Đức loay hoay giữa Mỹ và Trung Quốc
Mối quan hệ kinh tế vô cùng sâu sắc với cả Mỹ và Trung Quốc khiến Đức không muốn mất lòng bên nào, bất chấp áp lực từ các phía.
Kể từ sau Thế chiến II, Washington và Berlin ràng buộc chặt chẽ với nhau bởi các giá trị chung, thể chế dân chủ, cùng mạng lưới những thỏa thuận và hợp tác quốc tế.
Mỹ được coi là đã giúp xây dựng nước Đức hiện đại và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, trong khi Trung Quốc gần đây lại vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Năm ngoái, Đức xuất khẩu 119 tỷ euro (gần 134 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ và 96 tỷ euro (gần 108 tỷ USD) sang Trung Quốc. Jorg Kraemer, nhà kinh tế học tại tập đoàn Commerzbank, cho biết gần 1/5 doanh thu của các công ty Đức kiếm được từ Mỹ và Trung Quốc.
Mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức đồng nghĩa với việc họ cần cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Khoảng 28% việc làm tại Đức liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xuất khẩu. Mức xuất khẩu của Đức nhiều gần bằng Mỹ, trong khi dân số của họ chỉ tương đương 1/4 nước này.
Quan hệ thương mại với Mỹ và Trung Quốc đã mang lại lợi ích lớn cho Đức trong hai thập kỷ qua, giúp họ duy trì đà tăng trưởng ổn định, gần như đủ việc làm cho người dân. Nguồn ngân sách công dồi dào còn tạo điều kiện cho Đức chi hơn 1.000 tỷ euro (1,13 nghìn tỷ USD) vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19.
“Tại sao chúng ta phải chọn phe, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái? Không có ai mong muốn điều đó”, Jorg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, nêu ý kiến.
Ôtô xếp tại cảng Bremerhaven của Đức hôm 24/4 để chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: Reuters.
Khác với các nền kinh tế châu Âu khác, quan hệ thương mại giữa Đức với Trung Quốc tương đối cân bằng. Những công ty kỹ thuật nổi tiếng của Đức là nguồn cung cấp thiết bị cho nhà máy và cơ sở hạ tầng, giúp Trung Quốc vươn lên thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Việc bắt tay với “gã khổng lồ” đang phát triển nhanh chóng cũng tạo điều kiện cho Đức phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng tài chính và vượt qua khủng hoảng nợ công châu Âu.
Trung Quốc cũng là thị trường số một của các nhà sản xuất ôtô tầm cỡ tại Đức. Hồi tháng 5, hãng Volkswagen AG đã giao 330.000 xe sang Trung Quốc, tăng 6% so với năm ngoái, chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn cầu của tập đoàn.
“Tôi không thể tưởng tượng Volkswagen sẽ ra sao nếu thiếu Trung Quốc”, Ferdinand Dudenhoeffer, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ôtô tại Đại học Duisburg-Essen, Đức, cho hay.
Giám đốc điều hành Volkswagen Herbert Diess, người từng gọi Trung Quốc là “ngôi nhà thứ hai” của tập đoàn, gần đây đã ca ngợi cách Bắc Kinh xử lý Covid-19. Tháng trước, Volkswagen cho biết họ sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào thị trường xe điện của Trung Quốc.
“Đức muốn làm ăn với Trung Quốc. Việc tiếp cận sâu hơn vào thị trường của họ là ưu tiên chính của chúng tôi”, Mikko Huotari, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator tại Berlin, cho biết, nói thêm rằng mục tiêu này không lay chuyển bất chấp các động thái chính trị của Bắc Kinh, như kế hoạch áp luật an ninh với Hong Kong.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, mức độ hợp tác kinh tế với Trung Quốc của các nước châu Âu khác ít hơn nhiều so với Đức. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc gấp khoảng ba lần so với Pháp và Italy cộng lại.
Dù vậy, thị trường Mỹ cũng đóng vai trò rất quan trọng với Đức. Xuất khẩu máy móc từ Đức sang Mỹ tăng nhanh hơn nhiều so với Trung Quốc trong thập kỷ qua, tăng khoảng 6-10% một năm. “Trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, Mỹ phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài. Họ thực sự không còn nhà sản xuất máy công cụ chất lượng cao nào”, Ulrich Ackermann, giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí Đức, cho hay.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Đức đang ngày càng mất thiện cảm với Mỹ. Nguyên nhân xuất phát từ bất đồng với Tổng thống Donald Trump, cũng như không hài lòng về những chính sách trước đây của Washington, từ chiến tranh Iraq tới việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ do thám công dân và lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Người Đức giờ đây cho rằng mối quan hệ giữa Berlin với Bắc Kinh quan trọng ngang sự hợp tác với Washington, theo khảo sát tháng trước của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Mareike Ohlberg, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Marshall ở Berlin, cũng đánh giá người Đức “khá hoài nghi về những giá trị chung với Mỹ”.
Trong khi đó, giới chức Đức lại tỏ ra bực bội với những động thái quyết liệt của Trung Quốc trong nhiều vấn đề đối ngoại, đồng thời ngày càng thất vọng vì sự im lặng của họ trong hợp tác kinh tế. Văn phòng của bà Merkel vừa đột ngột tuyên bố hoãn vô thời hạn hội nghị thượng đỉnh giữa toàn bộ lãnh đạo EU và Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch từ lâu và dự kiến tổ chức vào tháng 9 tại thành phố Leipzig, Đức.
Lý do được đưa ra là lo ngại về Covid-19. Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay nguyên nhân thực sự là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa sẵn sàng ký thỏa thuận đáp ứng những yêu cầu đầu tư sâu rộng của châu Âu vào thị trường nước này. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong 7 năm, dự kiến giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và bảo vệ nguồn vốn đầu tư của các công ty châu Âu.
Nhiều doanh nhân Đức cho biết họ đang mất dần kiên nhẫn với những trở ngại từ phía Trung Quốc, như sự thúc ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp và các hàng rào bảo hộ, vốn được coi là cái giá phải trả để xâm nhập thị trường lớn nhất thế giới. Một số người kêu gọi Berlin có cách tiếp cận với Bắc Kinh một cách cứng rắn như Trump.
Tuy nhiên, nỗi thất vọng của Berlin vẫn chưa chuyển biến thành chính sách cụ thể, động thái có khả năng “chọc giận” và khiến Bắc Kinh trả đũa, gây tổn hại lên nền kinh tế Đức. Điều này thể hiện qua việc Đức không quay lưng với tập đoàn Huawei, bất chấp áp lực từ Mỹ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã gặp người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi tại Thượng Hải. Sau bữa sáng kéo dài một giờ, Altmaier cho biết dựa vào mức độ hoạt động của Huawei tại Đức, tập đoàn này có thể trình bày quan điểm của họ với bộ trưởng phụ trách vấn đề liên quan.
Jens Hildebrandt, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, cũng cho hay các công ty của nước này đang tăng cường điều chỉnh chiến lược ở Trung Quốc, bằng cách đưa thêm các phát triển và nghiên cứu tới đây, đồng thời cố gắng rút ngắn chuỗi cung ứng. Theo Hildebrandt, việc rút khỏi thị trường Trung Quốc giống như “tự sát kinh tế” với Đức.
“Xét về tốc độ và tiềm năng tăng trưởng, thị trường nào trên thế giới có thể thực sự thay thế Trung Quốc chứ?”, ông nói.
Cuộc bạo loạn khiến Đức bất ngờ
Khi hàng trăm người đập phá, cướp bóc ở Stuttgart đêm 20/6, giới chức Đức không hiểu tại sao một vụ kiểm tra ma túy bình thường lại biến thành bạo loạn.
Cảnh sát thành phố Stuttgart, Đức, đêm 20/6 kiểm tra một nam thanh niên 17 tuổi bị nghi sử dụng chất kích thích. Căng thẳng leo thang khi đám đông đang tiệc tùng gần đó bao vây nhà chức trách, rồi ném chai lọ, gạch đá về phía họ.
Bạo loạn nhanh chóng bùng lên, khi đám đông 400 - 500 người chuyển từ đập phá xe cảnh sát sang đụng độ với lực lượng thực thi pháp luật và nhân viên cấp cứu. Khi cảnh sát trấn áp, đám đông chia thành các nhóm nhỏ, tiếp tục phá hoại xung quanh trung tâm thành phố, đập vỡ cửa kính và cướp đồ tại các cửa hàng dọc con phố mua sắm Koenigstrasse.
Bạo loạn ở Stuttgart, Đức đêm 20/6. Video: YouTube/WarLeaks.
"Trong 46 năm làm cảnh sát, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế", cảnh sát trưởng Stuttgart Frank Lutz nói. Kể từ khi cuộc bạo loạn ở trung tâm thành phố Stuttgart nổ ra, cả nước Đức đang đau đáu với câu hỏi vì sao một cuộc kiểm tra người bị tình nghi buôn bán ma túy thông thường lại có thể kích động bạo lực dâng cao đến vậy.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại tỏ ra không bất ngờ, cho rằng cuộc đụng độ đã phơi bày những căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa cảnh sát Đức và người nhập cư.
Không có bất kỳ yêu cầu chính trị nào được đưa ra trong suốt cuộc bạo loạn. Cảnh sát dường như là mục tiêu chính của những người tấn công. Các sĩ quan nói họ chặn một thanh niên người Đức 17 tuổi, da trắng lại vì tình nghi mang theo chất kích thích nhưng không bắt anh này.
Sau sự việc, giới chức nhanh chóng làm rõ sự khác biệt trong chiến thuật và huấn luyện giữa lực lượng cảnh sát của họ và cảnh sát ở Mỹ, nơi các cuộc biểu tình chống hành vi bạo lực của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc đang lan rộng trên toàn quốc.
Trong bối cảnh biểu tình bùng phát gây căng thẳng tại Mỹ, các nhóm nhập cư ở Đức những tuần gần đây liên tục chỉ trích cảnh sát, nói rằng họ là nạn nhân của phân biệt chủng tộc suốt quãng thời gian dài.
Một cửa hàng bị đập vỡ cửa kính sau cuộc bạo loạn đêm 20/6 ở Stuttgart, Đức. Ảnh: AFP.
Báo Frankfurter Rundschau viết bạo loạn hôm 20/6 ở Stuttgart "bắt nguồn từ quá khứ, thời điểm mà những 'công nhân di cư' được đưa đến Đức làm việc cho Mercedes và Porsche, sản xuất xe hơi cho những người ngồi trong phòng họp. Chỉ riêng từ 'công nhân di cư' đã ngụ ý rằng họ chưa bao giờ có ý định cho những người này trở thành một phần của xã hội Đức".
"Nhưng nay, họ đã ở Đức qua nhiều thế hệ và để đi tới cái đích cùng tồn tại trong hòa bình là cả một con đường dài. Thực tế này đã được phơi bày rõ nét ở Stuttgart đêm 20/6", tờ báo nhấn mạnh.
Trong 25 người đầu tiên bị bắt sau vụ bạo động, tất cả đều là đàn ông, tuổi từ 16 tới 33, một nửa là công dân Đức, số khác đến từ Croatia, Iraq, Bồ Đào Nha và Latvia. Họ bị cáo buộc gây rối, hành hung, chống người thi hành công vụ và trộm cắp.
Cảnh sát cho biết 19 sĩ quan bị thương trong vụ ẩu đả. Không có báo cáo về thương vong trong những người bị bắt.
Trong khi các cuộc biểu tình ở Mỹ khiến nhiều thành phố và chính quyền bang phải hứa cải tổ lực lượng cảnh sát, giới chức Đức chưa thể hiện bất kỳ động thái nào cho thấy họ coi sự việc ở Stuttgart là dấu hiệu cần phải tiến hành cải cách có tính hệ thống. Thay vào đó, họ vẫn bảo vệ phương pháp huấn luyện và các chiến thuật mà cảnh sát sử dụng.
"Chúng ta không áp dụng tiêu chuẩn Mỹ trong lực lượng cảnh sát", Winfried Kretschmann, thống đốc tỉnh Baden-Wrttemberg, nơi Stuttgart là thủ phủ, tuyên bố hôm 23/6. "Không được phép ghì đầu gối vào cổ ai đó".
"Cảnh sát xứng đáng nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của chúng ta", ông nói thêm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi cuộc bạo loạn hồi cuối tuần qua ở Stuttgart là "ghê tởm" và "đáng bị lên án gay gắt". Chính quyền Stuttgart ngày 23/6 cho biết đang cân nhắc cấm sử dụng rượu bia ở nơi công cộng nhằm ngăn sự việc tương tự diễn ra vào cuối tuần này. Cảnh sát cho hay nhiều người tham gia cuộc tấn công có biểu hiện say xỉn.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer tới kiểm tra hiện trường vụ bạo loạn. Ảnh: AFP.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ngày 22/6 đến Stuttgart, cam kết đưa các thủ phạm ra trước công lý, nhấn mạnh "trừng phạt luôn là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nhất nhằm tránh để điều này xảy ra một lần nữa trong tương lai".
Những tuần gần đây, do các buổi hòa nhạc bị cấm tổ chức, quán bar, câu lạc bộ đêm phải đóng cửa trong nỗ lực nhằm ngăn Covid-19 lây lan, nhiều người dân ở Stuttgart đã mang tiệc tùng xuống đường phố.
Ngoài cấm rượu bia ở nơi công cộng, thị trưởng thành phố còn đang cân nhắc lắp đặt thêm camera giám sát. Cùng lúc, chính quyền đang liên lạc với các nhân viên xã hội và những người có mối liên hệ với cộng đồng người nhập cư ở thành phố.
Simon Fregin, nhân viên xã hội tham gia các dự án phát triển thanh thiếu niên địa phương, cho rằng cuộc bạo loạn đêm 20/6 nổ ra bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như thái độ bất mãn với cảnh sát hay tâm lý buồn chán, bí bách vì bị kìm kẹp bởi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19.
Trong một bài bình luận, báo cánh tả Sddeutsche Zeitung kêu gọi "bàn về cội rễ của sự giận dữ", lưu ý tới việc có rất nhiều người nhập cư và con cháu họ tham gia cuộc bạo loạn.
"Bang góp phần khiến người nhập cư bị xa lánh hoặc khiến họ trông như người xa lạ. Nhưng nước Đức không thể chấp nhận điều đó", tác giả bài viết cho hay.
Ngăn mối đe dọa từ Nga, ông Trump quyết chuyển quân từ Đức sang Ba Lan Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ chuyển một phần lính Mỹ rút từ Đức sang Ba Lan, nhằm ngăn chặn mối đe dọa của Nga đối với NATO.Cố vấn Nhà Trắng bác cáo buộc ông Trump nhờ Trung Quốc giúp tái đắc cửTổng thống Trump sắp ký sắc lệnh cải cách lực lượng cảnh sát Mỹ "Chúng tôi đang giảm lực lượng...