Đưa loài cá đặc sản suýt tuyệt chủng lên Tây Nguyên nuôi lồng bè
Cá hô, loài cá được biết tới như đặc sản của xứ Nam Bộ sông nước đã cho thấy sự thích ứng với miền đất cao nguyên. Từ nuôi cá hô dưới ao đất, mới đây thử nghiệm nuôi cá hô trong lồng bè đã cho kết quả khả quan, mở ra cơ hội cho nông dân Lâm ồng một loại vật nuôi có giá trị.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thành, cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, người rất quan tâm tới con cá hô chia sẻ, cá hô là loại cá có thịt ngon, chắc, dinh dưỡng cao, rất được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá hô thương phẩm trong lồng bè” tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh – nơi có những lồng bè nuôi cá sẵn trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2. Hai nông hộ đã được lựa chọn thử nghiệm nuôi loại cá còn khá mới mẻ với người nuôi cá địa phương.
Vớt cá hô lên để kiểm tra sức khoẻ
Anh Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi cá có kinh nghiệm thuộc thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa đã tham gia dự án nuôi cá hô trong lồng bè. Vốn quen với những loại cá thương phẩm khác, anh Tiến khá bỡ ngỡ khi tiếp cận với cá hô, một loại cá vốn sống quen với vùng sông Tiền, sông Hậu.
Theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, anh xử lý nước đồng thời gia cố lại lồng bè thật kỹ. Sau vài tháng thả nuôi, anh chia sẻ giống cá hô này khá phàm ăn, sống khỏe, lớn nhanh. Như nhà anh thả trên 4 ngàn cá giống trên diện tích lồng rộng 150 m2, hiện nay mỗi con cũng đạt khoảng 150 gram và được đánh giá là lớn nhanh. Tỷ lệ hao hụt cho phép là 70% nhưng đến hiện nay, bè của anh cá chết rất ít.
Tuy nhiên, anh cũng bỡ ngỡ khi làm quen thêm nhiều kỹ thuật chăn nuôi mới như xử lý nước định kỳ bằng vôi, các loại thuốc trị bệnh cho cá nằm đúng trong danh mục cho phép…
Cũng tham gia mô hình “Nuôi cá hô thương phẩm trong lồng bè” như anh Nguyễn Văn Tiến, gia đình anh Nguyễn Văn Thủy, thôn Gia Bắc 2 cũng đánh giá cá hô là con cá phù hợp với điều kiện ở Gia Bắc và lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2. Anh nhận xét cá hô dễ nuôi, lớn nhanh, khâu chăm sóc cũng không khó khăn, bà con cũng dễ làm quen, khi thu hoạch cá có giá cả lại rất tốt, như thời giá hiện tại khoảng 100 ngàn đồng/kg và rất dễ bán do thị trường ưa chuộng. So với các vật nuôi khác như cá trắm, cá diêu hồng… thì nuôi cá hô cho thu nhập khả quan hơn.
Ông Nguyễn Công Phóng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa thông tin, hiện phong trào nuôi cá trong lồng bè trên khu vực lòng hồ Thủy điện ồng Nai 2 rất phát triển. Hàng chục hộ nuôi cá trên các lồng bè cho thu nhập ổn định, là hướng đi địa phương rất khuyến khích.
Ông cũng cho biết, nông dân nuôi cá nhận xét rất tốt về con cá hô, cho đây là một vật nuôi tiềm năng, hiệu quả với vùng Tân Nghĩa.
Video đang HOT
Ông Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) giới thiệu con cá hô nuôi thương phẩm thành công.
Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chia sẻ, đa dạng hóa vật nuôi là một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp. Đưa thêm nhiều vật nuôi hiệu quả để nông dân lựa chọn và bên cạnh đó, khi tham gia mô hình, bà con tiếp cận thêm nhiều kỹ thuật chăn nuôi mới, vừa hiệu quả vừa an toàn với môi trường. Như từ mô hình của hai hộ trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2, Trung tâm đã tổ chức hội thảo cho gần 30 hộ đã, đang và sắp sửa gắn bó với con cá. Bà con đã nắm được kiến thức chăm sóc cá hô đồng thời tận mắt chứng kiến quy trình chăm nuôi từ thực tế, rất dễ hiểu và dễ thực hiện.
Anh cũng cho hay, cá mới thả từ tháng 10/2018 nhưng cho tới nay, tỷ lệ sống, sức phát triển của cá hoàn toàn đạt yêu cầu đặt ra. Con cá hô sẽ sớm trở thành vật nuôi quen thuộc với những chủ lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2, mang lại thêm một lựa chọn cho người nông dân gắn bó với mặt nước hồ, xây dựng kinh tế từ những con cá chất lượng cao.
Cá hô là một loài cá nước ngọt, thuộc họ cá chép, tên khoa học là Catlocarpis Siamensis. Cá hô từng được gọi là vua của các loài cá nước ngọt, có con nặng tới 300 kg.
Trước đây cá hô xuất hiện khá nhiều trên dòng Cửu Long nhưng gần đây số lượng giảm nhiều do đánh bắt, dẫn tới nguy cơ tiệt chủng nên loài cá nầy có tên trong sách đỏ Việt Nam.
May thay, gần đây Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã cho cá hô sinh sản nhân tạo thành công và đã chuyển giao con giống cho nhiều hộ nuôi thử nghiệm đạt hiệu quả cao, điển hình như ở An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…
Một trong những người nuôi cá hô thưởng phẩm thành công đầu tiên ở Vĩnh Long – ông Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình cho biết, cá hô dễ nuôi, tăng trọng nhanh, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể.
Sau 18 tháng nuôi cá có trọng lượng từ 2 – 2, 5kg/con. Đặc biệt cá hô càng lớn giá trị kinh tế càng cao, vì thế nhiều người nuôi đến năm thứ 3 mới bắt đầu kéo bán (trọng lượng từ 5 – 10 kg/con).
Theo Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Dân ở đây ăn Tết to nhờ nuôi cá mú, cá vẩu, bán 300 ngàn/ký
Dịp Tết Nguyên đán, các loại cá, đặc biệt là các loại cá đặc sản thường được người dân ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân sinh sống quanh các đầm phá huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thả nuôi các loài cá đặc sản như cá mú, cá vẩu và xuất bán cá với giá 300.000 đồng/ký.
Năm 2018, thời tiết khá thuận cho các hộ nuôi cá trên các con sông, đầm phá. Đa số các hộ nuôi đều thu được lãi. Thời điểm cuối năm và dịp tết, bên cạnh nhu cầu về nông sản, các loại thủy sản nước ngọt, nước lợ là sự lựa chọn của nhiều gia đình.
Huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá lồng trên đầm phá lớn nhất tỉnh. Đây còn là "thủ phủ" của các loại cá đặc sản như cá mú, nâu, hồng, chim...
Chăm sóc cá lồng đặc sản ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đến Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) những ngày cuối năm Mậu Tuất, chứng kiến không khí nuôi trồng, thu hoạch các loại cá đặc sản khá nhộn nhịp. Đây là địa phương này là nơi sản xuất các loại cá đặc sản truyền thống.
Ông Trần Bé (xã Vinh Hiền) là người có kinh nghiệm nuôi cá đặc sản hơn 20 năm. Vụ tết này, gia đình ông thả nuôi 12 lồng cá có giá trị cao như, hồng, chẻm, vẩu...Theo ông Bé, vùng cửa biển Vinh Hiền có nhiều lợi thế để nuôi các loại thủy sản đặc sản nước ngọt, lợ. Đặc biệt, có nguồn giống tự nhiên chất lượng.
Cách nuôi cá của ông Bé theo kiểu gối đầu, 12 lồng thời điểm nào cũng có cá để xuất bán. Để nâng cao thu nhập, gia đình ông thường canh thời điểm thả nuôi sao cho lúc thu hoạch đúng ngay dịp tết.
"Nuôi cá đặc sản ngoài những kỹ thuật cơ bản cần phải nắm bắt được nhu cầu thị trường, liên kết với lái buôn hay những đơn vị thu mua để bao tiêu sản phẩm. Thời điểm tết cần mở rộng quy mô và dày công chăm sóc để có thu nhập cao hơn thông thường. Như mọi năm, tết năm nay, giá của các loại cá được nâng lên từ 2-3 giá. Với các loại cá "đặc sản" giá giao động từ 250-350 nghìn đồng/kg", ông Bé chia sẻ.
Thu hoạch cá "đặc sản" bán trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của người nuôi cá huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài Vinh Hiền, xã Lộc Bình cũng là địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng. Khi mới triển khai mô hình nuôi cá đặc sản, nhiều người dân lo ngại. Tuy nhiên, đến nay, mô hình này mang lại hiệu quả với hàng trăm lồng cá...
Vụ cá tết thường tiêu thụ mạnh, lại bán được giá nên nhiều hộ ở Lộc Bình đang nuôi từ 2-3 lồng. Tại địa phương này, bên cạnh mô hình nuôi cá vẩu phát triển từ lâu, các loại cá "đặc sản" khác như, cá dìa, hồng mỹ, đối mục, cá mú đang người dân chú trọng.
Nắm bắt nhu cầu, họ thường xuất bán đúng thời điểm dịp tết, thích ứng với xu thế và thị trường. Điều đó đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân mỗi dịp tết đến xuân về.
Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: "So với các loại cá thông thường, việc nuôi cá "đặc sản" không khó. Nhờ chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng, các loại cá này được thị trường tiêu thụ khá mạnh. Những ngày bình thường giá cá từ 150-200 nghìn đồng/kg. Dịp tết này, giá được nâng cao hơn như cá mú mỗi 350 nghìn đồng/kg, cá vẩu khoảng 300 nghìn/kg. Điều này giúp người nuôi thu lãi cao".
Bên cạnh vùng đầm phá, cửa biển, hiện nuôi cá lồng trên các con sông ở các địa phương huyện Quảng Điền, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang phát triển mạnh. Nếu như vào mùa lũ năm 2017, nhiều hộ dân bị thiệt hại lớn do thiên tai, ảnh hưởng đến cá vụ tết thì năm 2018 lại hoàn toàn trái ngược, lũ ít xuất hiện, môi trường nước ổn định khiến việc nuôi cá lồng ven sông khá thuận lợi.Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho rằng, so với mọi năm, vụ cá giáp tết cuối năm 2018 thuận lợi hơn bởi lũ ít xuất hiện, nguồn nước thả nuôi các loại cá đặc sản được ổn định hơn. Do đó, sản lượng tăng cao. Dịp tết thường cầu nhiều hơn cung nên người nuôi được hưởng lợi. Với mục tiêu cung cấp các loại đặc sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh, các hộ nuôi cũng chú trọng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vào quy trình nuôi.
Ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho rằng, không chỉ những ngày giáp tết này, sau tết những hộ nuôi cá cũng có cá để bán. Thông thường các loại cá ở địa phường thường nuôi khoảng 1,5 năm mới xuất bán.
"Mỗi hộ nuôi từ 2-3 lồng cá, nếu lồng này xuất bán thì có lồng khác gối đầu. Do vậy, người dân có thu nhập quanh năm. Mặc dù thời tiết thuận lợi, người nuôi cũng hưởng lợi từ vụ cá giáp tết nhưng theo tôi, người nuôi không được lơ là trong khâu chăm sóc trong những ngày tết bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến vụ cá xuất bán sau tết", ông Kìm nói.
Theo L.Thọ (Báo Thừa Thiên Huế)
Xuống hồ thủy điện "làm ruộng", thành triệu phú cá lồng Đó là anh Lềm Văn Sơn, dân tộc Thái, ở bản Bung (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), một chi hội trưởng nông dân năng động, nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Tích cực vận động hội viên tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế với mô hình nuôi cá lồng, giúp nhiều hội viên...