Đức Tuấn: ‘Danh xưng divo của tôi không tự nhiên mà có’
Giọng ca sinh năm 1980 tâm sự danh xưng divo là tình cảm mà người hâm mộ dành cho, do vậy không có lý gì anh phải quay lưng hay chối bỏ dù có người chỉ trích là tự nhận.
Trò chuyện với Đức Tuấn trong buổi ra mắt DVD Bài ca không quên mới diễn ra tại Hà Nội, giọng ca Tiếng hát Trương Chi gây ấn tượng với vẻ ngoại lịnh lãm, phong thái điềm đạm mà vẫn giữ được chất “ngông” bao năm qua theo cách riêng của anh.
Ca sĩ Đức Tuấn biểu diễn trong “Bài ca không quên”. Ảnh: NVCC
“ Nhạc cách mạng không phải là nhạc già”
- Tại sao anh lại quyết định ra mắt DVD “Bài ca không quên” vào thời điểm này thay vì ngay sau khi ra mắt album, phải chăng có liên quan đến việc anh được đề cử giải Cống hiến?
- Như bạn biết, tôi đã phát hành CD cách đây một năm, gồm 15 bài với nội dung từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, tôi chọn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ rực rỡ nhất để thực hiện một liveshow vào năm ngoái. Việc chỉ chọn một giai đoạn mà không phải là tất cả vì tôi muốn cô đọng để làm một liveshow của riêng mình, không giống với bất cứ một liveshow nhạc cách mạng nào khác.
Còn về việc tại sao lại phát hành DVD vào thời điểm này, trong cả một năm chỉ bây giờ là thích hợp nhất để giới thiệu về âm nhạc cách mạng vì chúng ta sắp kỷ niệm ngày 30/4 – Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Anh nói gì trước ý kiến cho rằng “Bài ca không quên” không nổi bật, thậm chí còn lép vế so với các album khác trong đề cử giải Âm nhạc Cống hiến năm nay?
- Tôi không biết như thế nào mới được coi là nổi bật nhưng tôi thực hiệnBài ca không quên không nhằm mục đích gây tiếng vang, đánh bóng tên tuổi hay quảng bá bản thân. Bài ca không quên phục vụ đam mê của tôi, do vậy sản phẩm âm nhạc này có ý nghĩa trước hết với tôi, còn tôi không quan trọng có gây được tiếng vang hay không.
Tôi tâm niệm cứ làm hết sức có thể, thậm chí là âm thầm và không nhiều người biết nhưng có ý nghĩa đối với đời sống âm nhạc là được. Với tôi, chuyện nổi bật hay không nổi bật không quan trọng bằng việc sản phẩm âm nhạc của mình được ghi nhận vì tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên Bài ca không quên có thể xuất hiện trong danh sách đề cử Cống hiến năm nay.
- Dễ thấy nhạc cách mạng không còn được nhiều người trẻ lựa chọn, một số chương trình trên truyền hình thậm chí còn tìm cách làm mới để dòng nhạc này đến gần hơn với giới trẻ. Anh muốn chứng minh điều gì qua việc thực hiện một album về nhạc cách mạng?
- Ai chưa nghe sẽ nghĩ Bài ca không quên là một album nhạc cách mạng thuần túy nhưng thực chất đây là một sản phẩm đã được biên tập rất khác biệt theo ý tưởng của tôi. Các bài hát trong album được xây dựng theo diễn biến của hành trình chiến đấu để giải phòng dân tộc nhưng lại được khai thác theo một cách rất tình.
Tuy là nhạc cách mạng nhưng tôi đã hy sinh chất hùng để chọn yếu tố tình cảm của bài hát làm chủ đạo. Do vậy, người nghe sẽ không thấy màu sắc nhạc cách mạng như thường thấy ở những người hát khác trong cách thể hiện của tôi.
Video đang HOT
Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy nhạc cách mạng không phải là nhạc già mà sẽ luôn là âm nhạc trẻ mãi theo thời gian và truyền từ đời này qua đời khác.
“Chất nhạc của tôi là cổ điển giao thoa”
Chương trình được tổ chức tại Nhà hát Hòa bình vào ngày 22/4/2015. Ảnh: NVCC
- Có ý kiến cho rằng anh không ngại thử nghiệm khi theo đuổi nhiều dòng nhạc, từ nhạc kịch, nhạc xưa đến nhạc trẻ và bây giờ là nhạc cách mạng nhưng lại không thống nhất về chất nhạc và phong cách âm nhạc dù đã nhiều năm ca hát. Anh nói gì?
- Tất cả những điều bạn vừa nói đều là chất liệu để làm nên nhạc của Đức Tuấn. Dù tôi hát nhiều dòng nhạc khác nhau, từ nhạc xưa, nhạc kịch hay nhạc cách mạng thì định hướng chất nhạc của tôi vẫn luôn là cổ điển giao thoa. Có thể ít nhiều khác nhau nhưng nếu để ý kỹ lưỡng mọi người sẽ thấy, đó là phong cách âm nhạc của tôi mà nhiều năm nay tôi xây dựng.
Cổ điển giao thoa đó, cá nhân tôi nghĩ, vừa tình cảm, vừa hiện đại. Về chất liệu có thể mọi người sẽ thấy đa dạng, phong phú, thậm chí là không thống nhất nhưng về chất nhạc xuyên suốt thực chất vẫn chỉ luôn có một món ăn. Và món ăn đó nhiều năm nay vẫn chưa thay đổi.
- Anh có nghĩ rằng, sau khi ra mắt nhiều phiên bản khác nhau của một album về dòng nhạc cách mạng, âm nhạc của anh sẽ thích hợp hơn với thị trường miền Bắc?
- Tôi lại thấy mình hợp với thị trường âm nhạc miền Nam. Mọi người nghĩ vậy thôi chứ trong Nam không thiếu những chương trình biểu diễn âm nhạc cách mạng và liveshow trong một tháng cũng không nhiều như ở miền Bắc.
Tôi thấy trong một tháng Hà Nội có rất nhiều liveshow và cũng có rất nhiều giọng ca cách mạng rồi, có cả ông hoàng, bà hoàng nhạc đỏ là Trọng Tấn, Anh Thơ. Tôi nghĩ mình vẫn nên đầu tư, chú trọng vào thị trường âm nhạc ở Sài Gòn, bên cạnh đó vẫn thực hiện những chương trình thích hợp ở Hà Nội.
- Nhân việc anh nhắc đến danh xưng “ông hoàng”, “bà hoàng”, tôi thấy danh xưng “divo” xuất hiện trong tên fanpage trên facebook của anh từng không ít lần gây sóng gió. Cách đây không lâu một chương trình dạng talkshow trên youtube cũng cho rằng anh tự nhận danh xưng này dù không được đông đảo báo giới gọi. Anh nói gì?
- Danh xưng divo không hẳn là tự nhiên mà có, đó là tình cảm mà những người hâm mộ đặt cho người nghệ sĩ. Vì lẽ đó, không có lý gì mà tôi lại phải chối bỏ, quay lưng danh xưng này khi những người yến mến mình đặt cho mình chỉ vì vài ba lý do từ những người không yêu mến.
Và tôi nghĩ khái niệm divo cũng không có gì ghê gớm, chỉ là một từ tiếng Italy có nghĩa là một nghệ sĩ được mọi người yêu thích. Như vậy, ai thích là diva thì người đó là diva, divo, ai không thích thì sẽ không sử dụng.
Còn cá nhân tôi, tôi tự hào khi được người hâm mộ gọi với danh xưng này vì đó là tình cảm mà mọi người truyền đến tôi. Và tôi sẽ không đi giải thích là tại sao fanpage của tôi có thêm danh xưng đó vì với những người không thích mình thì giải thích cũng bằng thừa.
Hoa hậu Thu Thảo đến chúc mừng Đức Tuấn. Ảnh: NVCC
Theo Zing
Tóc bạc, đầu xanh cùng thăng hoa với nhạc Trịnh
Trong chương trình biểu diễn đặc biệt nhân ngày giỗ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhiều khán giả lớn tuổi cho đến những người trẻ như hòa làm một để thả hồn theo âm nhạc.
Tối 1/4, đúng ngày giỗ lần thứ 15 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khán giả yêu nhạc có cơ hội thưởng thức lại những tác phẩm để đời của ông giữa không gian rất đặc biệt tại Đường sách TP HCM.
Không gian thoáng đãng thơm mùi sách mới như tạo điều kiện để các nghệ sĩ thêm thăng hoa với thứ âm nhạc đẹp như nhạc Trịnh. Khoảng cách giữa ca sĩ và khán giả nhờ vậy cũng được xóa nhòa. Giữa hàng trăm khán giả đến từ sớm để chọn chỗ ngồi gần nhất, có thể bắt gặp những mái tóc hoa râm xen lẫn với mái đầu xanh. Nhưng khi âm nhạc vang lên, họ dường như hóa thành một.
Đức Tuấn là một trong những đại diện cho lớp ca sĩ trẻ thể hiện nhạc Trịnh. Trong đêm nhạc, anh khiến khán giả phải hòa nhịp từ những giai điệu đầy khí thế của Nối vòng tay lớn cho đến cảm giác sâu lắng của Ru ta ngậm ngùi. Có những lúc anh buông hẳn mic, tuy nhiên hàng trăm khán giả đã thay anh tiếp tục dâng cao tiếng hát.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ say mê hòa theo những ca khúc nổi tiếng. Đại diện gia đình, bà bày tỏ sự cảm kích khi nhạc Trịnh luôn được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình nhất. Với bà, những tác phẩm do anh trai chấp bút không của riêng ai mà là tài sản chung của người yêu nhạc.
Con gái nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn - An Trần đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở tuổi 12, cô bé tự tin một mình thể tiếng kèn giàu cảm xúc qua ca khúc Diễm xưa.
Như lời bà Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ, muốn hát nhạc Trịnh hay cần có sự thoải mái. Không cần lên gân hay thể hiện quá nhiều kỹ thuật, người nghệ sĩ thoải mái trải lòng bằng chính những gì mình cảm nhận. Cũng vì điều này mà ngoài các giọng ca nổi tiếng, đêm nhạc còn đón chào nhiều tiết mục ngẫu hứng của khán giả.
Người hâm mộ đặc biệt của nhạc Trịnh - cụ bà 75 tuổi Hồng Châu lên sân khấu trình diễn ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Tuổi cao nhưng sức không hề yếu, cứ thế, bà gần như mang đến một cảm giác rất đặc biệt cho khán giả. Bà chia sẻ chỉ có nhạc Trịnh Công Sơn mới khiến mình say mê đến thế.
Nhạc Trịnh không chỉ dành cho người lớn tuổi mà cũng đủ sức thu hút những khán giả trẻ tuổi. Thanh Nhật - nữ khán giả đến từ quận 10 (TP HCM) chia sẻ cô nghe các tác phẩm để đời của ông từ bé. Đến nay, cô cũng chỉ nghe nhạc Trịnh thay vì những dòng nhạc đúng với lứa tuổi.
Với lối thể hiện chân thật, mộc mạc và giản dị, những giọng ca bán chuyên này vẫn đủ sức quyến rũ tai nghe người hâm mộ.
Hai giọng hát trẻ đến từ trường nhạc của Thanh Bùi mộc mạc với Hãy yêu nhau đi. Tinh ý khoác lên mình bộ áo dài trắng và thể hiện ca khúc nổi tiếng một cách say mê, họ nhận được nhiều tràng pháo tay.
Những cụ bà cụ ông vừa nghe nhạc vừa hát theo. Điều kỳ lạ là dù tuổi già, nhưng họ thuộc không sót bất cứ ca từ nào.
Hình ảnh thường thấy trong các đêm nhạc Trịnh một lần nữa chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó. Song song với chương trình này, đêm nay, gần 300 người cũng tập trung tại mộ phần của Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa (TP HCM) để cùng đàn hát trắng đêm.
Theo Zing
Chờ nhạc Việt bùng nổ Ngoài một số dự án lớn từ những tên tuổi đình đám, thị trường nhạc Việt 2016 còn chờ đợi sự bùng nổ của các ca sĩ trẻ. Hàng loạt dự án bị đình trệ từ năm 2015 dần hoàn thành cùng các kế hoạch live show để khẳng định thương hiệu từ các sao trong làng nhạc Việt hứa hẹn mang lại...