Đức: Sân bay thời Chiến tranh lạnh thành ‘nhà trọ’ cho người tị nạn
Sau khi “hô biến” trại tập trung khét tiếng thời Đức quốc xã thành nơi ăn chốn ở cho người tị nạn, chính quyền Berlin nay lại có thêm sáng kiến mới: đưa họ vào trú ẩn trong sân bay lịch sử thời Chiến tranh lạnh Tempelhof.
Những chiếc máy bay nườm nượp nối đuôi nhau đưa hàng tiếp tế cho dân Tây Đức tại sân bay Tempelhof vào thời chiến tranh lạnh – Ảnh: Không quân Mỹ
Thị trưởng Berlin, ông Michael Mueller cho biết khoảng 800 người xin tị nạn sẽ được đưa vào trú ẩn trong một nhà chứa máy bay của sân bay cũ Tempelhof.
Nước Đức đang phải gồng mình huy động mọi nguồn lực trước làn sóng người tị nạn đang bùng phát, trước mắt là cung cấp nơi ăn chốn ở cho họ. Để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu nhất, thị trưởng Mueller cho biết nhà chứa máy bay sẽ được trang bị hệ thống sưởi, được ngăn thành từng nhiều phòng riêng tạm thời, trang bị hệ thống vệ sinh, dẫn chất thải tạm thời…
“Chào đón người tị nạn” là nội dung của tấm biển này tại một cuộc “biểu dương lực lượng” của những người Berlin ủng hộ nhập cư – Ảnh: AFP
Báo Berliner Morgenpost cũng đưa tin một nhà chứa máy bay thứ hai tại Tempelhof cũng có thể được huy động để được sửa chữa thành khu vực sinh sống đỡ phần tạm bợ hơn cho những người xin tị nạn.
Kể từ làn sóng di cư bắt đầu, thủ đô Berlin mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.000 người xin tị nạn. Riêng chỉ trong tháng này, 65.000 người tị nạn đã đến Đức. Còn tính ở đơn vị năm, giới chức nước này đã phải dự trù con số 1 triệu và có thể cao hơn, theo báoLos Angeles Times.
Video đang HOT
Mùa đông đang đến rất gần, ngoài chuyện trưng dụng các trung tâm hội nghị cũ, các trại lính không còn sử dụng thì trại tập trung hay nhà chứa máy bay đều “lọt vào mắt xanh” của chính quyền thành phố Berlin.
Sân bay Tempelhof là nơi chứng kiến lịch sử đầy thăng trầm của thành phố Berlin. Nó được xây dựng vào thập niên 20 của thế kỷ trước, đến thập niên 30 được Đức quốc xã tân trang và trưng dụng cho mục đích quân sự.
Đến năm 1948-1949, Tempelhof trở thành tâm điểm của cả thế giới giữa những thời khắc căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh, khi quân đội Liên Xô phong tỏa hoàn toàn Tây Berlin trên cả đường bộ, đường sắt và đường sông. Vậy là ngay tại sân bay Tempelhof, Mỹ và các nước đồng minh phải lập cầu hàng không với các chuyến bay không ngưng nghỉ, chở hàng tiếp tế nườm nượp để nuôi sống cư dân Tây Berlin giữa đói khát và lạnh giá.
Một người tình nguyện phát thực phẩm cho trẻ em tị nạn tại Berlin – Ảnh: Reuters
Đến năm 2008, sân bay Tempelhof được cho “về hưu”, biến thành một công viên rộng lớn cho dân Berlin tới chạy bộ, đi xe đạp, thả diều… mỗi khi muốn thoát khỏi cuộc sống căng thẳng, bận rộn.
Nhưng sân bay Tempelhof không phải là địa điểm đình đám chứng kiến dấu ấn lịch sử duy nhất ở Berlin được “hô biến” thành nơi thấp thỏm đợi chờ của người tị nạn. Đông đảo những người đang đi tìm một cuộc sống xa bom đạn và đói nghèo cũng đang qua ngày trong trại lính cũ ở Spandau, từng là nơi đặt một nhà tù khét tiếng; số khác thì ở một doanh trại khác trong trại tập trung dã man Buchenwald của Đức quốc xã.
Những diễn biến như thế này lại một lần nữa làm người Do Thái phải đau lòng nhớ lại những ký ức kinh hoàng. Nhưng Berlin thì đã quá quen với những cú va đập chan chát giữa quá khứ và hiện tại.
Trại tập trung khét tiếng Buchenwald cũng được trưng dụng cho người tị nạn – Ảnh: Reuters
Báo Los Angeles Times dẫn lời Fabian Leuschmer, nhà tâm lý học đang cùng gia đình đi pinic vui vẻ ở Tempelhof nói: “Chúng tôi phải dùng bất kỳ chỗ ở nào có thể tận dụng được để giúp đỡ những người này (người tị nạn). Tôi chẳng thấy căng thẳng tí nào. Tôi chắc chắn người dân Đức có thể xử lý được”.
Một cư dân Berlin khác tên Johanna Otte cũng cùng chung tiếng nói : “Rõ ràng, đây là một tình huống rất đặc biệt. Chúng tôi đã có sẵn chỗ, chúng tôi cần sử dụng nó vào việc tốt”.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Thủ tướng Anh thăm người tị nạn Syria
Thủ tướng Anh hôm qua có chuyến thăm bất ngờ đến một trại tị nạn dành cho người Syria ở Lebanon, thông báo gia tăng viện trợ để giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng di cư lớn ở châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron thăm một gia đình tị nạn người Syria tại trại tị nạn ở thung lũng Bekaa, Lebanon. Ảnh: Reuters.
"Khoảng 3% trong số 11 triệu người Syria buộc phải rời bỏ nhà cửa muốn xin tị nạn ở châu Âu", AFP dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron nói. "Nếu không có viện trợ từ Anh, hàng trăm nghìn người có thể đang liều mạng để đến châu Âu. Do đó, những quỹ này là một phần trong phương pháp tiếp cận toàn diện của chúng tôi đối phó với sự di cư trong khu vực".
Anh tuần trước thông báo sẽ chi thêm hơn 150 triệu USD cho người tị nạn Syria. Hơn 60 triệu USD trong số tiền trên được chuyển tới Liên Hợp Quốc và các nhóm phi chính phủ đang hoạt động vì người tị nạn ở Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Cameron trong cùng ngày tới thăm một trại tị nạn ở ngoại ô thị trấn Terbol, thung lũng Bekaa, miền đông Lebanon. "Tôi đến một trại tị nạn, lắng nghe một vài câu chuyện đau lòng", Thủ tướng Cameron đăng trên Twitter khi ông nói chuyện với những người tị nạn sẽ được tái định cư tại Anh.
Ông Cameron sau đó đến Jordan và hội đàm với Nhà vua Abdullah II, Bộ Ngoại giao Jordan cho biết. Tại Jordan, thủ tướng Anh tới thăm Zaatari, trại tị nạn trên sa mạc ở phía bắc vương quốc, nơi có khoảng 80.000 người tị nạn Syria.
Chuyến đi của Thủ tướng Cameron bắt đầu chỉ vài giờ sau khi ông bổ nhiệm nghị sĩ Richard Harrington làm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao trong Nghị viện, phối hợp hoạt động tại Văn phòng Nội vụ, Bộ Các cộng đồng và Chính quyền Địa phương và Cục Phát triển Quốc tế, theo Al Jazeera. Ông Harrington sẽ chuyên giải quyết vấn đề của 20.000 người tị nạn Syria
Lebanon và Jordan cho biết các nguồn lực của họ đã hoạt động tới mức cao nhất vì dòng người tị nạn Syria. Liên Hợp Quốc cũng nhiều lần kêu gọi những nhà tài trợ giúp cứu trợ người Syria. Hồi đầu tháng, cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc thông báo dừng hỗ trợ cho 229.000 người Syria ở Jordan do quỹ thiếu hụt.
Cuộc xung đột, bùng phát từ tháng 3/2011, ở Syria đã làm hơn 240.000 người thiệt mạng. Chính phủ Syria để mất nhiều phần lãnh thổ rộng lớn vào tay quân nổi dậy và các nhóm phiến quân. Gần nửa dân số Syria phải di tản, rời bỏ đất nước, trong đó rất nhiều người đang tìm cách đến châu Âu.
Như Tâm
Theo VNE
Từ người tị nạn trở thành huyền thoại Nhà sáng lập Apple Steve Jobs, nhà đầu tư Mỹ George Soros, tỉ phú hàng đầu nước Úc Frank Lowy, đồng sáng lập Google Sergey Brin... Đó là vài doanh nhân có xuất thân là một người tị nạn hoặc có cha mẹ từng lâm vào cảnh phải di cư vì bất ổn. Đồng sáng lập Google, ông Sergey Brin - Ảnh: AFP...