Dùng 5 điện thoại, kẻ có 2 lệnh truy nã vẫn bị bắt
Bị Công an tỉnh Nghệ An truy nã về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong trong quá trình trốn chạy, Nguyễn Hữu Vinh tiếp tục bị Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù hết sức khôn ngoan và xảo quyệt, nhưng Vinh đã bị các chiến sĩ của Đội 1, Phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm phát hiện và bắt giữ đúng vào lúc mà y không ngờ nhất.
Kẻ lừa đảo mang danh thầy giáo
Một ngày giữa tháng 6-2012, Phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm đón tiếp 2 chiến sĩ của Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa với yêu cầu được giúp đỡ bắt giữ đối tượng đang có lệnh truy nã Nguyễn Hữu Vinh.
Mặc dù đã theo dấu đối tượng khá lâu nhưng do Vinh là một kẻ khôn ngoan và có nhiều chiêu thức đối phó với cơ quan điều tra, hành tung của Vinh lại xuất hiện từ trong Nam ra ngoài Bắc nên các trinh sát của Văn phòng điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa chưa thể tiếp cận được y. Nhân thân của Nguyễn Hữu Vinh lập tức được các cán bộ của đội 1 Phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiếp cận. Vinh sinh năm 1959 tại Hưng Nguyên – Nghệ An. Nếu chỉ nhìn vào bản lý lịch của Vinh không ai nghĩ y lại có tới 2 lệnh truy nã.
Năm 1982, Vinh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh và được giữ lại trường làm giảng viên khoa Văn. Năm 1987, Vinh vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp (Đồng Tháp) và 10 năm sau, Vinh quay trở lại làm giáo viên của trường Đại học Sư phạm Vinh. Không ai có thể ngờ, một người đã từng có gần 30 năm đứng bục giảng như Vinh lại có thể phạm liền một lúc hai tội nghiêm trọng như vậy. Ngay cả khi Công an Thanh Hóa ra lệnh truy nã Vinh, vợ của một cán bộ điều tra (từng là học trò của Vinh) đã hỏi chồng mình rằng: Liệu các anh có đổ oan cho người tốt không, bởi trong mắt chị, Nguyễn Hữu Vinh là một người thầy hết sức nghiêm túc và đứng đắn.
Với bản chất lừa đảo, lại đã từng là giảng viên khoa Văn, có tài khéo ăn khéo nói thuyết phục người khác,Vinh nhiều lần trở về các tỉnh lân cận quanh Nghệ An, Thanh Hóa để tìm cách lừa đảo. Y tự nhận mình là một người có quan hệ rộng, quen biết với nhiều sếp to, Vinh đã dụ dỗ chị Nguyễn Thị N (thị trấn Nhồi, Đông Sơn, Thanh Hóa) đưa cho y 700 triệu đồng để chạy dự án cho công ty của chị N làm con đường tại xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa và Dự án san lấp 2 triệu m3 đất tại mặt bằng nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Khu công nghiệp Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền của khổ chủ, Vinh đã cao chạy xa bay. Còn người bị hại không còn cách nào khác là phải đến cơ quan công an để vạch mặt hành vi lừa đảo của kẻ này.
Biết mình đang bị cơ quan công an phát lệnh truy nã nên mọi hoạt động của Vinh đều hết sức thận trọng. Vinh sử dụng một lúc tới 5 chiếc điện thoại. Theo nguồn tin của các trinh sát, Vinh sẽ từ Bình Dương ra Hà Nội để tiếp tục đóng vai một người có quan hệ rộng có thể chạy dự án để lừa đảo. Tuy nhiên, phút cuối Vinh lại cử người khác ra Hà Nội thay mình, còn bản thân y thì đi về giữa 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và liên tục thay đổi số điện thoại. Sự khôn ngoan của Vinh khiến cho các trinh sát của Văn phòng điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa không thể xác định được vị trí mà Vinh sẽ xuất hiện.
Không thể trốn thoát
Trên đường “hành quân” vào Nghệ An, các trinh sát của đội 1, Phòng 4 Cục Cảnh sát truy nã tội phạm xác định được một nguồn tin hết sức quan trọng. Vinh có một người vợ bé tên là Ngô Thị P (SN 1984) hiện đang ở Thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An. P từng là học trò của Vinh và có một người con chung với Vinh. Bản thân P là đối tượng không nghề nghiệp nhưng lại rất mê cờ bạc và số đề. Các trinh sát nhận định, rất có thể khi di chuyển ra Nghệ An, Vinh sẽ tới nhà của người vợ bé này. Những phương án tiếp cận nhà của P đã được đưa ra và bàn bạc kỹ. Tuy nhiên qua nắm tình hình, các trinh sát lại xác định P không có mặt ở nhà bố mẹ đẻ và bản thân bố mẹ của P hiện cũng không biết P hiện nay đang ở đâu.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định Vinh hiện vẫn đang có mặt tại huyện Diễn Châu cùng P, tuy nhiên đối tượng ở cụ thể tại đâu thì vẫn còn là một câu hỏi lớn. Để tìm dấu vết của Vinh và P, trong 2 ngày các chiến sỹ của Phòng 4 và Công an Thanh Hóa đã chia thành nhiều mũi xác minh tất cả các khách sạn và nhà nghỉ trên địa bàn huyện Diễn Châu, tuy nhiên vẫn không có bất kỳ thông tin gì về Vinh.
Video đang HOT
Kiên trì rà soát và nắm thông tin, cuối cùng các anh cũng xác định được địa điểm mà Vinh và P đang sinh sống là tại làng Yên Tiên, xã Yên Kỳ, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Tuy nhiên, do P không phải là người gốc ở đây nên để tìm được địa điểm ẩn náu của Vinh là rất khó. Các trinh sát chỉ còn một cách là chốt chặn các lối vào ra trong làng để xác định Vinh theo thông tin nhận dạng. Chiều 18-6-2012, các trinh sát phát hiện một chiếc xe ô tô từ trong phía làng Yên Tiên đi ra.
Theo linh cảm nghề nghiệp, các anh phán đoán rất có thể đối tượng truy nã đang ở trên chiếc xe này. Các biện pháp xác định đối tượng đã được tính toán rất nhanh. Theo đó, các trinh sát vờ tạo ra một vụ va chạm ở trên đường để buộc đối tượng phải dừng xe để có cơ hội tiếp cận và xác định đối tượng ngồi trong xe có phải là Nguyễn Hữu Vinh hay không? Tuy nhiên một tình huống bất ngờ đã xảy ra, trong chiếc xe ô tô, ngoài Nguyễn Hữu Vinh còn có một cháu nhỏ là con của Vinh và P. Để đảm bảo an toàn cho cháu bé ở trong xe, các trinh sát đã quyết định tiếp tục bám theo Vinh mà không bắt y luôn lúc này. Thời cơ cuối cùng đã tới khi Vinh gửi con ở nhà người quen và vào ngân hàng để giao dịch. Nhìn thấy các trinh sát xuất hiện từ nhiều phía, Vinh cúi đầu và ngoan ngoãn tra tay vào còng. Hắn hiểu rằng những ngày tháng tự do đã kết thúc.
Theo ANTD
Chàng sinh viên ngồi xe lăn làm tình nguyện
Dưới cái nắng như đổ lửa của thành Vinh, Tứ vẫn miệt mài với chiếc xe lăn, nhiệt tình hướng dẫn các thí sinh dự thi đại học.
Tuổi thơ bất hạnh
Phan Huy Tứ (SN 1986), cựu sinh viên của khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Đại học Vinh đã có 2 năm tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi. Hình ảnh chàng sinh viên ngồi xe lăn nhiệt tình hướng dẫn các thí sinh, phụ huynh từ quê lên thành phố đi thi đã quá quen thuộc với mọi người trong những ngày này.
Tứ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh em ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Khi em 1 tuổi, trong một lần Tứ lên cơn sốt, gia đình đưa Tứ đi bệnh viện chữa trị nhưng em đã không khỏi mà còn bị liệt 2 chân, cánh tay cũng bị dị tật. Tuổi thơ của Tứ là những chuỗi ngày buồn không nói hết. Lên 3 tuổi, nhìn bạn bè cùng trang lứa chơi đùa vui vẻ mà mình ngồi bệt một chỗ, không di chuyển được, Tứ buồn tủi lắm. Mọi sinh hoạt của Tứ đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ và các anh, chị. Đến tuổi đi học, các bạn rủ nhau tung tăng tới trường, còn Tứ vẫn làm bạn với chiếc giường ọp ẹp và miếng chiếu rách.
Sinh viên tình nguyện Phan Huy Tứ.
Có lần Tứ đòi đi học nhưng bố mẹ không cho vì sức khỏe yếu, lại không đi được. Sự hiếu động của trẻ con cộng với lòng ham muốn được đi học nên nhiều lần thấy anh chị học bài, Tứ lại mon men tới gần xem anh chị học. Thấy anh không biết chữ mà cũng đến xem, thằng Nghiêm, em út trong nhà thường chế giễu anh bằng cách đố Tứ các câu hỏi về một con chữ hay phép tính. Vì không học nên tất cả các câu hỏi cậu em đưa ra Tứ đều bó tay. Là anh trai nhưng bị em cười chọc, Tứ buồn và tự ái. Thế rồi, Tứ mang những câu hỏi đứa em hỏi lại hai người anh của mình. Được sự giúp đỡ, Tứ đã trả lời hết mọi câu hỏi của thằng em hiếu thắng.
Nghị lực của cậu học trò nghèo tật nguyền
Càng ngày Tứ càng tiến bộ, từ chỗ không biết chữ, dần dần chữ nghĩa trong sách Tứ đều đọc được. Rồi những phép tính cộng, trừ, nhân, chia, Tứ đều hỏi anh, mày mò đọc sách và hiểu hết. Một lần Tứ đang ngồi đọc sách ở trong nhà thì thầy Phan Huy Xương (Nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cũ), hàng xóm với gia đình nhà Tứ, đi ngoài đường nghe tiếng đọc.
Thầy thấy tò mò vì nghĩ gia đình Tứ đi làm hết còn mỗi Tứ ở nhà, làm sao có tiếng đọc sách được. Vào đến nơi thầy vô cùng ngạc nhiên khi thấy em đang ngồi trên giường đọc sách vanh vách. Năm đó Tứ 12 tuổi.
Phan Huy Tứ (ngoài cùng bên trái) cùng đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tại cổng trường Đại học Vinh.
Cảm phục trước nghị lực của cậu bé tàn tật, thầy Xương đã gửi đơn đề nghị lên trường Tiểu học xã Thạch Châu cho Tứ đặc cách học và được thi tốt nghiệp tiểu học. Khi được nhà trường đồng ý, Tứ và gia đình vô cùng mừng rỡ. Tuy nhiên cũng không kém phần lo lắng vì Tứ không được đi học cho nên cuộc thi này được xem như là một thử thách lớn nhất từ trước tới nay đối với Tứ.
Đến ngày báo điểm thi, cậu và mọi người ai cũng ngỡ ngàng khi em đạt 15,5 điểm với hai môn Văn, Toán.
Đậu cấp 2 là niềm vui mừng không riêng gì Tứ mà còn cả gia đình người thân của cậu bé tàn tật. Tuy nhiên, một điều nan giải đặt ra là khi đi học ai sẽ đưa Tứ đến trường khi bản thân em không tự đi được. Thầy Xương lại tới phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Thạch Hà xin cho Tứ một chiếc xe lăn.
Những ngày đầu bước chân tới trường Tứ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được bạn bè, thầy cô giúp đỡ nên em quyết tâm theo học đến nơi đến chốn. Người dân xã Thạch Châu đã quá quen thuộc với hình ảnh cậu bé Tứ người nhỏ thó hằng ngày dù nắng hay mưa vẫn đều đặn ngồi trên chiếc xe lăn tới trường. Năm học đầu tiên do chưa nắm vững kiến thức nên việc học của Tứ rất trầy trật.
Mặc dù Tứ vẫn làm đúng đáp án nhưng lại không biết triển khai cách làm bài như thế nào cho đúng phương pháp. Chính vì vậy cuối năm học lớp 6, cậu chỉ xếp học lực loại trung bình. Tuy nhiên, dần dần Tứ cũng tiến bộ. Sang lớp 8 cậu đã vươn lên đứng đầu lớp, đạt học sinh giỏi toàn diện.
Có được kết quả như hôm nay, Tứ bảo không bao giờ quên được những ngày gian khổ.
Tốt nghiệp cấp 2, Tứ quyết định thi vào trường THPT Mai Thúc Loan gần nhà. Tại đây Tứ được chọn vào học lớp chuyên Toán của trường. Tiếp tục trong 3 năm học này, Tứ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Năm 2006, Tứ tốt nghiệp và nộp hồ sơ thi đại học vào ngành CNTT, Đại học Vinh nhưng không đỗ. Không nản chí, năm 2007 một lần nữa Tứ nộp hồ sơ vào đây và lần này may mắn đã mỉm cười với cậu học sinh tàn tật đầy nghị lực.
Hè vừa rồi Tứ đã tốt nghiệp Đại học. Cầm tấm bằng loại khá, Tứ nói: "Khi còn đi học em cũng đã làm thêm cho nhiều nơi nhưng không ổn định. Giờ đây tốt nghiệp rồi, em rất mong mình kiếm được một việc làm ổn định để phần nào giúp đỡ bố mẹ già ở quê. Đặc biệt em rất muốn được nhận vào làm ở một tờ báo điện tử phụ trách mảng chuyên môn của mình. Bây giờ nghĩ lại, em thấy cuộc đời cũng thật diệu kỳ. Mất đi đôi chân, nhưng còn đôi tay em vẫn còn làm việc được. Em chọn ngành CNTT chính là mong muốn sau này đôi tay còn làm được nhiều điều để không phụ lòng những công lao mà gia đình, người thân, bạn bè mong đợi".
"Tiếp sức mùa thi" trên xe lăn
Nghị lực vượt khó làm nên điều kỳ lạ ở cậu học trò nghèo. Đặc biệt hơn khi em ngồi trên chiếc xe lăn cùng bạn bè tham gia chiến dịch tình nguyện "Tiếp sức mùa thi".
Những sinh viên tình nguyện với thân hình lành lặn đã khó, với Tứ việc đó lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, những ai đến cổng trường đại học Vinh vào những ngày này sẽ thấy một người ngồi trên xe lăn, hướng dẫn tận tình các em thí sinh đi thi, thì đó là chàng sinh viên tình nguyện tàn tật Phan Huy Tứ. Trên chiếc xe lăn cũ kỹ, Tứ vẫn nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn thí sinh, phụ huynh một cách tận tình, ân cần.
Đây là năm thứ 2, Tứ tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi" do đoàn trường Đại học Vinh tổ chức. Em nói: "Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009, em tham gia tình nguyện lần đầu. Năm 2010 do sức khỏe yếu, không tham dự được nên em rất buồn. Mùa hè năm nay đã là sinh viên năm cuối, em đã xin phép bố mẹ được ở lại trường để tham gia chương trình".
Tứ cùng đội trưởng đội tình nguyện xe lai miễn phí, Cao Mạnh.
Tứ chia sẻ, tiếp sức mùa thi là mong ước nhưng cũng như là "cái nợ" em cần phải trả. Thời học cấp 3, nếu không có bạn bè cõng mỗi ngày 4 lần lên xuống từ tầng 1 lên tầng 3 thì có lẽ em đã không có đươc như ngày hôm nay. Chính những hành động và những lời động viên chân thành đã giúp em vượt qua tất cả. Không những thế, năm đầu tiên em đi thi đại học em vẫn không quên được hình ảnh các anh chị tình nguyện đã giúp đỡ em quá ân cần, chu đáo. Em "nợ" các anh chị tình nguyện rất nhiều".
Nói về chàng sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đặc biệt này, tình nguyện viên Cao Mạnh, đội trưởng đội tình nguyện xe lai miễn phí Đại học Vinh cho biết: "Tứ là một người rất nhiệt tình. Mặc dù phải ngồi xe lăn, nhà trọ cách điểm tiếp sức mùa thi hơn 2km nhưng Tứ vẫn tích cực tham gia làm tình nguyện viên tiếp sức mùa thi. Đó là một việc làm rất cảm động. Trời nắng nóng đến 39 - 40 độ C, mồ hôi nhễ nhại, Tứ vẫn nhiệt tình tư vấn, chỉ đường cho các sĩ tử và phụ huynh. Tứ là một tấm gương sáng cho mình và các bạn khác noi theo".
Theo BĐVN
Một thí sinh khuyết tật được đặc cách vào thẳng đại học Sáng 3/7, trong lúc làm thủ tục dự thi cho các thí sinh, Hội đồng thi trường Đại học Vinh đã phát hiện trường hợp của em Lê Đình Thành, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Vinh) bị khuyết tật vận động. Nhà trường đã hội ý, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời có buổi...