Đức khởi động ‘Tuần lễ tiêm chủng’
Nhằm tránh những rủi ro và quá tải cho hệ thống y tế có thể xảy ra trong làn sóng dịch thứ tư được dự đoán vào cuối tháng 9 và tháng 10 tới, ngày 13/9, Đức đã khởi động Tuần lễ tiêm chủng trên toàn quốc, theo đó, người dân trên khắp đất nước đều có thể đến tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà không cần hẹn hay đăng ký trước.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, các đội tiêm chủng lưu động đã được triển khai tại khắp các khu vực, kể cả những địa điểm đông người như thư viện, xe buýt, cửa hàng, nhà thờ và trung tâm cộng đồng… nhằm thu hút một lượng đông nhất người dân đủ điều kiện tham gia tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài những địa điểm trên, các trung tâm tiêm chủng vẫn tiếp tục mở cửa để tiếp nhận người đến tiêm mà không cần phải đặt hẹn trước. Một điều thú vị tại quận Wedding ở Berlin, quán Kaplan Dner tặng mỗi người đến tiêm một chiếc kebab và chương trình sẽ áp dụng từ thứ Tư đến thứ Sáu hằng tuần. Một số điểm tiêm chủng còn được triển khai ngay tại sở thú và trung tâm thể dục thể thao.
Chiến dịch tiêm chủng toàn quốc diễn ra khi tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua trên cả nước tăng lên 81,9 ca/100.000 dân. Theo số liệu giới chức y tế công bố ngày 13/9, đã có 5.511 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua và 12 ca tử vong, tăng so với mức 4.749 ca mắc/100.000 người ghi nhận một tuần trước đó.
Mặc dù tuần lễ tiêm chủng được khởi động từ ngày 13/9, nhưng việc tiếp cận với vaccine dễ dàng và thuận tiện sẽ vẫn tiếp tục được thúc đẩy sau đó nhằm tăng hơn nữa tỷ lệ bao phủ vaccine trong bối cảnh mùa Đông sắp tới, nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Phát biểu với tờ ZDF, Chánh Văn phòng thủ tướng Đức, ông Helge Braun, khẳng định: “Chiến dịch tiêm chủng sẽ không kết thúc trong tuần lễ hành động này, mà sẽ tiếp tục trong những tuần tới”. Mục đích là nhằm ngăn chặn làn sóng dịch thứ tư có thể xảy ra vào mùa thu và mùa đông năm nay. Ông Braun nói: “Nếu chúng tôi không làm gì, một đợt dịch mới có thể sẽ ập đến, các bệnh viện sẽ lấp đầy trở lại, tiếp tục quá tải, đặc biệt là với những người chưa được tiêm chủng”.
Video đang HOT
Trong khi đó, nhà nghiên cứu dịch tễ Martin Strmer tại Frankfurt, trong phát biểu với đài truyền hình ARD, cho rằng ngoài các chiến dịch tiêm chủng, công tác giáo dục là rất cần thiết. Theo ông, nhà chức trách cần phải tìm hiểu những nhóm đối tượng chưa muốn tiêm chủng và xem có thể thuyết phục được họ không.
Cho đến nay, có khoảng 65,5% người dân ở Đức đã được tiêm ít nhất một mũi và 62,2% đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đồng nghĩa với khoảng 34% dân số chưa được tiêm vaccine. Giám đốc Hiệp hội các thị trấn và thành phố tại Đức, ông Gerd Landsberg cũng kêu gọi sử dụng mạng xã hội một cách sáng tạo hơn.
Theo đó, kêu gọi những người có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật, văn hóa và thể thao vận động tiêm chủng. Ông cho rằng: “Chúng ta từng có các đại sứ đọc sách, thì cũng nên có các đại sứ tiêm chủng”. Ông nhấn mạnh, chiến dịch tiêm chủng phải được duy trì, nghĩa là trong vài tháng tới, nếu không chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến chống lại làn sóng dịch thứ tư.
Từ nhiều tuần qua, các cơ quan chức năng và các chuyên gia y tế đã nỗ lực thuyết phục những người hoài nghi đi tiêm vaccine. Chính phủ đã thực hiện các quy định hạn chế nghiêm ngặt trên toàn quốc đối với những người không tiêm vaccine khi muốn tham gia các sự kiện trong nhà. Điều này có nghĩa là mọi người phải đi tiêm chủng, hoặc phải có chứng nhận phục hồi sức khỏe sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Kể từ ngày 11/10, Đức sẽ ngừng việc xét nghiệm miễn phí. Quyết định trên được cho sẽ gây khó khăn cho những người chưa tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng. Trước đó, ngày 12/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi mọi người nên tận dụng các ưu đãi hiện nay. Bà khẳng định: “Việc tiêm phòng vaccine chưa bao giờ dễ dàng, nhanh và thuận tiện như thế”. Theo các chuyên gia, cần ít nhất 75% người dân tiêm chủng mới có thể ngăn chặn và “làm phẳng” đường cong dịch tễ làn sóng dịch thứ tư.
Hướng đi đúng cho cuộc chiến chống dịch ở châu Âu
Sau kỳ nghỉ Hè thoải mái nhờ nới lỏng giãn cách, châu Âu bước vào ngày đầu tiên của tháng 9 với những nỗi lo về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại khi học sinh trở lại trường, người lớn quay lại công sở.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 vào một bệnh viện ở Krasnodar, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30/8 đã cảnh báo từ nay đến tháng 12/2021, tình trạng gia tăng lây nhiễm cũng như công tác tiêm chủng đình trệ có thể sẽ khiến 236.000 người tại châu Âu tử vong do COVID-19. Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cho biết con số dự báo trên được đưa ra dựa trên số ca tử vong do COVID-19 thực tế tại châu Âu trong 1 tuần qua (tăng 11%). Trong khi số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 4,5 triệu người kể từ khi đại dịch bùng phát tháng 12/2019, riêng ở châu Âu con số này là khoảng 1,3 triệu ca. WHO nhận định biến thể Delta, việc nới lỏng quá mức các biện pháp kiểm soát và gia tăng đi lại trong mùa Hè cùng tiến độ tiêm vaccine đang chững lại là những nguyên nhân chính.
Từ một tháng nay, số ca mắc mới COVID-19 và trường hợp tử vong do dịch COVID-19 tăng mạnh ở châu Âu. Số liệu ngày 31/8 trên worldometers.info cho thấy, chỉ trong vòng 1 tuần "Lục địa già" đã có thêm 884.700 ca mắc mới, tuy giảm 2% so với 1 tuần trước đó, nhưng số ca tử vong lại tăng 8% khi có thêm 10.200 người không qua khỏi. Giới chuyên gia lo ngại thời tiết lạnh hơn vào mùa Thu sẽ tạo điều kiện để virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn, trong khi các hoạt động chào đón học sinh và sinh viên trở lại trường, cũng như người lao động trở lại công sở sau kỳ nghỉ Hè có thể khiến số ca mắc mới tăng đột biến.
Trước đó, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã dự đoán số ca mắc COVID-19 sẽ tăng gấp 5 lần, và tới cuối tháng 8, biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca mắc mới COVID-19 tại Liên minh châu Âu (EU). Điều đáng lo ngại là số ca nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện nhiều gấp đôi so với những người bị nhiễm biến thể Alpha, theo một nghiên cứu của Anh được công bố ngày 28/8.
Anh, Nga, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hiện vẫn là những quốc gia châu Âu có tỷ lệ nhiễm cao nhất. Đặc biệt ở Đức, chỉ trong một tuần qua, số trường hợp mắc COVID-19 đã lên đến hơn 65.400 người, tăng 31% so với tuần trước, và tỷ lệ tử vong cũng tăng 54% với 174 ca. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết đa số bệnh nhân là những người trẻ tuổi (từ 10-49 tuổi) và những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Milton Keynes, Anh. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tuần qua, Anh ghi nhận trung bình 100 ca tử vong/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3. Các nhà khoa học cảnh báo tỷ lệ tử vong do COVID-19 sẽ tiếp tục tăng khi hàng triệu học sinh và sinh viên trên khắp nước Anh tựu trường. Số ca mắc mới cũng bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm mạnh vào giữa tháng 7. Số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua tăng 13% so với tuần trước, ngày 31/8 ghi nhận trên 32.000 ca. Số ca nhập viện tăng từ hơn 600 ca vào ngày 31/7 lên gần 1.000 ca ngày 31/8. Các nhà khoa học cũng cảnh báo khả năng gia tăng số ca mắc COVID-19 cùng với các virus cúm khác vào mùa Thu và mùa Đông năm nay có thể buộc Anh phải áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang.
Tại Nga, hiện số trường hợp mắc mới mỗi ngày trung bình hơn 17.000 ca, trong khi số ca tử vong vẫn trên 700 ca. Ngày 26/8 nước này ghi nhận 820 tử vong vì virus SARS-CoV-2, số ca tử vong cao chưa từng có tại Nga trong bối cảnh gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, trong khi tốc độ tiêm chủng ở nước này đang chững lại. Tính đến nay, tổng số ca tử vong ở Nga cao nhất châu Âu. Nhiều quốc gia Trung và Đông Âu như Hungary, Serbia, Slovenia, Romania, Albania... cũng chứng kiến số ca mắc mới trở lại trong thời gian qua.
Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cho biết có 33 trong tổng số 53 nước châu Âu thành viên của WHO ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trên 10% trong 2 tuần qua, phần lớn là những nước nghèo hơn. Ông nhấn mạnh tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng trong các nhóm người ưu tiên tại một số quốc gia ở mức thấp. Trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm chủng tại châu Âu đã giảm 14% do tình trạng thiếu vaccine và một số loại vaccine chưa được cấp phép tại nhiều nước, trong khi một bộ phận người dân không chịu tiêm. Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đã khiến hệ thống y tế của một số quốc gia châu Âu bắt đầu quá tải, dẫn đến số ca tử vong tăng.
Trước thực trạng trên, đa số các chính trị gia và các chuyên gia y tế châu Âu cho rằng giải pháp hiệu quả hơn cả để phòng chống dịch vẫn là đẩy mạnh tiêm chủng. Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 31/8 đã khẳng định nước Pháp đang đi đúng hướng "vì chúng ta biết hướng đi của mình, đó là tiêm chủng".
Ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm chủng, EU đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% công dân trưởng thành của khối vào cuối mùa Hè. Theo thông báo ngày 31/8 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, mục tiêu này đã hoàn thành. Bà cho rằng đây là một thắng lợi lớn của EU sau thời gian đầu đầy khó khăn do thiếu nguồn cung. Sau 8 tháng, một số quốc gia châu Âu thậm chí được đánh giá là tiêm chủng nhiều nhất thế giới như Malta, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bỉ, Italy, Đức, Pháp với tỷ lệ từ 65% đến 90% tổng số người dân được tiêm đầy đủ hai mũi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người trẻ tuổi ở London, Anh. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng phân bổ vaccine không đồng đều tại châu Âu. Bà Ursula von der Leyen cho biết "người châu Âu cần được tiêm chủng nhiều hơn nữa", nhất là ở những nước nghèo trong khu vực. Bà cũng không quên nhắc nhở : "Chúng ta cũng cần hỗ trợ tiêm chủng ở các quốc gia còn lại trên thế giới cùng với các đối tác của chúng ta". Liên minh châu Âu vẫn tự hào là nhà sản xuất và xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới và tham gia tích cực vào chương trình Covax.
Theo nhận xét của Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides, EU có thể tự hào đã đạt được chiến lược vaccine đề ra, với sự tham gia của các quốc gia thành viên và người dân. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm "khoảng cách đáng lo ngại" về tỷ lệ tiêm chủng trong EU.
Trên thực tế, ở Latvia, cứ hai người trưởng thành thì chưa đến một người được tiêm chủng, và thậm chí tỷ lệ này còn ít hơn 1/3 ở Romania và Bulgaria. Chỉ 6% người dân ở các quốc gia châu Âu có thu nhập thấp và trung bình thấp được tiêm chủng đầy đủ. Đặc biệt ở một số nước, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho nhân viên y tế chỉ đạt 10%. Một số quốc gia cũng phải đối phó với tình trạng tỷ lệ bao phủ vaccine vẫn còn quá thấp ở người cao tuổi.
Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge chỉ rõ tình trạng đình trệ trong tiếp nhận và tiêm chủng vaccine tại khu vực châu Âu đang gây lo ngại, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường sản xuất, chia sẻ và cải thiện khả năng tiếp cận vaccine, đặc biệt đối với những quốc gia kém phát triển hơn trong khu vực. Quan chức WHO một lần nữa khẳng định vai trò của tiêm chủng trong ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta tại châu Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy người dân tiêm vaccine là điều cốt yếu đối với "lục địa Già" trong cuộc chiến chống dịch.
Một tháng thu phí vaccine gây tranh cãi ở Ấn Độ Ấn Độ từng cho phép các bệnh viện tư thu phí của người tiêm vaccine, nhưng phải đảo ngược chính sách sau một tháng vì vấp nhiều tranh cãi. Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng bằng cách tiêm miễn phí cho tất cả y bác sĩ và nhân viên tuyến đầu từ tháng 1. Việc tiêm chủng trong giai đoạn đầu...