Dưa món trong ngày Tết ở miền Trung
Dưa món được làm từ củ cải, cà rốt, dưa leo, đu đủ, củ kiệu… có vị chua mằn mặn lại giòn.
Trong ngày Tết, người miền Bắc ăn bánh chưng với dưa hành, người miền Nam có món bánh tét với tôm khô củ kiệu, thì với người miền Trung dưa món không thể thiếu khi ăn kèm cùng bánh tét. Dưa món được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu…. được ngâm chua mặn, khi ăn lại hơi giòn giòn. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được hủ dưa món đầy sắc và vị thì tốn không ít thời gian và sự tỉ mỉ.
Dưa món ăn kèm với bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Ảnh:C.K.
Đầu tiên là củ kiệu, mua về cắt bỏ lá và rễ, sau đó ngâm cùng với củ cải trong nước tro hòa tan để bớt đi mùi hăng. Sau một ngày, vớt củ kiệu ra để ráo, tiếp tục ngâm trong nước pha phèn chua để trắng và giòn.
Củ cải vớt ra, gọt vỏ thái sợi hoặc thái lát. Các loại củ khác như cà rốt, su su được gọt vỏ, thái sợi hoặc tỉa thành hình cánh hoa, ngôi sao. Dưa leo được thái lát hoặc sợi, đu đủ gọt bỏ vỏ, thái thành từng sợi hoặc tỉa cánh hoa…. Sau khi đã chuẩn bị xong thì đem phơi nắng cho đến khi vừa héo là được.
Củ kiệu được ngâm qua tro cho bớt mùi hăng, lột vỏ và rửa sạch. Ảnh: Khánh Hòa.
Video đang HOT
Phơi các loại củ đơn giản là thế nhưng đòi hỏi bạn phải biết canh lượng nắng. Nếu phơi chưa đủ nắng, các loại củ này sẽ dễ bị nhũn, không giòn và nhanh hư. Nhưng nếu phơi quá héo, khi ăn sẽ dai, không ngon miệng. Trong thời tiết nắng to, chỉ cần phơi một nắng là được.
Ngoài phần nguyên liệu, nước mắm để làm dưa món cũng rất quan trọng, gồm có nước mắm, đường cát và nước lạnh. Nước mắm phải chọn loại nước mắm ngon, trong và không bị lắng cặn. Các nguyên liệu được hòa tan theo tỷ lệ một bát nước mắm, một bát đường, nửa chén nước lạnh cho lên bếp và nấu sôi. Trong quá trình nấu nhớ khuấy thật đều để các nguyên liệu hòa tan vào nhau, sau đó tắt bếp và để nguội.
Các công đoạn của quá trình làm dưa món. Ảnh: C.K.
Rửa sạch lọ thủy tinh và lau khô, xếp các nguyên liệu vào trong lọ, nếu muốn ăn cay thì cho thêm vài quả ớt phơi khô vào. Sau đó đổ nước mắm đã để nguội và ngập mặt dưa rồi đậy nắp lại. Trong quá trình ngâm, bạn nhớ để ý khi nào nước mắm trong lọ bị rút xuống, vì thấm vào trong các loại củ thì nhớ đổ thêm nước mắm đã nấu vào. Dưa món để trong khoảng 3 ngày là có thể dùng được.
Trong những ngày Tết, trong bàn ăn gia đình, đĩa dưa món không thể thiếu khi ăn kèm bánh tét. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, một hương vị rất riêng của ngày Tết.
Khánh Hòa
Theo VNE
Quà Tết miền Trung giữa Sài Gòn
Từ bánh chưng, bánh tét cho đến bánh thuẫn hay củ kiệu, dưa món... tất cả món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung đều được bán ở Sài Gòn.
Đặt bánh chưng, bánh tét Tết ở Sài Gòn
Người miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm đến giáp Tết lại tìm đến chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) để mua sắm các món đồ cần thiết cho gia đình. Giống như khu chợ ông Tạ nổi tiếng bán hàng miền Bắc, chợ Bà Hoa có bán đầy đủ tất cả các mặt hàng đặc trưng của người Trung. Đến đây vào những ngày này, bạn sẽ có cảm giác thân quen như đang đi một ngôi chợ quê nào đó. Tất cả hàng cho ngày tết từ bánh chưng, bánh tét cho đến củ kiệu, dưa món... tưởng như chỉ có ở chợ quê đều bán đầy đủ trong ngôi chợ này.
Bánh chưng, bánh tét được bán nhiều ở chợ Bà Hoa trong những ngày này. Mổi đòn bánh tét như trong hình có giá 50.000 đồng. Riêng bánh chưng thì có giá 60.000 đồng cho loại bánh 1 kg. Ảnh:Khánh Hòa.
Trong những ngày tháng Chạp, mặt hàng được nhiều người quan tâm nhất là bánh chưng, bánh tét. Đây là hai loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung để cúng ông bà. Nắm bắt được nhu cầu đó, các hàng quán ở trong ngôi chợ này bắt đầu nhận đặt bánh chưng, bánh tét ngay từ những ngày đầu tháng chạp. Bạn có thể dễ dàng đặt mua bánh nấu chín sẵn hoặc bánh đang còn sống để về nhà tự nấu.
Có bánh chưng, bánh tét thì không thể thiếu củ kiệu, dưa món. Củ kiệu tươi được chất thành từng đống to trong chợ, chỉ việc mua về, lột vỏ, phơi nắng cho héo trước khi ngâm chua. Với những người không có thời gian, đã có củ kiệu phơi sẵn hay những hũ củ kiệu thành phẩm rất đẹp mắt và ngon miệng, hợp khẩu vị.
Các nguyên liệu để làm dưa món đều được bán sẵn ở đây như: cà rốt, củ cải, dưa leo, củ kiệu, đu đủ, ớt khô... Ảnh: Khánh Hòa.
Ngoài củ kiệu, dưa món cũng được bán rất nhiều. Món ăn là sự pha trộn các nguyên liệu như đu đủ, cà rốt, củ kiệu, dưa leo, củ cải.... ăn hơi giòn và có vị chua ngọt rất ngon miệng. Từng loại nguyên liệu được chế biến sẵn, bà nội trợ chỉ cần mua về, pha trộn thêm với các gia vị khác là đã có dưa món ngon để dùng cho gia đình trong dịp Tết.
Bánh thuẫn đặc trưng của người miền Trung cũng được bán rất nhiều ở chợ. Từng chiếc bánh còn nóng hổi trên khuôn rất đẹp mắt và hấp dẫn. Ảnh: Khánh Hòa.
Bánh thuẫn cũng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Những chiếc bánh to bằng nắm tay, mặt bánh nở bung ra như cánh hoa với màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh thuẫn là món ăn để người miền Trung dùng đãi khách cùng với các loại bánh mứt khác trong ngày Tết. Vào những ngày này, các hàng bánh thuẫn có rất nhiều trong chợ. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cả quá trình đổ bánh thuẫn, từ khâu đánh bột, đổ vào khuôn cho đến khi bánh chín vàng tỏa mùi thơm nức.
Ngoài các mặt hàng đặc trưng kể trên, ở đây còn có bánh in, bánh tổ, măng khô, chả giò, bánh rò, bánh ít lá gai... đều là những món ăn phổ biến trong dịp Tết của người miền Trung.
Khánh Hòa
Theo VNE
[Chế biến]-Củ cải muối cho ngày Tết Nếu ngày Tết người miền Nam có dưa món để ăn kèm với bánh tét thì người miền Bắc lại có món hành muối và củ cải dầm để ăn với bánh chưng. Nguyên liệu - 800g củ cải tươi, 200g cà rốt - 250ml nước mắm ngon, 200g đường, 250ml nước - Lọ thủy tinh sạch. Cách làm Bước 1 Củ cải,...