Đức trở thành nước đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO
Phát biểu ngày 28/6 khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đầu tư của Đức cho quốc phòng do cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đưa Đức trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Lâu đài Elmau, Đức, ngày 28/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời Thủ tướng Scholz cho biết, cùng với Mỹ, Đức chắc chắn sẽ là nước châu Âu đóng góp lớn nhất cho NATO và nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang trong quá trình tạo ra một quân đội thông thường lớn nhất trong khuôn khổ NATO ở châu Âu. Theo Thủ tướng Scholz, Đức sẽ chi trung bình hằng năm từ 70-80 tỷ euro cho quốc phòng trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc Đức là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho quốc phòng.
Chỉ vài ngày sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Thủ tướng Scholz đã tuyên bố thành lập một quỹ đặc biệt cho quân đội trị giá 100 tỷ euro (105 tỷ USD) nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Đức, bù đắp tình trạng thiếu hụt kinh phí kéo dài hàng thập kỷ qua. Cam kết đáp ứng mục tiêu chi 2% cho quốc phòng của NATO của Thủ tướng Scholz được xem là sự thay đổi chính sách lớn từ cách tiếp cận quốc phòng thận trọng truyền thống của Đức do những vấn đề sau chiến tranh. Đức đã giảm dần quy mô quân đội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, từ mức khoảng 500.000 quân vào thời điểm thống nhất nước Đức năm 1990 xuống chỉ còn 200.000 quân.
Liên quan kế hoạch củng cố sườn phía Đông NATO, kế hoạch “sự hiện diện tăng cường phía trước” theo thuật ngữ của NATO sẽ giúp củng cố lực lượng ở Litva, Estonia, Latvia và Ba Lan bằng một lữ đoàn bổ sung từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ. Do việc đóng quân thường xuyên rất tốn kém, trong khi những nước cung cấp lực lượng hàng đầu như Đức (ở Litva), Anh (ở Estonia) và Canada (ở Latvia) cũng phải đối mặt với những vấn đề thực tế do thiếu quân lực, Thủ tướng Scholz đã đưa ra một đề xuất thỏa hiệp.
Theo báo Thế giới (Welt), sẽ chỉ có bộ phận nhỏ của lữ đoàn mới được đóng quân tại chỗ. Quân số này bao gồm các nhân viên, một số lực lượng làm quân báo, bảo dưỡng cũng như tại các kho đạn và nhiên liệu. Trong khi đó, phần lớn binh sĩ vẫn ở lại trong nước. Với trường hợp ở Litva, một lữ đoàn của quân đội Đức sẽ ở chế độ sẵn sàng, luyện tập trong nước và trong thời gian này cũng hoàn thành các cuộc diễn tập ở Litva để làm quen với địa điểm triển khai tiềm năng. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Anh và Canada cũng sẽ được thuyết phục theo mô hình này. Lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm ở Ba Lan đã có lực lượng quy mô lữ đoàn tại chỗ đồn trú ở nước này.
Lần đầu tiên kể từ năm 2010, 30 quốc gia thành viên NATO có kế hoạch thông qua về một khái niệm chiến lược mới tại Madrid. Đây sẽ là văn kiện quan trọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương, xác định các mối đe dọa đối với tình hình chính sách an ninh hiện tại và đưa ra các hướng dẫn hoạt động trong vài năm tới.
Đức phản đối hủy bỏ một đạo luật quan trọng giữa NATO và Nga
Bất chấp cuộc chiến chưa có hồi kết tại Ukraine và mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin phản đối chấm dứt Đạo luật Sáng lập về các quan hệ, hợp tác và an ninh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại một cuộc họp báo ở Berlin. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại phiên họp của Quốc hội liên bang ngày 22/6, Thủ tướng Scholz khẳng định việc chấm dứt đạo luật trên "sẽ là bước đi không khôn ngoan". Theo nhà lãnh đạo Đức, mối quan hệ với Nga phải tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với NATO.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định, trong tương lai gần, sẽ không thể có "mối quan hệ đối tác" như trước đây với Nga.
Về hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới - dự kiến diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha), Thủ tướng Scholz mong đợi một sự gắn kết và quyết tâm từ các nhà lãnh đạo NATO trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn. Theo Thủ tướng Scholz, mối quan hệ đối tác với Nga như được nêu trong Khái niệm chiến lược năm 2010 của NATO giờ đây không còn trong tầm nhìn trong tương lai gần.
Thủ tướng Scholz cũng cam kết Đức và châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "hết sức có thể"- về tài chính, kinh tế, nhân đạo, chính trị và cả cung cấp vũ khí cho Kiev "hôm nay và cả trong tương lai". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến. Ông kêu gọi thực hiện một "Kế hoạch Marshall" để tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Đức, Anh sắp tăng quân tiếp viện ở sườn phía đông của NATO Báo Deutsche Welle (Đức) ngày 23/2 dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Anh cho biết, hai nước đã chuẩn bị triển khai nhiều binh sĩ hơn dự kiến tới các đơn vị NATO ở các nước Baltic. Riêng Anh, nước này đã công bố các cuộc tập trận quân sự ở Bắc Âu. Binh sĩ Anh ở Estonia tham...