Đức hỗ trợ hơn 850.000 liều vắc xin cho Việt Nam qua cơ chế COVAX
Đại sứ quán Đức cho biết, hơn 850.000 liều vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 đã về đến Hà Nội hôm nay và đây là hỗ trợ của Chính phủ Đức đối với chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Hình ảnh hoạt động bàn giao lô hàng tại kho vắc xin tiêm chủng quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Hà Nội (Ảnh: ĐSQ Đức).
Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 16/9 cho biết, việc hỗ trợ vắc xin này được thực hiện qua cơ chế phân bổ vắc xin quốc tế COVAX với sự phối hợp chặt chẽ của UNICEF và WHO Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam.
Lô vắc xin 852.480 liều AstraZeneca đã về đến Hà Nội hôm nay và được bàn giao tại kho vắc xin tiêm chủng quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Hà Nội.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, ông rất vui mừng về lô vắc xin của Đức được chuyển đến thông qua cơ chế COVAX này.
“Nước Đức luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch khi nó được khống chế ở mọi nơi. Chính vì vậy, Đức và Liên minh châu Âu ủng hộ chiến dịch tiếp cận công bằng và minh bạch vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu qua cơ chế COVAX”, ông Hildner nhấn mạnh.
Tiến sĩ Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đã thay mặt các tổ chức Liên Hợp Quốc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đức đã chia sẻ với nhân dân Việt Nam những liều vắc xin được chuyển tới qua cơ chế COVAX.
Video đang HOT
“Trước tình hình dịch bệnh đầy thách thức như hiện nay tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục ủng hộ kế hoạch của Chính phủ trong việc ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu chống dịch cũng như người cao tuổi, người có bệnh nền và người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nhất”, ông Kidong Park nói.
Với lô vắc xin do Chính phủ Đức ủng hộ này, Việt Nam đã nhận 12.578.110 liều vắc xin Covid-19 qua cơ chế COVAX.
Theo Đại sứ quán Đức, do Đức đã có đủ vắc xin cho nhu cầu của mình, đồng thời mong muốn giải quyết các thiếu hụt trong việc sản xuất và cung ứng vắc xin toàn cầu, từ cuối tháng 8, Chính phủ Đức cũng đã ủng hộ vắc xin từ nguồn riêng của mình. Đến cuối năm nay, Đức sẽ hỗ trợ tới 100 triệu liều vắc xin cho các nước đang phát triển và mới nổi. Qua đó, nước Đức sẽ góp phần vào việc tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin trên toàn thế giới.
Tính đến nay, nước Đức đã bàn giao tổng cộng hơn 8 triệu liều vắc xin AstraZeneca cho Cơ chế COVAX. Bên cạnh Việt Nam, các nước Mauritania, Tajikistan, Sudan, Uzbekistan và Ghana cũng đã nhận được vắc xin từ nguồn này.
Các quốc gia tiếp nhận vắc xin được COVAX lựa chọn do Cơ chế này nắm được tình hình tại từng quốc gia và vì vậy có thể phân bổ vắc xin một cách công bằng trên toàn cầu. Tới cuối năm 2021, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ ủng hộ tối thiểu 200 triệu liều vắc xin Covid-19.
Phó Chủ tịch Hà Nội: Thành phố cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết TP cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới trong những ngày gần đây chủ yếu ở khu cách ly, khu phong tỏa.
Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, để triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, TP đã huy động các lực lượng tham gia và công suất xét nghiệm đạt gần 70.000 mẫu đơn tương đương 700.000 mẫu gộp 10/ngày.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tốc độ xét nghiệm tăng lên trong các ngày gần đây nhưng các ca mắc cộng đồng giảm nhiều. Cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8, giảm xuống thấp nhất đến ngày 12/9 là 4 ca, có một ngày 9/9 không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng.
Đến nay, tính cả 97.000 liều vắc xin AstraZeneca mới được phân bổ ngày 14/9, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 5,4 triệu liều vắc xin.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với Hà Nội chiều 15/9 (Ảnh: Trần Minh).
Hà Nội " nóng " như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết hiện TP vẫn duy trì việc cách ly F1 tập trung. TP luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng điều kiện cách ly cho 120.000 người, với phương án bảo đảm về nhân lực và nguồn lực cho các khu cách ly. Hiện nay, TP đã kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung cho tối đa 70.000 người.
Về điều trị, Hà Nội đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh, trong đó tỷ lệ tầng một là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%).
"Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, TP có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu khu cách ly, khu phong tỏa. Hà Nội nóng như vậy, nguy cơ cao như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong triển khai công tác xét nghiệm thần tốc, cũng như tiêm chủng vắc xin.
Thời gian qua Hà Nội tăng tốc việc xét nghiệm và tiêm vắc xin.
Hà Nội xác định nhiệm vụ chống dịch là lâu dài
Tuy nhiên, do đặc điểm của biến thể Delta nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát của dịch luôn hiện hữu, vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong tỏa thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong tỏa, giãn cách.
Thứ trưởng cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/ cụm công nghiệp vì dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau.
Theo đó, yêu cầu 100% doanh nghiệp phải xây dựng phương án phòng chống dịch cụ thể và chủ doanh nghiệp phải ký cam kết công tác phòng chống dịch với Ban Quản lý khu/cụm công nghiệp hoặc chính quyền địa phương (đối với doanh nghiệp nhỏ). Doanh nghiệp ở "vùng xanh" thuộc trạng thái bình thường mới cần sàng lọc 7 ngày/lần.
Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khỏe của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động.
"Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng để không bị động. Tuy nhiên chúng ta cùng nỗ lực trong phòng chống dịch để các phương án này không được sử dụng trong thực tiễn", Thứ trưởng Tuyên nói.
Đức viện trợ Việt Nam 2,5 triệu liều vaccine Chính phủ Đức viện trợ 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam ứng phó đợt bùng phát Covid-19. Quyết định trên được chính phủ Đức đưa ra hôm 3/9, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Đức trước đó cũng thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị...