Dưa món của người Tây Nguyên
Thành phần của dưa món là đu đủ, cà rốt, củ cải… ăn giòn giòn dai dai, có mùi thơm củ cải, vị cay ớt, mằn mặn nước mắm đường.
Cứ mỗi khi Tết về là người dân Nam Ban (Lâm Đồng) lại chuẩn bị làm dưa món. Dưa món được ăn kèm với bánh chưng, giò lụa. Nguyên liệu làm dưa món rất đơn giản như đu đủ, củ cải, cà rốt, thêm vài quả ớt chín, nước mắm ngon và đường.
Không nhiều thành phần như dưa món của người miền Trung, dưa món của đồng bào Tây Nguyên đơn giản với đu đủ, củ cải và cà rốt.
Video đang HOT
Để muối dưa món, cần 2-3 ngày để sơ chế nguyên liệu. Chọn những quả đu đủ còn tươi xanh gọt sạch vỏ, thái miếng nhỏ bằng dao tỉa hoa để miếng dưa trông hấp dẫn hơn. Cà rốt và củ cải cũng có cách làm tương tự. Sau khi chuẩn bị xong tất cả các nguyên liệu thì đem phơi nắng trong khoảng hai ngày. Phơi nắng già sẽ giúp dưa có màu trắng nõn, dai, không bị mốc hay ủng khi muối. Nếu nắng yếu hay gặp trời mưa dưa món sẽ bị hỏng.
Trước khi muối dưa, bạn phải chuẩn bị nước mắm đã nấu để ngâm dưa. Cho nước mắm loại ngon hòa tan với đường theo tỷ lệ nhất định rồi đun sôi để nguội. Lượng nước mắm và đường phù hợp với khối lượng dưa, sao cho khi muối dưa vừa ngập mặt là được. Bên cạnh đó, tùy theo khẩu vị của mỗi người mà cân đối lượng đường và nước mắm cho phù hợp, để dưa không quá mặn hay không quá ngọt.
Lưu ý, không nên cho thêm nước lạnh vào hỗn hợp nước mắm đường để tránh dưa món nhanh chua và ủng, ăn không ngon và không để được lâu. Đun nước muối xong thì để nguội hẳn. Dưa món sau khi phơi nắng được rửa qua nước ấm 3-4 lần, sau đó vắt khô nước, để ráo.
Cho dưa vào lọ thủy tinh, đổ nước mắm đã nấu vào sao cho ngập hết dưa, thái vài trái ớt chín cho vào. Đậy kín nắp lại, để từ 3 đến 5 ngày là có thể ăn được. Dưa món khi ăn sẽ giòn giòn, dai dai, có mùi thơm của củ cải, vị cay cay của ớt, vị mằn mặn của nước mắm và vị ngọt của đường. Món dưa nhìn đơn giản, nhưng ai đã ăn một lần sẽ không thể nào quên hương vị độc đáo của nó. Trong những ngày Tết đến, dưa món được người dân ở đây dùng để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hoặc giò lụa đều rất ngon miệng và thú vị.
Phương Lam
Theo VNE
Xoài xanh để dành cho khô sặc
Món gỏi xoài xanh khô cá sặc chỉ có vừa ăn vừa gật gù xuýt xoa vì cay mới "đã".
Tháng giêng, xoài lúc lỉu trĩu cành. Những trái xoài xanh tròn căng, mới nhìn đã tứa nước miếng chân răng.
Ở phía sau nhà tôi, vườn rộng, nhiều loại cây đang kỳ ra hoa trái. Xoài cũng có vài cây, nhưng khách thăm vườn chú ý nhất là cây xoài quỳ. Cái chữ "quỳ" do ba tôi đặt cho cây, khi nó vẫn bình yên trải qua hai cơn bão lớn.
Cây xoài nghiêng ngả bật rễ hồi cơn bão đầu tiên, nhờ ba tôi khéo chằng chống, rễ cây lại bén sâu vào đất. Đến cơn bão thứ hai thì khéo mấy cũng thua trời. Kỳ lạ, thân cây đã nằm rạp gần sát đất rồi mà vẫn sống. Hai năm trôi qua, phải nói nó sống khỏe là đằng khác. Cành lá tươi tốt, trái thì chi chít đếm không hết. Trái xoài đến kỳ ăn được nặng phải cỡ nửa ký, nhìn là nghĩ ngay đến... chén nước mắm đường.
Gỏi xoài khô sặc, mỗi người chế biến một cách, nhưng tựu trung vẫn nằm trong một chữ ngon - Ảnh: Đăng Khôi
Tủ bếp trong nhà, may quá vẫn còn vài con khô sặc loại ngon là quà biếu của người thân hồi giáp tết. Vậy là đã đủ cho món gỏi "ăn hoài được hoài", giải tỏa cơn ngán thịt mỡ đầu năm.
Gỏi xoài khô sặc, mỗi người chế biến một cách, nhưng tựu trung vẫn nằm trong một chữ ngon. Mấy ông nhậu "lười biếng", hái xuống để nguyên vỏ, băm băm trái xoài vài nhát cho có lệ rồi gọt ra đĩa, chế ít nước mắm, thêm ít đường. Trong lúc đó thì cử một người ra nướng, xé cá sặc cho vào một đĩa riêng. Rồi hai đĩa để sóng đôi, cứ gắp một đũa xoài thì kèm theo một miếng cá, xuýt xoa đưa cay và tán dóc chuyện đời.
Các bà nội trợ khéo léo và kiên nhẫn hơn, do đó làm gỏi xoài khô sặc khá cầu kỳ. Đầu tiên dùng dao gọt sơ vỏ xanh bên ngoài, băm kỹ từng nhát trên trái xoài để khi cắt ra được sợi nhuyễn, đều đặn. Tiếp đến, cho một lượng đường cát vào cái thau nhỏ, chế nước mắm ngon vừa đủ liếp mặt đường. Băm nhuyễn một củ tỏi và hai trái ớt cho luôn vào thau, rồi trút xoài vào dùng tay trộn đều, để đó một lát cho thấm.
Khô cá sặc dùng trộn gỏi nên chiên thay vì đem nướng. Sau khi chiên chín, để nguội, xé cá thành từng miếng vừa ăn, chú ý loại bỏ xương cho kỹ lưỡng. Trút cá vào một cái tô, cho vào chung ít đường, tiêu, bột ngọt; trộn đều và để đó khoảng năm mười phút rồi đem chiên lại. Lần này là chiên khô trên lửa liu riu, chủ yếu để cá "quết" gia vị cho ngon miệng, vì vậy mới nói ban đầu nên chiên chín cá chứ không nướng, bởi nướng thì lần chiên khô này sẽ làm miếng cá càng khô quắt queo.
Cá xong, xoài cũng đủ thời gian thấm nước mắm đường, sợi xoài đã bớt chua. Gắp xoài ra đĩa, cho cá vào chung, thêm đậu phộng rang, rau răm hoặc húng lủi, vài lát ớt, trộn đều và ăn liền. Món gỏi này tả suông không ra được cảm giác ngon, chỉ có vừa ăn vừa gật gù xuýt xoa vì cay mới "đã". Phần nước mắm đường đã ướp xoài ban nãy, có thể cho ra chén làm nước chấm rau bánh tráng hoặc chan cơm nóng, vị ngọt chua thanh không chê vào đâu được.
Theo Đăng Khôi (ihay)
Cách chọn giò lụa ngon cho ngày Tết Giò có hương thơm thoang thoảng, khi cắt phải mịn, ướt và có rỗ xốp trên mặt... Dưới đây là một số cách đơn giản giúp bạn lựa chọn giò cho gia đình dùng trong những ngày đầu năm. - Thịt lợn được chọn để làm giò lụa phải là thịt nạc loại ngon, tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục...