Đức lấy lời chứng chống Mỹ của Snowden tại Nga
Bộ Nội vụ Đức sẽ tới Moscow để lấy lời chứng của Snowden về hoạt động gián điệp của Mỹ, mặc dù họ không thể cho Snowden tị nạn.
Ngày 6/11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết chính phủ Đức sẽ tìm cách lấy lời chứng của “kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden ở Nga về hoạt động gián điệp của Mỹ, trong đó có cả cáo buộc Mỹ giám sát điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel.
Phát biểu sau một cuộc họp của ủy ban giám sát tình báo thuộc Quốc hội Đức, ông Friedrich nói rằng Berlin sẽ xem xét cách thức và hoàn cảnh khả thi để họ có thể lấy lời chứng của Snowden ở Moscow và lấy được các thông tin về hoạt động tình báo của Mỹ từ cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) này.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich
Ông Friedrich cũng tái khẳng định lập trường của chính phủ Đức rằng Snowden sẽ không được quyền tị nạn ở Đức vì anh này không thuộc diện đối tượng tị nạn chính trị, mặc dù phe đối lập ở Đức đang kêu gọi nước này cấp quy chế tị nạn cho Snowden để anh có thể tới Đức làm chứng chống lại Mỹ.
Video đang HOT
Trước đó, Snowden đã tuyên bố rằng anh sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Đức điều tra hoạt động gián điệp của Mỹ sau khi gặp gỡ nghị sĩ đảng Xanh Chistian Stroebele ở Moscow hồi tuần trước.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nói rõ rằng bà sẽ không đẩy quan hệ Đức-Mỹ vào tình thế nguy hiểm bằng việc cho phép Snowden tới Đức tị nạn vì điều này sẽ gây ra sự đối đầu về ngoại giao giữa Mỹ và Đức.
Trong tuần này, các quan chức tình báo Đức và Mỹ sẽ gặp nhau nhằm đạt được thỏa thuận về hoạt động gián điệp giữa 2 nước với hy vọng sẽ xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng sau khi có thông tin các cơ quan tình báo Mỹ đã giám sát hàng triệu cuộc điện thoại ở châu Âu, trong đó có cả điện thoại của Thủ tướng Đức Merkel.
Theo Reuters
Đức sẽ đón Snowden đến tị nạn để chống lại Mỹ?
Nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Đức đang kêu gọi chính phủ nước này cho phép Snowden tị nạn và đứng ra làm chứng về chương trình do thám của Mỹ.
Hiện đang có ngày càng nhiều các nhân vật nổi tiếng ở Đức đang kêu gọi nước này cho phép "kẻ phản bội nước Mỹ" Edward Snowden được tị nạn ở nước này khi hơn 50 chuyên gia và chính trị gia nước Đức yêu cầu Berlin ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa đối với Snowden.
Ông Heiner Geissler, cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Công giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi: "Snowden đã cống hiến rất nhiều cho thế giới phương Tây, và giờ là lúc chúng ta giúp đỡ anh ấy."
"Kẻ phản bội nước Mỹ" Edward Snowden
Nhà văn Hans Magnus Enzensberger cũng tuyên bố "giấc mơ Mỹ đang biến thành ác mộng" và cho rằng Na Uy sẽ là thiên đường cho Snowden tị nạn sau khi nước này cho phép Leon Trotsky tị nạn vào năm 1935.
Một số nhân vật nổi tiếng khác của Đức như diễn viên Daniel Bruhl, nhà văn Daniel Kehlmann, nhà hoạt động nữ quyền Alice Schwarzer và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức Reinhard Rauball cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Snowden.
Một số chính trị gia trong đảng của Thủ tướng Đức Merkel cũng đang rất muốn tới Nga để gặp gỡ Snowden, tuy nhiên họ lại loại trừ khả năng mời Snowden tới Đức bởi họ không muốn đối đầu với Washington trong giai đoạn hiện nay.
Về phần mình, Nga cũng đã tỏ dấu hiệu rằng họ sẽ cho phép các đại biểu Đức được tới Moscow để gặp Snowden. Người phát ngôn của Tổng thống Putin nói rằng Snowden được tự do gặp gỡ bất kỳ ai và sẽ không bị phía Nga cản trở.
Snowden gặp chính trị gia Đức Hans-Christian Strobele tại Moscow
Trong cuộc gặp với Snowden ở Nga hôm thứ Năm tuần trước, chính trị gia nhiều ảnh hưởng của Đức Hans-Christian Strobele đã ngỏ ý nhờ Snowden đứng ra làm chứng trước Quốc hội Đức về chương trình do thám quy mô lớn của Mỹ, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel là một nạn nhân. Tuy nhiên, nếu Snowden đồng ý tới Đức để làm chứng, anh này sẽ mất quyền tị nạn tạm thời ở Nga vốn sẽ hết hạn vào tháng 6 năm sau, và khi đó, việc được tị nạn ở Đức sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với anh.
Tuy nhiên, có vẻ như hiện nay chính quyền của Thủ tướng Đức Merkel đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng do thám với Mỹ bằng một thỏa thuận song phương không do thám lẫn nhau hơn là thúc đẩy một cuộc cải cách về đạo luật bảo mật thông tin ở châu Âu. Một số nguồn tin cho hay thỏa thuận "không do thám lẫn nhau" này sẽ được Mỹ và Đức ký kết vào đầu năm tới.
Theo Guardian
Mỹ, Úc nghe lén Việt Nam và nhiều nước châu Á? Tài liệu do một tờ báo Úc công bố cho thấy đại sứ quán Úc đã tham gia vào hoạt động nghe lén tại Việt Nam và nhiều nước châu Á. Ngày 31/10, chính phủ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã yêu cầu Mỹ và các đồng minh giải thích sau khi có thông tin cho thấy đại sứ quán...