Dừa sáp Trà Vinh
Dừa sáp, dừa kem hay còn gọi là dừa đặc ruột xuất hiện ở huyện Cầu Kè vào năm 1942 do một nhà sư người Khmer sang thăm Campuchia mang về làm giống. Đây là loại dừa bình thường như bao loại dừa khác nhưng trong mỗi quày có khoảng một hai trái đặc ruột, nước sền sệt, cơm mềm ăn khoái khẩu. Mãi đến năm 2000, trái dừa đặc ruột bỗng trở thành đặc sản khi những du khách từ địa phương khác đến Trà Vinh nếm thử, và tìm mua làm quà của vùng sông nước Cửu Long.
Của lạ Trà Vinh
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà ông Thạch Chia, một lão nông 80 tuổi ở huyện Cầu Kè để mua vài ba cây dừa sáp giống trồng thử trên mảnh đất nhà ở Tiền Giang. Vườn ông có khoảng 50 cây dừa đang lớn, trái đeo đầy bắt ham con mắt. Dọc theo lối vào, trên dàn tre già là những trái dừa giống có hai ba tàu lá non xanh. Nhưng sau khi biết ý định của tôi, ông bảo: “Chú mua thì tui bán, nhưng không bảo đảm cây sẽ cho dừa đặc ruột khi đem dừa giống trồng ở vùng đất khác”.
Thấy tôi tần ngần, ông nói tiếp: “Đã có rất nhiều nhà vườn từ khắp nơi nghe Cầu Kè có giống dừa lạ mua về trồng, nhưng không thành công. Dừa vẫn cho ra trái bình thường một trăm phần trăm. Trong khi đó, nếu đem trồng ở trên đất Cầu Kè thì lại khác. Mỗi quày lựa ra được hai ba trái đặc ruột. Mấy ông kỹ sư nông nghiệp ở trên tỉnh vẫn còn đang mài mò tìm hiểu nguyên nhân lạ lùng này. Rồi thử cho thụ phấn chéo bằng cách lấy phấn đực của cây này phủ phấn bông cái cây kia, tỷ lệ cho trái cơm sáp đạt hơn 30%, nhiều hơn cách trồng bình thường không cho bông thụ phấn nhân tạo. Tui thấy đây là một cách có hiệu quả vì nông dân tụi tui trước đây chỉ biết lấy trái dừa sáp làm giống, trồng đến khi ra trái, rồi lại tìm lựa ra những trái nào đặc ruột bằng cách xem hình dáng khía cạnh bên ngoài và lắc lắc nghe bên trong nước không kêu ọc ạch”.
Tại sao cây dừa chỉ cho trái cơm sáp khi trồng trên đất Cầu Kè, anh Hùng – kỹ sư đang thụ phấn cho vườn nhà ông Tư Mão ở ấp Hòa Tân giải thích: “Cũng như vùng đất ở Ấp Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, tỉnh Long An người ta trồng được gạo Nàng thơm Chợ Đào, đem giống lúa đi trồng nơi khác lại chẳng có mùi thơm, hương vị gì cả. Hoặc nhãn hạt tiêu, nhiều người không biết cứ nghĩ là giống nhãn hạt tiêu chứ đâu biết người làm vườn theo kinh nghiệm nhận ra quả nhãn hạt tiêu trong chùm nhãn bình thường. Mỗi cây nhãn chỉ cho được vài ba trăm gram nhãn hạt tiêu bởi cái hạt nó lép bé hạt tiêu, thậm chí trái nhãn đặc ruột chẳng có cái hạt nào. Trái dừa sáp cũng như những nông sản trên, do đột biến gene hoặc điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết mới cho đất Cầu Kè của lạ với đời, làm nổi tiếng trái dừa đặc sản chỉ riêng Trà Vinh mới có”.
Khá lên nhờ cây dừa sáp
Ông Tư Mão – một trong những người đi tiên phong trong việc bỏ vườn hoa màu tạo vườn dừa sáp có hơn trăm cây tuổi từ 5 – 8 năm cho biết: “Năm 2000, một trái dừa sáp bán được 15 ngàn đồng, gấp bảy lần trái dừa khô. Thấy ham tui trồng thử đợt đầu mười cây. Bên cạnh tìm mua dừa giống của một số nhà quanh vùng, cùng khi những cây dừa tui trồng cho trái, lựa dừa sáp ra cho nảy mầm làm giống. Sau 6 năm tui gây trồng được ngần này. Tính ra trung bình mỗi cây cho lợi từ 1.5 triệu đến 2 triệu đồng do giá dừa sáp mỗi năm đều tăng. Năm nay giá một trái dừa lên đến 120 ngàn đồng. Nhiều bà con vùng Cầu Kè khá lên thấy rõ”.
Vừa cất đồ nghề phun thụ phấn cho cả vườn dừa ông Tư Mão xong, anh Hùng nói đùa: “Năm nay vườn ông không đạt trái sáp trên 30%, tui bỏ nghề liền”.
Anh không đùa, mà đó là sự thật. Trước đây nhiều nhà vườn không tin chuyện đó có thể xảy ra, nhưng thấy mấy anh kỹ sư nông nghiệp giải thích cặn kẽ rồi mang máy móc tới vườn phủ phấn thí nghiệm, kết quả khả quan nên nhà vườn nào cũng đều áp dụng phương thức thụ phấn mới. Một quày dừa giờ có đến ba bốn trái sáp, nâng sản lượng dừa đặc sản này mỗi năm nhiều hơn. Có cây mỗi năm cho người làm vườn đến 3.6 triệu đồng. Rất nhiều gia đình đất vườn chỉ có một hai ngàn mét vuông, nhưng nhờ vài chục cây dừa cho trái sáp đã thoát được cảnh nghèo vốn lâu nay chưa bao giờ thay đổi ở xứ đất phèn nhiễm mặn này.
Hiện nay bà con nhà vườn huyện Cầu Kè đã mở rộng trồng dừa sáp lên đến hơn 7,000 cây, mỗi năm cung cấp gần trăm ngàn trái dừa sáp cho nhu cầu tiêu thụ làm quà và các nhà hàng. Con số này sẽ lớn hơn nữa khi ngày có nhiều bà con trồng dừa sáp.
Cây dừa thì nơi nào cũng có, nhưng chỉ có đất Cầu Kè mới sản sinh được trái dừa sáp mà thôi. Quả thật, đó là lộc trời ban và điều đáng mừng là nhờ nó, nhiều nông dân Khmer nghèo khó từ nay sẽ có cuộc sống no đủ hơn.
Theo CAO