Đức chấm dứt 5 tháng bế tắc chính trị
Đảng Dân chủ Xã hội của Đức (SPD) ngày 4-3 đã bỏ phiếu tán thành gia nhập “đại liên minh” với Đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 5 tháng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Với 66% trong 464.000 thành viên bỏ phiếu thuận, cao hơn so với kỳ vọng ban đầu của giới chức lãnh đạo SPD, đảng này hứa hẹn sẽ dễ dàng hợp tác hơn với CDU trong chính phủ mới. Với tin vui này, bà Merkel có thể tái nhậm chức thủ tướng vào giữa tháng 3, cho phép bà tiến tới những ưu tiên như: hợp tác với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để củng cố sức mạnh của khu vực đồng tiền chung châu Âu hay hợp sức trên một mặt trận châu Âu chống lại sự lấn át của Trung Quốc.
Ông Olaf Scholz (phải), chủ tịch lâm thời đảng SPD, công bố kết quả bỏ phiếu về việc gia nhập liên minh với bà Merkel hôm 4-3 Ảnh: REUTERS
Trong khi sự bế tắc ở Berlin không mấy ảnh hưởng tới sự bùng nổ của nền kinh tế Đức, nó đã cản trở việc hoạch định chính sách kể từ khi bà Merkel giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 9-2017 nhưng đảng của bà đạt kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1949. Sự đi xuống đó, cùng với sự xuất hiện của một đảng cực hữu trong quốc hội, đã phản ánh sự thay đổi bức tranh chính trị gần như làm chệch hướng tham vọng với nhiệm kỳ thứ 4 của bà Merkel.
“Tôi chúc mừng SPD với kết quả rõ ràng này và mong mỏi được tiếp tục hợp tác vì điều tốt đẹp cho đất nước chúng ta” – nữ lãnh đạo Đức bày tỏ trên tài khoản Twitter của CDU sau cuộc bỏ phiếu của SPD.
Video đang HOT
Với kết quả tích cực xác nhận sự trở lại của chính phủ đại liên minh này, việc SPD sẽ chọn ai làm bộ trưởng tài chính trong chính quyền mới sẽ nằm trong những quyết định được theo dõi nhất trong những ngày tới. Đảng này có kế hoạch công bố đề cử nội các vào ngày 12-3.
Trong khi đó, hồi tuần trước, bà Merkel đã đề cử Thủ hiến bang Saarland Annegret Kramp- Karrenbauer vào vị trí Tổng Thư ký CDU. Đáp lại những người chỉ trích bảo thủ đang đổ lỗi cho bà Merkel vì chuyện mất phiếu của CDU, nữ lãnh đạo này đã đề cử nhiều lãnh đạo trẻ tuổi cho các vị trí trong nội các.
Theo Thu Hằng
Người lao động
Vận động bầu cử dành cho người Việt tại Đức
Ngày 24/9 là cuộc tổng tuyển cử toàn nước Đức mà mỗi công dân đều có quyền lợi bỏ phiếu. Nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức về bầu cử cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Đức, một buổi hội thảo về vận động bầu cử được tổ chức tại Bochum.
Các cử tri người gốc Việt tham gia buổi vận động tranh cử tại Bochum (Ảnh: Hạnh Chi)
Buổi vận động bầu cử tại Bochum, miền tây nước Đước, do Hội Hỗ trợ Phụ nữ và Thanh thiếu niên (ViFi e.V.) tổ chức trong khuôn khổ dự án "Hãy mạnh dạn lên. Hãy đi bầu!", được tài trợ bởi Hiệp hội các tổ chức nữ nhập cư (DaMigra).
Đối tượng tham dự là những phụ nữ người Việt sinh sống tại Bochum và các vùng lân cận. ViFi không chỉ hướng tới đối tượng là người Việt có quốc tịch Đức (vốn là đối tượng có quyền lợi đi bầu cử), mà cả những người chưa nhập tịch theo tinh thần của dự án: nâng cao hiểu biết và ý thức chính trị cho người nhập cư tại Đức.
Nước Đức là một nước dân chủ mà mỗi người công dân đều có quyền lợi. Trong đợt bầu cử toàn liên bang này, cử tri sẽ có 2 lá phiếu: Lá phiếu thứ nhất bầu cho đại biểu quốc hội - một ứng cử viên trong vùng thường trú (sẽ có 299 trên tổng 598 đại biểu được dân bầu trực tiếp). Lá phiếu thứ hai bầu cho một đảng vào quốc hội (danh sách các đảng tuyển cử được công bố là 42 đảng - so với năm 2013 là 34 đảng). Đảng được vào quốc hội cần có 5% số phiếu bầu của cử tri.
Mọi người lắng nghe các trao đổi trong buổi vận động tranh cử (Ảnh: Hạnh Chi)
Các đảng phái tại Đức chia thành hai phe đối lập (cánh hữu - phe bảo thủ và cánh tả - phe cấp tiến), nhưng vẫn phải giữ nghiêm ngặt luật dân chủ. Hiện nay đang nắm giữ chính quyền và vẫn đứng đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử là đảng CDU/CSU - liên minh Đảng Dân chủ/Xã hội thiên chúa giáo do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu. Đứng thứ hai là SPD - đảng Xã hội Dân chủ Đức, do ông Martin Schulz lãnh đạo. Tuy nhiên các đảng nhỏ hơn với đủ 5% phiếu bầu sẽ được vào quốc hội và vẫn có thể liên minh với đảng lớn để ra các chính sách.
Đối với cộng đồng người Việt sinh sống tại Đức, cũng như toàn bộ cộng đồng người nhập cư có nguồn gốc nước ngoài khác, những chính sách được đưa ra từ nhà lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của họ, ví dụ chính sách hỗ trợ người nhập cư hòa nhập xã hội, chế độ tỵ nạn và bảo lãnh thân nhân hay trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, hỗ trợ trẻ em, chính sách về lao động và thuế vụ.
Ở Đức, bầu cử là một quyền lợi, tuy không bắt buộc nhưng một người không tham gia bầu cử, cũng đồng nghĩa với việc tình nguyện để các cử tri đi bầu quyết định thay vận mệnh tương lai đất nước mình đang sinh sống. Tổ chức ViFi mong muốn truyền đạt cho người tham gia một cái nhìn tổng quát nhất về bầu cử liên bang cũng như nâng cao ý thức về việc bỏ phiếu của mỗi công dân.
Hôm nay, 24/9, cử tri trên toàn nước Đức đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử để chọn ra quốc hội mới. Liên minh CDU/CSU được dự đoán sẽ giành chiến thắng và qua đó đương kim Thủ tướng Angela Merkel sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Hạnh Chi
Theo Dantri
Nước Đức trước thềm tổng tuyển cử Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và đối đầu giữa hai ứng viên Thủ tướng Đức là đương kim Thủ tướng Angela Merkel - đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và ông Martin Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đã kết thúc...