Dùng bằng giả, “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ nói lỗi do… vô ý
Khi đại diện Viện Kiểm sát công bố các bút lục liên quan đến việc sử dụng bằng đại học giả, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng, việc bằng tốt nghiệp đó vẫn có trong các giấy tờ là sai do… các cơ quan chức năng”. Ông Hệ nói do phòng Chính trị kê khai hộ và cho rằng đây là lỗi “vô ý”.
Phiên xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm chiều 30/7 tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7 thực hành quyền công tố tại tòa và các luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Bị thẩm vấn quanh tấm bằng đại học giả, “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ khẳng định, đến năm 2005 ông mới biết đó là bằng giả và từ đó không sử dụng nữa, không đưa vào hồ sơ.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ.
Vặn lại, đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi, tại sao trong hồ sơ của bị cáo lại có những bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân được chứng thực sau năm 2005, đó là các năm 2007, 2010, 2012 và một số khai trong lý lịch Đảng viên, phiếu Đảng viên đều có.
Đại diện Viện Kiểm sát ngay sau đó đã công bố rõ các bút lục liên quan. Theo đó, bằng tốt nghiệp của bị cáo Hệ số hiệu B153048 được chứng thực sao đúng với bản chính, số chứng thực 45114 quyển số 17 ngày 16/11/2007 do Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé ký.
Bằng tốt nghiệp đại học số hiệu B153048 tiếp tục được chứng thực sao đúng với bản chính ngày 9/8/2010 do Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình ký. Bằng tốt nghiệp này của bị cáo Hệ do Cục Quân lực cung cấp.
Bảng điểm do Hiệu trưởng trường Kinh tế Quốc dân ký được chứng thực bản sao đúng với bản chính số hiệu 42042 ngày 9/10/2012 do Phó Chủ tịch UBND P. Bến Nghé ký.
Tại lý lịch Đảng viên của Đinh Ngọc Hệ khai đã qua các trường ĐH Kinh tế Quốc dân ngành học Quản trị kinh doanh từ năm 1996-2000. Trong lý lịch ký năm 2012, Đinh Ngọc Hệ ghi: “Tôi cam đoan đã khai đầy đủ, rõ ràng và chịu trách nhiệm trước Đảng về những nội dung đã khai trong lý lịch”.
Tại phiếu Đảng viên của Đinh Ngọc Hệ khai tại mục 23 ghi rõ học trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngành học Quản trị kinh doanh 1996-2000, cùng cam kết lời khai đúng sự thật.
Từ việc công khai các bút lục trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét về những thông tin VKS vừa nêu, đánh giá đúng chứng cứ.
Video đang HOT
Đáp lại đại diện VKS, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định, từ năm 2005 bị cáo đã không dùng bằng giả đó nữa, còn việc vẫn có bằng giả trong các giấy tờ là sai do… các cơ quan chức năng. Theo trình bày của bị cáo Hệ, bị cáo nhờ phòng Chính trị kê khai hộ và bị cáo ký nên không thể lỗi bị cáo, đồng thời cho rằng đây là lỗi “vô ý”.
HĐXX truy vấn: “Nếu không có bằng đại học này thì bị cáo không được nâng lương, lên quân hàm không?”. Bị cáo Hệ tiếp tục cho rằng, nếu không do các cơ quan chức năng thì đến năm 2014 bị cáo đã có bằng đó rồi.
“Tại thời điểm bị cáo được nâng lương từ 2010-2013, nếu không có bằng đại học này thì bị cáo có được biên chế không?” – tòa vặn hỏi. Bị cáo Hệ khẳng định vẫn được, sau này Uỷ ban Kiểm tra vào bị cáo mới biết các cơ quan chức năng kê sai chứ không phải bị cáo cố tình kê sai.
“Bị cáo là cán bộ, sĩ quan, khi ký tên, xác nhận vào lý lịch Đảng viên, kể cả nhờ cán bộ chính trị viết thì bị cáo cũng phải chịu trách nhiệm với chữ ký và lời khai của mình.” – Chủ tọa phiên tòa nghiêm nghị nói và khẳng định, nhận thức của bị cáo đó là sự vô ý nhưng từ những việc làm và xác nhận của bị cáo trong lý lịch đã trả lời cho trách nhiệm của bị cáo trong việc sử dụng bằng.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Xét xử vụ "Út trọc": Lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội để kinh doanh
Bắt đầu từ sáng 30/7, tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa công khai xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ, tức "Út trọc", cùng các đồng phạm.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử sáng nay (30/7)
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị đưa ra xét xử về 2 tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Cùng bị đưa ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" còn có 3 bị cáo: Trần Văn Lâm (nguyên TGĐ điều hành Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng), Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) và Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân).
Riêng Đại tá Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Dự kiến, phiên tòa xét xử sẽ được diễn ra từ 7h30 ngày 30/7 đến hết ngày 31/7.
An ninh phiên tòa được thắt chặt. Các phóng viên phải qua cửa kiểm tra an ninh và được bố trí tác nghiệp tại một phòng riêng, theo dõi phiên tòa qua tivi.
Sau phần thủ tục phiên tòa, 8h30, đại diện Viện Kiểm sát quân sự công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.
Hội đồng xét xử vụ "Út trọc"
Rút vốn ảo khỏi công ty cổ phần
Theo cáo trạng được công bố, Đinh Ngọc Hệ là người có vai trò khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn thực hiện tội phạm. Biết Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng có chủ trương mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ lúc đó là Phó trưởng phòng kinh doanh Tổng Công ty Thái Sơn đã trao đổi với Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư để đề nghị Ban Tổng Giám đốc cho thành lập pháp nhân mới. Pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ - con.
Ngày 5/8/2009, Đại tá Phùng Danh Thắm (TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn) đã ký quyết định về việc đầu tư góp vốn, ủy quyền cho Cung Đình Mạnh là người đại diện vốn của cổ đông, quản lý 30% cổ phần; Đinh Ngọc Hệ là người đại diện vốn của cổ đông, quản lý 21% cổ phần vốn điều lệ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho pháp nhân mới là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn. Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Thái Sơn góp 51% cổ phần, tương đương 10,2 tỷ đồng nhưng cho các cổ đông nợ, khi công ty cổ phần kinh doanh có lãi thì dùng lợi nhuận được chia để góp vốn. Hai người quen của Đinh Ngọc Hệ góp 49% cổ phần, tương đương 9,8 tỷ đồng.
Tháng 9/2011, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là Tổng giám đốc công ty, người đại diện theo pháp luật.
Tháng 11/2012, Tổng Công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8/2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần cho bà Lê Thị Thảo (trú tại TP.HCM, người quen của Đinh Ngọc Hệ). Tháng 10/2017, Tổng Công ty Thái Sơn chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại cho ông Trần Hoài Nam (trú tại TP.HCM) thu được số tiền 1,2 tỷ đồng.
Mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của công ty con là của cá nhân; mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ. Khi Tổng công ty đã rút 31% vốn nhưng phía công ty con vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.
Tổng Công ty Thái Sơn không góp vốn, đến tháng 10/2017 khi chuyển nhượng hết vốn, Tổng Công ty Thái Sơn vẫn chưa góp vốn cổ đông. Việc chuyển nhượng vốn cho bà Thảo, ông Nam chỉ là thủ tục để phía Tổng Công ty rút vốn ảo ra khỏi công ty cổ phần.
Mua bằng tốt nghiệp đại học giả
Trong thời gian từ năm 2011-2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, đồng thời lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia...
Đinh Ngọc Hệ còn chỉ huy cấp dưới ký tờ trình đề nghị xin mua xe bằng vốn tự có, đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A, sau đó sử dụng trái pháp luật; chỉ đạo việc tổ chức việc sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho những người khác sử dụng trái quy định, hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định, Đinh Ngọc Hệ giữ vai trò chủ mưu, chỉ huy và phải chịu trách nhiệm chính. Ngoài ra, bị cáo Hệ bị phát hiện mua một bảng điểm và một bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân giả đưa vào hồ sơ để phục vụ việc được nâng lương, chuyển nhóm lương, bổ nhiệm, phong quân hàm.
Đối với các đồng phạm trong vụ án, khi lập doanh nghiệp lấy tên là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Đinh Ngọc Hệ đã cử Trần Văn Lâm làm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này bị Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện có hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng. Ngày 17/7/2014, theo chỉ đạo của bị cáo Hệ, bị cáo Lâm đã ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương, mạo nhận là "doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng" để xin không xử phạt.
Bị cáo Lâm sau đó cùng bị cáo Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng gửi, giữ xăng dầu và các tài liệu nhằm hợp thức số xăng trên là của Sư đoàn 367, không phải xăng bán ra thị trường. Hành vi này đã lừa dối các cơ quan chức năng Bình Dương để không bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước gần 1,5 tỷ đồng.
Trên cương vị Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Đại tá Phùng Danh Thắm đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Ông Thắm không phát hiện được việc ông Hệ sử dụng nhiều ô tô biển quân sự, biển xanh để thế chấp, cho thuê, giao cho những người ngoài xã hội sử dụng trái quy định. Ông Thắm cũng không biết việc nhóm các bị can trên làm giả hợp đồng, tài liệu, văn bản, mạo nhận số xăng kém chất lượng là của quân đội.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Vụ Út "trọc": Luật sư đề nghị cựu chủ tịch tỉnh Bình Dương có mặt Trong phần các luật sư (LS) tham gia xét hỏi các bị cáo trong vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), một vị LS đã nói rất cần thẩm vấn đối với ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để làm rõ những vấn đề liên quan trong vụ án. Bị cáo Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ tại tòa...