Đức bắt nhà khoa học Nga
Cảnh sát Đức bắt một nhà khoa học Nga với cáo buộc gián điệp, nhưng chưa công bố danh tính và nơi làm việc của người này.
Công tố viên liên bang Đức hôm nay thông báo nghi phạm Ilnur N. bị bắt cuối tuần trước do bị nghi ngờ “làm việc cho một cơ quan mật vụ của Nga ít nhất từ đầu tháng 10/2020″. Giới chức cho biết Ilnur N. là trợ lý nghiên cứu ngành công nghệ và khoa học tự nhiên ở một trường đại học của Đức.
Cảnh sát Đức triển khai sau một vụ nổ súng ở thành phố Halle hồi năm 2019. Ảnh: Reuters .
Nhà và nơi làm việc của nghi phạm đã bị khám xét. Ilnur N. xuất hiện trước tòa hôm 19/6 và không được tại ngoại. Các nhà điều tra cho rằng nghi phạm đã gặp nhân viên tình báo Nga ít nhất ba lần trong nửa năm qua nhằm chuyển các thông tin về hoạt động của trường đại học và được trả công bằng tiền mặt.
Chính phủ Đức và Nga chưa bình luận về vụ bắt giữ.
Quan hệ giữa Nga và các nước châu Âu vẫn trong tình trạng căng thẳng, nhất là sau hàng loạt bê bối gián điệp dẫn tới các vụ trục xuất quan chức ngoại giao giữa hai bên. Một đại tá hải quân Italy bị bắt hồi tháng 5 khi đang bán các tài liệu mật cho quan chức sứ quán Nga.
Lãnh đạo 9 nước Đông Âu tháng trước lên án những “hành động phá hoại” nhằm vào Cộng hòa Czech, đồng thời trục xuất quan chức sứ quán Nga để phản đối. Moskva bác bỏ những cáo buộc trên và ra lệnh trục xuất đáp trả.
Đức, Pháp kêu gọi châu Âu đối thoại với Nga
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/6 hối thúc Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì đối thoại với Nga, bất chấp những khác biệt giữa hai bên trong một số lĩnh vực như vấn đề an ninh, cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin (từ trái sang) trong cuộc họp báo tại một hội nghị ở Paris, ngày 9/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà Merkel nhấn mạnh Nga là thách thức lớn nhưng cũng là quốc gia láng giềng của EU. Vì thế, EU có lợi ích lớn trong việc duy trì đối thoại với Nga nếu như muốn đảm bảo an ninh và ổn định nội khối. Cũng theo nhà lãnh đạo Đức, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 16/6 vừa qua đã mở ra cánh cửa đối thoại mà EU cũng nên thực hiện với Moskva. Tổng thống Pháp Macron cũng chia sẻ nhận định này, cho rằng EU cần có đường lối chung trong cách tiếp cận với Điện Kremlin.
Ngoài đồng nhất quan điểm trong quan hệ với Nga, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng có cùng cách tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ, một thách thức lớn khác của EU. Bà Merkel cho rằng mặc dù giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều bất đồng, nhưng hai bên đều cần đến nhau trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề di cư, tương lai của Syria và Lybia. Về phần mình, ông Macron cũng đồng ý với quan điểm của nhà lãnh đạo Đức, song lưu ý thêm rằng EU cần phải tôn trọng cả quan điểm của Hy Lạp và Síp trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã hoan nghênh sự trở lại của Mỹ, đồng thời đánh giá cao tinh thần hợp tác trong quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden. Ông Macron cho rằng châu Âu chủ động hơn trong các vấn đề của mình, nhất là khi Tổng thống Biden cũng đã thể hiện sự tôn trọng và mong muốn hợp tác với EU như một đối tác.
Về cuộc chiến chống COVID-19, nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ các nước EU cần phối hợp tốt hơn trong việc mở cửa lại biên giới. Hiện tại đã có một số nước trong khối tiến hành bước đi này, nhưng toàn khối phải rất thận trọng về nguy cơ lây lan của các biến thể mới. Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi châu Âu hành động nhất quán, thận trọng và cảnh giác trước các biến thể mới. Theo bà, việc một số nước châu Âu cho phép quá nhiều khán giả tới dự khán các trận đấu VCK EURO 2020 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và châu Âu không thể hành động như kiểu đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
Tổng thống Macron là nguyên thủ đầu tiên tới Đức trong năm nay và chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra từ 24-25/6 tới.
Trump: Mỹ chẳng được gì từ thượng đỉnh Biden - Putin Trump cho rằng hội nghị thượng đỉnh giữa Biden và Putin là "ngày tốt lành với Nga", trong khi nước Mỹ chẳng được lợi ích gì. "Chúng ta chẳng được gì. Chúng ta dành một sân khấu rất lớn cho Nga nhưng không thu về được gì", cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn qua điện thoại với Fox News...