Đứa trẻ lạc mẹ trên đường chạy loạn, lưu lạc sang Mỹ và cuộc đoàn tụ kỳ diệu sau 45 năm
Suốt 45 năm xa con, mẹ của anh Lợi luôn cầu mong con trai được mạnh khỏe. Bà không dám lập ban thờ vì không biết anh còn sống hay đã mất.
Đứa trẻ lạc mẹ trên đường chạy loạn
Cuộc thoái quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu vào chiều tối ngày 16/3/1975 đã đặt các gia đình vợ con lính và dân thường của 3 tỉnh Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn (sau năm 1975, Phú Bổn được nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Ngày nay phần lớn địa bàn của Phú Bổn xưa chuyển sang tỉnh Gia Lai – Kon Tum).
Khoảng 200.000 người dân đã bị cuốn theo cuộc chạy loạn này. Trên đường chạy loạn, đã có hàng ngàn đứa trẻ lạc mất gia đình, trong đó có cậu bé Nguyễn Đình Lợi, 7 tuổi, quê ở Kon Tum.
Bà Tuyết, ông Đường đã thất lạc cậu con trai 7 tuổi trên đường đi chạy loạn vào năm 1975.
Ông Nguyễn Đình Đường (sinh năm 1935, người gốc Huế) có 2 người vợ, là bà Gái và bà Nguyễn Thị Thời (tức Tuyết). Bà Gái chính là người cưới bà Tuyết về cho chồng. Thời điểm năm 1975, ông Đường có với 2 người vợ tất cả là 10 người con, chung sống sung túc và hòa thuận dưới một mái nhà ở Kon Tum. Ông Đường phục vụ trong quân y, bà Gái ở nhà chăm sóc các con còn bà Tuyết bán cá hấp ở chợ.
Tháng 3/1975, ông Đường chở 4 đứa con bỏ chạy, vợ lớn của ông cũng dẫn theo mấy đứa. Những người con gái lớn thì đi đường hàng không cùng hàng xóm. Bà Tuyết lúc đó bụng bầu vượt mặt sắp sinh, dẫn 2 đứa con đi vào rừng chạy loạn. Vào đến rừng thì bà sinh hạ một bé trai, khi tỉnh lại bà thấy thất lạc một đứa con, đứa trẻ sơ sinh sau đó cũng không qua khỏi. Ra khỏi rừng, bà được bộ đội cụ Hồ đánh xe đưa về Kon Tum. Khi gia đình về hết lượt, điểm danh lại thì gia đình bà thiếu một đứa con trai 7 tuổi, tên Nguyễn Đình Lợi (hay còn gọi là Lùn), con trai ruột của bà Tuyết và ông Đường.
Anh Lyle Christopher Schadt cũng từng là một đứa trẻ đi lạc khi chạy loạn và muốn tìm cha mẹ của mình.
Ông Đường, bà Tuyết sau đó còn sinh thêm 3 người con nữa nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi mất mát. Cách đây 21 năm, ông Đường đi nhận một thanh niên tầm tuổi anh Lợi, cũng là một đứa trẻ đi lạc trên đường chạy loạn, được nhận nuôi ở Phú Yên, tên là Được.
Gặp là hai bên biết, anh Được không thể là anh Lợi nhưng ông bà Đường vẫn xin đón anh về Gia Lai chăm sóc và lo công việc. Sau này, anh Được cũng tìm được cha mẹ ruột. Do đó, gia đình ông Đường vẫn luôn luôn tin mình sẽ tìm được đứa con thất lạc.
Mỗi lần nghĩ về anh Lợi, bà Tuyết chỉ mong con trai mạnh giỏi. Bà không dám lập bàn thờ cho anh vì không biết con còn sống hay đã chết. Gia đình đã đăng ký tìm con với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Lyle được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi, anh có cuộc sống êm đềm, đã kết hôn và có 2 con.
Cuộc đoàn tụ kỳ diệu sau 45 năm
Những thông tin về đứa con trai thất lạc của ông Đường, bà Tuyết rất trùng khớp với thông tin của anh Lyle Christopher Schadt, người gốc Việt, hiện đang sống ở bang Florida, Hoa Kỳ.
Đi lạc từ năm 7 tuổi nên Lyle Christopher Schadt vẫn còn nhớ rất nhiều thông tin về mình. Anh nhớ mình tên là Nguyễn Đình Lợi, đi lạc trong một cuộc chạy loạn. Anh nhờ một người bạn là người Việt đang sống ở Mỹ liên hệ giúp mình với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly để tìm lại gốc rễ. Trong thâm tâm, anh luôn tự hỏi không biết gia đình mình còn sống sót sau chiến tranh hay không. Anh hy vọng sẽ còn kịp tìm thấy họ.
“Chiến tranh đã đi qua nơi tôi sống khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Cả làng, cả xóm vội vã lên xe và đi, cứ đi cho đến khi xe hỏng thì xuống đường đi bộ và tản mát vào rừng. Hình như có em nào trong nhà bị ốm nên ba má tôi phải lo cho em. Người thân cuối cùng tôi còn thấy là anh trai tôi, anh cùng cha khác mẹ, vì cha tôi có hai người vợ. Có một người nào đó dẫn tôi và anh đi nhưng tôi không tin nên không chịu theo, còn anh tôi thì theo.
Video đang HOT
Gia đình nhỏ của Lyle.
Còn lại mình tôi ở trong một đám đông giữa rừng, rồi có một chiếc trực thăng đáp xuống bốc mọi người đi. Lúc đó tôi không tin ai cả nên không đi. Chiếc thứ hai quay lại đáp xuống, tôi leo lên ngồi phía sau ghế của một người phi công và kể từ đó tôi bám lấy ông ấy. Ông đã đưa tôi cùng sang Mỹ trong năm 1975.
Tôi nhớ cha tôi tên là Nguyễn Đình Đường. Cha tôi có làm gì đó liên quan đến thuốc thang. Tôi chỉ còn nhớ được như vậy”, Lyle kể.
Lyle (tức anh Nguyễn Đình Lợi) bật khóc ôm cha sau 45 năm thất lạc.
Những người anh em đã quá lâu không gặp.
Người phi công đó là ông Ngọc. Ông đã thương và đưa Lyle lên trực thăng, xuống Nha Trang, về Mỹ Tho rồi di tản sang Mỹ. Ông Ngọc đã nuôi và sau đó gửi Lyle vào một gia đình khá giả hơn. Chính ông Ngọc cũng là người đăng bức ảnh thuở bé của Lyle vào những nhóm của cộng đồng người Việt ở Mỹ để tìm gia đình cho anh.
Ở trại tị nạn một thời gian thì Lyle được gặp cha mẹ nuôi, ông bà đã có 4 người con nên không định nhận anh. Nhưng rồi sau vài lần gặp, họ đã làm thủ tục để đón anh về cùng. Lyle được cha nuôi nhận xét là hòa nhập vào cuộc sống gia đình một cách nhanh chóng. Dù gặp phải rào cản ngôn ngữ nhưng việc học tiếng Anh của anh tiến triển trong một thời gian ngắn. Anh cũng là một người có nhiều tài năng, việc đi học thuận lợi, kết bạn và hòa đồng với mọi người.
Sau khi học xong, anh chuyển đến tiểu bang Florida để tìm việc. Ở đây, anh kết hôn với bà xã và có 2 con. Lyle được bố nuôi nhận xét là một ông bố biết quan tâm và tận tụy.
Ông Đường trao kỷ vật cho con trai, con dâu.
Những cái ôm thắm thiết.
Hai cháu nội bập bẹ chào ông, chào bà bằng tiếng Việt.
Vào một ngày, anh Lyle nhận tin từ người bạn là có một gia đình ở Việt Nam cũng đang đi tìm con và có nhiều chi tiết khớp với câu chuyện của anh. Và khoảng 3 – 4 tuần sau đó, anh tiếp tục nhận được thông báo rằng kết quả ADN của mình và gia đình ở Việt Nam trùng khớp. Lyle Christopher Schadt chính là Nguyễn Đình Lợi. Biết tin, anh và bà xã đã bật khóc vì quá hạnh phúc.
Năm 2021, vợ chồng anh lợi cùng 2 con đã trở về Việt Nam để nhận lại gia đình. Đó là lần đầu tiên anh quay trở về quê hương sau 45 năm thất lạc.
Ngày đoàn tụ, cha của anh Lợi đã 86 tuổi, ông nức nở khi được ôm con trai vào lòng. Người cha già từng rất lo sợ đứa con trai của mình không còn trên đời này nữa. Anh Lợi ôm cha mẹ, anh chị em, các cháu, rơi những giọt nước mắt đoàn tụ đầy hạnh phúc. Ông Đường đã trao tặng cho con trai, con dâu những kỷ vật quý giá. Hai người cháu nội đã học nói những câu: ” Con chào ông nội, con chào bà nội” một cách cực kỳ đáng yêu.
Con bị hải tặc Thái Lan bắt cóc, cha già một đời đi tìm, 32 năm sau đoàn tụ nhờ xem tivi
Tháng 3/1981, ông Việt vô cùng đau đớn khi nhìn đứa con mới 3 tháng tuổi của mình bị hải tặc Thái Lan bắt cóc. Những đứa trẻ bị hải tặc Thái Lan bắt cóc
Khoảng thời gian từ năm 1981-1989, một số gia đình rời Việt Nam đi tìm miền đất hứa trên những chiếc thuyền mỏng manh. Trong số đó, có những người trôi ra vịnh Thái Lan, trở thành miếng mồi cho cướp biển hung hãn.
Tháng 3/1985, ông Trần Văn Khuê đã đánh mất đứa con đầu lòng tên Trần Thanh Độ (tức Mạnh). Bà Tiếu Hoa, mẹ của anh Mạnh khi đó ở lại Việt Nam cùng con gái nhỏ. Trước khi đi, Mạnh ôm mẹ khóc, mặc vào người chiếc áo học sinh và mang con dế sang gửi anh họ nhờ nuôi giúp. Khi nghe tin chồng và con gái bị thả xuống biển nhưng sống sót, ở trong trại tị nạn, còn Mạnh thì mất tích, bà Hoa như điên như dại, suốt ngày đi lang thang.
9 năm sau bà được bảo lãnh sang Mỹ. Nhưng từ đó bà liên tục về Việt Nam đi chùa, giúp đỡ trẻ tật nguyền với niềm mong muốn duy nhất là con trai của bà được ai đó cưu mang, sống sót, để tới một ngày, mẹ con được gặp lại nhau.
Báo Thai Rath đưa tin về việc một gia đình Việt Nam sang Thái Lan tìm con bị bắt cóc.
Một lần về nước, ông bà cùng người thân đến văn phòng Sài Gòn buổi sáng để đăng ký tìm con. Đội viên tìm kiếm là anh Nguyễn Linh, đã cùng gia đình sang Thái Lan hỗ trợ.
Ngày 17/3/2012, đoàn sang tìm hiểu địa hình Thái Lan bằng một chuyến đi du lịch. Tình cờ, đoàn hỏi thăm một hướng dẫn viên du lịch người Thái tên Lamyai Wongprayoon, chị có thể nói tiếng Anh. Khi biết chuyện chị Lamyai rất cảm thông và giúp đỡ đoàn nhiệt tình. Thông qua chị Lamyai, đoàn kết nối được với báo Thai Rath. Báo này đã tiếp đoàn, chụp ảnh với gia đình bà Tiếu Hoa.
Ngày 23/3/2012, báo đăng thông tin về việc tìm con của gia đình bà Tiếu Hoa. Tờ báo với lượng phát hành 1 triệu bản/ngày tại thời điểm đó đã lan tỏa mạnh mẽ, giúp đoàn tìm kiếm có thêm nhiều thông tin quý giá. Một ngày sau khi báo đăng, có một ngư dân người Thái Lan đã gọi điện cho biết rằng năm 1985, ông chủ của ông có nhận nuôi một bé trai người Việt, nhìn hình rất giống Mạnh, con của bà Hoa.
Có phương hướng rõ ràng hơn, cả đoàn đã có chuyến đi thứ 2, đến huyện Laem Sing, Chanthaburi, Thái Lan, cách Băng Cốc 260km. Báo Thai Rath đã liên lạc để nhờ một cán bộ công tác xã hội ở đây, người này cho thông tin về việc có một gia đình nhận nuôi một đứa bé người Việt. Tuy nhiên, vì trường hợp tế nhị nên người này không có nhiều thông tin. Phía gia đình nhận nuôi bé trai cũng không cho gặp. Do đó, đoàn quyết định cầm tờ Thai Rath đi hỏi thăm.
Sau khi kết nối nhiều kênh thông tin, họ tìm được thông tin của một thanh niên tên Buff, là người gốc Việt.
Họ hỏi thăm một người phụ nữ Thái Lan và được người này tiết lộ, có biết một thanh niên tên Buff có khả năng là người họ tìm kiếm. Ngoài ra, một người đàn ông xác nhận có cháu gái từng là bạn gái của Buff. Người này cho đoàn tìm kiếm nick Facebook của Buff. Buff đang sống ở tỉnh Songkhala, cách thủ đô Băng Cốc 900km.
Cả đoàn đến Songkhla và gặp được anh Buff. Buff không nhớ thông tin gì ngoài việc anh là người Việt Nam, mọi ký ức đã bị xóa sạch. Cả đoàn quyết định lấy mẫu xét nghiệm ADN giữa anh Buff và bà Tiếu Hoa. Tuy nhiên, kết quả họ không cùng huyết thống.
Cuộc đoàn tụ sau 32 năm của đứa trẻ bị bắt cóc
Việc tìm kiếm con trai thất lạc của ông Khuê, bà Hoa chưa thành, nhưng lại mở ra cơ hội cho một gia đình khác, đó là ông Ngô Văn Việt, cũng là một người có con trai bị hải tặc Thái Lan bắt cóc vào tháng 3/1981. Khi đó, con trai của ông Việt tên là Ngô Văn Đảm mới 3 tháng tuổi.
Xem những hình ảnh về Buff, ông Việt - cũng là người cha có con bị bắt cóc ngỡ ngàng vì Buff quá giống mình.
Khi xem những hình ảnh về Buff xuất hiện trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", ông Việt đã ngỡ ngàng. Ông không thể tin đó không phải là con của mình vì anh Buff giống ông đến trên 95%.
"Họ bắt chúng tôi, chở lên tàu, tất cả những gì trên tàu mình có thì họ lấy, còn vấn đề hãm hiếp, chết chóc thì không. Họ đi suốt 12 tiếng đồng hồ, kéo tàu mình lên và nói họ không thể đưa mình vào bờ vì luật của Thái Lan, thành thử họ đẩy mình xuống.
Họ đưa tất cả những người lớn xuống trước, còn lại 6 trẻ em, trong đó có 2 đứa nhỏ nhất là con tôi 3 tháng tuổi và con của người em họ hàng 11 tháng tuổi. Những đứa bé biết nói chuyện và biết đi thì họ ẵm xuống hết. Tôi nói còn 2 đứa nhỏ nữa thì họ bảo cứ xuống tàu đi rồi họ ẵm xuống. Nhưng khi người lớn xuống hết thì họ chặt dây bỏ đi, như vậy là họ bắt 2 đứa nhỏ", ông Việt nhớ lại ngày con trai bị bắt đi.
Anh Buff và ông Việt gặp nhau tại Thái Lan.
Ông Việt lập tức trở lại làng Thaweewatthana, Songkhla. Trước đó 3 tháng, ông từng tới đây, ở đó 8 ngày để đi tìm con nhưng duyên chưa tới. Lần này trở lại, ông có nhiều hy vọng hơn. Qua một người có cùng hoàn cảnh, ông Việt được kết nối với ông Chookiat Suwanrungsri - Trưởng làng Thaweewatthana, Nguyên Giám đốc Sở Phát triển và An sinh Xã hội tỉnh Songkhla. Ông Chookiat đã giúp đỡ ông Việt rất nhiệt tình trong việc tìm con.
Con phố Thanon Yaring ở Songkhla - phố của những người đánh cá xưa cũng là nơi ông Việt từng đi qua nhiều lần, hỏi thăm người già trong từng hẻm sâu của dãy phố. Nhưng ông không biết, con trai mình đang làm kế toán cho một hãng thu mua hải sản của gia đình. Buff là người con được yêu thương nên rất có hiếu với cha nuôi.
Ông Việt vui mừng khi nhận kết quả ADN, Buff chính là con trai của ông.
Hai cha con đã đoàn tụ sau 32 năm xa cách.
Ông Việt và anh Buff có một cuộc gặp gỡ. Anh Buff chắp tay chào kiểu Thái Lan. Ông Việt nhìn con đầy trìu mến. Ai cũng khen ông và anh Buff nhìn rất giống nhau.
"Sau khi gặp cháu, tôi rất tin tưởng đó là người con của mình. Không biết Buff nghĩ như thế nào nhưng gặp mặt là tôi muốn ôm con rồi. Nhưng tôi dằn lòng lại, nếu thực sự là con mình thì trước sau ôm cũng chưa muộn.
Tôi muốn nói nhiều điều với con, nhưng không nói được. Tôi muốn con hiểu được rằng tôi rất quan tâm và đau đáu tìm con chứ không hề bỏ rơi nó. Rất tiếc là con không hiểu nó mất tích trong hoàn cảnh như thế nào nên không có cảm xúc khi cha con gặp nhau. Tôi đang rất mong chờ kết quả ADN", ông Việt nói về tâm trạng khi gặp con.
Anh Buff (tức anh Đảm) đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình.
3 ngày sau, kết quả ADN cho thấy, ông Việt và Buff là cha con. Buff chính là Ngô Văn Đảm. Sau 32 năm thất lạc, Buff đã cùng vợ và con trai về Việt Nam nhận gia đình, nhận quê hương, đoàn tụ với người thân ruột thịt trong những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc.
Khoảnh khắc hai cha con người Ukraine tạm biệt trước khi ly tán: Hãy thay bố bảo vệ mẹ Anh Ruslan Gladkiy ôm con trai thật chặt vì không biết bao giờ gia đình họ mới có thể đoàn tụ... Mới đây, cư dân mạng đã lan truyền hình ảnh một người cha đang thủ thỉ chào tạm biệt con trai đầy xúc động khi đưa gia đình lên chuyến tàu rời Ukraine đến nơi an toàn. Anh Ruslan, 35 tuổi, đang...