Đức đề nghị công bố bê bối doping
Các cầu thủ của ĐT Tây Đức tham dự trận chung kết World Cup năm 1966 với ĐT Anh, có thể đã được tiêm những chất đặc biệt để cải thiện khả năng thi đấu.
1. Tờ báo Sueddeutsche Zeitung vừa công bố bản tài liệu dày 800 trang mang tên “Doping ở Đức từ năm 1950 đến nay” nêu chi tiết về quá trình “gian lận” trong thể thao của chính phủ Tây Đức một thời. Thực tế, tài liệu được hoàn thành vào tháng Tư vừa qua, nhưng vẫn chưa được công bố vì lo ngại dính dáng tới vấn đề pháp lý liên quan tới VĐV, bác sĩ và cả chính trị gia.
Tài liệu này được tập hợp bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Humboldt Berlin, thay mặt cho Liên đoàn thể thao Olympic Đức, do Giselher Spitzer đứng đầu. Nó có đầy đủ bằng chứng khẳng định chính phủ Tây Đức đã cấp kinh phí cho các thí nghiệm với chất tăng cường thể lực như steroid, testosterone, estrogen hoặc EPO. Nó cũng cho biết một số lượng không xác định các cầu thủ trong đội hình vô địch World Cup năm 1954 được tiêm “vitamin C” nhưng thực chất là pervitin methamphetamine giúp tăng cường tốc độ.
Ban đầu, chất này được binh lính Đức sử dụng trong Thế chiến thứ II và tiếp tục được triển khai trong bóng đá từ cuối những năm 1940 và trở nên quen thuộc trong làng thể thao Tây Đức.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra được “dấu vết” của các chất kích thích ephedrine bị cấm trong mẫu thử của 3 cầu thủ giấu tên trong đội hình Tây Đức tham dự World Cup 1966, giải đấu mà họ để thua tuyển Anh trong trận chung kết.
Theo báo cáo này, doping đã được sử dụng có hệ thống từ tháng 10/1970 khi thành lập Viện Khoa học thể thao (BISp) trực thuộc Bộ Nội vụ Đức.
2. Sau khi báo cáo trên được công bố, các chính trị gia thuộc nhiều đảng phái chính trị Đức đã kêu gọi điều tra làm rõ.
“Tôi không hiểu tại sao một chương trình doping như vậy lại bị che giấu. Tôi muốn biết có những gì trong đó” – Thomas Oppermann, một thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ xã hội Đức kêu gọi Bộ trưởng Bộ nội vụ hiện tại Hans-Peter Friedrich nên công bố rộng rãi bản tài liệu.
Ông Wolfgang Bosbach thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkelkhẳng định điều này là không thể chấp nhận được. Ông Joachim Guenther, đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền, kêu gọi Ủy ban thể thao của Hạ viện tiến hành cuộc họp đặc biệt để điều tra.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với những chi tiết được nêu trong tài liệu. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans Dietrich Gencher khẳng định việc sử dụng doping có hệ thống là điều khó có thể tồn tại ở Đức. Trên tờ Bild, cựu danh thủ Willi Schulz nổi giận, khẳng định những điều trong bản báo cáo là vô lý.
Ông Walther Troeger, cựu Tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia trong thời gian 1961-1992, cũng lên tiếng phản đối báo cáo trên, cho rằng nó sai sự thật.
Theo VNE