Đưa sinh viên đi tình nguyện, khi em bị mắng, sao các anh không cất lời
Thông tin sinh viên y tế Hải Dương tình nguyện đi chống dịch Covid-19 ở TP.HCM nhưng “chảnh chọe” làm nóng dư luận những ngày này.
Giữa nhiều ý kiến khác nhau, mà phần đông là dè bỉu, châm chọc, chê bai nhóm sinh viên Hải Dương, chỉ thấy những tiếng nói yếu ớt bênh vực các em. Thế thì các vị có trách nhiệm đã ở đâu khi để sinh viên tình nguyện – những người mang cả tinh thần nhiệt huyết đi chống dịch bị mắng chửi!
Trước hết, phải khẳng định tinh thần xung phong đi hỗ trợ ngành y tế TP.HCM chống dịch của hơn 300 sinh viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là rất đáng hoan nghênh. Bởi các em đã dám chấp nhận đối mặt với vất vả, hiểm nguy vì mục tiêu cao cả là cùng với các đồng nghiệp TP.HCM nhanh chóng dập dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đoàn sinh viên Hải Dương trên chuyến bay vào TP.HCM ngày 1/7. Ảnh: VNA
Càng đáng trân quý hơn khi trong số này, nhiều em vừa hoàn thành nhiệm vụ và trở về từ điểm nóng Covid-19 Bắc Giang.
Các em xuất quân trong đêm, với quyết tâm cao nhất là bắt tay ngay vào công việc trên tinh thần “virus không chờ đợi ai”.
Thế nhưng, buổi ra quân đầu tiên của các em đã trục trặc. Không phải các em không muốn làm, mà vì “chỉ huy không cho làm”. Đi xa, hành động tập thể, kỷ luật là yêu cầu bắt buộc. Một khi chỉ huy đã cấm thì em nào dám cãi. Vì đây là việc liên quan đến an toàn sức khỏe, đến sinh mạng con người.
Lý do mà vị chỉ huy kia không cho các em làm là “trang bị bảo hộ không đảm bảo an toàn”. Bởi ở Bắc Giang, Bắc Ninh, họ trang bị bảo hộ cấp 4. Vào đây có thay đổi, chưa thống nhất giữa chỉ huy đoàn sinh viên với cơ quan chức năng sở tại.
Lệnh của chỉ huy thì thầy nói trò nghe. Chứ hàng trăm, hàng nghìn người dân phải dang nắng chờ được xét nghiệm nào có biết gì. Chỉ thấy chờ đợi lâu thì sốt ruột; bị dang nắng cả buổi chiều thì bực mình; thấy các em xuất hiện mà không làm thì cho là “chảnh chọe”, “yêu sách”, “làm cao”…
Giữa cái nóng của tâm dịch, sự việc lại càng bị đẩy lên cao theo chiều hướng tồi tệ hơn khi có sự tiếp tay của cư dân mạng. Từ cái vẫy tay khi lên máy bay, hay tấm ảnh selfie với bạn bè, rồi bộ đồ blue trên người… đều trở thành đề tài để cư dân mạng châm chọc nặng lời, rằng các em làm cao, đi chống dịch mà còn đòi hỏi ở “khách sạn 5 sao”…
Video đang HOT
Nhiều người có biết đâu, những sinh viên này vừa trải qua 40 ngày chống dịch ở Bắc Giang mà nào có đòi hỏi gì. Ăn ở tập thể tại trường tiểu học, có ngày lấy mẫu liên tục hơn 10 tiếng, có em ngất xỉu vì làm việc trong bộ đồ bảo hộ bức bối giữa sân bê tông nắng nóng. Nhưng khi có thông tin tuyển quân vào Sài Gòn, các em vẫn hăng hái xung phong.
Đoàn sinh viên tình nguyện và cán bộ trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trước khi lên đường vào TP.HCM. Ảnh: Website nhà trường
Các em không có lỗi. Có chăng chỉ là chút vô tư, chút nhí nhố của tuổi trẻ trước một chuyến đi làm tình nguyện xa nhà, lại đến một thành phố lớn của đất nước mà có em chưa từng được đặt chân đến. Lỗi là ở tiếng nói của người chỉ huy đoàn và cơ quan chức năng sở tại chưa gặp nhau, chưa đủ thông tin kịp thời, tin cậy đến với dư luận, khiến xã hội hiểu nhầm.
Lỗi một phần nữa là ở truyền thông. Không biết tự bao giờ, một số phóng viên quen thói tùy tiện, đại ngôn. Chỉ một chuyến bay đưa 300 sinh viên tình nguyện đi giúp địa phương bạn theo chủ trương của Bộ Y tế, mà đao to búa lớn rằng “mở ra đường Hồ Chí Minh trên không, tiếp sức cho chiến trường miền Nam chống dịch”.
Câu nói ấy khiến nhiều người suy diễn thành thái độ trịch thượng, kẻ cả. Rồi sinh ra bất mãn, rằng “Sài Gòn đủ lực”, “Sài Gòn không cần” các sinh viên Y tế Hải Dương. Một số bài viết ca ngợi, cảm ơn hàng nghìn sinh viên các trường Đại học Y dược ở TP.HCM tham gia chống dịch trong tháng qua, phải chăng là lời đáp trả.
Chưa rõ có ý đồ PR cho doanh nghiệp nhân vụ này như một số ý kiến qui kết hay không nhưng những người làm truyền thông cho doanh nghiệp cũng cần xem đây là một bài học.
Hào sảng, vị tha, bỏ qua chuyện vặt vì việc lớn, điều này người dân miền Nam sẵn sàng. Nhưng bài học xử lý khủng hoảng thông tin đối với những vị chỉ huy chiến dịch trong vụ này cũng cần đặt ra. Bởi thực tế là giữa cơn bão chỉ trích nhằm vào các sinh viên Y tế Hải Dương, người ta chẳng thấy bóng dáng các vị ở đâu! Chỉ thấy rải rác những tiếng nói yếu ớt trên mạng xã hội bênh vực cho các em.
Hãy hành xử đúng tầm người chỉ huy, nhất là khi các vị đang phụ trách chiến dịch ở một thành phố được xem là đầu tàu kinh tế, một thành phố có tư duy phát triển năng động nhất của đất nước!
300 sinh viên Hải Dương vào TP.HCM chống dịch: Trân quý những con người lao vào tâm dịch
Trong bối cảnh TP.HCM vẫn đang căng mình để phòng chống dịch thì bất cứ sự đóng góp từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt là con người là hết sức trân quý.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều status, bài viết, bình luận gây tranh cãi về chuyện 300 sinh viên ngành y tỉnh Hải Dương tình nguyện vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19. Trong đó, có một số ý kiến chê bai, bỡn cợt hoặc có những bình luận tiêu cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh TP.HCM vẫn đang căng mình để phòng chống dịch thì bất cứ sự đóng góp từ vật chất đến tinh thần, đặc biệt là con người là hết sức trân quý.
Các bạn sinh viên Hải Dương bắt tay ngay vào việc tại TP.HCM - ảnh H. Tuyết.
Vào tâm dịch TP.HCM chỉ với một nhiệm vụ duy nhất
Ngày 30/6, các bạn sinh viên nhận lời kêu gọi của Bộ Y tế và chỉ một ngày sau, ngày 1/7, hơn 300 sinh viên và quản lý của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã có mặt tại điểm nóng TP.HCM để sẵn sàng vào cuộc. Nhiệm vụ của các bạn là lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại cộng đồng. Do gấp gáp về mặt thời gian và cả công tác chuẩn bị nên những ngày đầu đã có một số chệch choạc trong công việc. Và từ đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều câu chuyện, status... chê bai các em là "làm màu" khi mặc áo blouse trắng, khi đi máy bay, ở khách sạnn 5 sao và đặc biệt là có hành động chê khẩu trang y tế, các trang thiết bị không đạt chuẩn, không đến các điểm làm việc đúng giờ...
Làm việc tới tối khuya - ảnh H. Tuyết.
Tuy nhiên, chỉ có những người trong cuộc, trực tiếp làm việc với các em mới hiểu rõ sự tình. Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - Nguyễn Trí Dũng, tuy có những khó khăn bước đầu ngoài ý muốn, như: Nguồn cung ứng vật tư chưa đến kịp, nguồn nhân lực đến từ nhiều nơi nên chưa có sự phối hợp ăn ý nhưng các vấn đề đã nhanh chóng được giải quyết. "Sự có mặt và giúp sức của các bạn sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là hết sức đáng trân quý, chúng tôi cảm ơn và rất ủng hộ tinh thần này" - ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Sự tiếp sức của các tỉnh, thành bạn, nhất là về con người là rất cần thiết.
Thầy Nguỵ Đình Hoàn, Trưởng đoàn hỗ trợ trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, đoàn hơn 300 người của trường vào TP.HCM với một nhiệm vụ quan trọng duy nhất là "góp phần nhỏ để cùng TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh". Vì thế, mặc dù thời gian qua có những vấn đề phát sinh, những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội nhưng không làm các thành viên trong đoàn nao núng. Thầy Hoàn cho biết, ngay sau khi có một số ý kiến, thầy và các thành viên trong đoàn đã họp toàn bộ các em sinh viên để nghe các ý kiến trao đổi và động viên tinh thần. Tuy có chút thoáng buồn lúc đầu nhưng các em sinh viên cũng đã nhanh chóng bỏ qua cảm xúc để tập trung vào công việc với quyết tâm cao nhất.
"Mục đích chính của đoàn hỗ trợ là muốn góp sức cùng TP.HCM chống dịch. Chúng tôi cũng động viên nhau và cả đoàn đều nhất trí thực hiện nhiệm vụ duy nhất này" - thầy Nguỵ Đình Hoàn nói.
Trân trọng tấm lòng, tình cảm của đội ngũ các sinh viên y tế Hải Dương
Dù có một số ý kiến phản ánh trên mạng xã hội, tuy nhiên, rõ ràng việc hơn 300 con người, tự nguyện đi vào tâm dịch để góp sức cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại TP.HCM là điều rất đáng hoan nghênh và người dân TP.HCM hết sức trân trọng tình cảm này.
TP.HCM trân trọng tất cả các đóng góp.
"TP.HCM là thành phố lớn, có nhiều kinh nghiệm và bác sĩ giỏi trong việc điều trị; cùng với đó TP cũng có nhiều chính sách phòng, chống dịch rất tốt. Tôi thấy bản chất của sự việc sinh viên y của Hải Dương tình nguyện vào TP.HCM là tốt khi có nhiều sự chung tay, góp sức của cả nước. Chỉ có điều chúng ta sẽ phải hướng dẫn các bạn sinh viên tình nguyện như thế nào và làm cách nào để đoàn kết cùng chống dịch" - chị Phương Mai, ở Quận 1 cho biết.
Còn anh Hồng Phúc, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, anh rất quan tâm tới hoạt động sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Những ngày qua, anh Phúc cũng đọc được nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều trên các trang mạng xã hội về hoạt động này. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, anh Phúc nhận định đây chỉ là sự sơ suất, thiếu thống nhất trong khâu tổ chức gây nên những hiểu lầm không đáng có. Theo anh Phúc, mọi sự chung tay, góp sức của các địa phương hướng về TP.HCM lúc này đều rất đáng trân trọng.
TP.HCM đang lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.
"Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp, lực lượng y tế cũng như lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đang căng mình truy vết các F0 thì ngay lúc này mọi sự hỗ trợ đều rất cần thiết. Theo tôi, các bạn sinh viên y Hải Dương xuất phát từ các điểm nóng Covid-19 trước đây như: Bắc Giang, Hải Dương,... thì họ cũng có thể mang những kinh nghiệm của mình để góp phần kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM" - anh Phúc cho biết.
Trao đổi với phóng viên VOV chiều 4/7, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, TP.HCM luôn rất trân trọng mọi sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần mà mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, các tỉnh, thành bạn dành cho TP.HCM trong thời gian qua.
Với việc thành phố có sự tăng cường của 300 bạn sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, bà Tô Thị Bích Châu cho hay, đây là sự vào cuộc rất "kịp thời và đầy ý nghĩa" và cho biết bản thân bà khi mới nghe thông tin thôi cũng đã thấy ấm áp và hạnh phúc.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, lúc đầu công tác chuẩn bị, đón tiếp và phân công công việc có thể chưa hợp lý kịp thời nhưng trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc" hiện nay thì đây là sự tăng cường vô cùng ý nghĩa và người dân thành phố rất trân trọng tình cảm này. Vì vậy có thể một vài ý kiến này nọ nhưng đó không phải là suy nghĩ của những người dân thành phố mang bên Bác.
"Họ đã dũng cảm đi vào tâm dịch để giúp TP.HCM, trước hết phải hoan nghênh và cảm ơn. Còn việc đội tình nguyện hỗ trợ đổ quân vào nhanh quá, thành phố chưa kịp chuẩn bị nên dẫn tới sơ sót nhưng đây không phải là chuyện lớn vì chúng ta sẽ nhanh chóng có sự thống nhât và tinh thần mới là điều quan trọng" - bà Tô Thị Bích Châu nói.
TP.HCM vẫn đang trong những ngày cam go nhất của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Những đóng góp cả về vật chất, tinh thần và đặc biệt là con người như thời gian qua là hết sức có ý nghĩa. Không chỉ là chia sẻ công việc, góp phần giúp cho các hoạt động truy vết, khống chế dịch... của thành phố được triển khai nhanh hơn mà đặc biệt là những hoạt động này đã cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho người dân TP.HCM, nhất là ở những điểm nóng. Với sự quyết tâm đồng lòng của các cấp chính quyền, nhân dân thành phố và sự chung sức đồng lòng của người dân cả nước, chắc chắn TP.HCM sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh./.
Theo chân 300 sinh viên Hải Dương giúp TPHCM chống dịch giữa ồn ào dư luận Gác lại những ồn ào trên mạng xã hội, sinh viên y khoa tỉnh Hải Dương vẫn làm việc cả ngày lẫn đêm ở các điểm trường, khu phố..hỗ trợ lực lượng y tế TPHCM lấy mẫu cho người dân. Tình nguyện viên Hải Dương tập trung lấy mẫu cho người dân TPHCM Ngày 1/7, hơn 300 giảng viên, sinh viên của Trường...