Đức Thịnh: ‘Tôi tệ khi con ốm mà không biết đi khám ở đâu’
“Trên phim trường, tôi chỉ đạo nhiều người nhưng một lần Cà phê bị bệnh, tôi luống cuống như gà mắc tóc. Tôi không biết đưa con đi khám ở đâu. Tôi gọi cho bạn bè hỏi thăm và đã khóc trên đường. Tôi nhận ra mình đã hơn 40 tuổi mà không tinh tế trong cuộc sống, không để ý đến con”, Đức Thịnh tự vẽ chân dung đời thường của mình, đằng sau nhiều bộ phim có doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, anh chia sẻ những khó khăn, trăn trở về phim và điện ảnh Việt.
- Ngay khi “Siêu quậy có bầu” tung teaser, cộng đồng mạng tranh luận về nội dung xoay quanh một nữ sinh có bầu. Anh nói gì khi bị đánh giá dùng chiêu trò để gây chú ý?
- Trong phim này, tôi không mặc áo đạo diễn, chỉ làm sản xuất. Ê-kíp thực hiện phim đều là các bạn trẻ nên mục tiêu tôi đặt ra cũng bình thường. Bộ phim này có màu sắc trẻ trung, tươi tắn gửi đến thông điệp đừng để học sinh có bầu. Vấn đề xử lý với học sinh xảy ra sự cố không phải đuổi học mà cần giáo dục giới tính để các em không mắc sai lầm. Đây là bộ phim dễ xem, phù hợp với các đối tượng giới trẻ.
Ở vai trò sản xuất, tôi tính toán làm sao phim được làm chỉn chu, tươi tắn, kinh phí hợp lý, không quá sơ sài và những điều cốt lõi của bộ phim học đường được tuân thủ. Chúng tôi không chọn đề tái kén khán giả, không đánh đố người xem.
- Còn trong vai trò diễn viên, anh có hài lòng với sự thể hiện vai diễn thầy Đức hết lòng vì học sinh của mình?
- Vai thầy Đức chỉ là vai phụ. Tôi nghĩ mình có thể làm đầy hơn về số phận, cuộc sống của Đức nhưng nếu như vậy sẽ chiếm phân đoạn nhiều và rất có thể lấn át dàn chính. Vì vậy tôi chỉ làm đúng vai trò giữ không khí hài hước, tươi tắn trong phim. Nhưng tôi tin khán giả vẫn thích nhân vật này. Từ Ma dai tôi chủ yếu nhận vai phụ, xuất hiện vài phân đoạn để tập trung làm đạo diễn, sản xuất.
- Anh không còn tham vọng tìm kiếm một vai diễn đột phá?
- Sẽ có một vai diễn như thế trong năm 2020. Tôi và Thanh Thúy đều tham gia vai chính. Vợ tôi vốn thích đóng hài nên bộ phim này tôi coi như món quà tặng vợ. Không biết khán giả phản ứng thế nào nhưng đó sẽ là bộ phim để vợ chồng tôi tung tẩy, làm những gì là mình thích.
Tôi may mắn không chỉ biết diễn mà còn làm biên kịch nên khi nhận kịch bản, tôi biết con đường mình xây dựng nhân vật thế nào. Có thể chỉ đóng trong một phân đoạn, tôi cũng biết cách cố làm cho thật nổi bật và để khán giả nhớ mình
- Với những dự án điện ảnh trước đây, anh luôn lựa chọn những ngôi sao đóng vai chính. Vì sao lần này, anh chọn Han Sara – một ca sĩ chưa có kinh nghiệm diễn xuất?
- Tôi luôn muốn mời các gương mặt mới đóng phim. Nếu chọn một cô nào quá quen thuộc thì điện ảnh chỉ xoay quanh vài gương mặt sao? Sẽ rất chán nếu 50 bộ phim Việt khởi chiếu trong một năm chỉ có vài gương mặt lặp lại.
Vai diễn Hạ An đòi hỏi phải chọn diễn viên ở độ tuổi như Han Sara. Cô gái Hàn Quốc làm mọi người bất ngờ bởi ở ngoài khép kín, không tếu táo như trên sân khấu. Cô ấy nhạy cảm, dễ khóc. Ngay ngày đầu đến phim trường, cô bé đã bật khóc vì diễn không được. Cảm xúc của cô ấy rất mạnh. Khi xúc động, Han Sara khóc ào ào. Sau này, tôi khuyên Han Sara nên kìm chế cảm xúc bởi trên trường quay có nhiều người. Đạo diễn có chửi, la mắng cũng vì muốn tốt cho công việc.
Nhìn chung, lực lượng diễn viên Việt vốn nhỏ hẹp, cần mở rộng hơn để các bạn trẻ có cơ hội thể hiện năng khiếu. Với diễn viên trẻ, tôi nghĩ mọi người cũng không nên đòi hỏi nhiều. Riêng về Han Sara, tôi thấy bạn này diễn tốt.
- Có hàng trăm diễn viên tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh, bước ra từ các lò đào tạo mỗi năm nhưng điện ảnh Việt luôn thiếu gương mặt mới tiềm năng. Do đâu, thưa anh?
- Nghề này rất khắc nghiệt và cũng khác mọi ngành nghề bởi không phải cứ tốt nghiệp trường lớp là trở thành ngôi sao. Để họ tỏa sáng cần hội tụ nhiều yếu tố như dự án tốt, đúng người đúng thời điểm. Và không phải ai cũng thành công ngay dự án đầu như Kaity Nguyễn. Bây giờ, đạo diễn nào tìm được gương mặt mới đều đáng quý. Tôi ủng hộ đoàn phim mời diễn viên mới.
Hiện nay, làm YouTube dễ, không bị áp lực nên nhiều diễn viên chọn con đường này. Trong khi xuất hiện trên màn ảnh rộng là thách thức với diễn viên trẻ. Ở lần đầu, họ bị chê tan nát thì sẽ sợ, nản chí và không dám đóng tiếp đâu. Diễn viên trẻ cũng như biên kịch, có nhiều người đam mê nhưng khó trụ lại với nghề. Không ít người phải lăn lộn nhiều năm mới tạo được chỗ đứng.
Tôi nghĩ mọi người không nên đòi hỏi điện ảnh Việt có những diễn viên xuất chúng như Hàn Quốc, châu Á. Nền điện ảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn, đang chập chững bước đi nên mọi thứ còn phải học hỏi.
Video đang HOT
- Theo anh, diễn viên trẻ Việt hiện thiếu những yếu tố gì?
- Họ thiếu ý thức trau dồi kỹ năng diễn xuất. Kỹ năng không chỉ đơn thuần là diễn xuất mà còn phải học các bộ môn khác để bổ trợ cho nghề diễn. Nếu giỏi nhiều kỹ năng thì khi được mời vào vai nghệ sĩ múa, piano, phim hành động… diễn viên mới có thể hóa thân một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, khi làm nghệ thuật, các bạn trẻ nên giữ cái tôi khiêm tốn, học hỏi chứ không phải cái tôi lười biếng. Nghề này lao động nhiều mà đôi khi chưa được gì, chứ vừa thành công một chút đã mắc bệnh ngôi sao, khoa trương thì khó giữ được.
- Ở vai trò nhà sản xuất, theo anh, đâu là khó khăn với mà các nhà làm phim Việt đang phải đối đầu?
- Cuộc chiến ở phòng vé luôn khiến các nhà sản xuất hồi hộp, đau đầu nhất. Vẫn biết việc cạnh tranh trên thị trường là điều khó tránh khỏi nhưng khi đối đầu với phim ngoại, phim Việt sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Điều này không khác gì cuộc đấu giữa các võ sĩ không cân sức. Trong khi đó phim Việt lại chưa được ưu tiên, bảo vệ.
- Nhiều đạo diễn khác thường có khoảng lặng giữa các dự án, riêng anh liên tục ra mắt phim mới. Anh nghĩ sao trước nhận xét Đức Thịnh chạy show kiếm tiền?
- Có lẽ người ta thấy phim của tôi thắng nhiều nên nghĩ như vậy. Năm vừa qua, tôi có Trạng Quỳnh, năm trước chỉ có Siêu sao siêu ngố. Năm nay, tôi có Anh thầy ngôi sao. Còn Siêu quậy có bầu lại là người khác đạo diễn. Tính ra tốc độ làm việc của tôi thua các đạo diễn khác nhiều.
Những phim thắng doanh thu đều có sự say mê, sáng tạo, đổ máu và nước mắt của tôi vào đó. Trên đời này không có gì dễ dàng, ăn may cả. Trong thời gian tôi làm phim, bạn đi qua mặt mà tôi cũng không biết. Thậm chí, với Thanh Thúy, tôi cũng không để ý. Lúc đó, tôi như một người khác hẳn. Nhiều khi nghe nhận xét như thế, tôi cũng giận đấy nhưng lại tự an ủi, do người ta không hiểu mình thôi.
Khi làm phim, tôi cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện thắng thua phòng vé. Nhưng tôi biết được phòng vé cần gì ở phim của mình. Có thể tôi không chắc chắn doanh thu phim được bao nhiêu nhưng phim “fail” sẽ biết chắc. Một khi đã quyết định làm, tôi đã nghĩ đó là bộ phim thương mại tốt. Nghĩa là tôi biết đây là phim ăn khách và mang lại điều gì đó cho khán giả.
- Đạo diễn Victor Vũ từng chia sẻ không hiểu sở thích, gu của khán giả Việt thế nào. Điều gì giúp anh tự tin, hiểu rõ khán giả đến thế?
- Đó là sự nhạy cảm trời cho. Hơn nữa, tôi thường đi xem phim với tư cách khán giả. 20 năm diễn sân khấu, tôi gần khán giả nên cũng hiểu họ nhiều. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng làm phim để phục vụ khán giả nên cần tìm hiểu họ thích hay không thích gì.
Với mỗi bộ phim của mình, tôi lắng nghe những người có chuyên môn góp ý để điều chỉnh theo những gì mình cho là đúng. Nhưng nếu tôi đã thấy hợp lý thì dù một triệu người góp ý, tôi cũng không nghe. Chẳng hạn Thanh Thuý phản đối cái kết của Siêu sao siêu ngố, tôi vẫn quyết định giữ. Cô ấy đưa ra ý kiến của nhiều người cùng quan điểm, tôi vẫn quả quyết: “Cả thế giới thay đổi thì tôi cũng không”.
- Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng phim của anh thắng doanh thu nhờ có sự xuất hiện của ngôi sao?
- Đó là nhận xét phiến diện. Thực tế, nhiều phim không chỉ có một ngôi sao, thậm chí cả rừng sao nhưng vẫn chết đấy. Tôi nghĩ đơn giản là ngôi sao đóng tốt và phim hay thì thắng. Ngược lại, nếu mọi thứ chưa tốt thì thua. Khán giả bây giờ thông minh, họ chỉ cần xem trailer đã biết phim hay dở thế nào rồi.
- Hiểu tâm lý khán giả, đó phải chăng là yếu tố giúp quá trình làm nghề của Đức Thịnh bằng phẳng, dễ dàng thành công?
- Sự nghiệp của tôi không chỉ có hoa hồng. Có những thất bại nhưng tôi không kể mà thôi. Trước khi may mắn đến, tôi phải chờ đợi, cố gắng. Để được dựng vở, tôi từng chứng kiến kịch bản của mình nằm ở sọt rác.
Vào thời điểm làm phim Siêu sao siêu ngố, công ty của tôi đối diện với nhiều khó khăn, tiền bạc. Lúc đó, tôi khẳng định dù hoàn cảnh thế nào cũng phải bấm máy.
Còn với phim đầu tay, tôi làm theo kiểu “điếc không sợ súng”. Bộ phim đó tôi làm theo cảm tính nhưng không ngờ mang về 40 tỷ đồng. Sau này, nghĩ lại và biết nhiều hơn, tôi mới thấy mình gan quá.
Trong sự nghiệp, tôi tự tin biết mình làm gì, con đường đang đi thế nào. Thậm chí, tôi biết 2 năm tới mình sẽ làm gì. Ví dụ, tôi vẫn ấp ủ làm bộ phim Nỏ thần – một kịch bản ở sân khấu lên màn ảnh rộng. Tôi muốn làm bộ phim về lịch sử nhưng có doanh thu, ăn khách. Tôi tin mình làm được nhưng cần có thời gian chuẩn bị. Tôi là người chỉ lãng mạn ở trong kịch bản, chứ ngoài phòng vé lại rất thực tế.
- Có câu “Thành công nào cũng có sự đánh đổi”, vậy sự chuyển hướng sang sản xuất phim điện ảnh có từng khiến anh đánh đổi hạnh phúc gia đình?
- Gia đình tôi từng trải qua sóng gió nhưng hiện tại, mọi thứ tồi tệ đã qua. Tôi hiểu được áp lực của Thúy khi bước sang lĩnh vực mới. Trong khi tôi là nghệ sĩ, phản ứng theo kiểu nghệ sĩ.
Ở nhà mà không có cô ấy, con bị gì, tôi không biết xử lý thế nào. Chỉ cần nghe con khóc cũng đủ làm tôi stress. Từ đó, tôi thấy mình tệ khi không chia sẻ với vợ việc trông nom và quán xuyến con cái.
- Anh nhận lỗi về mình nhưng bạn bè nhận xét anh luôn bao dung với vợ, kể cả lỗi lầm?
- Tôi nghĩ đàn ông đúng nghĩa cần phải bao dung. Không ai toàn vẹn, không có lỗi. Mình cần sự bao dung của người khác thì bản thân cũng cần có lòng bao dung. Đàn ông nên cao thượng, không nên quá để ý đến chuyện nhỏ nhặt.
- Để có sự bao dung đó, điều kiện cần hẳn phải là có tình cảm rất lớn?
- Tôi thuộc dạng khó yêu, khó thương. Tôi ít chơi với ai, ít bạn và càng không có mặt trong bất cứ hội nhóm nào. Tôi chỉ làm việc với mọi người trong dự án. Khi xong việc, tôi trở về nhà một mình. Tôi khó chơi chung và khó thương yêu. Nhưng khi thương yêu ai thì hết lòng. Tôi ít đòi hỏi người ta phải làm gì cho mình. Với Thúy cũng vậy. Tôi nghĩ chuyện gì cũng vậy, quan trọng là mình còn thương hay không thôi.
- Lỗi lầm lớn nhất của anh với vợ con là gì?
- Tôi đã không chia sẻ với vợ những việc mà một người chồng cần làm. Tôi từng nghĩ chuyện gia đình là của phụ nữ. Vì vậy khi con bệnh, tôi không biết bệnh gì, khám ở bệnh viện nào. Trên phim trường, tôi chỉ đạo nhiều người nhưng một lần Cà phê bị bệnh, tôi luống cuống như gà mắc tóc. Tôi không biết đưa con đi khám ở đâu. Tôi không gọi được cho vợ, đành gọi bạn bè hỏi thăm và đã khóc trên đường.
Tôi nhận ra mình đã hơn 40 tuổi mà không tinh tế trong cuộc sống. Tôi đã dành thời gian cho công việc quá nhiều mà không để ý đến con. Trong khi ngoài đạo diễn, mình còn có gia đình, có nhiệm vụ làm cha.
- Vậy anh đã thay đổi như thế nào sau những sự cố trong cuộc sống?
- Trước đây, tôi không quan tâm chuyện gia đình ăn sáng chung. Tôi thích ăn gì là tự đi. Bây giờ, sáng nào, tôi cũng rủ vợ con đi ăn cùng. Buổi tối, tôi nói chuyện với con trước khi ngủ.
Sự thay đổi của tôi khiến cuộc sống tốt dần lên. Tôi nghĩ phụ nữ không đòi hỏi quá nhiều, chỉ cần sự quan tâm nhỏ của chồng, họ cũng cảm thấy đủ.
Ảnh: Bá Ngọc
Đồ họa: Minh Hồng
Theo Zing
Đức Thịnh: 'Giờ tôi biết nhường và nhịn vợ'
Sau khi con trai thứ hai chào đời, Đức Thịnh tự nhận mình suy nghĩ thấu đáo hơn, không đôi co với vợ.
- Sau khi sinh con trai lớn Cà Phê nhiều năm, vợ chồng anh mới sinh thêm cu Tết. Làm ba mẹ lần thứ hai khá muộn, anh chị cảm thấy thế nào?
- Cu Tết là một điều may mắn cho vợ chồng tôi. Chúng tôi chờ đợi nhiều năm rồi mà không được, tới khi chúng tôi không mong nhiều nữa thì cu Tết xuất hiện. Chuyện muộn hay không muộn không quan trọng, quan trọng là chúng tôi đã có con.
Đức Thịnh lần thứ hai trở thành ông bố bỉm sữa.
- Cuộc sống ông bố bỉm sữa hàng ngày của anh có gì thú vị?
- Thực ra không phải hàng ngày đâu, thỉnh thoảng tôi mới phụ Thúy chăm sóc cu Tết. Tôi đưa con đi dạo, tắm và cho con ăn sữa. Thú thật, tôi không thuộc mẫu đàn ông tháo vát nhưng làm việc gì tôi cũng làm bằng tình yêu.
Tính tôi nghệ sĩ, việc gì tôi có cảm xúc tôi sẽ chủ động làm, chuyện gì bắt tôi làm có khi tôi lại không làm. Đơn giả như việc bế con, tôi thích tôi sẽ ôm lấy cu Tết bảo "cho ba bế nào", nhưng nếu ai nhắc tôi "bế nó chút đi", chưa chắc tôi đã thích, tôi sẽ nghĩ: "Ủa sao đàn ông phải làm mấy việc này?". Có thể nhiều người nghĩ tôi là ông bố tệ, nhưng nói thật tính tôi như vậy. Tất nhiên, tôi không đến nỗi bỏ mặc vợ con, tôi cũng điều chỉnh mình để có thể gần gũi con nhiều. Hơn nữa, tôi bận bịu đi làm cũng là vì gia đình.
- Lúc chăm con, việc nào anh khéo nhất và việc nào anh dở nhất?
- Khéo nhất là làm cho cu Tết cười, tôi có thể chọc cho con cười liên tục. Còn những việc nhà như nấu cơm, rửa chén là tôi vụng về lắm.
- Cậu lớn Cà Phê của vợ chồng anh phản ứng ra sao khi trong nhà có thêm sự xuất hiện của cu Tết?
- Tôi vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi của Cà Phê khi có cu Tết. Lúc Thúy mang bầu và cả khi Thúy mới sinh, Cà Phê còn trẻ con lắm. Còn bây giờ, cu cậu chững chạc hẳn, ăn nói rành rọt, mới lớp 5 mà nhiều khi như một thanh niên, cách nói chuyện với ba mẹ, với em rất lạ, trưởng thành. Thằng bé rất thương em, hay đùa với em, lâu lâu lại giành bế em. Nhìn cu cậu bế em dễ thương vô cùng.
- Anh chị có định hướng cho hai con sau này làm điện ảnh giống mình?
- Nhiều nghệ sĩ nhận được câu hỏi này đều trả lời là họ không muốn hoặc họ để tùy ý các con quyết định. Tôi nói thật, thực ra họ đang nói dối, vì ai chẳng mong con có gen của mình, để cha mẹ con cái có chung tiếng nói, dễ trò chuyện. Một vài đồng nghiệp cũng tâm sự như vậy với tôi. Tôi đánh giá Cà Phê có tư chất của đạo diễn, hay góp ý cho tôi nên đặt nhạc ở đoạn này, đoạn kia của trailer, cảnh phim phải thế này, thế khác, thậm chí chỉnh sửa cả bài viết trên Facebook của tôi (cười).
Cậu cả Cà Phê cho cu Tết ăn sữa.
- Có lần chị Thanh Thúy từng tâm sự, hai vợ chồng anh hay mang việc công ty về nhà khiến vợ chồng tranh cãi, từ đó dấy lên tin đồn hôn nhân trục trặc. Hiện giờ, chuyện đó thay đổi thế nào?
- Bây giờ tôi suy nghĩ thấu đáo hơn, đàn ông không nên đôi co nhiều với vợ. Tôi nhường Thúy hơn, sao cũng được miễn nhà cửa êm ấm. Lúc nào có tranh luận, tôi sẽ im lặng bỏ ra ngoài. Còn Thúy thấy tôi bỏ đi là biết tôi không muốn tranh cãi nên sự việc cũng mau lắng xuống.
- Trong thời gian tới, anh chị có kế hoạch làm phim nào cùng nhau?
- Thúy trở lại công việc cùng tôi lâu rồi, sinh con 1-2 tháng là đi làm việc luôn. Cô ấy nhiều năng lượng hơn tôi nhiều, không làm việc là không chịu nổi. Sang năm, tôi và Thúy có dự án cùng đóng chính nhưng không đóng cặp, vợ tôi trong phim là người khác, Thúy vào vai người quậy tôi. Tôi làm phim này như một món quà tặng vợ và đánh dấu mốc sự nghiệp 7 năm làm điện ảnh. Đó là một phim hài do tôi viết kịch bản, vợ chồng tôi cùng sản xuất nhưng người khác đạo diễn. Tôi dự kiến hè năm sau phim ra rạp.
Vợ chồng Thanh Thúy - Đức Thịnh thân mật tại sự kiện ra mắt phim Anh thầy ngôi sao.
Thanh Thúy - Đức Thịnh kết hôn năm 2008, sinh con trai Cà Phê vào một năm sau đó. Nhiều năm qua, cặp vợ chồng nghệ sĩ luôn song hành với nhau trong các dự án phim, Đức Thịnh đạo diễn, Thanh Thúy sản xuất. Vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, Thanh Thúy sinh con trai thứ hai - cu Tết, sau nhiều năm hai vợ chồng chờ đợi.
Phong Kiều thực hiện
Theo Ngoisao.net
Cặp đôi đại gia giàu có và quyền lực Đức Thịnh - Thanh Thúy: Thuận vợ thuận chồng không gì không thể Người ta bảo "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" quả chẳng sai, nhìn những gì có được ngày hôm nay người ta mới thấy sự nhẫn nhịn của Thanh Thúy thật xứng đáng. Đức Thịnh và Thanh Thúy từng hoạt động ở sân khấu kịch Phú Nhuận với vai trò diễn viên. Thời mới hẹn hò, cả hai có cuộc...