Đưa hồng cổ Sa Pa về trồng, dân làng thu hàng trăm triệu đồng/ năm
Nhiều hộ dân ở thôn Bắc Giang, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã đưa giống hồng cổ Sa Pa về trồng cho hiệu quả kinh tế cao, gấp nhiều lần các cây trồng khác.
Không ít gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và câu chuyện làm giàu không vốn của bà con vùng quê này ngày càng được nhiều người biết đến, làm theo…
Bắc Giang có 250 hộ, là thôn trồng nhiều hồng cổ Sa Pa nhất tại Cát Thành với gần 50% số hộ nên hỏi về “làng hoa” Bắc Giang ai ai cũng biết. Những ngày gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, con đường nhỏ, quanh co dẫn về thôn tấp nập người, xe. Những vườn hồng thi nhau khoe sắc qua từng luống hoa rực rỡ. Trên cành, lá, những trồi non còn đọng lại những hạt sương đêm lóng lánh tạo nên bức tranh làng quê thơ mộng, trữ tình. Hương hoa thơm ngát hòa trong làn gió khiến cho cái rét của những ngày đông thêm ngọt.
Con sông Ninh Cơ bao năm bồi đắp phù sa đã giúp những mùa lúa, bãi rau của người dân Bắc Giang thêm phần tươi tốt. Vậy nhưng, theo các hộ dân nơi đây, trồng rau màu không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nên khoảng 5 năm gần đây, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển sang trồng hồng cổ Sa Pa. Loài cây thuộc dạng thân bụi, nở hoa quanh năm, sinh trưởng mạnh, giá bán cao.
Ông Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng, bên phải), xóm Bắc Giang, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) hướng dẫn người dân trong xóm cắt tỉa hoa hồng. Ảnh: baonamdinh.com.vn.
Nói về việc đưa cây hồng cổ Sa Pa về đồng đất này, người dân ở thôn Bắc Giang cho hay, trong quá trình tìm cây trồng mới nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác, năm 2014 ông Nguyễn Văn Sinh đã đi thăm quan, học hỏi, tìm hiểu các tài liệu trên mạng về kỹ thuật trồng, chiết cành, tỉa tán và quyết định đưa hồng cổ Sa Pa về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Cây phát triển tốt, thân cao, sai nụ, hoa to, màu đẹp, hương thơm đượm nên bán được giá, các thương lái tìm về tận nhà đặt mua.
Nhận thấy trồng hồng cổ Sa Pa thu nhập cao, ông Sinh đã hướng dẫn các hộ trong thôn Bắc Giang cùng trồng loài hoa này. Từ chỗ mỗi gia đình chỉ trồng vài chục m2 hồng đến nay các hộ dân ở đây đã chuyển từ cây rau màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hồng cổ Sa Pa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Là một trong những hộ trồng nhiều hồng cổ Sa Pa ở thôn Bắc Giang, với trên 300m2, ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng thôn cho biết, giống hồng này rất khỏe nên việc chăm sóc không khó. Chỉ cần bón lượng phân vừa phải, tận dụng phân chuồng ủ mục, bón thêm phân lân NPK là có thể đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt. Hồng cổ Sa Pa dễ mắc các loại sâu bệnh gây hại như: cuốn lá, muội, bọ trĩ… do đó phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình phát triển của cây trồng để có biện pháp trừ bệnh hại kịp thời.
Video đang HOT
Để nhân giống loài hoa này, người dân nơi đây phải thực hiện chiết, ghép cành. Vào khoảng tháng 8 – 12 hoặc tháng 2 – 4, người dân chọn cành bánh tẻ để chiết, dùng rễ bèo tây để tạo bầu giúp khả năng ra rễ nhanh, khỏe hơn. Rễ bèo tây nhẹ giúp giảm trọng lượng cho cành cây gốc cũng như khả năng giữ ẩm tốt sẽ kích rễ mọc nhanh hơn. Sau 20 ngày, cành chiết ra rễ và có thể tiến hành trồng ra luống.
Để bán được giá, người dân phải tạo tán cho cây. Thời gian đầu, để cung cấp dinh dưỡng nuôi thân cây, người dân sẽ cắt hết nụ không cho cây ra hoa. Sau khoảng 1 năm cây cho ra tán cần tạo, lúc này mới để cây phát triển tự nhiên. Hồng cổ Sa Pa ra hoa quanh năm nên đáp ứng yêu cầu hoa chơi Tết, trang trí nhà cửa của nhân dân, đặc biệt là mang lại nguồn thu lớn cho người trồng.
Với những cây không tạo tán, thời gian chăm sóc ngắn, người dân bán từ 200.000 – 400.000 đồng/cây. Còn những gốc trồng từ 1 năm trở lên, tán rộng, có giá từ 1,5 – 2 triệu đồng. Cây trồng càng lâu năm giá trị càng cao. Ngoài ra, những cành chiết cũng được thương lái ưa chuộng mua với giá khoảng 50.000 đồng/cành.
Ông Hoàng Văn Cần, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cát Thành cho biết, toàn thị trấn có 26 thôn, gần như thôn nào cũng có người trồng hồng cổ Sa Pa. Với giá trị cao, bình quân 360m2, cây hồng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, gấp 3 – 4 lần so với trồng rau màu các loại. Việc trồng hồng cổ Sa Pa cũng gần như không tốn chi phí đầu tư ban đầu song hiệu quả kinh tế rất cao.
Nhờ trồng giống hồng cổ này, nhiều hộ dân tại Cát Thành đã vươn lên xóa đói, ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều khiến diện mạo nông thôn Bắc Giang đã ngày thêm sáng, thêm xanh và luôn sạch đẹp.
Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Thành khẳng định: Việc đưa cây hồng cổ Sa Pa về trồng tại địa phương có ý nghĩa lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác. Ở nhiều thôn tại Cát Thành, người dân trồng hồng cổ Sa Pa ngày càng nhiều bởi giống hồng này được xem như cây trồng chủ lực ở những diện tích đất vườn, đất màu tại địa phương.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Thành khuyến cáo, thị trường hoa hồng thường kén người mua. Việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay phụ thuộc nhiều vào thương lái. Do đó, người dân cần phát triển sản xuất có kiểm soát, không mở rộng trên diện tích quá lớn, tràn lan để tránh trường hợp thương lái ngừng thu mua, ảnh hưởng đến sản xuất…
Theo Nguyễn Lành (TTXVN)
Có của ăn của để nhờ trồng cà phê trên đất dốc, trái chi chít
"So với trồng lúa, trồng ngô thì trồng cà phê đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Cũng nhờ trồng cà phê trên đất dốc mà gia đình tôi có "của ăn, của để" con cái được học hành đàng hoàng. Mỗi năm, gia đình tôi thu trên dưới 100 triệu đồng từ 1ha cà phê" - đó là tâm sự của anh Cà Văn Toản - Trưởng bản Sàng (xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hua La, anh Toản sớm phải nếm trải những vất vả, thiếu thốn. Năm 1999, anh được bố mẹ chia cho 1ha nương cỏ dại, lau sậy um tùm để làm vốn riêng. Thời điểm bấy giờ ở thành phố Sơn La nói chung, xã Hua La nói riêng bắt đầu rộ lên phong trào trồng cà phê. Không ngại khó, ngại khổ, anh Toản cần mẫn phát nương trồng cà phê. Vì là cây trồng mới nên anh Toản chỉ dám đầu tư trồng hơn 1.000m2
Anh Toản trồng cà phê từ năm 1999
Với suy nghĩ, cây có khỏe thì sau này mới cho năng suất cao và ổn định nên anh Toản không tiếc công sức chăm sóc, làm cỏ, bón phân, tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê. Thời gian thấm thoắt trôi qua, nương cà phê của anh Toản sinh trưởng, phát triển xanh tốt, đến năm thứ 4 đã bắt đầu cho thu hoạch.
Khi nương cà phê ra hoa, đậu quả cũng là lúc anh Toản sánh duyên với cô sơn nữ đẹp người, đẹp nết ở bản Sàng vào năm 2003. Hai vợ chồng trẻ bảo ban nhau chí thú làm ăn. Ngày này qua ngày khác, anh Toản cùng vợ lên nương chăm sóc cà phê, khai hoang mở rộng diện tích trồng mới. Chỉ sau vào năm, diện tích cà phê nhà anh Toản đã tăng lên 10 lần so với lúc đầu và giữ ở mức ổn định khoảng 1ha từ nhiều năm qua.
Nhờ trồng cà phê mà gia đình anh Toản có của ăn, của để
Trao đổi với Dân Việt, anh Toản cho biết: Cây cà phê dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Nếu chăm sóc tốt thì năng suất cà phê có thể đạt hơn 30 tấn quả tươi/ha.
"Muốn cà phê cho năng suất cao, ngoài việc bón phân cân đối, thì phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cà phê. Đây là một trong những công đoạn chăm sóc đặc biệt quan trọng, giúp cây cà phê hình thành được bộ khung tán cân đối, vừa cho nhiều quả, vừa chống được sâu bệnh" - anh Toản vui vẻ nói.
Theo anh Toản, trồng cà phê cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô
Theo anh Toản, cần phải tỉa cành, tạo tán cho cây cà phê sao cho ánh sáng chiếu được vào phía bên trong tán cây. Anh Toản thường cắt ngắn, thậm chí loại bỏ những cành già cỗi, giúp cho cây cà phê có đủ dinh dưỡng nuôi những cành non khỏe mới mọc.
Anh Toản thường sử dụng 3 loại phân để bón cho nương cà phê của gia đình, đó là phân chuồng, NPK và phân đạm. Cứ vào khoảng tháng 5 hàng năm, anh Toản lại lấy phân chuồng ủ hoai mục trộn với NPK để bón cho cà phê. Cách cho cà phê "ăn" phân của anh Toản cũng khá đơn giản. Đối với khu đất bằng, anh cuốc hố xung quanh gốc cà phê, tán tới đâu cuốc tới đó, rồi cho phân chuồng trộn lẫn với NPK xuống, sau đó lấp đất lên.
Còn với nơi đất dốc, anh Toản chỉ cuốc hố phía trên gốc cà phê rồi bỏ phân. Sau khi thu hoạch quả cà phê xong, anh Toản mới bón phân lần 2. Dịp này, anh không bón phân chuồng mà cho cà phê "ăn" đạm, giúp cho cây cà phê nhanh chóng phục hồi sau thời kỳ nuôi quả.
Cà phê là cây trồng chủ lực của người dân bản Sàng
Nhờ chăm bón đúng kỹ thuật nên nương cà phê nhà anh Toản luôn cho năng suất cao hơn nhiều hộ trồng cà phê khác trong bản. 1ha cà phê nhà anh Toản cho năng suất bình quân khoảng 20 tấn quả tươi.
"Năm 2011, giá bán cà phê tươi lên đến 17.000 đồng/kg. Người trồng cà phê ở Sơn La nói chung, ở xã Hua La nới riêng, ai cũng phấn khởi. Năm đó, giá đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, giá bán cà phê tươi ở Sơn La lên xuống thất thường, dao động từ 5000 - 8000 đồng/kg. Thu nhập của người làm cà phê cũng vì thế mà giảm hơn so với trước" - anh Toản cho hay.
Những năm gần đây, thay vì bán quả cà phê tươi như trước, anh Toản mua máy về sát cà phê thóc bán ra thị trường. Mỗi năm, trừ chi phí anh Toản lãi trên dưới 100 triệu đồng từ bán cà phê thóc cho thương lái.
Theo Danviet
Bộ GD&ĐT chỉ đạo hỗ trợ trẻ 4 tuổi bị buộc dây vào cửa sổ Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nam Định có giải pháp hỗ trợ để bé trai tự kỷ bị cô giáo trói được chăm sóc, giáo dục phù hợp. Trả lời Zing.vn tối 2/12, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho hay trường hợp trẻ bị...