3 của Sông Lam Nghệ An. Tuy nhiên, trận thua này sẽ là một bài học lớn để các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng xứ Nghệ nhìn lại mình. Nếu không có sự thay đổi tích cực, cái đích top 3 dường như quá xa vời đối với Sông Lam Nghệ An.
Sông Lam Nghệ An: Top 3 liệu có khả thi?
Bắt đầu giai đoạn lượt về (giai đoạn 2) V-League 1-2022, vòng 14, Sông Lam Nghệ An gặp đối thủ nặng ký Hà Nội FC trên sân Vinh và chỉ giành được 1 điểm, nâng điểm số có được lên con số 21.
Trong khi đó, các đội bóng từng tạm thời xếp sau (tuy cùng có 20 điểm nhưng kém hiệu số) như Topenland Bình Định và Hải Phòng, hay như Viettel 19 điểm, nhưng với trận thắng ở vòng 14 đã "qua mặt" đội bóng thành Vinh để xếp trên. Cụ thể, bảng xếp hạng tạm thời sau vòng 14, Sông Lam Nghệ An từ vị trí thứ 2 tụt xuống thứ 5 sau Hà Nội FC, Topenland Bình Định, Hải Phòng, Viettel.
Đây là thứ hạng tạm thời thấp nhất của Sông Lam Nghệ An tính từ đầu mùa và liệu có phải đội bóng đang dần tụt dốc, đang xa dần mục tiêu top 3 đặt ra trước đó? Có phải Sông Lam Nghệ An đang dần bộc lộ nhiều điểm yếu để đối thủ khai thác trong khi các đội bóng có "cơ" khác đang vùng lên mạnh mẽ để xoay chuyển tình thế và chiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng?
Trần Đình Hoàng ghi bàn mở tỷ số cho SLNA trận gặp Hà Nội FC trên sân Vinh. Ảnh: Hải Hoàng
Câu trả lời không dễ và tình hình cũng không đến nỗi bi quan như vậy bởi vòng 14, Sông Lam Nghệ An gặp đối thủ cứng cựa từng liên tiếp 7 trận thắng trước các đội top đầu như Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel và chính Sông Lam Nghệ An ở lượt đi. Vậy nên 1 điểm có được để chấm dứt chuỗi thắng của đối thủ là điều không phải đội bóng nào cũng làm được, ở sân nhà hay sân khách. Hơn nữa, có thể thấy rằng, vòng 14 các đội bóng vươn lên nói trên thực ra chỉ gặp đối thủ yếu, như Topenland Bình Định gặp Becamex Bình Dương (4-1), Hải Phòng gặp TP. Hồ Chí Minh (4-3), Viettel gặp Đông Á Thanh Hóa (3-1)... nên họ có 3 điểm không phải là chuyện "động trời".
Vấn đề là khi có thời cơ, đội bóng nào tận dụng được thì thăng tiến trên bảng xếp hạng, đội nào bỏ lỡ thì đứng yên (trong khi người khác vượt) và thậm chí tụt sâu như từng thấy.
Cũng là để nói vòng 15 tới đây, Sông Lam Nghệ An làm khách trước Đông Á Thanh Hóa, đối thủ từng cầm hòa, có được 1 điểm trên sân Vinh ở lượt đi. Hiện tại, Đông Á Thanh Hóa đang không có phong độ tốt, lại gặp sự cố ở băng ghế chỉ đạo khi huấn luyện viên Petrovic nghỉ ốm nên nếu đội khách thi đấu khác với lượt đi, đột biến hơn, bùng nổ hơn thì việc có điểm, thậm chí 3 điểm là khá khả thi. Khi đó, bảng xếp hạng tạm thời sẽ tiếp tục biến động và dù phụ thuộc các đội khác thì Sông Lam Nghệ An chắc chắn không nằm ở vị trí thứ 5 không mong muốn như hiện tại. Nhưng sẽ rất khó cho đội khách vì lâu nay họ vốn không thi đấu mạch lạc trước người hàng xóm. Chưa kể khả năng tận dụng cơ hội không phải là điều Huy Hoàng và các học trò luôn làm tốt, như trận lượt đi chẳng hạn, nên xem ra mọi việc vẫn ở phía trước và rất khó nắm bắt. Cũng không nên loại trừ trường hợp đội khách trắng tay ra về vì chủ nhà không còn gì để mất, vùng lên mạnh mẽ, nhất là sau trận thua Viettel mới đây khiến họ tụt sâu xuống giữa bảng xếp hạng (thứ 8)? Vì vậy, nếu Huy Hoàng không cẩn trọng nhắc nhở học trò hay bất ngờ gặp một tình huống không mong muốn từ trọng tài chẳng hạn, câu chuyện sẽ không biết đi tới đâu mà lần?
Tham gia giải đấu này SLNA có đầy đủ các trụ cột như Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức, Xuân Mạnh, Oseni, Olaha... Đặc biệt là có sự trở lại của trung vệ đội trưởng Hoàng Văn Khánh, người vừa bình phục sau quãng dài phải dưỡng thương. Ảnh tư liệu Chung Nguyễn
Ở vòng 15 này, sẽ có cuộc tỉ thí giữa Topenland Bình Định và Hà Nội FC và người ta đang nói về một cuộc "ngáng chân" nữa, khiến đội ứng viên hàng đầu ngôi vô địch tiếp tục bị rút ngắn khoảng cách trước khi về đích. Tất nhiên, "PSG Việt Nam" với thực lực nội binh mạnh, ngoại binh giỏi, thầy nhiều kinh nghiệm, lại đang vào phom sau quãng đầu chật vật là niềm hy vọng có cơ sở để làm cho V-League trở nên hấp dẫn hơn, đáng xem hơn, quyết đông để cho Hà Nội FC "một mình, một ngựa" băng băng về đích một cách nhàm chán, đơn điệu.
Các cặp đấu khác như Hoàng Anh Gia Lai-Sài Gòn FC, Đà Nẵng-Hải Phòng... sẽ là thời cơ để các đội xếp trên tích lũy điểm số, cạnh tranh vị trí trực tiếp với không chỉ Sông Lam Nghệ An. Bởi vậy, chỉ có con đường duy nhất là thi đấu tốt trong từng trận, tự làm tự hưởng mà không quan tâm đến các kết quả khác.
Điều đáng quan tâm hiện nay là Sông Lam Nghệ An vẫn trong quá trình tìm kiếm bộ khung ưng ý nhất, trong khi lực lượng luôn biến động vì thẻ phạt, vì phong độ, vì ý đồ chiến thuật trong từng trận đấu. Đội bóng có nhiều cầu thủ thành danh, nhiều ngôi sao trẻ nhưng thiếu người dẫn dắt thực sự trên sân. Chưa kể, ngoại binh càng chơi càng cùn mằn, đáng lo ngại, khiến Huy Hoàng nhiều khi phải bất lực rút ra khỏi sân, chấp tây, chơi toàn nội binh. Rất khó để mong một thứ hạng cao nhất nhưng nếu để tuột ra ngoài top 3 lại là điều rất đáng tiếc, đáng nói.
Đường còn dài, hy vọng Sông Lam Nghệ An càng chơi càng vững, đáp ứng từng bước mong mỏi của người hâm mộ và chờ đợi thành tích cao hơn trong mùa tới, thời gian tới./.
Huấn luyện viên Park Hang-seo 'phả hơi nóng' đến V-League như thế nào? Thành công của Đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam thời Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo 'phả' dấu ấn đậm nét lên vận hành của các Câu lạc bộ V-League, nhất là trong mùa giải 2022 này. Mới nhất là trận đấu mở màn lượt về V-League 2022, vòng 14 giữa Nam Định và SHB Đà Nẵng với sự ra mắt của...