Dưa hấu mùa Tết cũ
Quả dưa không to lắm được chẻ đều thành 8 miếng be bé đều nhau, mỗi đứa vị chi được 2 miếng cũng đủ qua cơn khát suốt mùa rồi.
Bây giờ nhớ lại, cái tuổi vô tư đó mới biết chẳng có phần nào trong quả dưa dấu được ăn đầu mùa ấy là phần dành cho cha mẹ tôi.
Cứ mỗi năm, khi tháng Chạp về đầu ngõ, trong tôi lại nao nao nhớ, không khí nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch mùa màng cũng như trang hoàng lại nhà cửa để tiễn năm cũ và đón năm mới, nói một cách hơi “xưa cũ” là tống cựu nghinh tân. Lao xao tứ phía ở miệt ruộng vườn miền Tây này, phía nào cũng… dậy mùi Tết; nhưng đậm nhất trong tôi là hình ảnh những quả dưa hấu tròn, mọng nước, trĩu tay người chăm sóc.
Không giống như dưa hấu dài hoặc dưa hấu được cô chú bác nông dân trồng khuôn có chữ “tài lộc” hay “chúc mừng năm mới” để phục vụ cho việc chưng Tết như hiện nay, hơn 20 năm trước, bà con mình chỉ trồng thuần giống dưa hấu tròn, mỗi năm chỉ thu hoạch trước Tết âm lịch chỉ độ 5-10 ngày. Nhiều khi do thời tiết ảnh hưởng, có rẫy dưa vào đầu tháng Chạp đã phải thu hoạch sớm; cũng có rẫy phải đợi đến ra “mùng” tháng Giêng. Năm nào dưa hấu ra “mùng”, năm đó nông dân coi như Tết không trọn vẹn.
Ảnh: IT.
Quả dưa hấu tròn mùa Tết cũ đã gợi cho tôi nhớ năm tháng ấu thơ, thời gia đình còn nhiều khốn khó, vất vả. Cùng với món dưa cải, thịt kho tàu, trẻ con nông thôn bọn tôi ngày đó chỉ chờ ba ngày Tết để được ăn uống đầy đủ và ngon hơn chút.
Như đã nói ở trên, bây giờ nông dân mình đã hội nhập, trồng nhiều giống dưa khác nhau, như dưa hấu thanh đường, dưa hấu quả dài, quả vuông, hình hồ lô… theo yêu cầu của khách đặt và cả dưa hấu ruột vàng nữa. Và, quanh năm suốt tháng, lúc nào muốn ăn dưa hấu cũng có, chỉ cần tranh thủ “ghé” chợ, kể cả sáng-trưa-chiều-tối, không còn cảm giác thèm, ngóng cổ chờ đến Tết mới có dưa hấu để ăn như ngày xưa nữa.
Mà ngộ thiệt, chỉ có dưa hấu thôi, cũng đã gợi lại nhiều ký ức nhớ thương của một thời thơ dại.
Video đang HOT
Đa số lứa 7X, 8X đời đầu như chúng tôi bây giờ đều lớn lên với ấu thơ thiếu thốn vì đất nước mới thống nhất, non sông nối liền một dải, rồi lại vào giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới năm 1986; nên ký ức về mùi dưa hấu ngày Tết xưa nhắc nhớ nhiều kỷ niệm đẹp. Hồi đó để có được cặp dưa hấu chưng Tết, là cả sự nhọc nhằn lo toan của cha mẹ.
Gia đình nào khấm khá hơn chút thì có thể mua từ 3-4 quả. Tuy nhiên, để tiết kiệm bớt chi phí, đa phần các gia đình đều lựa chọn một cặp dưa tròn đều để chưng, những quả dưa hấu còn lại thì hơi “méo” chút xíu cũng được. Vì chỉ bổ ra đĩa để kèm mâm cơm cúng ngày cuối năm hoặc cho bọn trẻ ăn trước cho “bớt thèm” thôi, thì không cần quả tròn đều và đẹp; bởi giá cả của sự lựa chọn đẹp xấu này cũng khác nhau. Bọn trẻ chúng tôi chỉ cần có vậy.
Khi trái dưa hấu được bổ ra, ôi thôi, không cần người lớn gọi tên từng đứa, bốn anh em tôi đã đứng sẵn chờ. Quả dưa không to lắm được chẻ đều thành 8 miếng be bé đều nhau, mỗi đứa vị chi được 2 miếng cũng đủ qua cơn khát suốt mùa rồi. Bây giờ nhớ lại, cái tuổi vô tư đó mới biết chẳng có phần nào trong quả dưa dấu được ăn đầu mùa ấy là phần dành cho cha mẹ tôi. Hơn 20 năm, ký ức cũ cũng đã gợi lên sự ân hận muộn màng khi nghĩ đến đấng sinh thành của mình. Mới hay sự hy sinh của cha mẹ là vô bờ bến…
Theo truyền thống, gia đình nào có thờ cúng ông bà, cha mẹ, người quá cố nói chung… đều nấu mâm cơm cúng tiễn. Tất nhiên, trong mâm cơm này, thể nào cũng có đĩa dưa hấu đỏ au, ngọt lừ; thường đi kèm với dưa cải, thịt kho tàu và một vài món ngon khác, cho bữa cơm cúng được tươm tất hơn.
Tôi hoài niệm về dưa hấu mùa Tết cũ, ngoài những lý do trên, còn thêm một điều này nữa: Cha tôi, khoảng 10 năm trở lại đây, đến trước khi theo ông bà về thế giới khác, dưa hấu là món ăn yêu thích mà cha tôi thường xuyên dùng, gần như dùng hàng ngày, không bao giờ chán…
Nguyên vẹn trong ký ức tôi là dưa hấu mùa Tết cũ, trái căng tròn, đầy cát, mọng nước; là khung cảnh gia đình ấm cúng đủ đầy cha mẹ và bốn anh em tôi. Mùa Tết này, mùa Tết đầu tiên sau ngày cha tôi ra đi. Do vậy, dưa hấu có tròn đều, đẹp, mọng nước và ngọt lừ đi nữa, chắc mâm cơm cúng ngày mai sẽ còn có vị mặn… Làm sao tôi có thể tìm lại được mùi dưa hấu mùa Tết cũ khi cha còn bên anh em chúng tôi như năm nào?
Bàn tay mùa xuân đã vịn vào cửa, mùi Tết đã đầy ngõ ngoài, ngõ trong… Sao mà tôi lại thèm dưa hấu mùa Tết cũ đến thế không biết.
HUỲNH THÚY KIỀU
Theo thegioitiepthi.vn
Niềm thương hương hoa vạn thọ
Đâu đó trong ngày Tết, cắm bình vạn thọ lên bàn thờ, thắp một nén hương đêm ba mươi, thoảng mùi hương hoa còn vương nơi bàn tay mà lòng người lại thấy nôn nao.
Tôi gọi điện báo với má năm nay không về Tết. Giọng má tôi có phần chùng xuống: "Ừ, chuyện ở nhà không cần lo". Chuyện ở nhà là chuyện một thiên vạn thọ mùa Tết của má tôi. Mùi thơm the the của loài hoa dung dị ấy bỗng nhiên vướng vít nơi cánh mũi. Tết với tôi luôn gắn liền với sắc vạn thọ, ẩn chứa trong mùi thơm của loài hoa bình dân đến thân thương ấy.
Năm nào cũng vậy, cứ tầm tháng Chín là ba má tôi làm đất, tháng Mười thì trồng vạn thọ cho Tết. Đất được cuốc vỡ rồi bừa cho xốp ra, trộn với phân chuồng, tưới tẩm kỹ càng để trồng cây non. Chiều hôm trước, những cây vạn thọ con vừa tách ra khỏi giồng ươm hơi gục đầu khi chuyển về "nhà mới", thì sau một đêm uống sương và nước tưới đẫm ban chiều, sáng hôm sau đã tươi tỉnh, hớn hở như trẻ con được mặc áo mới. Những cánh lá như những bàn tay nhỏ vẫy vẫy trong gió đến dễ thương. Vạn thọ thơm cả từ cành và lá, nên chúng cũng ủ cho đất mùi thơm đặc trưng của mình. Đến không khí cũng thơm mùi của cây vạn thọ. Hương thanh tĩnh bình yên trong sương sớm, hương nồng nồng ngai ngái trong nắng trưa, hương dịu dàng nhè nhẹ trong chiều và đêm.
Ảnh: Đặng Hoàng Thái.
Hơn hai tháng sau hoa đã phổng phao trưởng thành, cánh lá xum xuê, thân hình cứng cáp và những chồi hoa đã xuất hiện. Người ta vẫn quan niệm cây vạn thọ nhiều hoa, nhiều lá mới đẹp. Một bình hoa đầy bông nhưng thiếu lá thể nào người mua cũng chê. Giữ lá vạn thọ xanh và dày dặn cũng là việc không dễ. Từ tưới nước, làm cỏ đến bắt sâu, rồi canh đến ngày ngắt ngọn để hoa đâm nhành... người trồng hoa đều phải để ý từng chút một thì mới có được một cây hoa "mười phân vẹn mười" đem bán cho người.
Đến khi tháng Chạp gõ cửa thì những bông hoa đã chúm chím trên cành như nắng. Lúc bông hoa cái phô bày vẻ đẹp rực rỡ của nó cũng là lúc chợ hoa Tết xôn xao. Thấy hoa nở là biết Tết đã về. hoa vạn thọ nhà tôi cũng góp mặt với đào, mai, cúc, hồng, quấc... từ khắp nơi đổ về chợ hoa để tạo nên hương sắc đặc biệt của ngày xuân.
Ngoài lúc làm đất để trồng hoa thì đây là lúc cực nhất. Chị em tôi phụ má khuân hoa từ dưới vườn lên sân. Ôm những cây hoa giòn rụm, cẩn thận trong mỗi vòng tay để không làm gãy hoa, đi chừng ba vòng đoạn đường dốc thoai thoải thì ai cũng thấm mệt. Nhưng đây cũng là lúc tôi được tắm trong hương hoa. Từng bông nằm sát ngay dưới mũi, từng chiếc lá cọ vào mình, cả người như được ướp hương. Mùi thơm lúc đầu nồng nàn, lúc sau nhạt bớt, rồi thoang thoảng, cuối cùng như có như không vương vít mãi.
Với cây được trồng trong chậu thì mấy chị em tôi còn cực hơn. Chúng tôi phải khuân chậu hoa ra xe ở tận đầu ngõ, chặng đường ngót nghét nửa cây số, khuân được vài trăm chậu thì ai cũng thở phì phò. Mỗi một mùa hoa Tết, công đoạn khuân lên khuân xuống này không biết phải làm bao nhiêu lần.
Rồi hoa ra chợ, vị Tết càng thêm đậm đà. Người mua hoa, dù mua ngược mua xuôi thế nào cũng sẽ ghé lại hàng vạn thọ. Có người chỉ mua một bình để cúng ngoài sân đêm ba mươi. Có người mua hai chậu nhỏ để đem ra mộ phần thắp hương cho người quá cố. Có người chê hoa đắt, có người khen hoa đẹp, có người mua nhiều đòi giảm giá, có người lại hỏi han cặn kẽ cách cắm hoa, có người đòi người bán cam đoan hoa sẽ tươi được ba ngày Tết.
Từ ngày nhà tôi trồng vạn thọ, năm nào tôi cũng đi bán hoa Tết. Vận vào mình cái quần nhà nông, mượn má tôi cái áo khoác đã sờn, chụp lên đầu cái mũ rộng vành, rồi nhiệt tình: "Bông thọ đi chị ơi, bông thọ về tảo mộ, cúng kiếng đi anh, chị". Những lúc ấy, tôi hòa vào không khí tấp nập, khẩn trương, hòa vào nỗi niềm chào năm cũ đón năm mới của dòng người. Tiễn một vị khách với lời chúc: "Năm mới vui chị nhé, anh nhé", tôi thấy hơi Tết len lỏi trong lòng mình. Niềm vui chạy lan từ khóe miệng lên khóe mắt.
Ảnh: Nguyễn Xuân Thảo.
Hoa vạn thọ ngày Tết thường bán được giá hơn, khoảng vài chục ngàn, nhưng giá ấy vẫn rất "bình dân" so với các loại hoa khác dịp cuối năm. Nhờ vậy mà nhà tôi có tiền ăn Tết, nhờ vậy mà giữa muôn trùng đào, mai, hồng, cúc...; hoa vạn thọ vẫn chưa vắng mặt trong ngày Tết của mỗi gia đình.
Mà có thể, vạn thọ, loài hoa được mặc định để cúng kiếng, đã trở thành một nét đặc trưng cho ngày Tết trong tâm thức người Việt. Để rồi, đi dạo chợ hoa Tết, đâu đó người mua hoa vẫn vô thức tìm kiếm một sắc vàng rực rỡ dung dị. Để rồi, đâu đó trong ngày Tết, cắm bình vạn thọ lên bàn thờ, thắp một nén hương đêm ba mươi, thoảng mùi hương hoa còn vương nơi bàn tay mà lòng người lại thấy nôn nao.
Hương vạn thọ nơi quê nhà của tôi đã luôn gắn liền với Tết, đã trở thành một phần ký ức dịu dàng của rất nhiều người.
NGUYỄN XUÂN THẢO
Theo thegioitiepthi.vn
Tết vui mà Có năm, người ta xôn xao bàn luận có nên bỏ tết hay không, vì tết làm nhiều người... mệt. Nào là áp lực để dành tiền tiêu tết, rồi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cúng kiếng; thêm nhậu nhẹt té ngã, tai nạn giao thông... Ôi thôi, bao nhiêu tai hại do tết gây ra, mà tết nào có tội tình...