Đức Tuấn bàn luận về ồn ào Thanh Lam, Bảo Yến
“Những cuộc chiến mọi người đề cập đến thực sự không ảnh hưởng nhiều đến nghệ sĩ, chỉ làm cho khán giả của ai càng yêu mến người đó hơn”, nam ca sĩ chia sẻ về những phát ngôn gây sốc của nghệ sĩ thời gian qua.
- Đức Tuấn có thể bình luận về showbiz được không?
- (Cười) Tôi chưa thấy gì để bình luận, phải chi có cái mới!
- Thì thế, showbiz, nghệ sĩ không sáng tạo, đưa ra những sản phẩm, chị giỏi tạo scandal, tố nhau trên mặt báo. Là người đứng ngồi trong nó, anh có thấy buồn không?
- Tôi thấy vui. Rần rần như thế mới vui, mới khác những ngành nghề khác. Nếu không như vậy, khi có sản phẩm mới, ai thèm để ý và cũng chỉ có như vậy mới thấysức ảnh hưởng của nghệ sĩ lớn như thế nào.
- Nói như vậy, thấy anh AQ quá, nhưng tôi nghĩ, người như anh, khó chấp nhận một đời sống showbiz như thế. Anh chọn đi bên lề nó rồi à?
- Tôi thích showbiz như vậy. Sôi động và náo nhiệt. Hấp dẫn và quyến rũ. Tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp nên không thể đi bên lề như anh nói. Cảm giác giống như vậy, sau 5h chiều, tôi thích ra đường, lao vào dòng xe cộ. Tôi cũng bị kẹt xe, nghe tiếng ồn ào nhưng tôi rất thích, bởi tôi đã lựa chọn một lịch làm việc khác để không hối hả khi người khác hối hả, không căng thẳng khi người khác căng thẳng.
Tôi vẫn hòa mình vào dòng người người nhưng có thời gian để quan sát. Và như vậy, tôi thấy nhìn được nhiều thứ, thấy con người chen lấn nhau đi về muôn phía theo nhiều cách khác nhau với nhiều thái độ khác nhau, để hiểu và yêu cuộc sống nhiểu hơn. Anh thử đi, một ngày cho phép mình không vội vã, tìm chỗ nào kẹt xe nhất, chen vào giữa và bình thản quan sát. Thấy hay lắm!
Video đang HOT
- Người đi ngoài đường, giữa kẹt xe và khói bụi, họ phải lấy khẩu trang để che mặt. Cũng như vậy, anh lấy gì để che bụi showbiz, để giữ mặt mình sáng?
- À, tôi chưa bao giờ đi đường và lấy khẩu trang che mặt. Con người ta sinh ra với nhiều tố chất bảo vệ mình từ bên trong. Ngay cả trong mũi cũng có nhiều lông để cản bụi. Vấn đề là bảo vệ mình không phải từ bên ngoài mà phải giữ mình khỏe mạnh từ bên trong. Một cơ thể và tinh thần yếu đuối, dù anh có che chắn thế nào từ bên ngoài cũng thừa thãi. Anh cũng sẽ bệnh tật và yếu đuối. Anh khỏe mạnh thực sự, bụi bẩn bên ngoài chỉ cần rửa đi cũng sạch sẽ lại.
- Nhưng thực tế, ai thích bị bụi bám vào mình. Với những scandal, ồn ã vừa qua trong giới ca sĩ, nhiều người đánh giá giới của anh chả khác gì một cái chợ mà nó lại trưng là mấy thứ không ngon lành. Anh không sợ người ta nhìn anh rồi chậc lưỡi, cũng là ca sĩ với nhau thôi à?
- Tôi đã nói rồi, showbiz chẳng qua chỉ là một thế giới thu nhỏ. Ngay cả chợ cũng phải có cái ngon và không, người ta mới có khái niệm lựa chọn. Cái chợ nào cũng có nhiều mặt hàng với nhiều mức giá khác nhau nên quan trọng là mình lựa chọn thị phần nào mà thôi. Không có thị phần nào là không tốt. Giá cả tốt, chất lượng thấp cũng không phải không hay. Nó sẽ phục vụ được số đông. Anh làm chất lượng thật cao, giá bán cao, mất lợi thế về số lượng không hẳn là tối ưu. Nói chung, khi ta lựa chọn tiêu chí nào phải đảm bảo yêu cầu đó và không có gì xấu hổ khi nói tới là một bộ phận của cái chợ.
- Ừ, cứ cho là thế đi. Anh không đếm xỉa tới ồn ã ấy. Nếu bỗng nhiên đang yên đang lành, tự nhiên người ta lôi anh ra mổ xẻ, chém gió, hạ thấp thì sao?
- Đó là chuyện bình thường. Ngay cả nhưng thiên tài lớn của nhân loại cũng không tránh khỏi bị những người tầm thường gọi là tâm thần, cho là mất trí. Quan trọng là những gì họ làm có sức ảnh hưởng lớn nên mới bị mổ xẻ, đánh giá.
Bạn hãy mừng khi mình bị lôi ra chém gió thường xuyên, vì như thế, có nghĩa bạn đang có sức ảnh hưởng lớn đấy. Người ta chỉ chém gió khi người ta không thích mà cứ phải gặp hoài, nghe hoài, chứng tỏ hình ảnh và sản phẩm của bạn xuất hiện đều đặn, rộng khắp.
- Như vậy những người hễ nghe bị chê mà đăng đàn, nổi cáu là kẻ yếu tinh thần, dễ tổn thương?
- (Cười) Câu này gài nè, nhưng trả lời cũng không sao. Nghệ sĩ dễ tổn thương, nhưng như vậy mới đáng yêu. Vì vậy, showbiz tuy là xã hội thu nhỏ nhưng hấp dẫn, thú vị và có sức ảnh hưởng hơn nhiều. Bản thân sự bình thản là một điều rất khó đạt được nên biểu hiện như vậy là bình thường. Trong xã hội này, đa số là thích phản ứng nhưng cơ bản, họ có muốn đăng đàn cũng không ai cho, mà có cho cũng không ai để ý.
- Thường là người ta hay nhầm lẫn khái niệm giữa lời góp ý, nói thật mong tốt lên, thể hiện tinh thần trách nhiệm với nghề, với xã hội thành lời chê bai, hạ thấp làm tổn hại nhau. Anh có bao giờ sự điều đó mà đành nói lời giả dối?
- Tôi có một nguyên tắc, một là im lặng, hai là phải nói đúng điều mình đang suy nghĩ. Nếu thấy điều mình nói có ảnh hưởng không tốt, tôi sẽ im lặng. Chẳng ai cấm mình im lặng cả, thế nên đừng nói lời giả dối, nhưng tôi phải bình tĩnh, không phải lời nói thật nào cũng có tác động tích cực đâu. Quan trọng là cách nói và thời điểm nói, bình tĩnh là tốt nhất. Thái độ “tôi nói thật nên tôi muốn nói thế nào cũng được, lúc nào cũng được” là không đúng.
- Nhưng khi nói ra sự thật, người ta dễ bị ghét, mà ở giới nghệ sĩ, không chỉ đối tượng được nhắc đến trong lời chê ghét mà cả fan của họ. Thiệt thòi lắm. Tôi quan sát rồi, từ vụ Thanh Lam cho đến Bảo Yến chê một vài ngôi sao, thậm chí có cả những cuộc chiến ác liệt của fan các nghệ sĩ?
- Sự thật đối với người này chưa chắc là sự thật với người khác. Khái niệm sự thật cũng tương đối lắm. Thế nên, làm nghề nhạy cảm càng phải cẩn trọng về lời nói. Những gì xảy ra suốt thời gian qua trên báo chí và truyền thông có giá trị tích cực, không tiêu cực. Mỗi người có một thị phần khác nhau, cần có sự phân hóa rạch ròi.
Những “cuộc chiến” mà mọi người đề cập đến thực sự không ảnh hưởng nhiều đến nghệ sĩ, chỉ làm cho khán giả của ai càng yêu mến người đó hơn. Ngay cả những khán giả trung lập cũng có nhiều cơ sở xác định được tình cảm của mình dành cho một nghệ sĩ nào đó. Ví dụ một điều tích cực nữa, chưa bao giờ fan của một nữ nghệ sĩ hot nhất hiện nay đứng về một phía như ngày hôm qua! Đoàn kết lắm. Chiến tranh nảy lửa nhưng fan rất đồng tâm hợp lực. Không ảnh hưởng một chút gì mà còn mang lại hiệu ứng tích cực.
- Nhắc đến tôi mới nhớ, anh cũng từng bị “ném đá” khi chê vòng “Đối đầu” của “The Voice”. Với thái độ của anh, chắc cười khẩy vào mấy sự ném đá ấy?
- Cười khẩy thì tôi không làm, nhưng tôi bình thản vì đã lường trước được thái độ của mọi người. Phản ứng của mọi người là vì tình cảm của họ dành cho chương trình, cho thần tượng của mình. Và tình cảm đó đáng được trân trọng. Nghệ sĩ tồn tại được cũng nhờ những tình cảm đó.
Tuy nhiên, đôi khi cách thể hiện tình cảm không đúng mực, điều này còn phụ thuộc vào trình độ văn hoá, mức độ văn minh. Nghệ sĩ không kiểm soát được giáo dục nên cũng không nên khó chịu về những việc đấy. Quan trọng là mình làm nghề có tâm và tỉnh táo tiếp nhận những góp ý chính xác.
- Người có tài là người biết nhìn ra người tài hơn, chấp nhận lời chê để tiến bộ!
- Câu anh nói đúng, không bình luận gì.
- Nếu coi những ầm ĩ trong showbiz vừa qua, với cãi vã, nói xấu nhau, tìm cách tạo scandal để nổi tiếng là một thứ văn hóa. Thử suy nghĩ và nói ra khái niệm, anh gọi nó là gì?
- Những gì mọi người thấy trong suốt thời gian qua không phản ánh sự thật lắm. Văn hóa cũng có mặt tích cực và tiêu cực, chẳng qua mặt tích cực thường không gây ra nhiều tranh cãi nhưng nó vẫn tồn tại mạnh mẽ và mọi người cảm nhận âm thầm trong lòng. Ví dụ bản thân, bên cạnh cái tin “Đức Tuấn chê The Voice“chắc chắn sẽ được sao chép khắp các báo. Còn tin “Đức Tuấn diễn thành công bên Philippines” sẽ không được sao lại nhiều và cũng không có gì để bình luận. Nhưng như vậy, không có nghĩa là khán giả không đọc. Khán giả vẫn tiếp nhận, ghi nhận và cảm nhận.
- Cuối cùng mọi người đều phải dĩ hòa vi quý để sống chứ nhỉ?
- Không phải tự nhiên ông bà ta nói câu đó đâu, được đúc kết ngàn đời đấy. Như vậy không có nghĩa là không được góp ý và phê bình, chỉ khẳng định lại là phải biết lựa cách nói và thời điểm nói.
Theo VTC News