Đua thuyền cưỡi thác cùng ‘cao thủ’ trên dãy Trường Sơn
Tôi biết sông Long Đại, xã biên giới Trường Sơn, Quảng Bình như một cơ duyên thật sự. Đó là thời điểm tôi dừng chân ngắm nhìn cầu treo Cây Sú nhân chuyến khảo sát du lịch đường Trường Sơn nhánh tây trong một ngày cận tết, mưa phùn đang lất phất bay.
Nơi khởi nguồn của sông Nhật Lệ
Không chỉ nổi tiếng là cầu treo đẹp nhất tỉnh Quảng Bình bởi dáng dấp giống như cái võng treo xinh xắn nối đôi bờ đầu nguồn sông Long Đại khiến ai qua đây khó mà làm ngơ, cầu Cây Sú còn là vị trí từ trên cao ngắm nhìn cả một khúc sông rộng lớn với màu xanh đặc trưng tinh khiết cùng vô số ghềnh đá, thác lớn, nhỏ tung bọt trắng xóa nổi bật giữa dãy núi đá vôi hình thù độc đáo. Thỉnh thoảng xuất hiện con thuyền thon dài, phần mũi ghếch cao ngược xuôi. Và trong cuộc hành trình ấy, dưới sự điều khiển của người lái, nó cứ chồm lên, chúi xuống mặt sông tung nước trắng xóa mang đến cho người xem cảm giác hồi hộp, phấn khích chen lẫn lo sợ.
Cầu treo Cây Sú dáng dấp giống như cái võng nối đôi bờ đầu nguồn sông Long Đại
Để chiêm ngưỡng đoạn sông đẹp như cổ tích và thử nghiệm đi thuyền vượt thác, tôi đã ngồi trên thuyền vỏ nhôm, máy Kohler 13 mã lực của anh Nguyễn Văn Kỷ từ bến đò thôn Hồng Sơn xuôi dòng đến thác Tam Lu trắc trở với tâm trạng háo hức. Ngồi cùng thuyền, ông Nguyễn Văn Tráng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trường Sơn cho biết, chuyến đi dự định mất khoảng 2 tiếng đồng hồ đi đò và phải qua nhiều con thác lớn nhỏ.
Vừa rời bến hơn trăm mét, chúng tôi đã tiếp cận ghềnh thác đầu tiên có độ lệch hơn 1 mét, một cảm giác ớn lạnh vụt đến, theo quán tính tôi luống cuống bám tay thật chặt trên mạn thuyền để giữ thăng bằng đề phòng tình huống thuyền va đập, chao đảo… nhưng lạy trời, thoáng chốc lái thuyền đã đưa cả con thuyền nhẹ nhàng “hạ cánh” trên mặt nước ở tầng dưới và tiếp tục lướt băng băng.
Video đang HOT
Thuyền chuẩn bị “bay” qua ghềnh thác
Tiếp đến là hàng loạt thác nhỏ như giăng ngang mặt sông tạo sóng sùng sục đã đẩy mũi thuyền đi lệch hướng nhưng với Kỷ chỉ cần ghì chặt tay lái là vượt qua. Có lúc dòng nước không còn hung dữ mà lặng lẽ uốn lượn theo thế núi, đôi chỗ nước trong veo, ngồi trên thuyền có thể nhìn thấy cả những hang hốc cùng đàn cá bơi lội phía dưới đáy sông. Rồi thuyền qua cù lao toàn đá cuội, cánh rừng xanh rì và thật cảm động khi nghe tiếng reo hò của đám trẻ con chạy dọc theo bờ sông chào đón khách phương xa. Đây là thôn bản Hôi Rấy, Nước Đắng của đồng bào Bru – Vân Kiều bao đời nay sống gần như biệt lập nơi sơn cùng thủy tận bởi từ xã muốn vào thăm bà con, tuyến đường sông dài trên 10 km là con đường duy nhất.
Ông Nguyễn Văn Tráng kể: Khởi nguồn từ núi U Bò trên dãy Trường Sơn, dòng Long Đại, có nghĩa là Rồng Lớn, chảy qua xã Trường Sơn, xuôi về đồng bằng và hợp lưu với sông Kiến Giang để “khai sinh” nên dòng sông Nhật Lệ trước khi chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ. Trước năm 2004, xã Trường Sơn nằm trong thế cô lập giữa đại ngàn, người dân muốn xuống miền xuôi mua bán, đổi chác lương thực, thổ sản hay chữa bệnh… phải chèo thuyền gỗ xuôi dòng đến quá trưa mới tới được phà Long Đại gần thành phố Đồng Hới, xong việc quay về gặp nước ngược, bám chắc người trên thuyền ngủ qua đêm trên bãi đá ven sông.
Bến đò thôn Hồng Sơn, xã Trường Sơn
Sau này, nhờ có thuyền máy, thời gian rút ngắn, chuyến đò dọc mất đúng một ngày. Cuộc sống thời đó buộc hầu hết trai tráng đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều sống ven sông hoặc người ở trung tâm xã đều dạn dày chèo thuyền vượt thác và thông thuộc từng bãi đá ngầm dọc ngang, luồng nước, độ sâu từng khúc sông bởi nếu tay lái không vững hay phán đoán, xử lý không chuẩn thì hậu quả khôn lường.
Điều đáng nói là vào mùa mưa lũ, nước dâng cao tuy không còn cảnh vượt thác song lái thuyền trên sông đầy sóng gió dữ dội không chỉ là cực hình mà còn đầy nguy hiểm. Từ năm 2005, ngành giao thông mở đường Trường Sơn nhánh tây cùng đường xương cá kết nối với đường Trường Sơn Đông, thì đường bộ xuống miền xuôi trở thành huyết mạch. Ngược lại, tuyến đường thủy trên sông Long Đại mất thế “độc tôn”, thuyền bè đi lại chỉ còn lác đác. Ngày nay, những “cao thủ” dám vượt được thác không còn nhiều.
Sau một khúc cua, dòng chảy bỗng tách ra thành nhiều luồng lạch nhỏ khi len qua hàng loạt khe đá rồi chúng lại bị những vỉa đá từ bờ vươn mình ra giữa sông nắn dòng chảy ầm ầm. Anh Tráng báo đã tới thác Tam Lu – ngọn thác có 3 bậc đá tựa ba chiếc lu nghiêng mình đổ nước xuống vực núi dài hơn 200m với độ chênh lệch là 20m được khẳng định là đứng đầu về độ cao, sự hiểm trở lẫn vẻ đẹp hoang sơ trong khoảng 100 thác nước lớn nhỏ, suốt chiều dài 77 km của sông Long Đại. Đúng lúc Kỷ nhắc: “Chuẩn bị vượt thác nhé, nhớ ngồi thụp xuống lòng thuyền, tay bám chặt sườn gỗ, kẻo rơi xuống sông thì khó mà cứu kịp”.
Lóng ngóng thế nào tôi lại bị té ngửa ra phía sau khi Kỷ tăng tốc, động cơ gầm rú vang dội cả một góc núi đưa con thuyền lướt trên đầu thác, sau đó lại chúi đầu lao xuống mặt nước sục sôi phía dưới, tích tắc thuyền bỗng nghiêng ngã, lảo đảo như muốn đâm vào bờ. Nhìn ra phía sau thấy vẻ mặt Kỷ có phần căng thẳng nhưng khi thực hiện thao tác lái thì từ tư thế đứng trụ, cho tới vặn mình, tay ghì lái buộc mũi thuyền đi đúng dòng chảy đều rất tự tin.
Mũi thuyền chúi xuống dòng nước
Vượt thác khi xuôi theo dòng chảy nếu bẻ lái không khéo, luồng nước xoáy dữ dội có thể đẩy thuyền va vào đá vỡ toang. Trái lại ngược thác thì vất vả, ngoài ra dù một chút sơ sẩy hay gặp tình huống máy Kohler tắt đột ngột cũng dễ làm úp thuyền, hậu quả khôn lường.
Cứ nhìn cái cách Kỷ vượt thác thì rõ. Đầu tiên, anh ấy lượn một vòng trong vùng trũng dưới chân thác để lấy trớn, kế tiếp vào cua gấp khúc trên mặt nước để tránh hai dãy đá nhấp nhô trước khi tăng tốc, hướng mũi thuyền tiến tới cửa thác vốn chỉ đủ con thuyền lách qua, cũng là vị trí dòng chảy đổ dồn theo dạng thắt cổ chai đã tạo thành con sóng cuộn trào giúp cho thuyền không va vào đá ngầm dưới đáy, mặt khác đẩy mũi thuyền vút cao “leo” lên tầng thác phía trên. Lúc này, tôi chợt ngộ ra sự mạo hiểm chuyến đi thật sự đã thử thách lòng can đảm của tôi qua từng cung bậc cảm xúc căng thẳng, run sợ và vỡ òa niềm vui chiến thắng.
Tháng 3, tôi trở lại sông Long Đại và thử nghiệm tổ chức cho nhóm bạn gần 30 người thích mạo hiểm vượt thác Tam Lu. Để tránh rủi ro, người tham gia đều mặc áo phao và đội nón bảo hiểm, đó là điều mà những người lái thuyền ở Trường Sơn trước nay chưa hề nghĩ tới – theo lời anh Tráng nói. Kết quả thật mỹ mãn vì mọi người hầu hết đều tự tin lên thuyền vượt thác, thậm chí lần thứ hai, lần thứ ba…, ngay cả những người ban đầu e dè, sợ hãi nhưng sau đó lại là người muốn đi thêm nhất.
Vẻ đẹp của thắng cảnh Gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu ở Quảng Ngãi
Thắng cảnh Thạch Ky Điếu Tẩu hay còn được gọi với các tên gọi khác như "Lão câu ghềnh đá" hay "Bàn chân khổng lồ", cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 16 km, tọa lạc ở cửa biển Sa Kỳ, thuộc thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi.
Được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước, Thạch Ky Điếu Tẩu là những cột đá có hình tròn, lăng trụ xếp chồng lên nhau, kéo dài từ bờ đất liền ra biển. Tạo hóa đã cực kỳ ưu ái khi ban tặng cho ghềnh đá Thạch Ky Điếu Tẩu những bãi đá có nhiều hình thù độc lạ hòa quyện với làn nước biển xanh biếc nơi cửa biển Sa Kỳ làm say lòng người. Mang vẻ đẹp kì vĩ nhưng chưa được khai thác, thắng cảnh Thạch Ky Điếu Tẩu có rất nhiều tiềm năng để Quảng Ngãi giới thiệu và phát triển du lịch.
Thắng cảnh gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu tọa lạc ở cửa biển Sa Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: TTXVN
Thiên nhiên ban tặng cho thắng cảnh gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu một vẻ đẹp kì vĩ. Ảnh: TTXVN
Thắng cảnh gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu gồm những cột đá có hình tròn, lăng trụ xếp chồng lên nhau, kéo dài từ bờ đất liền ra biển. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Thắng cảnh gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 16 km. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Thắng cảnh gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu Quảng Ngãi có nét tương đồng với thắng cảnh gành đá đĩa ở Phú Yên. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Đẹp ngỡ ngàng bãi rạn Nam Ô Bãi rạn Nam Ô phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng gồm những phiến đá xếp bao bọc ở quanh ghềnh đá Nam Ô. Mùa Xuân tạo hóa ban tặng cho bãi rạn một màu xanh diệu kỳ của rêu. Mùa rêu xanh ở bãi rạn Nam Ô hiện đã trở thành một điểm thu hút đông đảo người...