Đức muốn tái áp dụng khẩn cấp các biện pháp hạn chế
Để đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Đức và các bang muốn áp dụng các biện pháp y tế ngay sau Lễ Phục sinh.
Đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ 3 đã bắt đầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn khẩn cấp tái áp dụng các biện pháp hạn chế, việc nới lỏng đời sống công cộng có thể được rút lại vào thứ Hai tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức ngày 18/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 19/3 (giờ địa phương), tại một cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang đã thống nhất việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở nước này, bằng sự tham gia của các bác sỹ gia đình vào chiến dịch ngay sau Lễ Phục sinh với tối thiểu 1 triệu liều/ 1 tuần. Từ ngày 5 đến ngày 11/4, khoảng 50.000 cơ sở y tế ở Đức cũng được phép tiêm chủng.
Video đang HOT
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Merkel nói: “Chúng tôi muốn nhanh hơn và linh hoạt hơn khi nói đến tiêm chủng”. Bất chấp sự tắc nghẽn trong việc giao vaccine từ AstraZeneca và việc tạm ngừng tiêm chủng đối với vaccine từ công ty này, Chính phủ Đức và các bang vẫn kiên định mục tiêu mọi người dân phải được tiêm chủng vào mùa Hè”.
Cùng với việc Đức đã nối lại việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tái khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine này, Thủ tướng Merkel nhận định vào tháng Tư, số lượng vaccine sẽ “vẫn khan hiếm”, do đó việc tiêm chủng vẫn phải theo trình tự theo khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng Thường trực. Tuy nhiên, các bác sỹ nên được tạo sự linh hoạt nhất định, như việc xử lý các liều vaccine còn lại.
Theo chính phủ liên bang, việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ không đủ để làm chậm sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm bệnh. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết: “Vẫn chưa có đủ vaccine ở châu Âu để ngăn chặn làn sóng thứ ba chỉ với việc tiêm vaccine”, “Thật không may, chúng ta đang phải đối mặt với những tuần khó khăn một lần nữa”.
Thủ tướng Merkel cho biết, tình hình đang phát triển “rất khó khăn”. Theo quan điểm của Thủ tướng Merkel, vì sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm, số ca mắc bệnh hiện tại đang tăng lên theo cấp số nhân. Do đó, Đức có thể sẽ “phanh khẩn cấp” việc nới lỏng và tái áp dụng các biện pháp hạn chế.
Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), vào ngày 19/3, số ca nhiễm mới được báo cáo đã tăng lên 17.482, tỷ lệ mắc trên toàn quốc tăng lên 95,6. Trước đó, chính phủ liên bang và các bang gần đây đã thống nhất rằng, việc nới lỏng phải được rút lại nếu tỷ lệ mắc bệnh vượt quá 100 ca nhiễm/100.000 người/ 1 tuần. Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang sẽ thảo luận thêm về các biện pháp vào thứ Hai tuần tới.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, Italy phong tỏa dịp Lễ Phục sinh
Ngày 12/3, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 và Italy sẽ đặt trong tình trạng phong tỏa trên cả nước dịp Lễ Phục sinh (từ ngày 3-5/4).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 27/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3-6/4. Sắc lệnh bổ sung các biện pháp hạn chế đi lại của người dân cũng như các quy tắc nghiêm ngặt hơn trong việc phân định vùng màu theo tỷ lệ lây nhiễm. Khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 250 trường hợp/100.000 dân trong một tuần sẽ chuyển sang vùng đỏ, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo sắc lệnh mới, các tỉnh tự trị Bolzano và Trento, vùng Basilicata, Campania, Emilia Romagna, Friuli Venezia Giulia, Lazio, Lombardia, Piemonte, Veneto, Toscana và Marche sẽ thuộc vùng đỏ. Vùng Abruzzo, Calabria, Liguria, Molise, Puglia, Sicilia, Umbria, Valle d'Aosta chuyển vùng cam. Sardegna là vùng trắng duy nhất.
Tại vùng đỏ, trường học ở tất cả các cấp và trường đại học đều phải đóng cửa; các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar sẽ phải đóng cửa; cấm hoạt động đi lại giữa các thành phố, tỉnh, vùng ngoại trừ lý dó công việc, sức khỏe và tình huống cấp thiết.
Ngoài ra, Thủ tướng Italy Mario Draghi cam kết thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Draghi nêu rõ mục tiêu của chính phủ là sử dụng tất cả không gian hữu ích để triển khai chiến dịch tiêm chủng, không chỉ ở bệnh viện, mà các công ty, phòng tập thể thao, bãi đậu xe đều có thể trở thành điểm tiêm chủng. Cho đến nay, Italy đã triển khai 1.694 điểm tiêm chủng cố định.
Sắc lệnh được đưa ra trong bối cảnh làn sóng thứ 3 đại dịch COVID-19 tại Italy tiếp diễn phức tạp, số ca mắc mới mỗi ngày không ngừng gia tăng. Ngày 12/3, Italy ghi nhận 26.824 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.175.807 trường hợp.
Đức khẳng định công dụng của vaccine AstraZeneca Nước Đức sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID19 của hãng AstraZeneca do chưa có bằng chứng rõ rệt nào về các phản ứng phụ nghiêm trọng từ việc tiêm phòng loại vaccine này. Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bremen, Đức ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo của Viện Paul Ehrlich...