Đua nhau học lái xe lấy bằng cấp tốc rồi… cấp tốc gây tai nạn?
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế những năm qua thì nhu cầu mua ô tô của người dân tăng lên một cách nhanh chóng. Do đó, các trung tâm dạy lái xe cũng mọc lên như nấm sau mưa.
Để cạnh tranh, nhiều trung tâm dạy lái xe đã tung ra nhiều chiêu quảng cáo như học cấp tốc, khuyến mãi “khủng”, tự chủ thời gian… để thu hút người học. Tuy nhiên, hệ lụy của nó đang rất đáng báo động!
Đảm bảo “đỗ” trong vòng 30 buổi?
Thực tế hiện nay, mạng internet là môi trường lý tưởng để các trung tâm dạy lái xe tung ra những chiêu quảng cáo thu hút người học. Chúng ta chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “học lái xe ô tô cấp tốc” là xuất hiện hàng loạt các quảng cáo đầy hấp dẫn. Trong vai một người có nhu cầu học ô tô cấp tốc, chúng tôi gọi vào số điện thoại được ghi trên một trang web quảng cáo có tên hoclaixegiare.com (Trung tâm đào tạo lái xe quận 6, TP.HCM) để xin tư vấn. Nhân viên này quảng cáo rằng, nếu sử dụng chương trình học lái xe ô tô cấp tốc thì chỉ trong vòng 30 buổi học (tức khoảng 1 tháng) là hoàn toàn có thể vượt qua bất kỳ đợt sát hạch lái xe chuyên nghiệp nào.
Không chỉ giới thiệu về những tác dụng của việc học lái xe cấp tốc, nhân viên này còn cho biết, xu hướng học lái xe cấp tốc đang trở thành một trào lưu. Thay vì phải theo đuổi những chương trình học lái xe từ 3 tháng tới 6 tháng, người ta chỉ cần bỏ ra khoảng một tháng học tập trung là có thể đảm bảo được yêu cầu. Khi chúng tôi hỏi giá của gói học cấp tốc này, nhân viên tư vấn cho biết: Trọn gói là 6,3 triệu đồng.
Vụ tai nạn do người tập lái gây ra thời gian qua (ảnh minh họa).
Hôm sau, chúng tôi điện lại để hỏi quy trình cụ thể cho khóa học cấp tốc, nhân viên này cho biết: “Tuy là gói cấp tốc nhưng anh vẫn phải tuân thủ đầy đủ 3 tháng học lý thuyết và thực hành theo quy định của Nhà nước. Giá trọn gói là 6,6 triệu đồng/khóa và chúng tôi đảm bảo không có chi phí gì phát sinh thêm. Anh thi trượt, chi phí thi lại sẽ do trung tâm hỗ trợ toàn bộ và anh không phải mất phí thêm nữa”. Nói xong, nhân viên cho biết, sẽ để nhân viên khác điện lại tư vấn kỹ hơn.
Một lúc sau, nhân viên của trung tâm điện lại cho chúng tôi để tư vấn kỹ hơn. Lấy cớ là mình sắp phải đi công tác và chỉ có thời gian khoảng 1 tháng để học lái xe nên tôi thoái thác. Như không để “mất con mồi”, cô nhân viên này cho biết: “Tuy là quy định học 3 tháng nhưng bên em có thể đẩy nhanh tốc độ học của anh lên còn 1 tháng. Tuy nhiên, theo quy định, anh phải học hết 3 tháng mới được đi thi bằng lái xe. Do đó, nếu anh chỉ còn một tháng thì cứ đến học tập trung. Đến lịch thi sát hạch, anh quay trở lại thi lấy bằng. Đó là biện pháp tiện cả đôi đường. Mỗi người được thi hai lần, hoàn toàn miễn phí. Em đảm bảo không ai phải thi lại quá hai lần cả”. Tôi hỏi giá, cô nhân viên này cho biết, ngoài phí trọn gói thì tôi phải mất thêm gần 600.000 đồng thi sát hạch và sẽ nộp trực tiếp cho đơn vị tổ chức thi. Như vậy, tổng mức phí lên tới hơn 7 triệu đồng/khóa chứ không giống những gì nhân viên đầu tiên tư vấn cho chúng tôi.
Trở thành “hung thần” đường phố
Video đang HOT
Tiếp tục tìm hiểu thêm về giá dịch vụ học ô tô cấp tốc, chúng tôi ghé qua một trang web có tên daotaolaixepro.com (Trung tâm đào tạo lái xe, học lái xe ô tô số 3, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để tìm hiểu. Ngay lập tức một nhân viên hỗ trợ online xuất hiện ngay ở mục chat, hỏi chúng tôi có cần tư vấn gì không? Sau khi tôi nói có nhu cầu muốn học lái ô tô cấp tốc trong vòng 30 buổi học, nhân viên này cho biết: “Cái này phụ thuộc vào hai yếu tố là người học và giáo viên. Đối với học lái xe thì không có giới hạn để gọi là lái giỏi. Vấn đề là mình học sao có thể thi được và khi tham gia giao thông xử lý được những tình huống cơ bản thôi. Đi thực tế ngoài đường mới đúc kết được những kinh nghiệm lái xe.
Do đó, anh bận thì có thể chủ động sắp xếp lịch học vào cuối tuần hoặc những thời gian rảnh. Bên em đào tạo từ 8h đến 21h tất cả các ngày trong tuần mà không thu thêm phí. Anh muốn học tập trung trong một tháng cũng được nhưng học xong, anh phải đợi lịch để thi sát hạch. Thậm chí, anh bận đi công tác hoặc có việc đột xuất giữa chừng, bên em sẽ bảo lưu kết quả cho anh. Khi nào, anh có thể học lại được thì chỉ cần hoàn thành nốt những phần chưa hoàn thành mà thôi”.
Rõ ràng, với quy trình đào tạo lái xe cấp tốc như thế này thì dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi ngờ về chất lượng của những tài xế sau khi được cấp bằng. Bởi lẽ, với quy trình học cốt để vượt qua kỳ thi sát hạch trong một thời gian ngắn như vậy (thậm chí có thể học đứt quãng, học dồn dập…) thì không ai dám chắc, những tài xế này sẽ có thể làm chủ hoàn toàn tay lái khi gặp những tình huống thực tế. Bằng chứng là thời gian gần đây, một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người tập lái xe gây ra.
Cụ thể, tháng 5/2013 tại sân tập lái ô tô trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm một người chết, một người bị thương. Hay như vụ tai nạn do chiếc ô tô tập lái mang BKS 37H – 4329 gây ra ngày 2/5/2014 cũng vậy. Khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Thái Học (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) chiếc xe này bất ngờ lao vào xe máy đi cùng chiều làm cho người điều khiển Xe máy ngã lăn xuống đường. Mới nhất là vụ tai nạn kinh hoàng ngày 20/10 khiến 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương tại thị trấn Ea Đ’răng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Được biết, tài xế gây ra vụ tai nạn này chỉ mới nhận giấy phép lái xe được hai ngày và trong lúc bối rối đã nhấn ga đâm vào đám đông bên đường.
Những nỗi lo xuất phát từ việc “ăn xổi”
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết: “Khi một vụ tai nạn xảy ra, chúng ta cần xét tới cả ba yếu tố là con người, phương tiện và hạ tầng giao thông. Một thực tế là hiện nay có nhiều trung tâm vì chạy theo lợi nhuận mà mở nhiều chương trình đào tạo lái xe cấp tốc. Nhiều người muốn nhanh có bằng nên tham gia khá đông. Tuy nhiên cái gì cũng phải có quá trình, học lái xe không chỉ học kỹ thuật mà còn học cách ứng phó tình huống nữa. Nếu người học học quá nhanh thì kinh nghiệm chưa có nhiều, khả năng xử lý tình huống chắc chắn sẽ kém hơn với người được đào tạo bài bản”.
Theo Đời sống Pháp luật
Nữ tài xế đâm 10 người thương vong ở Đăk Lăk có nguy cơ đối mặt với tội danh nào?
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'Leo (Đăk Lăk) cướp đi sinh mạng của 2 người dân vô tội và 8 người khác bị thương khiến dư luận bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi, người điều khiển xe ô tô gây tai nạn sẽ bị xử lý thế nào? Liên quan đến câu hỏi này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội).
Như đã thông tin, khoảng 16h20 ngày 20.10, tại tổ dân phố 6, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'Leo đã xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, xe ô tô BKS 47A 090.20 do Lưu Thị Thanh Tuyền (SN 1988, trú tại TDP 7, thị trấn Ea Drăng) điều khiển, chạy từ QL14 vào chợ huyện thì bất ngờ đâm vào lề đường rồi lao sang trái đường, đâm vào các hàng trái cây rồi đâm tiếp 4 xe máy. T ai nạn đã làm 2 người tử vong (trong đó có một cháu bé mới hơn 3 tháng tuổi) và 8 người khác bị thương . Trong 4 người bị thương rất nặng có một người bị chấn thương sọ não, tình trạng rất nguy kịch vẫn đang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk theo dõi sát sao.
Hiện trường vụ tai nạn.
Ông Nguyễn Xuân Hương - Phó ban An toàn giao thông huyện Ea H'Leo cho biết: Theo người dân, trước khi xảy ra tai nạn, Tuyền và 3 người bạn nữa nhậu tại một quán cách địa điểm tai nạn chừng hơn 1km suốt nhiều giờ. Sau khi gây tai nạn, toàn bộ số người trên chiếc xe này bỏ trốn khỏi hiện trường.
Vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 2 người dân vô tội và nhiều người khác bị thương khiến dư luận bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi, người điều khiển xe ô tô gây tai nạn sẽ bị xử lý thế nào? Liên quan đến câu hỏi này, phóng viên Dân Việt đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội).
Luật sư có thể cho biết, trước hậu quả nghiêm trọng của vụ tai nạn, tài xế điều khiển xe ô tô BKS 47A 090.20 gây tai nạn có nguy cơ sẽ đối mặt với hình phạt nào?
- Với các tình tiết của vụ việc mà các phương tiện truyền thông đã đưa tin còn chưa rõ ràng, chưa thể xác định trách nhiệm hình sự đối với tài xế điều khiển xe ô tô gây tai nạn. Trường hợp hậu quả của vụ tai nạn xảy ra do tài xế có những vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ trong khi lái xe thì người này có thể sẽ bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự. Theo đó, khung hình phạt thấp nhất đối với người phạm tội là bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Với hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn, làm chết 2 người và bị thương nhiều người, được xác định là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tài xế lái xe gây ra vụ tai nạn trên có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nặng nhất của tội này quy định tại khoản 3 là hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Theo luật sư, trong trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô BKS 47A 090.20 được xác định là có sử dụng rượu, bia trong lúc điều khiển xe ô tô gây tai nạn thì sẽ bị xử lý thế nào?
- Trong trường hợp tài xế điều khiển xe ô tô BKS 47A 090.20 được xác định là có sử dụng rượu, bia trong lúc điều khiển xe ô tô gây tai nạn sẽ là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Như ở trên tôi đã phân tích, hành động bỏ trốn khỏi hiện trường của tài xế cũng là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm c khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Các tình tiết này sẽ làm tăng thêm trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, theo đó, việc người phạm tội có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao quy định tại điều luật là điều không tránh khỏi.
Luật sư có thể cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển ô tô và xe máy có được phép sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông? Cụ thể quy định xử phạt với hành vi vi phạm này như thế nào?
- Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, "điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở" là một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 8 Điều 8.
Nghị định 171/2013/CP của Chính phủ đã quy định cụ thể những hình thức xử phạt với hành vi này như sau:
Đối với ô tô:
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa tới mức vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7, Điểm a Khoản 8 Điều 5 của nghị định nói trên, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm này dẫn tới việc gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ.
Đối với xe mô tô:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc phạt tiền người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Theo Dân Việt
Trưởng phòng y tế huyện bị chém trọng thương Chiều 20/10, Công an huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) cho biết đang điều tra, truy tìm hung thủ chém bà Dương Thị Duyên (47 tuổi, Trưởng phòng Y tế huyện Ea H'leo) trọng thương. ảnh minh họa Vào tối 19/10, bà Duyên đang ngồi chơi trước cửa nhà riêng (ở tổ 2, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo), đột nhiên có một...