Đức Hải: ‘Người mẫu thời nay chỉ thích khoe da thịt’
“Nhìn những bức hình người mẫu thời nay chụp tôi thấy hơi khó chịu, cảm giác như họ lột đồ chỉ để khoe thịt da… Nói về góc độ văn hóa thì nó lệch lạc hoàn toàn” – cựu người mẫu, diễn viên Đức Hải chia sẻ.
- Làm nghề giao tiếp nhiều mà nhìn gương mặt anh lúc nào cũng thấy…”khó đăm đăm”?
- (Cười) Nhiều người nói thế chứ không phải lần đầu tiên bạn thấy thế đâu. Từ trước tới giờ, bạn bè đến người trong gia đình đều nói, lần đầu tiên nhìn mặt tôi thì thấy khoảng cách rất xa. Có thể do gương mặt của tôi nó nghiêm nghị quá khiến người ta tưởng mình khó gần.
- Và anh cũng hiếm cười nữa thì phải?
- Thật sự, tôi chỉ chia sẻ nụ cười cho những người rất thân hoặc bạn bè, chứ tự nhiên ra ngoài đường cười một cách vu vơ thì đó không phải là tính cách của tôi. Tôi thích quan sát người khác để hiểu họ trước khi tôi tiếp cận rồi mới quyết định cởi mở hay lạnh lùng với người ta sau đó.
- Như thế có thể coi anh là người khó tính?
Video đang HOT
- Ngược lại, với những người thực sự hiểu tôi hoặc những người đã tiếp cận tôi rồi sẽ nghĩ tôi là một người cởi mở, khác hoàn toàn với cảm nhận ban đầu của họ. Điều này có mặt lợi, mặt hại. Hại ở chỗ nó khiến nhiều người hiểu chưa đúng về mình, nhưng lợi là giúp mình chọn lọc được những người bạn thực sự có chất lượng, hiểu được mình và chia sẻ được trong công việc cũng như cuộc sống.
- Vậy anh có thích làm việc với người cũng “khó” như mình?
- Tôi cực kỳ thích làm việc với những người có đòi hỏi cao về chất lượng công việc. Vì như vậy thì hiệu quả công việc của họ mới tốt được. Còn người quá sơ sài, dễ dàng thì họ không đạt được những mức độ, hoặc những cấp bậc mà họ phải vươn tới. Tôi cần những người làm việc đặt ra những tiêu chí cho bản thân càng cao càng tốt. Lý do là khi đặt ra cột mốc nào đó, ví dụ gấp 100 lần người khác, chỉ cần đạt được hơn 70% thì cũng đã vượt xa so với mốc của người dễ dàng, bởi người dễ dàng hay đặt ra cái mốc thấp, dễ dàng đạt được mà không cần phải nỗ lực.
- Có những tình huống nào mà anh không thích người khác nói thẳng điều họ nghĩ với anh?
- Ai đã thực sự là bạn của tôi thì tôi cần họ phải trân trọng tôi đúng nghĩa một người bạn. Tôi không ép người xung quanh nói ra cảm nghĩ mà họ không thích, nhưng một khi họ mở lời chia sẻ thì tôi yêu cầu đó phải là sự thật. Ngay cả với tôi, nếu không thích nói thì không bao giờ nói, nhưng nếu nói ra thì chỉ nói sự thật chứ không muốn tạo cho mình một lớp sơn, vỏ bọc. Vì tôi nghĩ lớp vỏ bọc đó sẽ có ngày bong tróc và người ta sẽ thấy sự thật không như lớp sơn ban đầu. Mặc dù, là con người đôi khi cần cái vỏ bọc nhưng nó phải chứa chất lượng ở bên trong chứ rỗng tuếch thì không nên.
- Với anh, tự do có nghĩa là gì?
- Với tôi, tự do là mình có ước mơ, đeo đuổi và thực hiện ước mơ để giải phóng ước mơ của mình. Đó là tự do tôi hướng tới. Khi tôi muốn phát triển một ngành nghề thì mình cố gắng đeo bám và đưa nó vào trong cuộc sống của mình, hiện thực hóa nó.
- Anh có thường cảm thấy mình tự do?
- Hiện tôi thấy mình đang khá tự do. Tôi nghĩ rằng để làm một việc mình yêu thích thì phải hy sinh điều gì đó. Chẳng hạn, đã làm diễn viên phải hy sinh ít nhiều sự riêng tư. Đôi khi cảm thấy phiền nhưng con đường đó là do mình chọn và như vậy mình không có quyền than phiền nữa. Nếu không có công chúng, khán giả thì làm sao mình có tương lai trong nghề diễn? Mà nếu công chúng mang đến điều đó thì sao mình lại than phiền rằng fan hâm mộ quấy rầy, khán giả gây phiền phức?
- Anh có nhận xét gì về người mẫu trẻ hiện nay?
- Tôi thấy trong cách nhìn của họ về PR hình ảnh có gì đó lệch lạc. Có thể họ chạy theo phong trào để làm mình nổi tiếng nhưng thiếu mục đích. Nếu như cứ tiếp tục cách giật tít nội dung như hiện nay thì vô tình người mẫu Việt Nam đã quảng bá hình ảnh của họ hơi nghiêng về gợi dục, khiêu dâm, chứ họ không xây dựng được hình ảnh một người mẫu cá tính, mạnh mẽ, có sức hút. Sự quyến rũ khác với hình ảnh khiêu dâm.
Một người mẫu quốc tế cũng có thể lột đồ ra để chụp hình, nhưng những buổi chụp hình đó mang thông điệp khác nhau gửi tới người xem, để thấy rằng người mẫu đó chụp hình là đang làm việc về nghề, PR về nghề, hình ảnh được xây dựng theo chuẩn mực có đẳng cấp. Còn ở ta, hầu hết người mẫu lột đồ chụp hình đồ lót nhưng không ra đồ lót, gợi cảm không ra gợi cảm, nghệ thuật không ra nghệ thuật. Nhìn những bức hình họ chụp tôi thấy hơi khó chịu, cảm giác như họ lột đồ chỉ để khoe thịt da, để hút sự tò mò của người xem thôi mà không biết rằng họ đã vô tình làm xấu đi hình ảnh của chính mình, không còn cao quý nữa. Nói về góc độ văn hóa thì nó lệch lạc hoàn toàn.
Hình ảnh nhiều người mẫu xuất hiện nhạt nhẽo, không có giá trị trên báo chí hiện nay chỉ cho thấy họ là những người suốt ngày xe xua quần quần áo áo, shopping,… chứ không thấy họ định hình nghề tương lai, và những ước mơ của mình. Trước thực trạng đó, nhiều người đánh giá người mẫu Việt Nam là những người đẹp không đủ thông minh và không có tầm nhìn tốt. Chính họ đã hủy hoại hình ảnh của họ.
- Đó là lỗi của người mẫu hay của giới truyền thông, thưa anh?
- Tôi nghĩ là cả hai, vì nếu họ không liên kết với nhau thì sao có những thông tin, hình ảnh ấy xuất hiện? Tôi nghĩ, những trang báo lớn đại diện cho văn hóa Việt Nam cần chắt lọc nhiều hơn nữa về vấn đề này, chứ không thể để “ngực khủng xuống phố”, “phơi ngực trần”, “đọ ngực”, “lộ hàng”, “mua túi 5000 đô”… nhan nhản như vậy, thật rẻ tiền.
Hình như họ mới chủ yếu câu khách, bán sản phẩm chứ chưa quan tâm chú ý đến việc xây dựng hình ảnh của mình theo dạng nào. Và có một bộ phận tôi biết là lười ra ngoài săn tin mà ngồi chờ sẵn thông tin, hình ảnh và tiền từ những người muốn lên tin rồi viết và đăng lên. Tôi nghĩ họ nên suy xét lại vì chính những bài viết đó cũng ảnh hưởng đến tiếng tăm của họ trong nghề. Nếu họ tiếp tục như vậy thì họ mãi nằm ở đẳng cấp rẻ tiền theo kiểu chợ, thị trường thôi.
Theo VnMedia