Đùa giỡn với thủy thần
Do thời tiết miền Bắc đang trong đợt nắng nóng, nên thời gian gần đây, khu vực hồ Định Công, thuộc địa bàn phường Định Công, quận Hoàng Mai, đang trở thành địa điểm tắm, bơi lội lý tưởng của một số trẻ em nhỏ (ảnh).
Tình trạng trên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho các em, bởi hồ Định Công có mực nước rất sâu, trong khi đó các em tắm lại không dùng phao, không có sự quan sát của phụ huynh hay người lớn. Rất mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc tạo nơi vui chơi an toàn cho các em, cũng như quản lý các em trong những ngày hè và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em về hậu quả tai nạn do đuối nước gây ra.
Theo ANTD
Nghề lặn thuê và nỗi ám ảnh truyền kiếp
Trong căn nhà tuềnh toàng ở huyện Kỳ Xuân, Hà Tĩnh, người cha 83 tuổi, bà mẹ cũng ở tuổi bát thập đang chăm sóc cậu con trai tàn phế có khuôn mặt đẹp và hiền hậu.
Chàng thanh niên bị tật nguyền trong một lần đi biển với nghề lặn thuê, và còn biết bao thế hệ khác ở huyện Kỳ Xuân vì miếng cơm sẵn sàng tha phương đối đầu với "thuỷ thần". Dư âm của những cuộc "chinh chiến" dưới mặt biển vẫn còn âm ỷ trong mỗi người khi trở về.
Cả xã lặn thuê
Kỳ Xuân là xã nằm ven biển, cách trung tâm huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 20 km, miền quê này từ lâu chủ yếu sống dựa vào nghề biển và nổi tiếng với nghề lặn biển thuê. Nơi đây, lũ trẻ từ nhỏ đã phải chịu bao thiệt thòi vì gia đình không đủ điều kiện để nuôi ăn học.
Bỏ học, lũ trẻ ở nhà theo cha mẹ ra biển và tập bơi. Lớn lên, trẻ con ở vùng biển Kỳ Xuân đều là những tay bơi giỏi, những thợ lặn cừ khôi. Lợi dụng ưu thế, từ năm 1992 khi nghề lặn biển nổi lên với tiền lương hậu hĩnh của những tay chủ tàu trả từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, nhiều người, chủ yếu là thanh niên trai tráng trong xã lũ lượt vào biển miền trong như: Quảng Ngãi, Bình Thuận, Nha Trang, đảo Phú Quốc để mưu sinh, mong một ngày đổi đời và thoát cảnh nghèo truyền kiếp.
Ngôi làng ven biển xã Kỳ Xuân nơi có hàng ngàn người làm nghề lặn biển
Video đang HOT
Và họ đâu biết, ai dám chắc những đồng tiền đó sẽ đảm bảo mạng sống cho họ! Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tiến Quý (52 tuổi), thôn Bắc Thắng, người có thâm niên sống dưới mặt nước gần 20 năm.
Trong câu chuyện đứt quãng, ông Quý cho biết: "Không phải ai muốn đến với nghề lặn biển cũng được, phải có sức khỏe và chịu được cực khổ trong mọi hoàn cảnh, sự rủi ro của nghề luôn ập đến bất cứ với ai. Nghề lặn biển cực lắm nhưng vì đồng tiền chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thôi. Thử hỏi, trong gia đình 6 miệng ăn như gia đình tôi đều dựa vào mấy con tôm, con tép khai thác được thì lấy đâu ra mà cho con cái ăn học?".
Câu chuyện cứ thế trải dài theo lời kể của ông: "Chúng tôi là dân lặn thuê, không phải dân chuyên nghiệp, trang bị đồ dùng thô sơ, có người chủ ghe còn cho bình oxy khi xuống nước nhưng như tôi mấy khi được may mắn đó?. Khi làm việc, mỗi người được chủ ghe phát một chiếc cào sắt, mang một cái vợt để đựng sò, thực vật biển và cấp cho một ống dài đem nối vào mũi cung cấp ôxy. Để lặn được sâu và không bị nổi lên, chủ tàu phát thêm mỗi thợ một túi chì nặng trên 10kg buộc vào người. Cứ thế họ làm việc hàng giờ với thủy thần".
Ông Nguyễn Tiến Quý ngày trở về để lại di chứng của bệnh tật
Đã đi làm thuê cho người khác thì hầu hết các thợ lặn ở Kỳ Xuân đều không quản khó khăn. Cuộc sống của những tay thợ lặn thuê là 12/24 giờ sống dưới mặt nước ở dưới độ sâu 18 - 30 sải tay (thói quen của những người đi lặn thường đo độ sâu bằng sải tay, 1 sải tay dài khoảng hơn 1,5m).
Lịch làm việc bắt đầu từ 7 giờ, kết thúc khi đến giờ ăn. Bữa cơm trưa cũng vội vàng, nghỉ ngơi khoảng 5 - 7 phút lại tiếp tục ngâm mình xuống biển miệt mài nhặt sò. Số tiền họ nhận được là 50% tiền bán được từ sò, thực vật biển mà họ nhặt được bao nhiêu.
Điều đáng sợ nhất của nghề lặn biển là không may bị ép nước (còn gọi là chứng bọt mạch máu) nhiều người chết oan chỉ vì nó, nếu kịp thời giảm ép được thì cũng bị tàn phế về sau. "Người bị chết thì có nhiều nguyên nhân có thể vì nước đẩy, gặp dòng nước độc hay áp suất thay đổi đột ngột nên tắc mạch máu cũng vì xoắn vòi, tuột vòi hay là tắt máy nổ nên thiếu ôxy... Khi gặp nạn dưới mặt nước do không kịp tháo chì nên số phận của họ nằm lại với biển khơi", ông Minh kể lại câu chuyện buồn.
Ngày về chít khăn tang
Xã Kỳ Xuân có 1.700 hộ dân, có gần 1.000 người đi làm nghề lặn biển thuê. Từ năm 1992 - 2010 có gần 100 người bị chết, 12 người sống thực vật, 55 người đang mắc chứng bệnh khác...
Có những cuộc trở về trong niềm vui chờ đón, nhưng cũng có những cuộc trở về đầy nước mắt đau thương. Đâu đó vẫn còn những nỗi đau không thể nguôi ngoai bởi nghề lặn biển thuê. Chỉ tính, trong 15 năm có 55 người đã bỏ mạng lại cho "thủy thần", để lại "mẹ hóa con côi". Đó là chưa kể đến những người mang trong mình sự tàn phế suốt đời ngày trở về.
Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Nhị (41 tuổi), thôn Bắc Thắng vừa tròn 100 ngày sau khi anh bị sóng thủy thần cướp đi sinh mạng. Khói hương trên bàn thờ vẫn còn nghi ngút, người vợ Dương Thị Châu vẫn chưa nguôi ngoai cơn đau đớn khi mất chồng, con mất cha.
Chị nấc lên từng tiếng khi kể về anh: "Trước khi anh mất còn gọi điện nói, hết tháng này sẽ "giải nghệ" luôn, không ngờ...Cũng vì nợ nần ngân hàng chồng chất, 4 đứa con ăn học mà anh phải đi lặn biển thuê. Anh chết, gia đình cũng chỉ biết rằng anh bị ép nước quá lâu dưới biển!...".
Nguyễn Thị Lan Hương, 12 tuổi đứa con thứ 2 của gia đình nạn nhân của lặn biển thuê anh Nguyễn Văn Nhị trước bàn thờ bố
Trong căn nhà lụp xụp ấy, tài sản lớn nhất là chiếc Tivi 14 inch, có một người vợ trẻ và 4 đứa con thơ với nước mắt lã chã, mũi còn quẹt chưa sạch khiến chúng tôi không khỏi xúc động, xót thương.
Nhiều người ở xã Kỳ Xuân đón chồng trở về trên chiếc xe tang, cũng có người không nhìn được mặt chồng lần cuối.
Nỗi đau của người vợ mất chồng trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã vẫn hằn sâu trong khuôn mặt chị Lê Thị Hạnh (39 tuổi), thôn Xuân Tiến. Chồng chị anh Lê Văn Hảo (44 tuổi) phải bỏ mạng vĩnh viễn dưới biển khơi không tìm thấy xác khi chưa tròn 35 tuổi. Anh ra đi, nỗi đau còn đó hơn 8 năm nay, chị vẫn ở vậy bươn chai đủ nghề nuôi 3 người con.
Trong ngôi nhà 3 gian lụp xụp, chị Hạnh nhìn lên bàn thờ chồng buồn rầu nói: "Tất cả chỉ vì cái nghèo vì cơm áo gạo tiền!". Tất cả 4 miệng ăn trong gia đình sẽ dựa vào những bó chè xanh đang ình ịch chất đầy trên chiếc xe đạp đã tàn tã mà chị Hạnh sẽ bán hôm nay.
Những gia đình không may mắn như chị Châu, chị Hạnh... ở xã Kỳ Xuân không hiếm và vẫn còn đó như một lời cảnh báo cho những gia đình khác khi tìm đến cái nghề đầy nguy hiểm này.
Thân tàn ma dại
Về Kỳ Xuân, dọc đường làng chúng tôi gặp rất nhiều người đi cà nhắc, người di chuyển bằng xe lăn, đó là những nạn nhân của nghề lặn biển. Câu chuyện về những người chồng, người bố, người anh bỏ mạng vì cuộc sống mưu sinh hay những người thoát chết trở về thì bị tàn phế cả đời vẫn còn đau nhói trong mỗi người dân nơi đây.
Dù đã "rửa tay gác kiếm" với nghề lặn biển thuê hơn 10 năm nhưng những kỷ niệm với nghề vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Nguyễn Thế Minh (55 tuổi), thôn Đại Thắng, xã Kỳ Xuân.
Ông đến với nghề từ năm 1995, thấy dân trong xã kiếm được nhiều tiền gửi về cho vợ con nên ông cũng quyết ra đi kiếm sống. Ai ngờ có làm mới biết gian nan, kiếm được đồng tiền thiên hạ đâu dễ. Có lần ông bị chuột rút loay hoay mãi dưới mặt nước hơn 25 phút may mắn anh em kịp thời kéo lên mới thoát chết. Giờ trông ông khỏe mạnh nhưng mỗi khi trở trời là đau nhức toàn thân, chân tê buốt.
Người bố già 83 tuổi chăm sóc cậu con trai Phạm Công Hồng bị bại liệt nằm một chỗ
Anh Phạm Công Hồng (35 tuổi), thôn Bắc Thắng là nạn nhân của "nước ép". Trong căn nhà tuềnh toàng, người cha già 83 tuổi đang chăm sóc đứa con trai tàn phế nằm một chỗ, người mẹ già 82 tuổi đang hỳ húi trong bếp thổi cơm trưa. Còn anh nằm đó, một chàng thanh niên với khuôn mặt trẻ, đẹp, đôn hậu, miệng cười tươi rói khi thấy chúng tôi đến hỏi thăm.
Câu chuyện buồn năm xưa được anh lật ngược quá khứ: "Năm 1998 khi chúng tôi lặn trộm để mò san hô thì bất ngờ Kiểm ngư phát hiện, do chủ tàu hoảng sợ kéo chúng tôi lên quá đột ngột nên tôi bị ép nước. Lên khỏi mặt nước tôi choáng váng, đau bụng, không thể nhấc nổi chiếc chân, rồi được đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn...hậu quả là tôi nằm "bẹp" từ ngày đó đến nay".
Câu chuyện về anh Hồng chàng thanh niên lặn biển thuê 35 tuổi, tàn tật, không vợ chỉ có 2 người bố mẹ già chăm sóc anh hơn 11 năm trời như một nốt lặng đau buồn cho bao lớp thanh niên trong huyện.
Người cha già ngồi bên Hồng nghẹn ngào nói: "Số phận đã an bài thế cô ơi! Thôi thì trời cho sao nhận vậy, thế cũng là may lắm rồi. Nhưng hai thân già đã ở cái tuổi gần đất xa trời, điều day dứt nhất trong lòng tui là không biết nay mai 2 ông bà chết đi, Hồng sẽ sống ra sao...". Giọt nước mắt lăn trên đôi má sâu hóm của ông Giàng sao mà khiến người khác xót xa đến thế!...
Những câu chuyện về thân phận người làm nghề lặn biển thuê sẽ phải viết tiếp những trang bất hạnh, tang tóc đau thương nếu không có cách nào khác để định hướng nghề nghiệp và những người dân nơi đây vẫn thờ ơ với mạng sống của mình.
"Hầu hết những người đi lặn thuê nơi đây là nông dân vì miếng cơm manh áo. Họ hành nghề chui không đóng tiền bảo hiểm chỉ thỏa thuận miệng với chủ ghe nên khi rủi ro không ai đứng ra chịu. Chính quyền xã đã khuyến cáo nhiều về sự nguy hiểm của nghề lặn, những năm trước chưa có một công việc nào khác để người dân kiếm sống, nên dân vẫn không có cách nào khác là đi lặn biển thuê", Ông Nguyễn Đình Ninh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, nói.
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam