Đũa tre trắng sạch là nhờ… hóa chất
Sau khi vót gọt xong, đũa tre được rửa sạch rồi thả vào chậu nước được pha sẵn cùng một loại chất hóa học. Ngâm khoảng 15-20 phút, đũa tre được vớt ra, độ trắng được cải thiện rõ rệt.
Tại một số cơ sở sản xuất đũa tre, tăm tre trong phố Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, để tạo độ trắng cho đũa, chủ sản xuất sử dụng hóa chất, sau đó dùng hương liệu để tạo mùi tự nhiên cho đũa.
Đũa tre bán tại các cơ sở này có giá rẻ giật mình, chưa tới 100 đồng/đôi. Đầu ra chủ yếu của các cở sở sản xuất này là các quán ăn bình dân, nhà hàng vừa và nhỏ.
Quan sát các khâu sản xuất, có thể thấy toàn bộ đều được làm thủ công nhưng công nhân không có thiết bị bảo hộ. Toàn bộ đống đũa tre sau khi được xử lý đều chất đống trên sàn đất, lẫn vào cả bụi bẩn, giày dép của công nhân.
Sau khi vót gọt xong, đũa tre được rửa sạch rồi thả vào chậu nước được pha sẵn cùng một loại chất hóa học. Ngâm khoảng 15-20 phút, đũa tre được vớt ra, độ trắng được cải thiện rõ rệt.
Một số công nhân làm việc tại các cơ sở này cho biết để đũa không bị mốc, sau khi được tẩy trắng, đũa tre được tẩm ướp chất bảo quản, sau đó là tẩm hương liệu để dậy mùi tre thiên nhiên. Tiếp đến là sấy thật khô để thời gian lưu giữ càng dài.
“Vì thế, ở đây hàng ngày làm hàng ngàn đôi đũa, bán ra rất nhiều, người mua rất đông nhưng chưa thấy ai kêu đũa mốc bao giờ”, một công nhân tiết lộ.
Công đoạn cuối cùng là đóng gói. Để tách 2 lớp túi bóng mỏng đựng đũa, công nhân thường thổi trực tiếp để túi phồng lên, sau đó nhét đũa vào và dập lại. Tất cả những thao tác này cũng đều được làm với tay trần.
Người công nhân này cho biết, thứ duy nhất họ có thể dùng khi sản xuất tăm, đũa là khẩu trang để tránh bụi, tránh mùi hóa chất nồng nặc. Đến công đoạn đóng gói, do phải thổi túi bóng nên khẩu trang cũng không thể sử dụng được.
Theo các chuyên gia hóa học, hiện nay, clo là hóa chất được ưa chuộng nếu muốn đạt được mục đích tẩy trắng. Clo có thể sử dụng để tẩy trắng cho cả tăm tre lẫn đũa tre. Tuy nhiên, theo như cách làm của các cơ sở sản xuất này thì ngoài hóa chất tẩy trắng còn hóa chất bảo quản và hương liệu.
“Chúng ta chưa vội nói tới việc những hóa chất này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Thông thường các cơ sở kinh doanh thường đặt lợi nhuận lên đầu. Do đó, điều đáng ngại nhất là những hóa chất trên không đảm bảo chất lượng. Có thể chúng được phép sử dụng, nhưng phải là những hóa chất đã qua kiểm định, có độ an toàn. Nếu sử dụng hóa chất bày bán tràn lan thì hậu quả về lâu dài khó mà nói trước được”, TS Nguyễn Đình Khải cho hay.
Là người lâu năm theo dõi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Khải cho biết ngay cả nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất tăm, đũa tre cũng khó có thể kiểm soát chất lượng, nguồn gốc. Ngoài ra, đũa tre là thứ đưa thẳng vào miệng nên rất dễ dàng để các hóa chất, chất bảo quản, hương liệu ngấm qua nước bọt để thẩm thấu vào trong dạ dày.
“Tích tụ những chất này lâu dài (tương tự ăn hoa quả được bảo quản bởi thuốc) sẽ dễ gây ra các bệnh mãn tính về sau”, ông Khải nói.
Ngọc Anh tổng hợp