Đùm cơm nắm, bánh mỳ lên núi đào đá mong đổi đời
Nhiều người dân ở Lục Yên, Yên Bái làm nghề đào đá hơn 10 năm nay. Có người gặp may, bán được viên đá lên tới cả tỷ đồng nhưng cũng có người phải bỏ nghề.
Gọi xe ôm đưa lên bãi đá gần trung tâm huyện Lục Yên nhất, chúng tôi bắt gặp những người đi đào đá lác đác từ trên núi trở về.
Con đường dẫn vào bãi Thái, đá lởm chởm đầy đường, thỉnh thoảng bắt gặp những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, đường dốc.
Người lái xe ôm cho biết, từ chân bãi lên đến điểm đào đá khoảng 4km, nhưng đi xe máy phải mất từ nửa tiếng đến một tiếng mới lên tới nơi vì đường dốc, khá khó đi.
Bãi Thái là bãi đá đã được khai thác lâu đời và dễ đi nhất trong số các bãi đá quý đang được người dân khai thác ở huyện Lục Yên.
Mới đây, khi tin đồn một người dân đào được viên đá thô giá 3,8 tỷ đồng ở bãi Bưởi lan ra, người dân tứ xứ lại kéo nhau lên núi đào đá với hi vọng đổi đời sau một đêm.
Biển cảnh báo dưới chân một bãi đá.
Lục Yên nổi tiếng là vùng đất đá quý từ đầu những năm 90. Nghề đào đá và buôn đá cũng xuất hiện từ ngày đó. Nếu như những tin đồn đào được viên đá hàng tỷ đồng thỉnh thoảng rộ lên khiến dân nghiệp dư kéo lên theo mùa vụ thì cũng có nhiều người dân nơi đây là dân đào đá chuyên nghiệp.
Anh Hoàng Văn Chiến (sinh năm 1985) là người chuyên đi săn tìm đá quý đã 16 năm nay. Sinh ra và lớn lên ở Lục Yên, anh Chiến bước chân vào nghề đào đá từ khi học hết phổ thông.
Chỉ trừ những thời điểm mưa nhiều, không đào được đá, anh Chiến sẽ lên Hà Nội làm nhôm kính, lái xe, còn lại công việc chính của anh là đào đá.
Anh Chiến chia sẻ, anh vừa mới đi khảo sát một bãi đá cách trung tâm huyện tới 60-70km. Cách đây vài ngày, anh cũng vừa mới bán được một viên đá thô có giá 130 triệu đồng.
‘Đó cũng là viên đá có giá trị lớn nhất mà mình kiếm được’ – anh Chiến chia sẻ.
‘Công việc có vất vả nhưng vì làm tự do nên mệt thì nghỉ. Hôm nào trời mưa, không làm được anh cũng nghỉ ở nhà’.
Thỉnh thoảng có tin đồn rộ lên là dân tứ xứ lại kéo nhau lên bãi đào đá rất đông.
Những hôm nắng ráo, anh Chiến bắt đầu ngày làm việc của mình từ 6-7 giờ sáng. Anh xuất phát với đầy đủ dụng cụ thô sơ cùng chiếc balo mang theo đồ ăn, nước uống.
‘Tôi đọc trên mạng thấy bảo trên các bãi đá người ta bán đồ ăn giá cắt cổ, nhưng thực tế không phải thế. Chẳng có ai bán đồ ăn trên đó cả. Chúng tôi phải mang theo cơm, nước uống, mỳ tôm, đồ khô để ăn trưa’.
‘Hầu hết mọi người sáng đi tối về, nhưng cũng có một số ít ở lại để làm đêm. Họ thích làm đêm vì ban đêm ít người làm, tha hồ chọn khu vực đào đá, không phải cạnh tranh với ai. Sáng ra, mọi người lên đào thì người ta đã về rồi’.
Anh Chiến cũng cho biết, với những bãi đá xa cách 4-5 giờ đi xe máy, thỉnh thoảng anh ở lại làm dăm ba hôm mới về một lần.
‘Hầu như những người đi đào đá là thanh niên, hi hữu cũng có ông già 60-70 tuổi vẫn lên đào. Nhưng họ đều là những người còn rất khoẻ mạnh’, anh nói.
Dân đào đá tự mang đồ ăn, nước uống đi để ăn trưa
Lót bạt, lá chuối để có chỗ nghỉ trưa tạm bợ
Người đàn ông này cũng cho biết, hơn chục năm đi đào đá, anh chứng kiến nhiều lần người ta bán được vài trăm triệu một viên đá thô. Trường hợp tiền tỷ cũng có nhưng ít hơn. ‘Mình đào được đá quý là dân buôn người ta biết ngay, người ta tự tìm đến hỏi. Còn với những viên thông thường từ vài triệu tới vài chục triệu thì mình có thể tự gọi cho người ta. Nếu bán cho người quen, khi người ta bán được giá cao thì có ra lộc cho mình một ít. Với người lạ thì người ta bán được bao nhiêu mình cũng không biết’.
Cả nghề đào đá lẫn buôn đá đều phụ thuộc rất nhiều vào may rủi. Thông thường, khi đào được những viên đá thô có dấu hiệu đá quý bên trong, dân buôn sẽ trả giá.
Có những lúc viên đá được mua với giá vài triệu tới vài chục triệu đồng, khi đập ra có nhiều đá tốt, dân buôn có thể bán được đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ. Nhưng ngược lại, nếu bên trong không có nhiều đá như họ đánh giá, họ có thể không thu đủ vốn.
Với những viên đá có nhiều dấu hiệu tốt, dân đào đá cũng có thể tự đập ra ngay với hi vọng sẽ bán được giá tốt nhất thay vì bán rẻ cả viên đá thô. ‘Chưa đập, có người trả vài chục triệu không bán. Đập ra, nhiều khi cũng bán được cao hơn mình nghĩ, nhưng cũng không ít lần mất hết, vài triệu cũng chẳng bán được. Vì thế, nghề này may rủi rất lớn’.
Anh Lăng Văn Quê (sinh năm 1986) – cũng là một người đi đào đá cho biết, có những người đi đào đá mua được cả nhà lầu, ô tô rồi chuyển sang đi buôn đá. Nhưng đi buôn đá lại bỏ tiền ra mua nhiều đá thô quá, đập ra mất nhiều lại quay về đi đào đá. ‘Nghề này ‘lên voi xuống chó’ là chuyện bình thường. Nhiều người có tiền lại đi buôn đất, làm kinh doanh…’ – anh Quê cho hay.
Anh Chiến và anh Quê tự nhận mình chưa kiếm được nhiều viên đá giá trị cao như nhiều người. Những viên đá các anh tìm được chủ yếu dao động từ vài triệu tới vài chục triệu. ‘Có những thời điểm mưa nhiều, chẳng kiếm được gì’.
Anh Quê bảo: ‘Có bà trời mưa ngồi nghịch đất lại nhặt được đá quý, người ra sức đào thì lại không được gì’.
Thế nên, dân làm đá hay buôn đá ở Lục Yên gọi đây là nghề ‘trời cho thì nhận’.
Viên đá mà anh Chiến và anh Quê vừa bán được 130 triệu đồng.
Trên bãi đá, còn có cả những người đi đào đá thuê cho chủ. Mỗi tháng, chủ trả họ 4-5 triệu đồng. Cứ nhặt được đá lại bốc vào thúng để chủ rửa đi, xem xét. Những người này thường là dân không chuyên, ở xa tới và không biết nhận biết đá.
Những người đi đào đá hay đi buôn đá ở Lục Yên thường ‘buôn có bạn, bán có phường’. Họ làm chung với nhau, được cùng hưởng, mất cùng chịu. Làm chung 2-3 người thì cơ hội kiếm được đá tăng lên nhưng bán được thì phải chia đôi, chia ba.
Thế nên mới có câu chuyện hài hước, một cậu học sinh lớp 9 theo chân một anh đào đá chuyên nghiệp lên bãi đào thử vận may. Cậu học sinh xin làm chung nhưng anh kia nghĩ cậu này chẳng có kinh nghiệm gì, sợ mình thiệt nên từ chối. Ai ngờ vừa dứt lời thì cậu bé đào được viên đá quý, bán đi được 350 triệu đồng, khiến anh kia tiếc hùi hụi.
Để có được những viên đá như thế này, dân đào đá phải đánh đổi rất nhiều.
Anh Thái – một xe ôm ở Lục Yên kể, ngày xưa thời đá quý mới nổi lên ở Lục Yên, anh cũng lên bãi đào đá. Trong số dân đào đá có một người đàn ông năm nay đã 60-70 tuổi, không vợ con gì, lên núi đào đá đã hơn 20 năm nay, ở mãi không về.
Riêng anh, sau 5-6 năm đi đào đá nhưng thấy vận may không đến với mình, anh về nhà buôn bán cùng vợ, có khách thì chạy xe ôm. ‘Tiền ít nhưng chắc ăn’ – anh nói.
Trước việc người dân đổ xô kéo nhau đi đào xới tìm kiếm đá quý, UNBD huyện Lục Yên đã chỉ đạo các lực lượng an ninh lập các chốt lên núi để ngăn chặn việc khai thác khoáng sản tự phát này.
“Huyện đã có văn bản chỉ đạo lực lượng an ninh có mặt nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời ngăn chặn việc khai thác trái phép, tràn lan”, Phó chủ tịch huyện Lục Yên – ông An Hải Nam khẳng định.
Theo lãnh đạo huyện Lục Yên, việc lâu lâu lại rộ lên tin đồn có đá quý trị giá hàng tỷ đồng ở Lục Yên không phải chuyện hiếm gặp ở huyện. Ông cho biết, hiện nay trữ lượng đá quý không còn nhiều, việc đào đá quý cũng không còn diễn ra nhiều như trước.
Bỏ tiền mua một viên đá thô, xù xì, các tay buôn đá quý đập ra với hy vọng tìm được tiền tỷ. Cũng từ ….
Nguyễn Thảo – Ngọc Trang
Theo vietnamnet.vn
Tiểu cảnh non bộ làm từ đá quý "độc nhất vô nhị", cứ làm ra là bán hết
Với niềm đam mê với đá quý, đặc biệt là đá ruby có nguồn gốc từ Lục Yên (Yên Bái), anh Hoàng Anh (TP. Thanh Hóa) đã chuyển hẳn lên Yên Bái sinh sống để sưu tầm đá quý, tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Là người sưu tầm, buôn bán đá quý và muốn có một bộ sản phẩm độc đáo của riêng mình, anh Hoàng Anh nảy ra ý tưởng làm những tiểu cảnh non bộ bằng đá ruby.
Anh Hoàng Anh cho biết ý tưởng ấp ủ nhiều năm nhưng giờ mới có điều kiện thực hiện. Theo anh, khó khăn nhất là khâu nguyên liệu, phải lựa chọn những viên ruby phù hợp làm non bộ.
Chủ nhân của những tác phẩm này chia sẻ anh đã tìm trên mạng nhưng chưa thấy ai làm tiểu cảnh từ đá quý ở Việt Nam, trên thế giới cũng rất hiếm.
"Tôi tự tìm hiểu, mày mò để làm những tác phẩm này. Thời gian đầu làm rất khó khăn, phải đi sưu tầm đá ruby từ chợ đá quý Lục Yên hoặc mua lại của anh em hay tự đi tìm", anh Hoàng Anh cho biết.
Theo anh, tiểu cảnh non bộ không làm được nhiều do hạn chế về nguồn nguyên liệu và giá thành nên làm tới đâu tiêu thụ hết đến đó.
Anh cho biết phải có nguyên liệu đầy đủ mới bắt tay vào sáng tác. Để hoàn thành một tác phẩm, anh Hoàng Anh mất rất nhiều công sức, khoảng 3 ngày mới hoàn thiện một tác phẩm.
Trung bình một tác phẩm riêng tiền nguyên liệu hết khoảng 30 triệu đồng.
Bên trong là ruby gốc, bên ngoài bằng ruby tinh thể rất tinh tế.
Từng chi tiết được làm tỉ mỉ, công phu và theo tỷ lệ hợp lý.
Những cây cổ thụ trên núi được làm từ những sợi bạc.
Mỗi tác phẩm nặng khoảng trên, dưới 10kg.
Hiện, anh Hoàng Anh mới làm được 5 tác phẩm, đã bán được 3 tác phẩm.
"Mình cũng muốn giữ lại 1 -2 tác phẩm để chơi chứ bán là mất", anh Hoàng Anh nói.
Theo tri thức trẻ
Trung ương Hội NDVN hỗ trợ nông dân Yên Bái 11.000 con cá giống Chiều ngày 15/7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hỗ trợ 11.000 con cá giống cho Hợp tác xã nông - lâm - thủy sản xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên (Yên Bái) để thực hiện mô hình nuôi ghép cá trắm. Tổng trị giá đợt hỗ trợ là 200 triệu đồng. Trong dịp hỗ trợ lần này, thừa...