Đưa linh cữu Đại tướng về quê bằng chuyên cơ ATR 72
Sau Lễ truy điệu sáng 13/10 tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội), linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được đưa về qua nhà số 30 – Hoàng Diệu, sau đó ra sân bay Nội Bài, đưa về Đồng Hới (Quảng Bình) bằng máy bay ATR 72 để an táng.
Trả lời chúng tôi, ông Lê Trường Giang (Người phát ngôn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines) xác nhận, sau khi họp với các bên liên quan, đã quyết định điều động một chuyên cơ ATR72 đưa lĩnh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an táng tại quê nhà. Đây là một loại máy bay chở khách 72 chỗ.
Ngoài chiếc chuyên cơ này, VNA cũng điều động một máy bay khác chở thân nhân và ban tổ chức lễ tang bay vào Quảng Bình.
Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được đưa từ Hà Nội về tỉnh Quảng Bình bằng chuyên cơ ATR 72
Theo thông báo của Ban Tổ chức lễ tang, tang lễ và lịch trình đưa linh cữu Đại tướng về quê như sau:
Video đang HOT
Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), bắt đầu từ 7h30 phút ngày 12/10/2013.
Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7h ngày 13/10/2013.
Sau lễ truy điệu, linh cữu của Đại tướng được chuyển từ Nhà tang lễ Quốc gia ra sân bay Nội Bài chuyển về Đồng Hới (Quảng Bình). Trên đường ra sân bay Nội Bài, linh cữu của Đại tướng được đưa qua ngôi nhà số 30 – Hoàng Diệu, nơi Đại tướng đã nhiều năm sống và làm việc.
Từ sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng tiếp tục được chuyển tới địa điểm an táng tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).
Vũng Chùa – Đảo Yến cách Đèo Ngang (ranh giới Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 4km. Đảo Yến cách đất liền khoảng 20 phút đi thuyền.
Theo Cảnh Kiên (Khampha.vn)
"Ông chủ tịch" và hồi ức về Đại tướng
Là người đứng đầu nhiều hội đoàn thời chống Pháp, kháng Nhật cho đến khi đất nước hòa bình và bước vào thời kỳ đổi mới, ông Lý Thanh được người dân xứ chè Thái Nguyên gọi bằng cái tên thân mật: Ông chủ tịch. Nhưng ít ai biết rằng, gia đình ông Lý Thanh từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngôi nhà nhỏ xinh xắn của ông Lý Thanh nằm gọn trên đỉnh một ngọn đồi thuộc thôn Khuôn Muống xã Yên Lãng (Đại Từ - Thái Nguyên). Phía đầu con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà ấy là khu di tích Nguyễn Huệ - Chiến khu kháng Nhật nổi tiếng xứ Thái. Nơi đây xưa kia là rừng rậm với núi đá lởm chởm. Một bên là dãy Tam Đảo heo hút, một bên là đầm lầy và rừng rậm, có nhiều thú dữ nên ít ai dám bước chân vào.
Gia đình ông Lý Thanh là một trong những người đầu tiên đặt chân đến Khuôn Muống. Đó từng là căn cứ cách mạng bí mật đảm bảo an toàn cho các cán bộ thời chống Pháp, kháng Nhật. Ông Lý Thanh sinh năm 1923, là người dân tộc Nùng tại xóm Pắc Lùng, xã Đức Xuân (Thạch An - Cao Bằng). Tuổi thơ của cậu bé Thanh bị ám ảnh bởi cái đói và áp bức bóc lột đến tận cùng của giặc Pháp. Khi Cao Bằng quê ông bị lính Tây đô hộ, chúng trùm lên tỉnh miền núi nghèo nàn cái đói và mị dân bằng thuốc phiện.
Đến năm 1934, để chạy trốn kẻ thù, gia đình ông Lý Thanh di chuyển từ Cao Bằng về Thái Nguyên sinh sống. Khi ấy, cậu bé Thanh mới vừa 11 tuổi.
"Gia đình tôi vốn là căn cứ bí mật để các cán bộ cách mạng hoạt động. Các tướng Song Hào, Lê Trung Đình, Ngô Nhĩ Quý, Hoàng Quốc Việt và Trần Thế Môn hay qua lại đây bàn thảo kế hoạch đối phó quân địch", ông Thanh cho biết.
Một buổi chiều năm 1945, lần đầu tiên chng thanh niên Lý Thanh được gặp Đại tướng. Lúc ấy, bác Võ Nguyên Giáp đang là hiệu trưởng trường Quân chính kháng Nhật và chàng thanh niên Lý Thanh ấn tượng ngay với lần đầu tiên qua ánh mắt và giọng nói trầm ấm của Đại tướng. "Bác Giáp khen tôi là "thằng bé" thông minh và bác khuyên tôi phải học giỏi để sau này chống lại kẻ thù", ông Thanh nhớ lại. Thời gian đó, để được gần bác Giáp, "cậu bé" Thanh luôn đưa ra các lý do để bố mẹ cho ở nhà làm nhiệm vụ pha trà và canh gác ngoài cửa ngõ để bảo vệ cán bộ.
Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại ngồi nói chuyện thân mật với gia đình, ông dạy cách đấu tranh với địch, dạy cách học làm dân vận, dạy cả cách đi lại, nói năng. Đó là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời của ông Lý Thanh, bởi từ tấm gương một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng đã thôi thúc chàng thanh niên quyết tâm học và trở thành lãnh đạo cách mạng chủ chốt của huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Từ khi đất nước thống nhất, hầu như năm nào ông Lý Thanh cũng cùng gia đình xuống Hà Nội thăm Đại tướng. "Quà biếu bác Giáp chẳng có gì, có khi là cân chè Thái, có khi là cân gạo nương nhưng chúng tôi cảm thấy ấm áp khi ở bên bác, được chuyện trò và cùng nhau kể lại câu chuyện thời chiến", ông Thanh cho hay.
Trong suy nghĩ của ông Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người anh cả. Người anh ấy đã dẫn dắt lớp đàn em trải qua bao cam go, cùng nhau chiến đấu trong bom đạn. "Trong mỗi lần gặp, bác Giáp còn hay nói tôi là "thằng em" tốt, "thằng em" chí tình của bác. Bác dặn tôi phải giữ gìn sức khỏe cho tốt để cùng nhau "ôn cố tri tân" khi có điều kiện".
Trần Hoà
Theo ANTD
Những tư liệu quý giá về vị Đại tướng của nhân dân Cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ buổi ban đầu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ kiêm toàn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên...