Đưa hôn nhân về quỹ đạo từ thất bại đến hạnh phúc
Diện mạo của một cuộc hôn nhân có thể thay đổi bất cứ lúc nào, vì thế sẽ không phải là tất cả nếu hôm nay bạn thấy đang hạnh phúc, nhưng chớ vội nản lòng nếu như trước mắt bạn tưởng chừng là thất bại.
ảnh minh họa
Hai lí do lớn làm hôn nhân thất bại:
Các cặp đôi căng thẳng đến mức dắt nhau ra tòa để xin ly hôn thường nêu ra một ly do kinh điển là “không hợp nhau về quan điểm sống”. Thế nhưng chắc chắn trong lòng của họ đều hiểu rõ đó không phải là cội rễ của vấn đề. Nếu như không hợp nhau, nếu như xung đột về quan điểm đến vậy, vì sao trước kia họ lại yêu thương, thậm chí quyết định kết hôn với mong muốn gắn bó với nhau trọn đời.
Có rất nhiều góc khuất trong một cuộc hôn nhân khi nó bắt đầu đi lệch hướng, đôi khi bạn không biết, hoặc biết mà phớt lờ cứ thế tiếp tục, để cuối cùng đến cái đích cả hai cùng không mong muốn.
Trong rất nhiều ly do làm cuộc hôn nhân rạn nứt, có những chuyện nhỏ như khác biệt giữa bạn với gia đình nhà chồng/vợ, có cả các vấn đề trầm trọng như sự xuất hiện của người thứ 3, bạo hành hay làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, có thể gom rất nhiều ly do đó vào 2 nhóm nguyên nhân chính, đó là tình yêu và tiền bạc. Sự thay đổi của 2 nhóm nguyên nhân này sẽ dần dần gây ra nhiều kiểu vấn đề mà chúng ta vẫn thường gọi tên là “sự không hợp nhau”.
Lý do 1: Tình yêu
Tình yêu là ly do đưa các bạn đến với nhau, cùng thăng hoa và tận hưởng hạnh phúc, nhưng cũng chính tình yêu có thể khiến các bạn xa nhau không biết chừng. Bởi lẽ, chúng ta thường luôn chủ quan rằng, sau khi kết hôn thì tình yêu sẽ mặc nhiên ở đó, tồn tại mãi mãi như là không khí.
Nhưng sự thực không hề như vậy. Chúng ta quên mất rằng thời gian mang trong mình những yếu tố gây thay đổi trong cuộc đời mỗi người. Tự nhìn lại bản thân của ngày hôm qua, tháng trước, năm trước bạn có thể thấy rõ mình đã không còn giống chính mình của quá khứ.
Hôn nhân cũng vậy, mọi thứ luôn luôn thay đổi trong đời sống của vợ chồng bạn, nhất là từ khi bắt đầu có sự xuất hiện của những đứa trẻ hoặc khi các bạn thay đổi không gian sống (từ ở chung với gia đình chuyển ra riêng hoặc ngược lại). Những thay đổi xảy đến, từ nhỏ cho tới lớn, dần dần sẽ làm xô lệch quỹ đạo yêu thương mà các bạn vốn thề nguyền với nhau rằng nó bất diệt. Lúc này, quan điểm về tình yêu cũng sẽ thay đổi.
Người vợ thường sẽ tập trung nhiều vào việc quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái để đảm bảo cho cuộc sống của cả gia đình diễn ra theo lịch trình mong muốn. Chưa kể người vợ vẫn phải đi làm và chịu các áp lực từ công việc, xã hội. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một cách để sắp xếp ổn thỏa mọi thứ, và phụ nữ an tâm rằng mình đã dành trọn tâm trí lẫn yêu thương cho tổ ấm nhỏ. Tuy nhiên, họ dễ quên rằng trong tổ ấm nhỏ ấy vẫn có người chồng với những nhu cầu yêu thương, có thể là không đổi, kể từ khi kết hôn.
Video đang HOT
Người chồng tất nhiên cũng quan tâm đến con cái, việc nhà nhưng họ không phân chia tình yêu của mình theo cách phụ nữ làm. Đàn ông vẫn mong đợi yêu thương và được yêu thương như họ đã từng. Và thế là, khoảng cách bắt đầu xuất hiện từ trong chính tình yêu, điều mà chúng ta tưởng rằng chắc chắn nhất khi quyết định lấy nhau.
Khi tình yêu thay đổi, chúng ta bắt đầu thay đổi suy nghĩ về nhau. Cả vợ và chồng dần dần có sự không hài lòng với đối phương, từ những việc tưởng là cỏn con nhất. Và rồi bạn bắt đầu nghĩ hình như đối phương đã thay đổi, đã hết yêu. Từ đây, người thứ 3 rất dễ xuất hiện, đẩy cuộc hôn nhân vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng và bạn sẽ quy kết đối phương là phản bội, thiếu trung thực hay bất cứ điều gì xấu xa khác.
Tất nhiên, đó là trường hợp xấu nhất bởi một khi bạn đã nảy sinh tình cảm với ai đó khác chồng/vợ mình thì nền tảng quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân đã bị lung lay. Và may mắn rằng không phải ai cũng sẽ đi đến đoạn đường khó khăn này.
Nhưng sự thay đổi của tình yêu rõ ràng có thể thay đổi nhiều thứ trong cuộc hôn nhân của bạn. Những xung khắc về quan điểm sống, từ việc sắp đặt nhà cửa, nuôi dạy con cái cho đến đối nhân xử thế khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và nghĩ rằng hai người không hợp nhau.
Tuy nhiên hãy thử nghĩ lại thời yêu nhau hay lúc mới kết hôn, các bạn rõ ràng cũng gặp những vấn đề tương tự. Khi yêu nhau, chuyện gì người ta cũng có thể bỏ qua, còn khi tình yêu đã đổi diện mạo thì bạn bắt đầu xét nét bằng cái tôi của mình một cách rất khắt khe. Và cứ như vậy, cuộc hôn nhân trở nên căng thẳng bằng những xung đột hàng ngày và con đường này mỗi lúc một đi xa hơn so với con đường ban đầu mà cuộc hôn nhân của bạn được định hướng.
Lý do 2: Tiền bạc
Tiền lại là một kiểu ly do khác, nó ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân rõ ràng hơn. Đa số các cặp đôi sẽ kết hôn khi tình hình tài chính đang trong trạng thái ổn định. Sự ổn định không có nghĩa là giàu có, nó chỉ là biểu hiện của việc hai bạn đều đang kiểm soát tốt vấn đề tiền bạc và đồng lòng với nhau về chuyện đó.
Thế nhưng sự ổn định không bất tử, và sau hôn nhân nó càng dễ biến mất bởi rất nhiều ly do khác nhau. Các chuyên gia tâm ly thường ví việc bạn bắt đầu xây dựng một tổ ấm cũng giống như vừa mở một doanh nghiệp. Nếu bạn nhận thức được xây dựng một kế hoạch chi thu rõ ràng, hợp ly, mọi người đều nắm rõ và có trách nhiệm thì rất tốt, nhưng không phải ai cũng làm được vậy.
Tiền bạc thường bắt đầu trở thành vấn đề khi một trong hai bạn gặp khó khăn, khúc mắc và cố gắng che giấu người còn lại, vì sợ họ không hiểu, sợ họ lo lắng hoặc đơn giản là vì không muốn mất mặt. Trong sự khó khăn đó, bản thân bạn sẽ rơi vào tuyệt vọng vì thực ra bạn cần được giúp đỡ và sẻ chia hơn bạn tưởng, còn người bạn đời sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương vì họ thấy mình giống như bị loại khỏi cuộc chơi.
Nếu sau cùng bạn giải quyết được vấn đề, đây sẽ là một vết rạn và bạn đời sẽ bớt đi một chút niềm tin vào những gì bạn nói. Tệ hơn, nếu bạn không thể xử ly, tài chính gia đình sẽ gặp khủng hoảng và hàng loạt xung đột sẽ xuất hiện như một hệ lụy. Bạn mất kiểm soát với chính gia đình của mình và từ đó quan điểm về hôn nhân, tình yêu, các mối ràng buộc cũng có thể thay đổi. Nhiều cặp đôi đã đi đến kết thúc bằng những ly do như vậy, cho dù tận sâu trong lòng họ không dám khẳng định mình đã hết yêu đối phương hay chưa.
Bên cạnh đó, tiền cũng sẽ là vấn đề nếu sau hôn nhân, ứng xử và vị thế tài chính của một trong hai người thay đổi. Một cô vợ có thể cảm thấy rất buồn bã, thậm chí là trầm cảm nếu cô ấy phát hiện chồng quá keo kiệt dù anh ấy từng tỏ ra cực kỳ hào phóng khi yêu.
Ngược lại một người chồng cũng sẽ không mấy hài lòng nếu ngày kia cô vợ vốn biết tiêu pha vun vén lại đổi tính chỉ thích ăn chơi và mua sắm vượt khả năng của mình. Việc bạn đổi chỗ làm hoặc nghỉ làm và phải phụ thuộc tài chính vào chồng/vợ cũng có thể tạo thành vấn đề. Thông thường nếu thay đổi thuộc về người vợ, kéo theo đó chồng trở thành trụ cột chính về tiền bạc thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn chiều hướng ngược lại.
Tuy nhiên, dù thuộc phía nào đây cũng là một thay đổi quan trọng dễ gây ra nhiều xung đột. Từ chỗ hai người gần như bình đẳng về nguồn thu đến việc cán cân lệch hẳn về một phía, tiếng nói trong gia đình cũng đổi khác. Tài chính đồng nghĩa với quyền lực, ai mang về nguồn thu thì người đó sẽ có ảnh hưởng lớn hơn. Nếu cặp vợ chồng nào không thích nghi được với thay đổi này, rạn nứt sẽ xuất hiện, cảm giác không vui kéo đến.
Và vẫn theo quy luật mà ai cũng biết, khi ở trong trạng thái khó chịu, người ta chỉ thấy được những điều không hài lòng về nhau. Sự khó chịu càng ở lại lâu thì mối quan hệ càng căng thẳng hơn, và con đường đúng của một cuộc hôn nhân sẽ càng ở xa tít tắp.
Đưa hôn nhân về quỹ đạo hạnh phúc
Cuộc hôn nhân của bạn đang không ổn, cũng giống như doanh nghiệp của bạn đang rơi vào trạng thái khủng hoảng. Cách bạn ứng xử với trường hợp này có thể là giải tán mọi thứ, cũng có thể là cứu vãn bằng việc tìm ra nguyên nhân và xử ly hết sức mình.
Hãy nói chuyện thẳng thắn để đảm bảo rằng dù chọn dừng lại hay đi tiếp thì đây cũng là việc cả hai người cùng làm, bởi hôn nhân là mối quan hệ “một tay không vỗ được thành tiếng”. Nếu dừng lại, hẳn bạn chẳng còn gì để nói ngoài các thủ tục pháp ly, tuy nhiên nếu chọn tiếp tục thì hai vợ chồng sẽ có rất nhiều thứ phải làm.
Nếu các bạn gặp thất bại vì tình yêu thay đổi, hãy ghi nhớ một điều quan trọng rằng chúng ta vốn là hai thực thể hoàn toàn khác nhau, và sẽ mãi mãi khác nhau. Bạn không kết hôn bởi tìm được người giống hệt mình mà bởi vì các bạn hiểu nhau. Đó là điều ai cũng cho rằng mình đã biết thế nhưng sau cùng lại không chấp nhận. Về cơ bản, bởi thường xây dựng hình ảnh người yêu theo cách mình mong muốn, nên sau khi kết hôn chúng ta dễ bị thất vọng.
Sự thất vọng này không thể hiện vợ/chồng của bạn xấu, chỉ là bạn tưởng mình bị đánh lừa. Thế nhưng, chẳng ai lừa bạn cả, bạn đã tự lừa mình. Vợ bạn, cô ấy bản chất vốn là người thích quán xuyến việc nhà, thích chăm chút người khác nên không có gì lạ nếu bây giờ khi có con cô ấy dành nhiều thời gian đến vậy cho những việc không tên. Chồng bạn, anh ấy là người thích dịch chuyển, ưa sôi động và hướng ngoại, bởi thế bạn cũng đừng buồn nếu như sau khi kết hôn anh ấy vẫn dành thời gian cho bè bạn chứ không chỉ có gia đình.
Chúng ta vốn đã khác nhau, khi ở cùng dưới một mái nhà, sự khác biệt lại càng rõ nét và lớn dần theo thời gian, đó là điều không một cặp vợ chồng nào có thể phủ nhận. Bởi thế, nếu muốn hạnh phúc thì đừng cố gắng thay đổi sự khác biệt, hãy hiểu và tìm cách sống chung với sự khác biệt ấy một cách thoải mái nhất. Và sau khi giảm bớt cái tôi, chấp nhận những khác biệt, hãy thử nhìn lại bạn sẽ thấy tình yêu vẫn còn ở nguyên đó âm thầm nuôi dưỡng cuộc hôn nhân như nó vẫn từng.
Còn về vấn đề tài chính, câu thần chú của vợ chồng bạn đó là trung thực và chân thành với nhau bất kể tình huống nào. Không một ly do gì có thể giải thích thỏa đáng cho lời nói dối về vấn đề tài chính, bởi thế đừng bao giờ cố giấu những chuyện liên quan đến tiền bạc với bạn đời của mình.
Với vợ/chồng bạn, họ thà nghe một tin dữ về việc hao hụt tiền bạc còn hơn chịu đựng cảm giác bị loại khỏi cuộc chơi hay bị lừa dối. Còn nếu để gìn giữ tự trọng mà bạn hy sinh lòng tin của bạn đời, sự đánh đổi đó quả là không đáng.
Một cặp đôi được sự ủng hộ của nhau có thể đi từ điểm bắt đầu thấp nhất đến đỉnh cao không ai nghĩ tới về sự nghiệp và tài chính, đó là sức mạnh của sự đồng lòng. Bạn hẳn cũng mong muốn mình có được sức mạnh ấy, vì thế đừng bao giờ loại người bạn đời khỏi bất cứ rắc rối tài chính nào, dù nó có phức tạp đến đâu.
Còn nếu như các bạn xa dần nhau vì một trong hai người thay đổi vị thế tài chính, đây là lúc sự cảm thông cần có nhiều hơn. Điều ấy không dễ làm. Chúng ta tưởng rằng mình hào phóng và nghĩ thoáng thế nhưng thực tế khi gặp chuyện mới biết rằng mình vẫn đánh giá người khác theo định kiến bản thân.
Nếu có thể bỏ qua các quan điểm bó buộc, nhìn nhận từ một góc khác, nghĩ theo hướng mới biết đâu bạn sẽ thấy rằng cuộc sống đang cho nhiều hơn là lấy bớt của ta thứ gì. Và vì thế tài chính cũng sẽ chẳng là vấn đề quan trọng lắm nếu chúng ta đánh giá cao bản chất con người của nhau hơn là số tiền có trong tài khoản.
Bởi thế, hãy cùng nói ra để trân quy những điều các bạn vẫn dành cho nhau thay vì cãi vã liên miên xung quanh chuyện ai làm ra hơn ai bao nhiêu tiền. Và biết đâu đấy, vị thế này cũng có thể thay đổi không chừng, trong tương lai chẳng mấy xa xôi của cả hai bạn.
Tìm ra nguyên nhân sâu xa của xung đột nằm ở đâu, bạn sẽ phải đưa cuộc hôn nhân của mình trở lại từ đó. Và trong quá trình này, mỗi người trong các bạn phải ghi nhớ một điều rất quan trọng, đó là cái tôi của mình. Cái tôi làm nên con người bạn, nhưng cái tôi cũng có thể biến bạn trở nên ích kỷ.
Và chính cái tôi của cả hai đã góp mặt trong quá trình làm cuộc hôn nhân của vợ chồng bạn bị tổn thương. Vì thế, hãy thôi nghĩ điều “tôi muốn” mà hãy bắt đầu nghĩ những điều “chúng tôi muốn”, bạn sẽ thấy trái tim rộng mở hơn rất nhiều trong quá trình chữa lành cuộc hôn nhân của mình.
Theo Phununews