Đức đẩy nhanh tốc độ dự trữ khí đốt, giảm lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga
Tốc độ tích trữ khí đốt của Đức nhanh hơn dự kiến và tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga ngày càng giảm trong bối cảnh tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Dong chảy phương Bắc 1 ( Nord Stream 1) trong ba ngày cuối tháng 8 này.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck nói với tạp chí Tấm gương ( Spiegel) ngày 28/8 cho hay các kho tích trữ khí đốt của Đức đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến và mốc mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ vào tháng 10/2022 trước đây có thể đạt ngay được vào đầu tháng 9 tới. Trước đó, Chính phủ Đức đặt mục tiêu đạt 75% lượng khí đốt tích trữ vào ngày 1/9. Con số này tính tới ngày 26/8 đã ở mức 82,2%.
Theo ông Habeck, các công ty cung cấp khí đốt có thể lấy khí đốt trong mùa Đông từ các cơ sở tích trữ để cung cấp cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình như kế hoạch. Theo Bộ Kinh tế Đức, hầu như sẽ không có bất kỳ biến động nào về nguồn cung khí đốt từ Nga trong những tuần tới khi “mùa sưởi ấm” bắt đầu trở lại. Hầu hết khối lượng nhập khẩu qua đường ống của Nga đã được bù đắp thông qua các kênh khác, trong đó việc mua khí đốt tự nhiên từ Na Uy và Hà Lan cũng như nhập khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây.
Do tình trạng sụt giảm và đứt gãy nguồn cung từ Nga, nhà cung cấp năng lượng chính của Đức, Berlin đã phải kích hoạt giai đoạn 2 kế hoạch khẩn cấp về khí đốt (gồm 3 giai đoạn). Báo Spiegel dẫn số liệu của Hiệp hội Kinh tế năng lượng liên bang Đức (BDEW) cho biết trong tháng 8, lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức nhập từ Nga hiện chỉ còn chiếm khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 55% của năm ngoái. Pháp cũng sẽ là một nguồn cung năng lượng cho Đức. Cho đến nay, Pháp nhận khí đốt của Nga thông qua Đức, nhưng dòng khí đốt dự kiến sẽ đảo ngược từ mùa Thu sau khi các vấn đề về tổ chức và kỹ thuật hiện đã được giải quyết. Bằng cách này, các thiết bị đầu cuối LNG ở Pháp cũng có thể được sử dụng để mua khí đốt cho Đức.
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 19/8, tập đoàn Gazprom thông báo sẽ tạm gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để thực hiện công tác bảo trì.
Bulgaria muốn đàm phán với Gazprom để nối lại vận chuyển khí đốt
Ngày 22/8, Chính phủ Bulgaria thông báo sẽ tìm cách đối thoại với hãng năng lượng Gazprom của Nga để nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên trước khi mùa Đông tới.
Trạm bơm khí của Hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Bulgaria gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga để đảm bảo mức tiêu thụ khí đốt hằng năm lên tới 3 tỷ tấn m3. Vào cuối tháng 4, Gazprom đã giảm lượng khí đốt vận chuyển sang Bulgaria, sau khi chính phủ tiền nhiệm của nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng khí đốt. Kể từ thời điểm đó, Bulgaria đã phải chật vật tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Năng lượng tạm quyền của Bulgaria, ông Rosen Hristov nhấn mạnh việc đàm phán với tập đoàn Gazprom là không tránh khỏi để nối lại nguồn cung khí đốt.
Trước đó, Chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov đã đẩy nhanh việc hoàn tất xây dựng đường ống mới nối với quốc gia láng giềng Hy Lạp để vận chuyển 1 tỷ tấn m3 khí đốt kể từ tháng 10. Bulgaria cũng đàm phán để vận chuyển một lần khí hóa lỏng từ Mỹ. Theo Bộ trưởng Hristov, cho đến nay, các đợt vận chuyển khí đốt mới chỉ đáp ứng đầy đủ cho mức tiêu thụ của tháng 9 và một phần của tháng 10.
Trong bối cảnh không đảm bảo được nguồn cung và giá cả leo thang, các nhóm công nghiệp đã hối thúc chính phủ lâm thời nối lại đàm phán với Gazprom. Tuần trước, Bộ trưởng Hristov khẳng định các cuộc thương lượng với Gazprom sẽ là phương án cuối cùng và sẽ chỉ tập trung vào việc nối lại vận chuyển khí đốt theo hợp đồng hiện nay của Bulgaria, vốn dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.
Dự kiến Bulgaria sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/10 tới. Theo ông Hristov, nội các mới sẽ quyết định xem có muốn đàm phán hợp đồng mới với Gazprom hay không.
Mỹ lo ngại EU rạn nứt đoàn kết sau khi bị cắt giảm khí đốt Amos Hochstein, điều phối viên đặc trách về năng lượng toàn cầu của Chính phủ Mỹ, đã khởi hành đến Paris và Brussels để thảo luận về kế hoạch dự phòng của Mỹ - châu Âu trong trường hợp thiếu khí đốt vào mùa đông. Hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), dẫn khí đốt từ Nga sang...