Đức: Người biểu tình phản đối thắt chặt tài khóa, đốt xe cảnh sát
Những người biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại Đức hôm nay 18/3 đã đốt cháy 2 xe cảnh sát và phong tỏa trụ sở sắp khai trương của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại thành phố Frankfurt.
Người biểu tình đã đốt 2 xe cảnh sát tại thành phố Frankfurt. (Ảnh: AP)
Hãng thông tấn AP đưa tin những người biểu tình tại thành phố Frankfurt, Đức hôm nay 18/3 đã đốt cháy 2 xe cảnh sát trong cuộc đụng độ giữa lực lượng hành pháp nước này với phe biểu tình ủng hộ tư tưởng tả khuynh, chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng. Những người biểu tình đã phong tỏa và cố gắng ngăn chặn buổi lễ khai trương trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Franfurt.
Theo AP, những người biểu tình nhằm vào trụ sở ECB bởi ngân hàng này có vai trò giám sát việc kiềm chế chi tiêu và giảm nợ công tại các nước gặp vấn đề về tài chính như Hy Lạp.
Một người biểu tình cho hay họ muốn phong tỏa trụ sở mới của ECB trước lễ khai trương, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động mà họ gọi là “kinh doanh tư bản” của ngân hàng này.
ECB cùng với Ủy ban châu Âu (EC) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tạo thành “bộ ba” giám sát việc thi hành các điều kiện để nhận được gói cứu trợ của Hy Lạp và một số nước gặp vấn đề tài chính ở châu Âu. Các điều kiện này hướng đến giảm chi tiêu và hướng đến giảm thâm hụt ngân sách nhưng lại bị cho là gây ra tình trạng thất nghiệp và tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế châu Âu.
Ngân hàng ECB cho hay họ vẫn tiến hành hoạt động một cách bình thường khi cuộc biểu tình diễn ra, nhưng một số nhân viên có thể sẽ làm việc tại nhà.
Video đang HOT
Cảnh sát đã lập hàng rào và các dây chắn tại trụ sở mới của ECB. (Ảnh: AP)
Cảnh sát đã lập hàng rào và các dây chắn tại trụ sở mới của ECB nhằm chặn những người biểu tình chống lại các biện pháp thắt chặt tài chính của chính phủ nước này.
Phía cảnh sát cho hay một sỹ quan của lực lượng này đã bị thương vì bị người biểu tình ném đá gần nhà hát Alte Oper của thành phố.
Hơn 10.000 người dự kiến sẽ tham gia cuộc biểu tình tại quảng trường lớn Roemerberg của thành phố Frankfurt. Ban tổ chức thậm chí còn thuê riêng một chuyến tàu để đưa đón người biểu tình từ Berlin và các nơi khác trên nước Đức hay các nước láng giềng châu Âu.
Cảnh sát Frankfurt cho hay nhưng cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra trong im lặng, nhưng vẫn có khả năng sẽ có bạo động xảy ra.
Một số hình ảnh về cuộc biểu tình tại thành phố Frankfurt, Đức
Thoa Phạm
Theo Dantri/AP
Thất bại trong cuộc đàm phán về thỏa thuận cứu trợ giữa Hy Lạp và châu Âu
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về gia hạn chương trình cứu trợ mới cho Hy Lạp đã kết thúc tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 12/2 mà không đạt được kết quả khả quan nào.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã đưa ra đề xuất của Athens về một chương trình cho vay mới, theo đó, Athens muốn loại bỏ khoảng 30% các điều kiện cứu trợ hiện hành và thay thế bằng các biện pháp khác, hướng tới phát triển kinh tế bền vững hơn.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (Ảnh AFP)
Tuy nhiên, sau 6 giờ đàm phán, Hy Lạp và Eurogroup không đạt được thỏa thuận nào về việc gia hạn chương trình cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 240 tỷ euro dành cho Athens.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết dù chưa đạt được thỏa thuận nào song không có xung đột giữa Eurogroup và Eurogroup, đồng thời khẳng định 2 bên đã thống nhất những bước đi tiếp theo.
Các chuyên gia kinh tế của Hy Lạp sẽ tiếp tục thảo luận với Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF vào cuộc họp sắp tới dự kiến diễn ra trong tuần tới. Sau đó, Eurogroup sẽ đưa ra kết luận về cuộc họp này.
Trước cuộc họp của Eurogroup, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cam kết sẽ không đưa Hy Lạp trở lại với các chương trình kinh tế khắc khổ, từ chối rút lui kế hoạch đàm phán lại nợ. Ông Tsipras cho biết Athens sẽ nỗ lực đẩy lùi nạn trốn thuế, buôn bán bất hợp pháp, tham nhũng và tài phiệt đầu cơ chính trị.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã đề xuất kế hoạch phát hành thêm trái phiếu chính phủ ngắn hạn trong sáu tháng, với thặng dư ngân sách nhỏ hơn và nhận lợi nhuận của trái phiếu chính phủ Hy Lạp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu nắm giữ.
Hiện Hy Lạp chủ trương theo đuổi chương trình cải cách kinh tế độc lập và bền vững trong khi Đức và EU kêu gọi Athens có quan điểm thực tế hơn.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
EU dùng lạt mềm buộc chặt với Hy Lạp EU bắt đầu tính đến các biện pháp nới lỏng sợi dây "thắt lưng buộc bụng" với Hy Lạp sau khi chính quyền Athens quyết cứng rắn Hy Lạp không thể thoát tay chủ nợ Chính quyền mới vừa đắc cử tại Hy Lạp có một loạt các động thái nhằm nới lỏng chính sách kham khổ và đàm phán để được xóa...