Đức kêu gọi tuân thủ luật pháp ở Biển Đông
Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã bày tỏ quan ngại về tranh chấp liên quan tới chủ quyền các đảo và bãi đá ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen. (Ảnh: AP)
Tờ DW của Đức dẫn lời bà Leyen phát biểu bên lề Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore khẳng định: “Nước Đức có lợi ích ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vấn đề đảm bảo tuân thủ luật pháp hàng hải và thực thi tự do thương mại”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết một nửa số lượng hàng hóa trên thế giới vận tải bằng đường biển đi qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi vậy Biển Đông cực kỳ có ý nghĩa với Đức, một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới.
Cũng trong Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Leyen cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có thể tham gia vào quá trình giải quyết xung đột trên Biển Đông và mang đến một giải pháp cho vấn đề này.
Bà Leyen cũng kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hợp tác chặt chẽ hơn trong chính sách an ninh. Bà cho rằng một cấu trúc an ninh bền vững có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng, giống như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) của châu Âu.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông, bà Leyen cho rằng Đức có thể đảm nhận vai trò làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Video đang HOT
Theo tờ DW, tại Đối thoại Shangri-La, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng xây đắp đảo trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc. BỘ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu Bắc Kinh cần ngừng ngay các hoạt động đó lại.
Trong khi đó, khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm qua 31/5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc – Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc- nói rằng nước này sẽ không ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông, ngụy biện rằng “đó là hành động thực thi chủ quyền chính đáng, đồng thời giúp các nước còn lại”.
Thoa Phạm
Theo Dantri/ DW
Trung Quốc lần đầu phái đô đốc dự diễn đàn an ninh Shangri-La
Trung Quốc lần đầu cử một đô đốc dự diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, động thái cho thấy Bắc Kinh đã phòng bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu với chỉ trích quốc tế về kế hoạch bành trướng đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Thượng tướng Tôn Kiến Quốc, đô đốc hải quân Trung Quốc. Ảnh: CNR
Theo SCMP, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên đến dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức ở Singapore ngày 29-31/5. Năm ngoái, Trung Quốc cử 25 đại biểu đến tham dự.
William Choong, chuyên gia phân tích cấp cao của Đối thoại Shangri-La nhận định, Biển Đông sẽ là "chủ đề bùng nổ" trong số ba vấn đề khủng bố, thương mại và lãnh thổ được thảo luận năm nay.
Năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt về những tuyên bố của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
"Chúng ta đã thấy chuyện gì xảy ra năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chỉ trích sự ương ngạnh của Bắc Kinh ở Biển Đông và các hành động đơn phương của Trung Quốc đã gây bất ổn cho khu vực," Choong nói.
Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đưa ra chỉ trích tương tự.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục gia tăng trong vài tuần gần đây, khi đài truyền hình Mỹ CNN phát đi đoạn video hải quân Trung Quốc xua đuổi máy bay trinh sát Mỹ hoạt động trong không phận quốc tế ở Biển Đông.
"Quân đội Trung Quốc đã phòng bị sẵn sàng. Ông Tôn tốt nghiệp học viện tàu ngầm của hải quân Trung Quốc," Li Jie, một chuyên gia hải quân người Bắc Kinh nói.
"Tôn nắm chắc luật biển quốc tế và chiến lược hàng hải dài hạn của Trung Quốc. Ông ta sẽ biện hộ về kế hoạch mở rộng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như nhiệm vụ tương lai của hải quân Trung Quốc trên biển với các đối tác nước ngoài."
Thượng tướng Tôn Kiến Quốc, 63 tuổi, quê tỉnh Hà Bắc, thuyền trưởng tàu ngầm Trường Chinh 3 năm 1985. Khi đó, ông Tôn lập kỷ lục thế giới với 90 ngày trong một tàu ngầm hạt nhân hoạt động dưới nước.
Trung Quốc đã cử đại diện quân sự dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Shangri-La từ năm 2007, và chỉ duy nhất vào năm 2011 cử bộ trưởng Quốc phòng tham dự. Năm ngoái, Trung Quốc cử Trung tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng PLA, xuất thân từ Quân đoàn Pháo binh số 2, đơn vị tên lửa chiến lược của PLA.
Theo ông Alexander Neill, một chuyên gia phân tích cấp cao khác của Đối thoại Shangri-La, phái đoàn Trung Quốc năm ngoái tỏ ra bị động, không đưa ra được luận điểm biện minh cho hành động ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Ông này quay sang chỉ trích phần phát biểu của đại diện Mỹ, Nhật "đầy những lời đe dọa."
Tuy nhiên, chuyên gia Neill cũng có quan điểm tương tự Choong, cho rằng Trung Quốc rõ ràng đã chuẩn bị nhiều kịch bản biện minh cho hội nghị thượng đỉnh năm nay.
"Phái đoàn Trung Quốc năm nay rõ ràng là mạnh hơn so với những năm trước," Stripes dẫn lời Neill. "Đó là một phái đoàn nắm nhiều vị trí cao cấp."
Đối thoại Shangri-La là hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu tổ chức từ năm 2002. Năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng của 30 nước sẽ tới Singapore tham dự.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Bloomberg: Mỹ chưa có đối sách ngăn Trung Quốc ở Biển Đông Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên án hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng chính quyền Tổng thống Barack Obama thực chất vẫn chưa có chiến lược nào để ngăn chặn hoạt động này, Bloomberg dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ....