Dưa Kim Cô Hoàng Hậu ngon đầu bảng trong các dòng dưa Việt Nam
Giống dưa Kim Cô Hoàng Hậu có xuất xứ từ Thái Lan, đang được nông dân xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng) trồng thành công nhiều năm nay theo tiêu chuẩn VietGAP, cho hiệu quả và năng suất không thua kém dưa nhập khẩu, lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác.
Mô hình “hai màu một lúa”
Dưa Kim Cô Hoàng Hậu ngon đầu bảng trong các dòng dưa của Việt Nam, hơn nữa giống dưa này trồng tại Tân Hưng có chất lượng khác hẳn các vùng đất khác, dưa cho trái to hơn, ngọt, thơm và giòn hơn nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được nhu cầu này, nông dân Tân Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa theo mô hình “2 màu 1 lúa”. Mô hình này được thực hiện theo cách đảo vụ thường xuyên trồng màu và cấy lúa hoặc trồng 2 vụ dưa lại chuyển sang cấy 1 vụ lúa để cải tạo môi trường đất phù hợp và cho hiệu quả cao hơn.
Ruộng dưa đang đến thời kỳ thu hoạch. T.T
Dưa Kim Cô Hoàng Hậu có trọng lượng từ 1- 1,2kg/quả, khi chín có màu vàng, bảo quản được lâu hơn so với các giống dưa khác. Sau khi thu hoạch chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được 1 tháng, dưa càng để lâu thì vỏ càng vàng đậm, dưa càng ngọt…
Trồng dưa Kim Cô Hoàng Hậu không có gì khác lạ so với trồng các loại dưa cùng họ, chỉ cần chú ý phải giữ đủ độ ẩm thường xuyên trên ruộng dưa để dưa phát triển tốt, nếu gặp mưa nhiều phải kịp thời thoát hết nước để dưa không bị thối dây, héo lá. Mỗi sào Bắc Bộ nên trồng với mật độ từ 400-420 cây, cây nọ cách cây kia khoảng 40cm, lên luống cao 30cm, mặt luống rộng 3m, rãnh rộng 40cm kết hợp bón phân lót, phủ bạt nylon đúng kỹ thuật. Trong quá trình cây phát triển cần tỉa bỏ các nhánh phụ ở các nách lá phía dưới cho cây thông thoáng, dễ quản lý sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Video đang HOT
Khi dưa ra hoa mỗi gốc chỉ để lại một quả, trước khi thu hoạch 10 ngày cần nhổ rễ cây để gốc cây không hút nước lên làm thối quả, đảm bảo độ ngọt của dưa và tránh được giập nát khi vận chuyển. Việc chăm sóc dưa cần chú ý phòng một số bệnh thường gặp nhất như là bệnh phấn trắng, đốm lá, nứt dây chảy mủ, bệnh chết cây con.
Lợi gấp 10 lần làm lúa
Từ khi trồng dưa Kim Cô Hoàng Hậu đến nay, nhiều gia đình ở Tân Hưng đã có của ăn của để, những ngôi nhà cao tầng được mọc lên nhiều hơn. Ông Lâm Đức Điều – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Hưng chia sẻ: “Năm 2012 là năm đầu tiên chúng tôi áp dụng kỹ thuật trồng dưa Kim Cô Hoàng Hậu, khi đó nhiều bà con trong xã con e ngại không dám trồng nhiều vì sợ trồng ra chẳng biết bán cho ai. Nhưng nhờ quy trình sản xuất an toàn VietGAP nên dưa của xã Tân Hưng đã được các đơn vị thương mại nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm, các siêu thị từ Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng về đặt hàng, bà con nông dân yên tâm tập trung vào sản xuất, mở rộng diện tích”.
Cho đến nay xã Tân Hưng có diện tích trồng dưa lên đến 100ha, được chia thành 3 vùng sản xuất tập trung. Tất cả được chăm sóc theo một quy trình hết sức ngặt nghèo từ khâu chuẩn bị đất, tuyển chọn giống đến chăm sóc và thu hoạch. Bà con nông dân hàng ngày phải theo dõi và ghi chép sổ sách đầy đủ, cẩn thận. Đặc biệt việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết sức hạn chế; không dùng phân hóa học, chủ yếu là phân hữu cơ ủ mục kết hợp với phân bón tổng hợp và phòng chữa bệnh cho dưa hoàn toàn bằng thuốc trừ sâu sinh học. Tất cả được giám sát chặt chẽ từ các cán bộ khuyến nông địa phương.
Theo lời người dân trồng dưa Kim Cô Hoàng Hậu ở xã Tân Hưng, 1 sào dưa hiện tại đang cho năng suất từ 1,4- 1,6 tấn/sào, dưa bán với giá 19.000- 20.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi sào dưa cũng cho lợi nhuận từ 15- 18 triệu đồng, cao gấp 8- 10 lần trồng lúa.
Theo Danviet
Thiếu chất xám, nông sản "đất 9 rồng" bị lép vế
ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học, công nghệ (KHCN) có quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa xứng tầm. Vì lẽ đó, các sản phẩm làm ra của vùng có sức cạnh tranh rất yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp ngoại "thâu tóm" công nghệ
Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết: "Thời gian qua, KHCN đã giúp nông dân tăng năng suất lúa, sản xuất thành công cá giống... Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, KHCN chưa có sự đóng góp đáng kể, như sản xuất giống gia cầm, công nghệ thu hoạch... và phần lớn bị "thâu tóm" bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài".
Phần lớn máy móc, thiết bị trong sản xuất lúa đều nhập từ nước ngoài (Ảnh: Người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa). Ảnh: H.X
Theo Vụ KHCN (Bộ NNPTNT), nhờ đóng góp của KHCN, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,13%. Đến nay, cả nước đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ.
Ông Hiệp phân tích, ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung là nơi có ngành chăn nuôi gia cầm lớn. Tuy nhiên công đoạn sản xuất giống đang còn rất nhiều vấn đề rất đáng lo ngại khi chịu sự chi phối chủ yếu bởi 3 "ông lớn" là Japfa, CP và Emivest, với mỗi tháng cung cấp hơn 6 triệu con giống cho bà con nông dân.
Còn ở lĩnh vực giống cây ăn trái, ông Hiệp cho rằng, khi chọn cây giống, thay vì nghĩ đến những giống cây trồng đặc trưng của Việt Nam, phần lớn người nông dân ĐSBCL chọn các giống nông sản của Thái như chôm chôm, nhãn, xoài, mít... bởi chất lượng sản phẩm của giống ngoại ngon hơn nhiều so với sản phẩm trong nước.
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, một chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ở ĐBSCL cho rằng: "Việt Nam là nước đứng trong top 3 thế giới về xuất khẩu gạo và cũng xuất khẩu đáng kể khối lượng thủy sản, cà phê, cao su... Tuy nhiên, giá bán các loại nông sản này vẫn thấp vì ít đầu tư chất xám, ứng dụng KHCN quá thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được nâng cao, chưa xây dựng được thương hiệu, từ đó kéo theo lợi tức của nông dân thấp".
"Ở ĐBSCL, có đến 80% máy móc khâu làm đất là của doanh nghiệp ngoại; 60% máy phục vụ bơm tưới và 85% máy thu hoạch phải nhập từ nước ngoài" - GS Xuân thống kê.
Cần chiến lược mạnh mẽ
Ngoại trừ giúp gia tăng phần nhỏ về năng suất, thực tế cho thấy việc áp dụng KHCN ở ĐBSCL vẫn chưa tạo được sức bật đáng kể cho ngành này. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, phải có những chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy phát triển KHCN vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam nhận định: "Trong bối cảnh hội nhập sâu, việc nghiên cứu, tiếp cận và đổi mới KHCN là rất cần thiết. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ kinh phí trong nghiên cứu lai tạo đối với đơn vị nghiên cứu và trong sản xuất giống mới đối với người dân. Ngoài chính sách chung của Chính phủ, các địa phương cũng nên có những chính sách riêng, đặc thù trong lĩnh vực này". GS Xuân cũng cho rằng: "Cần có chiến lược ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp bài bản hơn và mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có liên kết giữa doanh nghiệp với HTX để dễ dàng áp dụng KHCN".
Song song đó, theo góp ý của các chuyên gia nông nghiệp, để tăng hàm lượng chất xám và KHCN, nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất, phải trở thành "nông dân kiểu mới", không sản xuất theo ý mình, theo kinh nghiệm mà phải tuân thủ quy trình sản xuất khép kín, về phía doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa khâu xây dựng thương hiệu và có uy tín trên thương trường.
Theo Danviet
ĐBSCL: Giá dứa tăng cao, nông dân thu lãi lớn Thời gian gần đây, khóm (dứa) ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá cao, ổn định nên nông dân có lãi lớn. Bình quân sau khi trừ chi phí, nông dân trồng khóm có lãi trên 80 triệu đồng/ha. Hiện tại, ở vùng Tân Phước (Tiền Giang) thương lái thu mua xô ngay...