Dùng 4.500 tỷ đồng vốn vay ODA cấp cho 2 ngân hàng?
Chỉ còn 9 ngày nữa là kết thúc năm 2016 nhưng Chính phủ lại trình UB Thường vụ Quốc hội xin điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm nay. Trong số 14.000 tỷ đồng đề xuất bổ sung thêm, Chính phủ đề nghị dùng 4.500 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Sáng 22/12, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 do Chính phủ trình ra.
Tờ trình do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày nêu rõ, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Đến tháng 11 các bộ ngành địa phương mới giải ngân đạt 74,9% kế hoạch, nhiều nơi không có khả năng giải ngân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong hoạt động điều hành khi nhiều năm qua việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước chậm, chưa sát thực tế vẫn chưa khắc phục được.
Chính phủ dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.800 tỷ đồng đồng thời đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là trên 14.200 tỷ.
Trong đó kế hoạch đó, Chính phủ đề xuất dành khoản tiền để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trên 1.780 tỷ đồng) và Ngân hàng Chính sách xã hội (2.700 tỷ đồng).
Video đang HOT
Thẩm tra nội dung này, nhiều ý kiến trong Thường trực UB Tài chính – Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Vì thế, việc bố trí cấp vốn điều lệ để hai ngân hàng này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao là cần thiết.
Hơn nữa, phần vốn cấp cho hai ngân hàng cũng nằm trong hạn mức vốn dự kiến bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho hai ngân hàng hay không. Theo cơ quan thẩm tra, nếu đảm bảo điều kiện đó mới có thể trình để xử lý được.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, các hiệp định vay vốn nước ngoài năm 2016 đã được ký kết gắn với nhiệm vụ của từng chương trình, dự án cụ thể nên việc điều chỉnh này là chưa bảo đảm tuân thủ các hiệp định đã ký kết và các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Do đó, cần cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn này để bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách. Đề nghị bố trí nguồn vốn này cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn. Việc cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng trên cần bố trí vào kế hoạch trung hạn đến 2020.
“Bổ sung vốn cho hai ngân hàng không có trong dự toán thì chi số tiền đó có hợp Hiến không? Nếu không có dự toán thì không được chi mà chỉ được ứng” – Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, với trên 44.000 tỷ đồng nguồn của các chương trình dự án, vốn của dự án nào thì giải ngân cho dự án đó, ghi thu ghi chi cho từng dự án thì không thể lấy để cấp cho hai ngân hàng chính sách.
Nguồn thứ hai của vốn nước ngoài là hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho ngân sách Nhà nước của chương trình biến đổi khí hậu và phát triển giáo dục đại học trên 5.000 tỷ. Nguồn này chỉ còn 1.300 tỷ của chương trình biến đổi khí hậu, nếu có sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp thì tối đa cũng chỉ được 1.300 tỷ chưa phân bổ này, nhưng khi chương trình này thực hiện thì lại phải bù.
Ông Hà cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng nguồn này đã được cân đối vào ngân sách năm 2017 và khó có thể rút vốn năm 2016.
Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư đáp lại, dù số tiền chi cho hai ngân hàng chưa có trong dự toán. Tuy nhiên, nếu được UB Thường vụ Quốc hội cho phép, việc cấp vốn này vẫn là phù hợp vì khoản tài trợ nói trên của WB không ràng buộc chi cho khoản nào, mà Chính phủ được toàn quyền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính để xử lý việc cấp vốn cho hai ngân hàng đúng luật. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, 9 ngày nữa là hết năm mà Chính phủ mới trình điều chỉnh vốn nước ngoài là chậm, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành.
P.Thảo
Theo Dantri
Thống đốc Lê Minh Hưng làm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội
Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định về nhân sự tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS&XH) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCS&XH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB (thay ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý VDB, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6/2016).
Thủ tướng quyết định ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB, thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB, thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB.
Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB, thôi giữ chức thành viên Hội đồng Quản lý VDB.
Theo Bích Diệp (Dân trí)
Thống đốc Lê Minh Hưng làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định về nhân sự tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thống đốc Lê Minh Hưng Cụ thể, tại Quyết định 979/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức...