Đưa vải thiều sang Trung Quốc: An tâm khi có mã số vùng trồng
Những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp lúng túng, nhất là quy định về truy xuất nguồn gốc.
Riêng với các vùng trồng vải thiều, nhờ chủ động xây dựng mã số vùng trồng nên khi Trung Quốc áp dụng quy định mới, mọi khó khăn đã được hóa giải.
Có mã số, không lo truy xuất nguồn gốc
Theo Bộ NNPTNT, tính đến hết quý I.2019, xuất khẩu (XK) rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 680 triệu USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Dự báo kim ngạch XK rau quả Việt Nam năm 2019 chỉ tăng 0,8% so với năm 2018, nguyên nhân chủ yếu do thị trường lớn Trung Quốc tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh XK chính ngạch và đề ra yêu cầu truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư XK, kiểm tra chất lượng tại nước XK…
Năm 2018, XK rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017. Những thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc cho thấy, nếu bản thân người dân, doanh nghiệp không tự thay đổi thì rõ ràng những cơ hội sẽ không đến lần hai.
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho các diện tích vải thiều đang được thực hiện tốt. Ảnh tư liệu
Nhưng theo TS Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp thờ ơ, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng mã số vùng trồng, nền tảng quan trọng để truy xuất nguồn gốc khi XK.
“Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu của bất kỳ thị trường nhập khẩu nào, vì vậy việc xây dựng mã số vùng trồng đảm bảo cho việc truy xuất là vô cùng cần thiết. Hiện một số tỉnh như Bắc Giang, Sơn La đã rất chủ động trong việc này, giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản dễ dàng” – ông Hòa nói.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), tính đến nay đã có 149 vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, 19 vùng trồng vải thiều của Hải Dương và 2 vùng trồng vải thiều của tỉnh Hưng Yên được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi XK sang Trung Quốc.
Video đang HOT
Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn – “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang, đã có 36 vùng trồng vải thiều đã được mã hóa; thông qua hệ thống tem nhãn QR code, Hải quan Trung Quốc có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ví dụ, tra sản phẩm mang mã số VN – BGOR – 0010 trên máy tính thông minh sẽ cho ra kết quả vải thiều được sản xuất tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Trong khi đó, huyện Lục Nam (Bắc Giang) xây dựng được hơn 100 mã số vùng trồng vải thiều, với những địa chỉ cụ thể đến tận thôn, bản.
Được biết, ngay khi Trung Quốc có quy định (từ 1.4.2018 hàng hóa nông sản XK vào thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc), tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các địa phương của nước bạn thực hiện một cách hiệu quả. Vụ vải năm 2018, phía tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã cấp cho doanh nghiệp XK vải Việt Nam một mã vạch sản xuất riêng, thể hiện đầy đủ tên sản phẩm, tên doanh nghiệp…
Tỉnh Hải Dương cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng vải thiều để phục vụ XK. Thống kê cho thấy, đến nay đã có 19 vùng trồng vải thiều của Hải Dương đã được mã hóa, chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Thanh Hà.
Được biết, năm 2018, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đã triển khai cho các huyện, thành phố đăng ký các vùng trồng và cơ sở đóng gói để gửi về Cục Bảo vệ thực vật tiến hành cấp mã số. Đến tháng 4.2019, Hải Dương có 40 vùng trồng 4 loại trái cây tươi: Vải, nhãn, chuối, dưa hấu và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số và được Trung Quốc chấp thuận. Như vậy, vụ vải thiều năm 2019, vải Thanh Hà không cần phải lo ngại đến vấn đề truy xuất nguồn gốc khi XK.
Chủ động trước sự biến động thị trường
Trước những thay đổi trong chính sách quản lý xuất nhập khẩu của thị trường Trung Quốc từ 1.5.2019, tỉnh Hải Dương cũng đã chủ động thông tin, tuyên truyền những thay đổi đó để người dân, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất. Theo đó, tỉnh đề nghị các địa phương có vùng trồng trái cây XK tăng cường chỉ đạo người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP và bảo đảm thu hoạch, đóng gói, vận chuyển… theo hướng dẫn và yêu cầu của doanh nghiệp XK.
Các doanh nghiệp XK trái cây sang Trung Quốc chủ động liên hệ, đặt hàng, thu mua nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng đã được cấp mã số; chủ động lựa chọn và sử dụng bao bì, tem nhãn dán lên sản phẩm theo yêu cầu của phía Trung Quốc…
Ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn có vùng trái cây XK Trung Quốc cung cấp thông tin về vùng trồng, về cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đến nông dân và doanh nghiệp thu mua.
Theo Danviet
Nhiều nông sản tỷ đô gặp khó trong xuất khẩu đầu năm 2019
Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm 2019 có cả hai mảng màu sáng - tối. Trong khi xuất khẩu rau, quả, thủy sản, đồ gỗ tiếp tục có những tín hiệu lạc quan, thì lúa gạo, cà phê, tiêu đang gặp nhiều gian khó.
Lượng tăng nhưng giá giảm
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, trong số các mặt hàng nông sản, lúa gạo đang chịu sự biến động lớn nhất từ thị trường. Theo thống kê, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 ước đạt 399.000 tấn với giá trị đạt 169 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837.000 tấn và 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 đạt 446USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây chính là nguyên nhân khiến giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm.
Xuất khẩu gạo chưa thể cải thiện trong tháng 3.2019. ảnh tư liệu
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, một trong những lý do khiến giá lúa giảm là sau tết, các doanh nghiệp, hệ thống thương lái chưa vào cuộc thu mua lúa mạnh mẽ. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc xuất hiện thách thức mới, còn các thị trường truyền thống như Philipines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.
Trong khi đó, mặt hàng cà phê, tiêu cũng đang chịu áp lực giảm giá do nguồn cung trên thị trường đang lớn. Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, nhiều mặt hàng cây công nghiệp đang trong xu hướng giảm giá của toàn cầu do nguồn cung tăng.
Đơn cử như mặt hàng cà phê, do các nước như Colombia, Brazil đẩy mạnh chương trình tái canh nên sản lượng cà phê đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Ngoài ra, hiện tượng bán khống của giới đầu cơ tác động cũng khiến giá cà phê giảm mạnh. Xuất khẩu cà phê tháng 2 ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2019 đạt 326.000 tấn và 610 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, giá tiêu được dự báo nhiều khả năng chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, do nguồn cung hồ tiêu toàn cầu tiếp tục được bổ sung.
Hóa giải thách thức bằng chất lượng
Ông Nguyễn Quốc Toản dự báo, xuất khẩu nông sản năm 2019 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do những biến động của thị trường và sự thay đổi chính sách nhập khẩu của các nước. Trong đó, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường lớn của Việt Nam như Philippines và Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu năm 2019.
Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở khu vực châu Phi. Đó là chưa kể việc Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu gạo, đồng thời sẽ rà soát lại năng lực của 22 doanh nghiệp Việt được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này.
"Rõ ràng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy trồng lúa khi nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Campuchia,
Myanmar đang có tham vọng mở rộng diện tích, đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn cung có xu hướng tăng nên chúng ta phải xem xét điều chỉnh diện tích trồng lúa. Theo đó, khu vực giảm diện tích lúa là những nơi bị nhiễm mặn, vùng cao, ven đô" - ông Toản nói.
Theo ông Toản, trong bối cảnh khó khăn và đầy biến động của thị trường, các doanh nghiệp và nông dân cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo rõ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Đối với mặt hàng thủy sản, để tận dụng lợi thế ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu tôm và cá tra sẽ có nhiều ưu đãi về thuế, cần tuyên truyền và cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Với mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng các nghị định về định nghĩa gỗ hợp pháp, hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ.
Riêng mặt hàng rau quả, dự báo thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc khi Mỹ vừa cấp phép nhập khẩu cho trái xoài tươi của Việt Nam - loại trái cây thứ 6 được xuất khẩu vào thị trường này (sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa).
Đặc biệt, với việc Công ty CP Đồng Giao sẽ ra mắt Nhà máy Chế biến rau quả tại Gia Lai vào cuối quý I và Nafoods khánh thành Nhà máy chế biến tại Sơn La dự kiến vào tháng 4, giá trị gia tăng của ngành chế biến, xuất khẩu trái cây sẽ còn lớn hơn nữa.
Theo Danviet
"Đột nhập" trại 12.000 con gà trống thiến bán Tết lớn nhất tỉnh Bắc Giang Chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên Kỷ Hợi 2019, gia đình chị Nông Thị Lợi, thôn Thanh Văn 1, xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nuôi hơn 12.000 con gà trống thiến các loại. Đây cũng là trang trại lớn nhất của tỉnh Bắc Giang nuôi loại gà trống thiến. Trong một lần đến huyện Tiên Yên (Quảng Ninh),...