Đức công bố gói viện trợ quân sự mới cho Kiev
Chính phủ Đức ngày 17/10 đã công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, gồm tên lửa dẫn đường AIM-9L, 4.000 thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công và hơn 300 UAV trinh sát.
Binh sĩ Ukraine huấn luyện tại khu vực Mykolaiv ngày 14/5/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Gói viện trợ này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh xung đột đang diễn ra với Nga. Tên lửa dẫn đường AIM-9L là vũ khí có hiệu quả cao được sử dụng trong không chiến. Tuy nhiên, số tên lửa này sẽ được sử dụng để phóng từ mặt đất.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cho biết nước này đã chính thức cho phép Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, nhấn mạnh rằng những hành động như vậy có thể bao gồm việc đánh chặn tên lửa hoặc tấn công các sân bay và các mục tiêu chiến lược khác ở Nga.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Praha, vào năm tới, Ukraine sẽ nhận được thêm đạn pháo hạng nặng từ sáng kiến do Séc đưa ra nhằm kêu gọi các đồng minh tài trợ thêm cho Kiev.
Thủ tướng Séc Petr Fiala ngày 17/10 cho biết đã đạt được thỏa thuận với những người đồng cấp Đan Mạch và Hà Lan trong cuộc họp cùng ngày tại Brussels về việc gia hạn cung cấp đạn dược cho Ukraine. Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho biết Hà Lan sẽ cung cấp 271 triệu euro (293 triệu USD) để mua đạn pháo cho Ukraine.
Trước việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, phía Nga nhiều lần tuyên bố những động thái như vậy không làm thay đổi tình hình trên chiến trường và chỉ làm kéo dài cuộc xung đột.
Đức cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn nguồn hãng thông tấn TASS cho biết Đức đã cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự trị giá 600 triệu euro như đã cam kết trước đó.
Binh sĩ Ukraine được huấn luyện sử dụng xe tăng Marder tại trung tâm huấn luyện ở Munster, miền Bắc Đức, ngày 20/2/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo TASS, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã xác nhận gói viện trợ này bao gồm hệ thống phòng không Iris-T SLM, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng, pháo tự hành, đạn dược và thiết bị bay không người lái (UAV).
Ông Scholz cho biết thêm: "Cuối năm 2024, Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá khoảng 1,4 tỷ euro, với sự hỗ trợ của các đối tác Bỉ, Đan Mạch và Na Uy". Thủ tướng Đức tiết lộ gói này sẽ bao gồm các hệ thống phòng không mới như IRIS-T và Skynex, pháo tự hành Gepard, xe tăng và pháo bánh lốp, xe bọc thép, UAV tấn công, radar và đạn pháo.
Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz đã từ chối chuyển cho Kiev hệ thống tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức, vì lo ngại leo thang căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Phía Nga nhiều lần tuyên bố rằng các gói viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine sẽ không làm tình hình chiến trường thay đổi và chỉ làm kéo dài cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đức cân nhắc chuyển quỹ trợ cấp 'xanh' thành ngân sách sản xuất vũ khí Đức có thể sử dụng quỹ dành cho việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than để hỗ trợ các công ty quốc phòng xây dựng thêm các cơ sở sản xuất vũ khí. Đạn cho lựu pháo tự hành trong cuộc tập trận ở Ostenholz, Đức, tháng 10/2022. Ảnh: Ronny Hartmann/AFP Dẫn các nguồn tin am hiểu về vấn đề này,...