Dừng các dự án cải tạo đất ở Đà Nẵng: Huyện “qua mặt” sở
Lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường khẳng định việc cải tạo đất là một hình thức trá hình để khai thác đất đem bán và cho rằng sở này đã bị “qua mặt”…
Cán bộ Phòng tài nguyên – môi trường huyện Hòa Vang đến hiện trường giám sát việc ngưng khai thác đất của các doanh nghiệp – Ảnh: L.Trung
“Đồi đang xanh tốt mắc gì xin cải tạo đất. Cải tạo rồi lấy nước đâu mà trồng, tưới cây? Người ta làm để bán đất là chính thôi”
Ý kiến của một lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng
Liên quan tới việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng các dự án cải tạo đất do cựu chủ tịch TP Văn Hữu Chiến ký trước khi nghỉ hưu một ngày, lãnh đạo Sở Tài nguyên – môi trường khẳng định việc cải tạo đất là một hình thức trá hình để khai thác đất đem bán.
Một đại diện lãnh đạo của Sở Tài nguyên – môi trường cho biết chỉ trong một thời gian ngắn, có không dưới sáu chủ trương cho cải tạo đất trên địa bàn huyện Hòa Vang được thông qua.
Điều đáng nói là hầu hết trong số đó đều không có sự tham mưu của cơ quan chủ quản là Sở Tài nguyên – môi trường.
Những tờ trình vượt cấp
Sáng 13-3, ông Phạm Xuân Thu – chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Sở Tài nguyên – môi trường TP Đà Nẵng – cho biết nếu chiếu theo đúng chỉ thị 16 do đích thân chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký ban hành ngày 13-11-2013, quy trình cấp giấy phép được bắt đầu từ các hộ dân làm đơn xin cải tạo đất đồi gửi Phòng tài nguyên – môi trường huyện Hòa Vang.
Từ đây, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang làm tờ trình gửi lên Sở Tài nguyên – môi trường TP. Nhận được tờ trình của huyện, Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát, đánh giá thực trạng cũng như lập hồ sơ khai thác.
Nếu đúng như đề xuất thực tế của địa phương thì giám đốc sở tài nguyên – môi trường tham mưu cho chủ tịch TP có văn bản đồng ý về chủ trương, đồng thời cấp phép cho khai thác.
“Đúng quy trình là vậy. Nhưng trên thực tế, các dự án xin cải tạo đất mà dư luận quan tâm gần đây hầu như không hề trình qua chúng tôi” – ông Thu nói.
Theo tài liệu, riêng trong ngày 26-12-2014, ông Trần Văn Trường – chủ tịch huyện Hòa Vang – có hai tờ trình (số 492 và 493) gửi UBND TP Đà Nẵng với nội dung: UBND huyện Hòa Vang nhận được đơn xin cải tạo mặt bằng đất gò đồi để sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Duy Vinh (16.200m) và của ông Nguyễn Tuấn (14.500m) ở xã Hòa Phước.
Video đang HOT
“Qua kiểm tra nhận thấy khu đất (16.200m) gần tuyến quốc lộ 14G, vách taluy đứng có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến tuyến đường. Do vậy việc xin cải tạo, cắt tầng nhằm giảm nguy cơ sạt lở là cần thiết”. Tờ trình cũng ghi rõ “trong quá trình cải tạo, san gạt mặt bằng sẽ dư đất, nên nhóm hộ ông Nguyễn Duy Vinh xin tận dụng để làm vật liệu san lấp các công trình”.
Ba ngày sau khi nhận được tờ trình, chủ tịch TP Đà Nẵng (ông Văn Hữu Chiến) có công văn (số 11846 và 11847) gửi Sở Tài nguyên – môi trường và huyện Hòa Vang. Nội dung của công văn là đồng ý chủ trương đề xuất của huyện cho phép các nhóm hộ dân nói trên “được cải tạo mặt bằng đất đồi”.
Nhận được công văn đồng ý của ông Văn Hữu Chiến, Sở Tài nguyên – môi trường tiến hành nghiên cứu tài liệu, hồ sơ liên quan.
Đến ngày 26-2-2015, sở có công văn phản hồi gửi UBND TP cho rằng: “Hai khu vực trên không nằm trong khu vực cho phép thăm dò, khai thác đất đồi được TP phê duyệt trước đó. Vị trí dự kiến cải tạo nằm sát quốc lộ 14G, cây cối phát triển tốt. Việc cho cải tạo tại các vị trí trên sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu vực”.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng, kiến nghị TP xem xét dừng việc cải tạo đất tại xã Hòa Phú nhằm tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cải tạo đất để khai thác khoáng sản, vận chuyển làm vật liệu san lấp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.
“Nếu các tờ trình, công văn trên đi đúng trình tự, thủ tục thì không xảy ra những chuyện lùm xùm vừa rồi, đây là những tờ trình vượt cấp” – ông Nguyễn Điểu nói.
Xe tải di chuyển khỏi khu vực đồi gò thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú. Tất cả máy múc đất đã tạm ngưng hoạt động sáng 12-3 – Ảnh: Lê Trung
Dự án nhỏ, không cần tham mưu?
Ông Nguyễn Điểu cho biết theo đúng chỉ thị 16 mà UBND TP ban hành, toàn bộ việc khai thác khoáng sản hay xin cải tạo đất vườn, đồi đều phải thông qua Sở Tài nguyên – môi trường. Tuy nhiên theo ông Điểu, trong các trường hợp vừa rồi “nói trắng ra là phía văn phòng UBND đá trái bóng trách nhiệm qua sở”.
Ông Điểu cho rằng trong số các dự án xin cải tạo đất nói trên, phía Sở Tài nguyên – môi trường có trình lên TP một tờ trình là xin cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác. Nếu doanh nghiệp đó được cấp thì phía sở có trách nhiệm lập hồ sơ, xác định khối lượng, vận chuyển đi đâu… Nhưng khi sở trình lên, văn phòng UBND lại biến tờ trình của doanh nghiệp thành tờ trình của cá nhân, nhóm hộ, rồi giao trách nhiệm cho UBND huyện Hòa Vang làm các thủ tục xúc tiến.
“Như vậy, nếu chiếu theo chỉ thị 16 là hoàn toàn sai. Vì công việc này thuộc về Sở Tài nguyên – môi trường” – ông Điểu nhấn mạnh.
Điều này khác với những gì mà ông Võ Văn Thương – người phát ngôn TP Đà Nẵng – nói với Tuổi Trẻ vào chiều 12-3.
Theo ông Thương, việc ký đồng ý về mặt chủ trương (cho phép cải tạo đất) của chủ tịch TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến là đúng thẩm quyền, đúng quy trình bởi có sự tham mưu hẳn hoi. Ông Thương cho rằng các dự án cải tạo đất này nhỏ về quy mô, nên cấp huyện trình và TP đồng ý, không cần phải có sự tham mưu của Sở Tài nguyên – môi trường.
Theo tài liệu, ngoài hai dự án xin cải tạo đất nói trên, ngày 19-12-2014 UBND TP Đà Nẵng còn có công văn (số 11613) đồng ý theo đề xuất của huyện Hòa Vang cho phép nhóm hộ ông Nguyễn Văn Hải (thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú) xin cải tạo 16.500m đất để sản xuất, phần đất dư dôi vận chuyển làm vật liệu san lấp.
Chỉ năm ngày sau, qua kiểm tra thực tế Sở Tài nguyên – môi trường có công văn kiến nghị dừng ngay việc cải tạo khu đất vì “khu vực cải tạo khá bằng phẳng, cây lâm nghiệp phát triển tốt. Việc cải tạo đất sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu vực”.
Tương tự ngày 30-12-2014, TP Đà Nẵng có công văn đồng ý về chủ trương xin cải tạo 5.584m đất của hộ ông Lê Ích Tiến (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) theo tờ trình của huyện Hòa Vang.
Về vụ này, Sở Tài nguyên – môi trường cũng cho rằng “việc cải tạo đất ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường”, đề nghị không cho phép việc cải tạo nói trên.
Theo ông Trần Văn Dũng – trưởng phòng quản lý khoáng sản và tài nguyên nước (Sở Tài nguyên – môi trường), sở vừa thành lập đoàn đi kiểm tra và phát hiện có đến sáu nhóm hộ, cá nhân được đồng ý về chủ trương cho cải tạo đất, một số đã triển khai. Hiện phải tạm dừng việc cải tạo đất của các hộ này.
“Có gửi cả 2 nơi chứ”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Khoa – trưởng Phòng tài nguyên – môi trường huyện Hòa Vang – nói toàn bộ các tờ trình về cải tạo đất đều được huyện gửi hai nơi, đó là UBND TP và Sở Tài nguyên – môi trường.
Tuy nhiên, khi xem lại nơi nhận ghi trong các tờ trình số 492 và 493 của UBND huyện Hòa Vang, không hề thấy có Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng.
Theo ông Khoa, Sở Tài nguyên – môi trường thường chờ khi nào phía TP có “phiếu chuyển” thì mới đi kiểm tra, nên các hộ dân khi nộp đơn xin cải tạo đề nghị huyện chuyển thẳng đơn lên TP để có ý kiến cho nhanh.
Cần nói thêm, trong hầu hết các tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng, phía chính quyền huyện Hòa Vang (chủ tịch huyện Trần Văn Trường ký) đều cho rằng đó là những khu đất đồi cao, đe dọa sự sạt lở, đất đai cằn cỗi, không thuận tiện cho việc sản xuất, đề nghị cho cải tạo đất.
Thế nhưng qua kiểm tra thực tế thì Sở Tài nguyên – môi trường Đà Nẵng đều cho rằng đó là những khu vực ở địa hình thấp, độ dốc nhỏ, cây lâm nghiệp phát triển tốt… vậy nên đề nghị dừng không được cải tạo.
Theo Tuổi Trẻ
Kiến nghị xử lý 28 doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vi phạm
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các tỉnh xử lý đối với 28 doanh nghiệp có vi phạm, khuyết điểm theo biên bản kiểm tra, xác minh mà cơ quan này và Tổng cục Địa chất- Khoáng sản đã ghi nhận.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý 28 doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vi phạm (Ảnh minh họa)
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh vừa ký văn bản thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo kết luận thanh tra, tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn còn chậm so với kế hoạch phê duyệt; hoạt động rà soát, sửa đổi, bổ sung một số văn bản chưa kịp thời, chất lượng nội dung một số văn bản còn hạn chế, chưa rõ ràng, chưa đồng bộ và chưa phù hợp với Luật Khoáng sản hiện hành.
"Có văn bản ban hành nhưng khó thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, lúng túng trong xử lý, thực hiện như việc thu nộp tiền điều tra, thăm dò, tăng thủ tục hành chính. Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (như Bộ Xây dựng, Bộ Công thương) để xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho khai thác các loại khoáng sản..."- kết luận nêu rõ.
Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ cho rằng hoạt động khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ còn chậm, ảnh hưởng đến hoạt động cấp phép, nguồn thu tiền cấp quyền, phát triển kinh tế-xã hội; chưa thực hiện tốt trong công tác hướng dẫn một số địa phương về khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền tăng nguồn vốn cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo tinh thần Nghị quyết 02/2011 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 535 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Trước mắt tập trung vốn để hoàn thành công tác điều tra cơ bản địa chất hàng năm, đánh giá một số đề án của Chính phủ như than đồng bằng sông Hồng, thăm dò quặng urani Pà Lừa - Pà Rồng đã phê duyệt.
Các bộ ngành địa phương trong toàn quốc có liên quan tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác lập, phê duyệt các quy hoạch, khoanh vùng khoáng sản, vùng nguyên liệu, đảm bảo nguyên tắc có vùng nguyên liệu mới phê duyệt dự án đầu tư về chế biến. Trong hoạt động cấp phép đảm bảo nguyên tắc đủ vùng nguyên liệu cho chế biến sâu theo mục tiêu chiến lược khoáng sản đã phê duyệt tại Quyết định 2427/2011 của Thủ tướng Chính phủ, như việc cấp phép thuộc vùng nguyên liệu chì-kẽm khu vực Bó Pia, Pù Quéng, Khuổi Giang, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho Nhà máy chế biến sâu chì-kẽm công suất 31.000 tấn/năm tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, các trường hợp thuê đất vượt giấy phép, các trường chưa tiến hành thuê đất nhưng đã có hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có giải pháp tích cực truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp theo quy định.
"Rà soát lại các giấy phép khoáng sản, kiên quyết thu hồi đối với các mỏ có vi phạm các quy định về thu hồi giấy phép theo Luật Khoáng sản hiện hành; gia hạn hoặc làm thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản đối với giấy phép hết hạn; xử lý theo thẩm quyền và phối hợp với UBND các tỉnh xử lý đối với 28 doanh nghiệp có vi phạm, khuyết điểm theo biên bản kiểm tra, xác minh mà Thanh tra Chính phủ và Tổng cục Địa chất- Khoáng sản đã ghi nhận"- kết luận thanh tra viết.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong phân giao nhiệm vụ xác định, tính tiền điều tra thăm dò....
Thế Kha
Theo Dantri
Có một "vương quốc tỏi" Lý Sơn trong đất liền! Hơn 30 năm trước, có một người dân Lý Sơn đã xuống thuyền vượt biển vào đất liền tìm đất trồng tỏi. Sau nhiều năm lang bạt khắp vùng ven biển Việt Nam, ông đã phát hiện một vùng đất "khác lạ" để khai sinh ra một "vương quốc tỏi" Lý Sơn trong đất liền! Nhiều người đã ví von gọi ông là...