Đức trừng phạt Nga vì Ukraine: “Được vạ thì má cũng sưng!”
Cũng giống như hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel hiểu rằng, nếu các lệnh trừng phạt Nga có tác dụng, chính nền kinh tế của họ cũng tổn thương không hề nhẹ.
Trong loạt bài bình luận mới đây về những tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế Đức, hãng tin Reuters cho biết, năm 2013, Đức đã xuất khẩu sang Nga một lượng hàng hóa có giá trị lên tới 36 tỷ euro, bằng gần 1/3 tổng kim ngạch của cả châu Âu. Hiện nay có khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ euro.
Những con số sơ bộ đủ để một người ít hiểu biết về kinh doanh nhất cũng thấy rõ ràng rằng, các lệnh cấm vận, trừng phạt mà Đức cùng với các đồng minh phương Tây của mình áp đặt lên Nga sẽ mang lại “phản đòn” khá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bất chấp sự than phiền và kiến nghị của giới kinh doanh, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn có những biện pháp hỗ trợ những đòn trừng phạt kinh tế của EU đối với Nga.
Theo ông Hans-Werner Sinn – Chủ tịch Viện Ifo (Đức), tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ giảm về con số không trong quý II do cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Trong quý I, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn có tăng trưởng 0,8%.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Đức cho biết thêm, xuất khẩu của Đức sang Nga đã giảm 14% (khoảng 10 tỷ euro) trong bốn tháng đầu năm 2014.
Video đang HOT
Trong báo cáo hàng tháng của mình vào ngày 21/ 7, ngân hàng Bundesbank cho biết nền kinh tế Đức có thể giảm tốc trong quý II do tác động của các vấn đề địa chính trị.
Ngày 7/8, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo các xung đột tại Ukraine có thể đẩy nền kinh tế EU đến việc phải đối mặt với các rủi ro về tài chính. Thực tế, với vai trò là một khối, Liên minh châu Âu xuất khẩu khoảng 100 tỷ euro hàng hóa sang Nga và nhập về lượng hàng trị giá khoảng 200 triệu euro.
Còn quá sớm để thấy các biện pháp trừng phạt Nga tác động tới nền kinh tế Đức như thế nào. Tuy nhiên thời gian vừa qua, các công ty Đức ở nhiều lĩnh vực đã báo cáo kết quả kinh doanh, qua đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đã có tác động tiêu cực tới lợi nhuận của họ, không chỉ dừng lại ở đó, nếu tình hình không được cải thiện, hậu quả còn có thể tồi tệ hơn.
Ngày 7/8, Rheinmetall, một công ty trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Đức đã cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm, đồng thời cho biết họ sẽ đòi bồi thường thiệt hại từ việc chính phủ Đức thu hồi giấy phép xuất khẩu quân trang cho Nga, một động thái nằm trong các biện pháp trừng phạt của EU nhằm ngăn chặn các thỏa thuận mua bán vũ khí của Nga trong tương lai.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga được áp đặt đối với các ngành công nghiệp vũ khí, dầu mỏ và tài chính để ngăn chặn sự hỗ trợ của nước này cho phiến quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga Putin.
Fraport, hãng điều hành sân bay ở Frankfurt, cảnh báo rằng sẽ có một tác động rất lớn tới cơ sở của các hãng hàng không tại sân bay St. Petersburg nếu Nga trả đũa bằng những biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với các nhà đầu tư Đức.
Stada, hãng dược phẩm có 16% doanh số bán tại thị trường Nga, nói rằng lợi nhuận của hãng “dậm chân tại chỗ” do doanh số bán hàng tại Nga giảm và đồng rúp mất giá. Giám đốc điều hành Stada, ông Hartmut Retzlaff, nói: “Nhu cầu đối với các sản phẩm sinh lý như Viagra hay Vuka-Vuka đã giảm, các gia đình Nga giờ chỉ mua các loại thuốc thiết yếu”.
Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức cho biết 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào việc giao thương với Nga, đối tác thương mại lớn thứ 11 của nước này.
Ngày 7/8, Nga đáp trả các biện pháp thắt chặt lệnh trừng phạt của phương Tây thông qua lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với nước này bao gồm Mỹ, các nước EU, Australia, Canada và Na Uy.
Bộ trưởng Kinh tế Đức nói chính phủ nước này đang theo dõi giới hạn và tác động của lệnh cấm đối với các doanh nghiệp Đức để cân nhắc những hành động cần thiết.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhiều khả năng sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng Nga, làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp Đức như Adidas và Volkswagen, vốn đã chịu rất nhiều tổn thất trước đó.
Tuần trước, Adidas đã thông báo việc lợi nhuận sụt giảm đồng thời tạm ngừng kế hoạch mở rộng thị trường ở Nga vì lo ngại những rủi ro do sức mua của người tiêu dùng nhạy cảm với các tác động từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhà phân phối của hãng xe hạng sang VW Audi tại Nga cho biết doanh số bán của hãng trong tháng 7 đã giảm 12%.
Thêm vào đó, việc Nga không cho các hãng hàng không EU bay qua không phận nước mình đến châu Á cũng có thể làm giảm doanh thu của ngành du lịch và các hãng hàng không như Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu. Đối với hãng Franport, lệnh cấm này cũng sẽ khiến lượng khách châu Á bay đến sân bay Frankfurt sụt giảm.
Ngày 7/8, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho rằng những tác động của việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga đang gây ra bất ổn cho các công ty của Đức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế nước này.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ông Anton Boerner, người đứng đầu hiệp hội thương mại BGA đại diện cho gần 120.000 thương nhân, nhà xuất khẩu và các nhà cung cấp dịch vụ. Ông cho biết các công ty đang đầu tư ngày càng ít đi và giảm số đơn hàng vì cuộc khủng hoảng này.
Quan chức phụ trách thị trường Nga của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức Tobias Baumann ước tính rằng xuất khẩu của Đức sang Nga có thể giảm 20% năm nay, trong đó các công ty kỹ thuật chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Infonet