Đua nhau “đổ tiền” cúng sao giải hạn đầu năm
Hiện nay phong tục cúng sao giải hạn đầu năm (thường diễn ra vào thời điểm trước và sau Rằm tháng Giêng) đang có nhiều biến tướng.
Đặc biệt là hiện tượng nhiều người chi cả trăm triệu đồng để làm lễ cúng sao giải hạn, thậm chí còn dùng tiền để “độc chiếm giờ vàng, địa điểm vàng” tại nhiều ngôi chùa, ngôi đền nhằm phục vụ cho nhu cầu cúng sao giải hạn của bản thân, để “tham nhũng tâm linh” với mong muốn vơ vét phúc lộc về mình. Trước hiện tượng này, nhiều chuyên gia nghiên cứu về văn hoá cho rằng, đây là một biểu hiện của sự suy đồi trong nhận thức đời sống tâm linh, nó phản chiếu đời sống thế tục đang khủng hoảng niềm tin, lòng tham đang hoành hành.
Cảnh người dân chen lấn ghi tên để cúng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh.
Lố bịch với quan niệm lễ càng to, phúc càng lớn
Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm Âm lịch, nhất là tuần lễ thứ hai trong tháng Giêng mà cao điểm là ngày Rằm, nhiều người thường có lệ đi chùa dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Người xưa cho rằng: Mỗi người vào mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh. Tất cả có 9 ngôi sao – cửu diệu (có sao tốt sao xấu), cứ sau 9 năm lại luân phiên trở lại ứng với một cá nhân. Chín ngôi sao (cửu diệu) là Nhật diệu (Thái dương), Nguyệt diệu (Thái âm), Kim diệu (Thái bạch), Mộc diệu (Mộc đức), Thủy diệu (Thủy diệu), Hỏa diệu (Vân hớn), Thổ diệu (Thổ tú), Kế đô và La hầu.
Tôn giáo cũng cần chống tham nhũng Theo PGS.TS Lê Quý Đức, đời sống tôn giáo cũng nên tham gia vào công cuộc chống tham nhũng. Bởi nếu như có tiền là cầu, là cúng, thì những kẻ tham nhũng năm sau còn nảy sinh tâm lý tham nhũng nhiều hơn. Đời sống thế tục phải chống tham nhũng, đời sống tâm linh cần chỉ ra cho họ hiểu nếu làm như vậy bản thân họ cũng là người tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng.
Theo quan niệm, mỗi năm, một người chịu ảnh hưởng “chiếu mạng” của một vì sao, nếu là sao tốt thì hanh thông, phúc lộc và nếu sao xấu thì bị tai họa, hạn ách. Vì thế, những ai niên vận gặp sao xấu chiếu mạng thì phải cúng sao, cầu xin những vị thần cai quản các sao như “đức” Thái dương tinh quân, La hầu tinh quân chiếu cố, phù hộ.
Theo tục lệ trong dân gian, lễ cúng dâng sao giải hạn được làm vào đầu năm, rằm tháng Giêng hoặc hàng tháng tại chùa, hay hàng tháng tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng. Nhiều nhà văn hoá cho rằng, tục cúng sao thể nguyện ước vọng cầu được phúc lộc tốt lành và bài trừ cái xấu thể hiện mong ước hạnh phúc.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây việc cúng sao giải hạn đầu năm đã vượt ra xa ngoài ý nghĩa vốn có của nó mà ngày càng có những biểu hiện phản văn hoá, như hiện tượng thương mại hoá, bệnh thích phô trương, cuồng tín, thậm chí bộc lộ bản chất tham lam ích kỷ và trở thành vấn nạn đầu năm.
Video đang HOT
Trong những ngày đầu xuân năm mới, PV đã có chuyến “thị sát” tại nhiều ngôi chùa ở Hà Nội và được tận mắt chứng kiến cảnh nhiều người dân xô đẩy, chen lấn để đăng ký được giải hạn. Tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) – một ngôi chùa lớn, một nơi nhiều người dân Hà Nội tìm đến để làm lễ cúng sao giải hạn. Ngay từ sảnh chùa, một tấm bảng tính sao hạn nam nữ hàng năm được treo ở một vị trí khá thuận lợi. Một đám đông người dân đang chen chúc, xô đẩy, bàn tán xôn xao làm náo động cả một góc sân.
Chị Nguyễn Thuý Anh, ở Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội sau khi xem xong khuôn mặt trở nên thất thần khi biết năm nay chồng chị bị sao Thái Bạch chiếu, trong khi đó, bản thân chị lại là sao Kế Đô chiếu. Mà theo quan niệm đó là hai sao xấu, người bạn đi cùng khuyên chị nên vào đăng ký cúng sao giải hạn chứ đừng chủ quan. Nghe bạn, chị Anh ngay lập tức vào ghi tên, đăng ký tham gia lễ cúng sao giải hạn vào ngày 15 tháng Giêng mà ngôi chùa này tổ chức. Chỉ đứng 30 phút quan sát, chúng tôi ước tính có đến hàng trăm người vào đây đăng ký cúng sao giải hạn. Đa số trong đó là người trẻ thậm chí có nhiều bạn đang là sinh viên. Hiện tượng trên lặp lại ở nhiều ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội, như chùa Hà, chùa Láng, chùa Trấn Quốc… Theo tìm hiểu, phí để tiến hành làm lễ cúng sao giải hạn dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/người.
Nhiều người khi chúng tôi được hỏi đều cho rằng, đây là mức giá hợp lý, bởi trên thực tế có nhiều người còn đầu tư cả trăm triệu đồng để làm một cái lễ cúng sao giải hạn. Ông Trần Bá Vân ở Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, số tiền 200.000 đồng là phổ thông, bởi ông từng nghe có vị quan chức bỏ tiền thuê hẳn một nhà sư về nhà cúng sao, giải hạn cho cả nhà. Có đại gia thì “bao” hẳn cả ngôi chùa vào “giờ vàng” đêm 14 sáng 15 tháng Giêng để đưa cả gia đình, vợ con, bạn bè đến dâng sao giải hạn. Chi phí cho lễ dâng sao, giải hạn này lên đến vài trăm triệu đồng. Họ có tiền, họ dám chi. Bởi không ít người có quan niệm rằng lễ càng to, lộc càng nhiều.
Trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề cúng sao giải hạn nó thuộc văn hoá tâm linh, mà là văn hoá tâm linh thì nó phụ thuộc về tính truyền thống. Trên thế giới, người ta vẫn nói đến sao chiếu mệnh. Khoa học chưa chứng minh được thực hư. Bản thân hiện tượng có nhiều biến tướng trong việc cúng sao giải hạn đầu năm của người Việt như hiện nay nó có cốt rễ rất sâu trong đời sống xã hội. Việc nhiều người đổ xô đi cúng sao giải hạn, bỏ cả chục triệu thậm chí cả trăm triệu đồng vào việc này xuất phát từ việc một số lớn bộ phận người dân đang thiếu niềm tin, thiếu bản lĩnh làm chủ số phận của mình.
Đặc biệt, niềm tin thế tục hiện nay bị suy yếu nên người ta càng tin vào niềm tin siêu nhiên. Họ hy vọng “đổ tiền” của vào để có thể làm thay đổi số phận của mình. Thậm chí, vì sợ rằng bị trừng trị, bị trừng phạt vì có những người thực sự đã làm điều ác, làm những điều gian dối, cho nên “đổ tiền”, làm hình nhân thế mạng để cúng sao, mong thần thánh bênh vực chiếu cố để trốn tội.
Phải bài trừ tận gốc tham nhũng trong đời sống tâm linh
Liên quan đến việc nhiều đại gia, quan chức “đổ tiền” ra để làm lễ cúng sao, giải hạn mong vơ vét tài lộc về nhà mình. Nhiều chuyên gia văn hoá khẳng định, đây là hiện tượng có thật trong đời sống tâm linh và họ cho rằng, đó là hiện tượng tham nhũng tâm linh một lăng kính phản ánh hiện tượng tham nhũng trong thế tục đang là vấn đề nhức nhối của đất nước.
Theo sư trụ trì một chùa nổi tiếng ngôi ở Hà Tây (cũ) xin giấu tên cho biết, trong đời sống tâm linh hiện nay có hiện tượng nhiều cơ sở tôn giáo lợi dụng sự cuồng tín của những người giàu có giành “thời điểm vàng”, “địa điểm vàng” để tổ chức cho những người giàu làm lễ. Hiện tượng này xuất phát từ việc, những người giàu có và những người có quyền lực đang muốn giành giật phước lộc của những địa chỉ tâm linh về cho bản thân mình. Họ tham vọng, độc chiếm sự ủng hộ, sự bảo vệ, sự thiêng liêng của các vị thánh thần dành riêng cho mình. Vì họ quan niệm, muốn nhiều lộc phải cúng vào đền đài, chùa chiền nhiều tiền. Hành động cúng tiến tiền, vật phẩm của những người này không xuất phát từ lương tâm trong sạch, trong sáng, tôn vinh tôn tạo cho chùa, đền cho đẹp đẽ sáng sủa mà thực tế xuất phát từ lòng tham. Họ nghĩ cứ đóng nhiều tiền thì thần thánh cho nhiều lộc hơn. Và không ít ngôi chùa, nhà sư hiện nay hoạt động tâm linh theo kiểu “tiền tươi thóc thật”.
PGS. TS Lê Quý Đức cho rằng, đó là hiện tượng tham nhũng tâm linh và hiện tượng này đang bào mòn đạo đức lối sống của không ít quan chức Việt hiện nay. Đây là một hiện tượng xấu, cái đáng lên án nhất cội nguồn của nó. Vì họ tham nhũng, họ sợ tội lỗi, nên họ cúng lễ lớn vào chùa, đền để thần thánh che chở cho họ. Vì tham nhũng nên có tiền nhiều để làm điều đó. Vậy chính đời sống tâm linh gắn liền với đời sống thế tục.
Phía nhà chùa, đền, lại có hiện tượng thương mại hoá trong nghi lễ tôn giáo. Những người đi theo chùa, theo Phật ít người giữ được tâm hồn trong sáng. Mà, hiện nay nhiều người cố gắng kiếm nhiều tiền đem về làm chùa của mình, dòng họ mình, thậm chí cá nhân mình tiêu. Những người đó chẳng qua là những kẻ chia sẻ đồng tiền tham nhũng, lợi dụng thần thánh, Phật, chia lại tiền tham nhũng của những kẻ tham nhũng. Rõ ràng, một ông sư, pháp sư đi làm lễ cho một ông tham nhũng lớn thì phải biếu cho ông sư nhiều tiền hơn. Như vậy ông nhận được lộc hơn, nếu như vậy bản thân những người làm công tác tâm linh cũng vướng vào tội lỗi.
Theo ĐSPL
Dâng sao giải hạn: Nhiều tiền có giải được hạn?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ cho rằng, Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn, chỉ có luật nhân quả.
Dâng sao giải hạn là lễ cầu an
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, lễ dâng sao giải hạn không bắt nguồn từ đạo Phật. Đây là tục lệ trong dân gian, do ảnh hưởng từ "Tam giáo đồng nguyên" gồm Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.
Theo quan niệm, có 9 ngôi sao chiếu bản mệnh con người, cụ thể, có 5 vì sao xấu gồm sao La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán. Các sao tốt như Thuỷ Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức.
Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người, tùy theo tuổi sẽ có sao chiếu tương ứng tốt hay xấu. Nếu bị sao xấu chiếu mệnh xấu phải cúng sao giải hạn, nếu sao tốt sẽ cầu cho an bình.
Theo hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, quan niệm này đã ảnh hưởng đến người dân Việt Nam và trở thành nhu cầu tâm linh. Do vậy, dịp rằm tháng Giêng, mọi người thường đến chùa làm lễ giải hạn.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì Chùa Quán Sứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nếu không gặp sao xấu, nhưng người dân vẫn quan niệm "lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng" cho nên thường đến chùa làm lễ cầu an, mong gia đình yên lanh, làm ăn phát đạt.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN cũng cho rằng, đạo Phật có quan niệm về luật nhân - quả. Theo lời Phật dạy, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa, tất cả do luật nhân quả - "gieo nhân nào thì gặp quả đó".
Có thể tự cúng giải hạn tại nhà
Hiện nay, mỗi dịp đầu năm, người dân lại kéo đến các chùa chiền, phủ... cúng sao giải hạn. Tại Hà Nội, có những ngôi chùa đông người đến người dân đứng tràn ra ngoài đường làm lễ. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và... giá cả khác nhau. Có nơi vài trăm nghìn đồng/gia đình, có nơi tiền triệu. Thậm chí báo chí những ngày qua đưa tin, có gia đình mời "thầy ngoại" về nhà làm lễ, chi phí hàng tỷ đồng.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, dịp đầu năm, chùa Quán Sứ thường tổ chức Lễ cầu bình an tại chùa. Chi phí cho tất cả các thành viên trong một gia đình (không kể ít nhiều) khoảng "vài ba trăm nghìn".
Tuy nhiên, hòa thượng cho rằng, quan niệm càng chi nhiều tiền càng giải được nhiều hạn là sai lầm.
Hòa thượng nói: "Nếu quan niệm vậy, người giàu sống lâu, có nhiều sức khỏe, còn người nghèo thì ngược lại à?. Nhiều hay ít đều như nhau, một triệu cũng như một trăm. Quan trọng ở cái tâm của con người và luật nhân quả".
Tham khảo bảng tính sao hạn năm Giáp Ngọ
Cụ thể, Hòa thượng lý giải, nếu làm nhiều việc tốt sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Làm lễ giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng cho biết, người dân có thể làm lễ tại nhà, hoặc đến chùa. Nếu làm tại nhà, chỉ cần chuẩn bị lễ đơn giản gồm hương, hoa quả và 9 ngọn nến.
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Cúng sao giải hạn: Sao phải tự lừa mình? Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cúng giải hạn đầu năm chỉ là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên. Phật không dạy dâng sao giải hạn Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn....