“Đùa” với sinh kế của dân
Khi chúng tôi đề cập đến việc hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp ở xã Đình Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội) mất việc do 10 cơ sở sản xuất diêm, ván gỗ ép trên địa bàn bị đình chỉ sản xuất theo một quyết định mới đây của huyện, ông Nguyễn Huy Việt – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm – chỉ buông một câu: “Huyện chỉ đạo dừng sản xuất là đúng rồi, chứ không thể sử dụng đất nông nghiệp để làm nhà xưởng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường được”.
Người dân Đình Xuyên những ngày mất việc.
Làng nghề: Huyện bảo không, xã nói có!
Hơn 2 tháng trước, UBND xã Đình Xuyên ra một thông báo yêu cầu 10 cơ sở sản xuất của làng nghề Đình Xuyên “dừng mọi hoạt động sản xuất đốt lò, ép gỗ tại khu vực Trường Thi, xã Đình Xuyên kể từ ngày 31.5.2012″. Kể từ đó, cả làng nghề nháo nhác. Chủ các cơ sở thì ngồi trên “đống lửa” với tình cảnh nguyên vật liệu, hàng hóa tồn kho, máy móc đắp chiếu, lãi suất ngân hàng… Còn người lao động đang có mức thu nhập thuộc loại cao trong vùng bắc sông Đuống (từ 4 – 5 triệu đồng/tháng) bỗng chốc phải tìm đến “chợ người” để mong bán sức lao động với giá rẻ mạt…
Video đang HOT
Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Bá Sáu – ở xóm 4, thôn Công Đình – thiểu não: “Vợ chồng em làm công cho xưởng ván ép, cũng có đồng ra đồng vào. Em được 5 triệu đồng/tháng, vợ em cũng được 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, ăn tết xong còn để dành được hơn chục triệu, thế mà chỉ 2 tháng không có việc làm đã ăn hết veo. Các anh tính, chúng em còn có 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Giờ lại chuẩn bị vào năm học mới, không biết lấy tiền đâu để đóng các khoản học phí cho các cháu…”.
Đem nỗi lo lắng của người dân Đình Xuyên đến UBND huyện Gia Lâm gặp ông Nguyễn Huy Việt – Chủ tịch UBND huyện; ông nói: “Từ năm 1999, nhiều hộ dân vốn là công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất đã đem nghề làm diêm về làng, rồi hình thành nên khu vực nhà xưởng trên đất nông nghiệp, như vậy là vi phạm pháp luật. Đất nông nghiệp là đất nông nghiệp, còn muốn chuyển đổi mục đích sử dụng là phải được UBND thành phố cho phép. Tuy nhiên, do yêu cầu lúc đó thì nó cứ tồn tại, mặt tích cực là đã giải quyết việc làm cho người lao động địa phương; thế nhưng theo Luật Đất đai thì vi phạm mục đích sử dụng đất, huyện đã phát hiện ra sai phạm cách đây vài năm rồi…”.
Cắt ngang việc “phân tích sai phạm” của làng nghề Đình Xuyên của ông chủ tịch UBND huyện, chúng tôi hỏi: “Trên địa bàn huyện Gia Lâm có bao nhiêu làng nghề và ông có biết là quá trình hình thành làng nghề, sử dụng đất ở các làng nghề như thế nào không?”; ngạc nhiên là ông Việt chỉ điểm được có làng Bát Tràng, Đồng Kỵ, thuốc nam – thuốc bắc Ninh Hiệp… Đến mức này, chúng tôi chỉ còn nước bình luận: “Nếu UBND huyện Gia Lâm đình chỉ sản xuất làng nghề vì lý do sử dụng đất sai mục đích thì có lẽ không phải hàng nghìn lao động ở Đình Xuyên khốn đốn, mà phải có đến hàng chục nghìn người dân ở các làng nghề trên địa bàn huyện cũng đều sẽ khốn đốn vì mất kế mưu sinh. Có làng nghề nào mà người dân không đem đất vườn, đất ruộng ra làm cơ sở sản xuất đâu?”. Rất nhanh trí, ông Việt khẳng định luôn: “Các cơ sở sản xuất ở Đình Xuyên không được công nhận là làng nghề”(?!).
Tuy nhiên, khi chúng tôi đem câu chuyện chính quyền huyện Gia Lâm không công nhận Đình Xuyên là làng nghề đến UBND xã Đình Xuyên, cán bộ ở đây đã phản ứng quyết liệt. Để làm chứng, họ đưa cho chúng tôi một quyết định của UBND huyện Gia Lâm (số 3300/QĐ-UBND ngày 7.12.2011) về “Phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư dự án “Xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề Đình Xuyên, huyện Gia Lâm” do Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Dũng ký thay chủ tịch(!).
Ông Phạm Huy Việt – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm.
Lời khẩn cầu từ một làng nghề
Ngày 7.8, chúng tôi trở lại xã Đình Xuyên, con đường bêtông hai làn xe ôtô tránh nhau được chạy dọc khu Trường Thi đã bị phong tỏa bằng những ống cống. Một chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Khi xã làm con đường này chúng tôi cứ nghĩ, chính quyền tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất. Ai ngờ họ bắt chúng tôi ngừng sản xuất. Trước sau thì chúng tôi cũng phá sản mà phải bỏ đi. Khi đó có trời mới biết họ làm gì với khu đất này”.
Tìm gặp Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên Nguyễn Duy Thích, ông Thích nhăn nhó: “Khổ lắm các anh ạ! Chỉ sau hơn một tháng các cơ sở dừng sản xuất; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã đã có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, liên tục trong nhiều ngày giữa tháng 6 và đầu tháng 7.2012, tình trạng công dân, người lao động tụ tập đông người kéo nhau về trụ sở UBND xã, huyện nộp đơn kiến nghị đòi giải quyết vấn đề việc làm gây sức ép căng thẳng. Muốn lo việc làm cho dân mà chúng tôi cũng chịu”. Còn Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Thúy cho biết: “Đảng ủy xã đã xác định cơ cấu tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 85%, nông nghiệp còn 15%. Nay chúng tôi phải điều chỉnh lại hết. Mục tiêu tăng trưởng 14% năm nay của xã cũng coi như phá sản”.
“Biết thế, tại sao chính quyền xã lại ra thông báo yêu cầu các cơ sở đình chỉ sản xuất? Các anh có biết theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đất đai, môi trường không có chế tài nào là “thông báo” không?” – chúng tôi đặt câu hỏi với Chủ tịch xã Nguyễn Duy Thích; ông Thích lại nhăn nhó: “Nhưng cấp dưới thì phải phục tùng cấp trên. Huyện bảo nếu ông Thích không đình chỉ được mấy cơ sở sản xuất thì ông Thích làm đơn xin nghỉ việc”(!?).
Vậy động cơ gì huyện Gia Lâm quyết liệt tìm cách đóng cửa 10 cơ sở sản xuất ở xã Đình Xuyên, trong khi đó, theo người dân phản ánh, các cơ sở sản xuất ván gỗ ép ở các xã xung quanh Đình Xuyên cũng đều được dựng lên trên đất nông nghiệp lại không hề hấn gì? Lần theo hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, sự việc dần sáng tỏ. Khoảng tháng 8.2011, một cá nhân trong xã là ông Nguyễn Duy Thông và một số người tố cáo 10 cơ sở sản xuất của làng nghề Đình Xuyên ở khu vực cánh đồng Trường Thi “sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, sản xuất vi phạm pháp luật về môi trường”. Từ lá đơn này, hệ thống ban ngành của huyện Gia Lâm bắt đầu vào cuộc và đều đi đến kiến nghị… “đình chỉ sản xuất”.
Tuy nhiên, về ô nhiễm môi trường làng nghề, ngày 12.12.2011, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường CA TP.Hà Nội đã có công văn gửi UBND huyện Gia Lâm xác định: “Cả 18 mẫu khí xung quanh đều không vượt quy chuẩn”; “20 mẫu keo không phải là hóa chất nguy hiểm”. Như vậy là chỉ còn lại mỗi lý do “sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích” để chính quyền đóng cửa làng nghề Đình Xuyên.
Đáng chú ý là một người dân xã Đình Xuyên (yêu cầu giấu tên) đã cung cấp cho phóng viên một văn bản “quan trọng” của UBND huyện Gia Lâm, mang số 31/UBND-TN&MT được Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Huy Việt ký ngày 10.1.2012. Theo văn bản này, “UBND huyện Gia Lâm kính đề nghị UBND thành phố xem xét cho phép UBND huyện tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở để bán tại khu Trường Thi và khu Mọ Môn, thôn Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm”. Để xác thực tính chính xác của văn bản này, chúng tôi đã đưa bản photocopy cho ông Nguyễn Huy Việt đề nghị xác nhận đây có phải là văn bản của UBND huyện và chữ ký có phải là của ông Việt không; ông Việt đã thừa nhận đây là văn bản của UBND huyện và do ông ký.
Vậy là vẫn câu chuyện về đất đai, về phân lô và lợi ích nhóm, người ta sẵn sàng hất đi bát cơm chan mồ hôi nước mắt của hàng nghìn người lao động! Đọng lại trong chúng tôi là hình ảnh người đàn bà lam lũ chạy đuổi theo chúng tôi chỉ để nói một câu: “Các nhà báo ơi! Cứu chúng tôi với! Sắp chết đói cả rồi!”. “Vâng! Chúng cháu sẽ cố gắng để thành phố nghe được tiếng nói của các bác”.
Theo Lao Động