Đức, Mỹ quyết không nới lỏng trừng phạt Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua có cuộc điện đàm nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phe ly khai trong hoạt động được mô tả là diễn tập chống khủng bố ở Donetsk hôm 18/3. Ảnh: Reuters.
“Lệnh trừng phạt áp đặt với Nga sẽ không được nới lỏng cho đến khi nước này hoàn thành tất cả các cam kết Minsk”, AFP dẫn thông tin từ Nhà Trắng, đề cập tới thỏa thuận gần đây nhằm giảm căng thẳng ở đông Ukraine, cho hay.
Hai nhà lãnh đạo nhận định thỏa thuận Minsk là cần thiết cho một “giải pháp hòa bình và lâu dài để chấm dứt xung đột”. Theo đó, thỏa thuận kêu gọi các bên ngừng bắn, rút vũ khí khỏi chiến tuyến và mở cánh cửa đối thoại chính trị.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua cũng có cuộc điện đàm nhất trí lệnh trừng phạt Nga phải gắn với việc thực hiện kế hoạch hòa bình Minsk, Reuters đưa tin.
Video đang HOT
“Nếu Nga tiếp tục tạo bạo lực và gây bất ổn ở Ukraine, cộng đồng quốc tế phải chuẩn bị tăng cái giá Moscow phải trả vì theo đuổi những hành động này”, Nhà Trắng cho biết trong một thông báo.
Ông Biden còn hoan nghênh quyết định của Rada (quốc hội Ukraine), trao trạng thái đặc biệt cho những khu vực ở miền đông đang nằm trong tay phe ly khai, cho phép tự trị hạn chế nhưng chỉ khi các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức theo luật Ukraine.
Nga và phe ly khai hôm qua lên án Ukraine vì phê duyệt hai dự luật liên quan đến quyền tự trị lớn hơn cho miền đông, nói Kiev vi phạm thỏa thuận hòa bình và đe dọa ảnh hưởng đến lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 15/2. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả động thái trên “thực chất là viết lại thỏa thuận hoặc đơn giản hơn là vi phạm rõ ràng”.
“Kiev đang tìm cách thay thế toàn bộ quan chức đã được bầu trên thực tế bằng một ai khác”, ông Lavrov nói, nhắc đến giới lãnh đạo các nhà nước tự xưng ở đông Ukraine. “Dự luật có hiệu lực chỉ khi những vùng lãnh thổ trên được người phù hợp với Kiev lãnh đạo”.
Theo thỏa thuận hòa bình đạt được hôm 12/2 ở Minsk, quá trình xác định tính pháp lý trạng thái đặc biệt tại miền đông Ukraine phải được thông qua sau khi hai phe ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến. Việc tổ chức bầu cử địa phương, dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), sẽ do Kiev và phe ly khai “thảo luận”, thỏa thuận cho biết.
Như Tâm
Theo VNE
Nga đồng ý duy trì dòng khí đốt mùa đông cho Ukraine
Liên minh châu Âu thông báo Moscow và Kiev hôm qua đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt cho đến cuối tháng 3, đảm bảo nguồn cung cho châu Âu, sau khi kết thúc đàm phán ở Brussels.
Một công nhân đang khóa chặt van đường ống dẫn tại cơ sở lưu trữ khí đốt Bilche-Volytsko-Uherske ở vùng Lviv, miền tây Ukraine, hôm 21/5/2014. Ảnh: AFP.
"Tôi hài lòng khi chúng tôi đã đảm bảo Gói Mùa đông được thực hiện, đáp ứng nhu cầu ở Ukraine", AFP dẫn lời Maros Sefcovic, Phó chủ tịch Liên đoàn Năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu, nói, nhắc đến thỏa thuận kéo dài đến hết tháng 3 mà phía Nga dọa chấm dứt. "Chúng tôi cũng thống nhất tiếp tục đàm phán ba bên về Gói Mùa đông. Tôi cam đoan rằng nguồn cung khí đốt cho thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn đảm bảo".
Hai phía thống nhất tạm đặt việc bơm khí đốt cho các khu vực thuộc Donetsk và Luhansk, nơi phe ly khai đang kiểm soát, ra ngoài bàn đàm phán và sẽ thảo luận sau. Vấn đề này "rất phức tạp về mặt pháp lý, kỹ thuật và chính trị", thông báo của EU cho biết thêm. Họ dự kiến gặp lần nữa trước cuối tháng 3 để bàn về cái gọi là Gói Mùa hè.
Thỏa thuận trên đạt được sau gần 5 giờ đàm phán giữa Sefcovic, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Demchyshyn. Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom và công ty khí đốt quốc gia Ukraine Naftogaz cũng cử đại diện tham gia.
"Kết quả hôm nay về năng lượng có thể giúp Ukraine và Nga vượt qua khác biệt trong việc cung cấp khí dốt", bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao phụ trách Chính sách Đối ngoại của EU, nói.
Gazprom trước đó dọa sẽ ngừng bơm cho Ukraine và chuyển khí đốt tới các khu vực miền đông sau khi Kiev dừng cung cấp đến nơi này. Sự việc đe dọa làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho EU. EU nhận khoảng một phần ba lượng khí đốt cần thiết từ Nga với gần một nửa số này được bơm qua Ukraine.
Căng thẳng gia tăng từ tuần trước khi Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt trực tiếp cho phe ly khai và yêu cầu Kiev thanh toán. Các thủ lĩnh ly khai nói Kiev bất ngờ ngừng cấp khí đốt và đề nghị được nhận khí đốt từ Nga. Naftogaz xác nhận thông tin trên, nói là do đường ống dẫn bị hư hại trong giao tranh.
Gazprom từng ngừng bơm khi đốt cho Kiev vào hai năm 2006 và 2009 do tranh chấp, gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cho châu Âu vào cao điểm của mùa đông.
Như Tâm
Theo VNE
Tổng thống Mỹ: Tự do hàng hải phải được duy trì ở châu Á - Thái Bình Dương Tự do hàng hải phải được duy trì ở châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong bài phát biểu ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 27.1, giữa lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh của mình trong khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 27.1...